Vườn của caycanhphuongviet

caycanhphuongviet

Thành viên
Bối cảnh trình diễn Bonsai
18th February, 2017


Nguồn: diễn đàn Cây Cảnh Việt Nam
Chủ đề: Cây cỏ “phụ kiện” Bonsai
Chủ biên: hqvuhototbung
Cùng với ý kiến trích dẫn từ: Juniperus

Trước khi chúng ta bàn sâu một chút về các cách trưng bày, mình rất mong các bạn đọc bài đăng của bạn Juniperus:
Bài viết lấy một số tư liệu của Andy Rutledge
Đăng trên: Art of Bonsai
Bối cảnh trình diễn Bonsai
Hãy xem xét các yếu tố tự nhiên mà chúng ta đang xây dựng bối cảnh có đại diện là cây bonsai của chúng ta. Giờ chúng ta thử tưởng tượng với một bối cảnh có đồng cỏ dưới chân, những khóm hoa trên đồng cỏ, một cây Phong và phía xa là một ngọn núi.
Những dữ liệu quan trọng sẽ nêu trong hình dưới đây:


Với những dữ liệu này, chúng ta tưởng tượng những yếu tố trong tự nhiên sẽ xuất hiện trong bối cảnh và xem xét vị trí chúng ta đang đứng ở đâu khi thưởng lãm trong bối cảnh tự nhiên ấy. Và việc sắp xếp cần phải mô tả những gì thường diễn ra trong thực tế, thay vì ảo tưởng ở những cái không có thực.
Đầu tiên ngắm một cái cây ngoài tự nhiên, gần nhất đó là những ngọn cỏ ngay dưới chân chúng ta đứng, rồi tiếp theo là những bụi hoa nó ngay dưới chân và trước mắt chúng ta (khách thể); sau nữa mới đến cái cây (chủ thể). Và thực tế chả thể ngắm toàn bộ cái cây nếu đứng ngay dưới gốc và ngước mắt lên ngắm nó, chúng ta phải đứng xa vài mét phải không nào? (Chú Hưng nói quãng 10 mét, các bạn nào chưa rõ thì hỏi chú Hưng.)
Đứng xa vài mét để quan sát được toàn bộ hình ảnh cây, và cuối cùng là những rặng núi hoặc đường chân trời phía xa xa. Để cả nhà tiện theo dõi sắp xếp tư duy các đối tượng theo khoảng cách, mời xem hình tóm tắt dưới đây:


Bây giờ chúng ta sẽ đến bước quan trọng, cân nhắc các bối cảnh tự nhiên có thể diễn ra trong thực tế từ đó chúng ta sẽ chọn lấy 1 cách sắp xếp bố cục sao cho phù hợp với luật cận/viễn, bố cục chặt chẽ và nêu bật được chủ đề cần thể hiện.
Cây bonsai bị loại khỏi điểm nhấn trình diễn

Núi là chính, bụi hoa là khách, còn cây bonsai đặt xa phía sau nó không còn là trung tâm của sự chú ý nữa. Đây rõ là cách trình bày một non bộ chứ không phải trình diễn Bonsai.
Bonsai và Núi ở gần, còn hoa cỏ phía xa


Không ổn tẹo nào, những bụi cỏ bông hoa thường ở gần ngay dưới chân trước mắt thì nhìn xa tắp, xa hơn cả ngọn núi.
Sắp xếp đạt được hoa cỏ gần, cây xa hơn, núi xa nhất


Đây là cách sắp xếp theo nghĩa đen, rất đúng công thức; nhưng kém tính nghệ thuật vì không chuyển tải được hình ảnh các đối tượng theo khoảng cách thích hợp dẫn tới hiệu ứng rất dở và cảm giác không gian hiển thị chật hẹp chứ không có tính rộng lớn của thiên nhiên.
Đó là những điều nhìn thấy trong thiên nhiên. Với những tưởng tượng sắp xếp bối cảnh từ thực tế như vậy, bây giờ vào không gian thu nhỏ trong Triển lãm mà các bạn đang chuẩn bị và muốn trở thành quán quân thì áp dụng nó sẽ như nào?
Để dựng bối cảnh bạn phải có 1 chủ đề ý tưởng rõ ràng, nếu bạn không có mà vác một cây của ai đó, cây bài hàng công nghiệp chẳng hạn rồi đi tỷ thí; tôi đặt cược bạn sẽ đem cây đến cho đông vui chứ chả có giải mà mang về đâu.
Ok coi như ai cũng có chủ đề rồi. Vậy trong tay thường có gì?
Một cây bonsai được làm kỹ và độc đáo.
Cây cỏ phụ kiện mà chú Hưng đã nêu (có thể thay bằng Bonsai kích thước nhỏ hơn là những cây mini Siêu, Hoành, Huyền có ngọn hướng về chủ thể bonsai chính).
Một Bức họa nền tạo không gian (cái này chú Hưng chưa nêu, chắc nó là phần Phụ kiện???).
Vậy với thực tế như đã nêu ở trên với các nguyên liệu trong tay bạn sắp xếp như nào?



