Chuyên gia trái cây nghịch mùa (Xử lý ra hoa)

mai vu duy

Thành viên
Nguồn http://caab.ctu.edu.vn/csd/index.php/tin-tuc/44-chuyen-gia-trai-cay-ngh-ch-mua

Nghịch lý “trúng mùa, rớt giá” cùng những đau đáu về cuộc sống khó khăn của người nông dân đã “đặt hàng” cho ông nghiên cứu trái cây nghịch mùa. Thành công với xoài cát Hòa Lộc, ông dần mở rộng ra các loại trái cây khác có phẩm chất ngon, giá trị kinh tế cao, mở ra cho nông dân những cơ hội sản xuất mới. Ở một khía cạnh khác, gần 30 năm đứng trên giảng đường Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, ông đã góp phần đào tạo hàng trăm thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Cây trồng. Ông là Phó Giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Văn Hâu, người mà đồng nghiệp, học trò và nông dân thường gọi một cách thân mật là “chuyên gia” trái cây nghịch mùa.


* Mở hướng sản xuất mới cho nông dân

Vườn xoài Cát Hòa Lộc của ông Đoàn Thanh Hiền, ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, là địa chỉ nổi tiếng của các thương lái tìm đến mua hàng, nông dân học hỏi kinh nghiệm và sinh viên nghiên cứu khoa học. Mùa thuận, mùa nghịch, vườn của ông luôn cho năng suất cao, chất lượng trái tốt. Trong những câu chuyện cây trái của ông Hiền lúc nào cũng xuất hiện cái tên “thầy Hâu”. Ông khoe: “Từ khi được thầy Hâu giúp đỡ kỹ thuật xử lý cho xoài ra hoa trái vụ, vườn xoài của tôi có thể ra trái quanh năm. Vụ nghịch vào tháng 7 (âm lịch) năm 2009, tôi thu hoạch trên 540 cây được 7 tấn xoài. Xoài mùa nghịch rất được giá, từ 22.000 đến 30.000 đồng/kg”. Vườn xoài nhà ông Hiền cũng là mô hình trình diễn trong đề tài nghiên cứu xử lý xoài Cát Hòa Lộc ra hoa trái vụ và sản xuất theo hướng an toàn (theo tiêu chuẩn GAP), do PGS-TS Trần Văn Hâu làm chủ nhiệm.

Hơn 10 năm trước, thị trường trái cây trong nước không đáp ứng được nhu cầu quanh năm của người tiêu dùng do các loại trái cây chỉ thu hoạch rộ trong một vụ. Đây là lý do khiến trái cây Việt Nam khó cạnh tranh về giá cả với trái cây nhập ngoại và cũng là nguyên nhân khiến các nhà vườn lao đao với tình trạng “trúng mùa- rớt giá”, thu nhập luôn bấp bênh. Trăn trở với nỗi lòng nhà nông cộng với nhiệt tâm nghiên cứu khoa học, kỹ sư Trần Văn Hâu xắn tay vào giải bài toán khó về trái cây mùa nghịch khi sang Thái Lan học cao học.

Khi bắt tay vào nghiên cứu, loại trái cây đầu tiên mà thầy Hâu nghĩ đến là xoài cát Hòa Lộc, bởi đây là loại trái cây có phẩm chất ngon, giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Yếu tố quan trọng quyết định sự ra hoa của xoài là nhiệt độ thấp. Với khí hậu của ĐBSCL, hàng năm, xoài ra hoa từ tháng 12 đến tháng 1 và thu hoạch tập trung vào tháng 4 đến tháng 5. Do thu hoạch rộ vào cùng thời điểm như vậy nên giá xoài chính vụ nhiều lúc xuống rất thấp trong khi các dịp lễ, tết, thị trường có nhu cầu, giá cao thì các nhà vườn lại không đủ sản phẩm cung cấp. Nhiều người đã áp dụng biện pháp sử dụng nitrate kali để kích thích xoài ra hoa nghịch mùa nhưng kết quả không ổn định.






Bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu về trái cây nghịch mùa, thầy Hâu tìm hiểu nhiều tài liệu và biết được hóa chất Paclobutrazol (PBZ) là chất ức chế sinh trưởng, có tác dụng thúc đẩy sự ra hoa của xoài cùng một số loại cây ăn trái khác. Năm 1996, trở về Việt Nam làm các thí nghiệm thực tế, thầy Hâu tìm đến vườn xoài của ông Đoàn Thanh Hiền và nhận thấy nơi đây phù hợp với những yêu cầu để tiến hành thử nghiệm. Thầy Hâu đề nghị ông Hiền hợp tác. Như được “gãi đúng chỗ ngứa”, ông Hiền gật đầu cái rụp. Thế là nhà khoa học và nhà nông bắt tay nhau thực hiện tỉ mỉ các thí nghiệm từ phun hóa chất kích thích xoài ra hoa trái vụ, chăm sóc, kỹ thuật làm hạn chế rụng trái non, đến tổng hợp và xử lý các số liệu... Vụ đầu tiên xử lý ra hoa nghịch mùa, do ảnh hưởng thời tiết và chưa có kinh nghiệm, hoa xoài rụng rất nhiều, chỉ còn một ít đậu trái. Nhưng bù lại sản phẩm ra chợ bán đắt như tôm tươi và rất được giá. Rút kinh nghiệm, các đợt nghiên cứu xử lý ra hoa tiếp theo, xoài đậu trái nhiều, tỷ lệ thành công rất cao. Từ đó, kỹ thuật để xoài cho trái nghịch mùa được phổ biến rộng rãi và được nhiều nông dân ứng dụng.

Năm 1997, tại Thái Lan, thầy Hâu bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về xử lý ra hoa trái vụ trên xoài cát Hòa Lộc. Sau đó, thầy và các cộng sự tiếp tục hoàn chỉnh phương pháp, kỹ thuật điều chỉnh sự ra hoa trên cây xoài ở ĐBSCL qua các đợt nghiên cứu, thí nghiệm trực tiếp trên cây xoài ở nhiều độ tuổi khác nhau tại vườn xoài của các nhà vườn ở tỉnh Hậu Giang, tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và trại thực nghiệm cây trồng của Trường ĐHCT. Những kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi, giúp nhà vườn chủ động điều khiển ra hoa xoài vào thời điểm thích hợp, có hiệu quả kinh tế cao. Và cũng chính những kết quả thiết thực đó đã giúp thầy Hâu hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ vào năm 2005.

Không dừng lại ở cây xoài, thầy Hâu và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu xử lý ra hoa trái vụ cho các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao và có nhu cầu lớn, như: sầu riêng, bưởi Năm Roi, bòn bon, chôm chôm, nhãn Da Bò, mận Hồng Đào đá, chanh... Việc khảo sát và thuyết phục các nhà vườn hợp tác nghiên cứu diễn ra thuận lợi vì mục tiêu của nghiên cứu đánh đúng vào nhu cầu và tâm lý làm trái cây nghịch mùa của nông dân nên ai cũng ủng hộ. Ông Nguyễn Thành Nhung, nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, kể: “Lúc đầu, tôi tự mày mò tìm cách để sầu riêng cho trái nghịch vụ, nhưng kết quả thấp, chỉ đạt 60%. Năm 1999, khi hợp tác nghiên cứu với thầy Hâu, kết quả vượt lên đến 95%. Nhờ trồng sầu riêng trái vụ mà tôi bán được giá gấp đôi so với mùa thuận”.

Bà Liêu Thị Ngọc Sương, cán bộ Phòng Quản lý Khoa học, Sở KHCN tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh Đồng Tháp đang hợp tác với tiến sĩ Trần Văn Hâu thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về trái cây nghịch mùa như: xoài Cát Hòa Lộc, nhãn xuồng, nhãn Edor của Thái Lan. Tuy chưa nghiệm thu nhưng kết quả ban đầu rất khả quan. Đặc biệt, tiến sĩ Hâu còn tham gia nghiên cứu một mảng trong đề tài về hoa kiểng của tỉnh. Đó là xử lý cho hoa mai, cúc, vạn thọ ra hoa tập trung trong dịp Tết. Giải pháp tiến sĩ Hâu đưa ra khá đơn giản, dễ áp dụng và có khả năng đạt kết quả cao. Chúng tôi đang trông chờ kết quả của nghiên cứu này trong vụ hoa Tết năm 2010”.

Ngoài trái cây nghịch mùa, thời gian gần đây, tiến sĩ Trần Văn Hâu mở rộng nghiên cứu theo hướng cải thiện chất lượng cây ăn trái. Thầy đã và đang hợp tác với một số tỉnh, thành nghiên cứu khắc phục hiện tượng sầu riêng sượng cơm, bưởi Năm Roi có hạt, quít Hồng khô đầu múi... Tại TP Cần Thơ, thầy Hâu đang thực hiện đề tài “Điều tra, bình tuyển cây đầu dòng, xác định gốc ghép và một số kỹ thuật làm tăng năng suất, phẩm chất, kéo dài thời gian bảo quản dâu Hạ Châu”. Nói về những nghiên cứu của mình, thầy Hâu tâm sự: “Thời gian xử lý hóa chất lên cây, đợi ra hoa là thời gian tôi hồi hộp, căng thẳng nhất. Nông dân đặt niềm tin và cả tài sản của họ vào tay mình nên phải luôn cố gắng hết sức để không phụ lòng tin của họ”.