Kết luận: chọn phương án ngoài cùng bên trái.
Sau khi quan sát, thì bối cảnh dưới đây sẽ thể hiện khá tự nhiên tuy rằng xây dựng bằng nhân tạo và nó gợi nhiều sự liên tưởng cho người thưởng lãm. Cả nhà cùng quan sát kỹ sẽ thấy một hình tam giác lệch khi sắp xếp Bụi hoa, Bonsai và Bức họa; Trong nhiều triển lãm vẫn có sắp xếp Bonsai và Bụi hoa (hoặc Bonsai khách) trên 1 đường thẳng với 2 điểm là đáy tam giác cân cùng với mắt người xem, làm giảm hiệu ứng mở rộng không gian.

Nghệ thuật trình diễn là những gì làm cho Bonsai thêm hấp dẫn người xem, tất cả bắt đầu từ cái cảm giác rằng họ đang được đặt trong một cảnh tự nhiên phổ biến và cái họ nhìn là trong cảnh ấy chứ không phải trong phòng trưng bày.

Chính phần kết luận ở trên là mục đích của việc cần nghiên cứu, học hỏi hầu sáng tạo một kiểu “trình diễn tác phẩm bonsai” của chúng ta sao cho “người xem đang được đặt trong một cảnh tự nhiên phổ biến”, chứ không phải trong phòng.
Cách trình bày về căn bản thiết kế do bạn Juniperus nêu trên hết sức dễ hiểu và là nền tảng cho những biến tấu sau này. Kế tiếp dưới đây, mình mời các bạn cùng mình hơi dông dài một chút theo từng điểm rồi sau đó cuối cùng sẽ là một số cách xếp đặt.
 
Last edited:

caycanhphuongviet

Thành viên
Ý nghĩa thực của việc trình bày Bonsai với phụ kiện
18th February, 2017


Nguồn: diễn đàn Cây Cảnh Việt Nam
Chủ đề: Cây cỏ “phụ kiện” Bonsai
Chủ biên: hqvuhototbung

Mình mời các bạn chịu khó vào từng điểm với lý do: cho dù các bạn không thích, không cần, hay cả như không đủ điều kiện để tạo ra một khu vực trình diễn cho tác phẩm bonsai của bạn đi chăng nữa, thì:
Chí ít, các bạn cũng hiểu thêm được ý nghĩa của một Bonsai trong một khung cảnh triển lãm với các phụ kiện đính kèm.
Mà muốn như hiểu được chuyện đó, chắc chắn là chúng ta cần biết sơ một số quy tắc do người Nhật tìm thấy về cách nhìn của người xem dưới tác dụng của ánh sáng và đường nét vào tác phẩm phô diễn. Chính vì thế, người Nhật mới dựng nên trường Kiến Đồ. Tức là trường dạy người ta sắp xếp đồ vật như thế nào khi trình diễn để giúp người xem dễ cảm nhận ý tác giả và đồng thời tăng tính mỹ thuật của vật đem phô.
Thực sự vấn đề trình bày Bonsai chúng ta đề cập ở đây vốn đã được nhiều tác giả sách Bonsai người Nhật (như cụ John Naka) đề cập ít ra cũng vài chục trang về phương cách (chưa nêu chuyện ý nghĩa). Còn những sách chuyên về chuyện này cũng chả thiếu.

Tuy nhiên, tại đây, chúng ta lược bỏ hầu hết những quy tắc lễ nghi cổ truyền của người Nhật và chỉ chú trọng vào chuyện mỹ thuật. Thiết tưởng như thế cũng tạm đủ.

Các bạn cho mình mạn phép rào đón chút xíu để tránh vài hiểu lầm có thể xảy ra.
Những điều mình đưa ra về “ý nghĩa thực của việc trình bày Bonsai với phụ kiện” vốn chỉ là phát xuất từ những nhận xét riêng qua một số quan sát và tiếp xúc với vài vị chơi Bonsai người Nhật tại Nam California. Những ý kiến này hoàn toàn có tính cách truy nguyên nguồn gốc của sự việc, chứ không hề có ý ca ngợi hay cổ võ việc áp dụng. Mong các bạn chấp nhận giùm.
Vì không thực sự sống tại Nhật nên có thể có những nhận xét hời hợt, mong những bạn rành sự việc vui lòng sửa chữa hay bổ túc giúp. Rất cảm ơn.
Mình sẽ dùng một số hình ảnh trong quyển “Bonsai Kusamono Suiseki” tác giả Wlli Benz, Germany-2002 và Bonsai Techniques II, tác giả John Naka-1994, cùng vài cuốn sách nhỏ để trích dẫn hình ảnh cho một số nguyên tắc trình diễn tác phẩm bonsai.
Mình chỉ gõ ra những gì đang có trong đầu rồi chuyển đến các bạn. Những gì từng đọc, từng nghĩ, từng nghiệm thì giờ đây cứ thế nó tuôn thôi.
Tuy là trước mặt cũng có vài quyển sách, nhưng trong lúc này, cái chính là để có vài hình ảnh cần để dễ liên tưởng ý và cũng để soát lại chính tả mấy cái chữ Nhật vốn không mấy quen thuộc. Mình thực sự không hề có ý muốn dịch bất kỳ một đoạn văn nào trong những quyển sách này.
Lý do vì sách do người Đức viết (tác giả Willi Benz) hay người Nhật viết thì cũng chỉ là dùng ngôn từ và lý luận Tây phương để cố diễn tả một trạng thái tâm hồn người Nhật khi thưởng lãm thiên nhiên. Thế nên, càng cố diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ đó thì sự việc càng rối bời.
Chính yếu thì phải dùng ý niệm: Vô tự kinh hay “Niêm hoa vi tiếu” để ngộ mà thôi.
Cho nên mỗi người ngồi ngắm rồi tự cảm nhận sự hòa hợp với khung cảnh của cỏ cây trăng núi, để rồi ngộ ra cuộc sống với thiên nhiên và sẽ biết tận hưởng cùng ngưỡng ngộ vẻ đẹp từ thiên nhiên.
Qua những bài viết này, mình chỉ muốn giới thiệu tới các bạn những “sự thực” về mục đích của việc trình bày Bonsai của người Nhật và chỉ của người Nhật, chứ không có ở bất cứ dân tộc nào khác cho dù họ (dân tộc khác) đang cố tìm hiểu để dàn dựng khung cảnh thưởng lãm tương tự người Nhật!
Mục này sẽ gồm những điểm sau:
Wabi – Sabi
Vũ trụ trong một hạt cát
Khoảng trống trong trình bày Bonsai
Ý niệm tinh giản
Sau khi chúng ta xét khá đủ 4 ý niệm căn bản thưởng ngoạn Bonsai của người Nhật, và đến nay việc thưởng thức kiểu trưng trong hộc Tokonoma đã khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Đặc biệt là ở Âu châu.
Theo nhận xét cá nhân mình, đa số các cuộc triển lãm Âu châu, họ có dàn dựng khu trưng bày với Tokonoma rất giống kiểu Nhật. Thế nhưng đôi khi một vài chi tiết không phù hợp gây mất “tính cách Nhật”!
Nói chung, là bởi giới Bonsai Âu châu họ chưa thể thấm cái không, cái Thiền của Á châu.
Cũng qua cách thức người Nhật đặt cây để “hòa tư duy vào khung cảnh cây cối với thiên nhiên trong Tokonoma”, mình hy vọng các bạn hiểu ra được:
– Tại sao giới chơi Bonsai “có tuổi ” ở Nhật họ đã không chấp nhận tài năng của ông Kimura suốt một thời gian dài!
(Trong khi Âu Mỹ thì tán tụng ngất trời!).
 
Last edited:

caycanhphuongviet

Thành viên
1/
Wabi – Sabi
18th February, 2017


Nguồn: diễn đàn Cây Cảnh Việt Nam
Chủ đề: Cây cỏ “phụ kiện” Bonsai
Chủ biên: hqvuhototbung
Cùng với các ý kiến trích dẫn từ: GioNui, thienhai, duong lieu, Juniperus