* Tấm lòng người thầy

Quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, say mê cây trái nên học xong đại học ngành Trồng trọt khóa 3, của Trường ĐHCT, được giữ lại trường công tác, thầy Hâu luôn dành thời gian nghiên cứu khoa học. Thầy nói: “Làm công tác đào tạo phải đi đôi với nghiên cứu khoa học thì bài giảng mới hay và sinh động. Càng đi sâu nghiên cứu, tôi càng thích thú với những điều mới lạ và mong muốn những công trình của mình giúp ích cho nông dân”. Năm nay, tiến sĩ Trần Văn Hâu đã ngoài 50 tuổi. Tiếp xúc với thầy, ấn tượng đầu tiên là sự bình dị, cởi mở nhưng luôn cẩn thận của “nhà khoa học của nông dân”. Khi đã hẹn làm việc với ai, thầy đều sắp xếp thời gian và công việc hợp lý để không lỡ hẹn; khi đã hứa giúp ai điều gì, thầy đều thực hiện lời hứa nghiêm túc- đó là nguyên tắc sống và làm việc của thầy.

Gần 30 năm công tác, đã có biết bao thế hệ sinh viên được thầy truyền đạt kiến thức, hướng dẫn thực hiện các đề tài luận văn tốt nghiệp, các công trình nghiên cứu khoa học. Bốn năm trở lại đây, PGS-TS Trần Văn Hâu còn tham gia đào tạo các học viên cao học ngành nông nghiệp. Hiện nay, thầy Hâu đang hướng dẫn hơn 40 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp. Thầy còn cộng tác với một số cán bộ trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu. Dù cộng sự là đồng nghiệp hay sinh viên, thầy Hâu đều hướng dẫn tận tình và đòi hỏi cách làm việc nghiêm túc, hiệu quả cao. Anh Lê Minh Quốc, nghiên cứu viên và là cộng sự của thầy Hâu, tâm tình: “Tôi từng được thầy Hâu hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Ra trường, tôi lại được thầy tạo điều kiện làm việc chung trong các đề tài nghiên cứu. Trong công việc, thầy rất nghiêm khắc nhưng trong đời thường, thầy gần gũi và giản dị. Tôi và các anh em cộng sự với thầy được thầy cho mượn một căn nhà để ở. Thầy nói, thầy không lấy tiền thuê nhà để chúng tôi tiết kiệm chi phí, có điều kiện học lên cao học”. Những cộng sự khác với thầy Hâu cũng cho biết: “Thầy Hâu thường nói với chúng tôi rằng: Thầy không thể giúp các em được nhiều tiền mà chỉ giúp cho các em kiến thức. Các em cố gắng học tập, nghiên cứu cho thật tốt, khi có điều kiện thì học cao lên nữa”.

Vừa phụ trách nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao các kỹ thuật cho nông dân, vừa giảng dạy tại trường, hướng dẫn sinh viên làm luận văn... rồi lại làm Chủ tịch Công đoàn Khoa, thầy Hâu như con thoi giữa bộn bề công việc. Thế nhưng, với phong cách làm việc khoa học, thầy Hâu sắp xếp mọi việc hợp lý để không ảnh hưởng đến nhau. Và dù bận rộn mấy, thầy vẫn dành thời gian cho gia đình. Có một người vợ biết cảm thông và chia sẻ, mái ấm của gia đình thầy vững bền suốt bao năm qua. Con trai lớn của thầy nối nghiệp cha theo ngành nông nghiệp và đang học cao học ở Nhật; cô con gái út đang học ngành kinh tế của Trường Đại học RMIT (Úc) ở TP Hồ Chí Minh. Âu đó cũng là phần thưởng xứng đáng dành cho người hết lòng cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo như PGS-TS Trần Văn Hâu.
 

hocchoimai

Thành viên
Nói thì nói vậy nhưng khi hoa xoài nở bông mà gặp mưa khoảng 3 đêm liên tục thì thầy cũng bó giò thôi anh Lô và Duy ơi. Từ năm 2000 ( lúc cầu Mỹ Thuận khánh thành) mình đã mua xoài lá ở vùng xã Mỹ Xương và cồn Bình Thạnh rồi.Chỉ thắng có 2 năm đầu thôi. Làm cho cây xoài ra hoa không khó nhưng tỉ lệ đậu trái củ xoài Hòa Lộc thua xoài Cát Chu xa lắm. .
 
Top