Có lẽ nước Nhật có nhiều may mắn do vị trí trơ trọi ngoài biển nên gần như không bị nước ngoài xâm lấn trong suốt một thời gian dài. Tuy cũng có lúc nhà Thanh của Tàu có ý định thôn tính Nhật bản, nhưng rồi bão tố đã cứu nước Nhật. Mãi đến 1945, nước Nhật mới nếm chút mùi thất bại vì bom nguyên tử sau khi đã thôn tính hết vùng Đông Nam Á.
Kể ra điều đó để nhắc các bạn rằng: nước Nhật họ có những lề thói đặc biệt, thế nhưng cũng là học từ lý thuyết của Tàu về âm dương, về Thiền định, về Bonsai… và cộng với tính tôn sư trọng đạo rất cao như hầu hết mọi dân tộc Đông Nam Á nên người Nhật có khá nhiều nguyên tắc sống ràng buộc. Dù sao có lẽ đó cũng là điều mà Thiên Hoàng và các quan viên ở Nhật muốn người dân nặng phần lễ nghĩa để việc cai trị được yên ổn.
Bởi nặng tính vâng lời bề trên, tinh thần sáng tạo của người Nhật rất kém. Thế nhưng bù lại, họ may mắn có vì Vua thấy xa trông rộng, nên ngay từ những ngày cuối thế kỷ 19, những người Nhật được gửi đi học kỹ thuật chế tạo tại Đức, Mỹ ngày một nhiều. Ấy là chưa kể việc bỏ tiền mướn chuyên viên nước ngoài tới Nhật.
Điều mình muốn nói: bù lại việc thiếu sáng kiến vì tinh thần sáng tạo bị tính vâng lời che phủ, người Nhật lại có tinh thần: chịu học hỏi và tinh chế những điều đã học làm của riêng.
Cho nên, học kỹ thuật từ Đức, người Nhật đã có thể chế tạo máy bay tàu ngầm ngay từ những năm đầu thế kỷ 20. Còn về các mặt: tôn giáo, nghệ thuật người Nhật học từ người Tàu thì cuối cùng gần như chả còn vết tích gì là ngưồn gốc của Tàu nữa. Tỉ như Bonsai chẳng hạn.
Đó là chuyện chăm chỉ, cầu toàn, kỹ tính của người Nhật có lẽ đa phần do lễ giáo cổ truyền hỗ trợ mà lâu ngày thành nề nếp, thói quen. Ngay như thời đại “vội vã” này chẳng hạn, đố bạn ra đường phố Nhật bản mà thấy một người Nhật nào cầm bánh trái vừa đi vừa ăn ngoài đường. Với họ: ăn uống là chuyện quan trọng, ngồi xuống đàng hoàng rồi từ tốn ăn. Cho dù mua cây kem ngoài tiệm mặt đường họ cũng gói kỹ mang mãi về nhà mới ngồi ăn!
Thế nên phong tục tập quán tạo đời sống người Nhật có nhiều ràng buộc và trở thành thói quen cần có trong đời sống. Bởi thế, ngoài những người lao động nặng, những người có cuộc sống tạm gọi là thong dong hơn sẽ rất cần những giây phút “tĩnh tâm” trong ngày.
Người Nhật có một quốc gia gần như lý tưởng về cảnh tượng thiên nhiên với đủ núi non, biển cả, rừng đồi, sông suối ở cả 4 mùa. Bởi vậy những cảnh tượng thiên nhiên ở Nhật rất dễ thấm vào lòng người.
Từ xa xưa, trước khi thấm nhuần đạo giáo và triết lý từ Tàu, người Nhật chỉ biết có Thiên Hoàng và các thần Trời Đất. Do đấy việc cúng tế, tôn thờ các hiện tượng thiên nhiên: động đất, núi lửa là chuyện đương nhiên. Ngay cả việc cúng kiếng, tôn vinh những cây cổ thụ (như cây đa đình làng ở Việt Nam) cũng chả phải chuyện gì lạ.
Sau này, tinh thần Phật giáo, Thiền tông phát triển đã giúp người Nhật khám phá thêm nhiều khía cạnh triết lý cuộc sống. Và cũng với tánh chế biến từ những thứ đã học: âm dương (Yin Yang) của Tàu, người Nhật áp dụng vào đời sống dưới một tinh thần mới: Wabi và Sabi.
Có lẽ, những người như chúng ta đang sống trong một thế giới đầy kỹ thuật như hiện tại sẽ hết sức khó hiểu tinh thần Wabi, Sabi của người Nhật. Bởi chính cả người Nhật hiện nay muốn “ngộ” được tinh thần Wabi Sabi họ cũng phải bỏ giờ tự ngồi chiêm nghiệm. Tại sao?
Bởi tinh thần Wabi Sabi chỉ là những cảm nhận của con người trước thiên nhiên. Một sự cảm nhận thực sự hết sức khó mô tả bằng lời.
Wabi
Wabi của người Nhật là cảm nhận: sự cô độc, tĩnh lặng, đơn giản, trân quý… của thiên nhiên. Hình ảnh đơn sơ lặng lẽ của cái chòi cho người đánh cá ven sông là một thể hiện cho cái cảm nhận Wabi.


(From Bonsai Kusamono Suiseki, p.28. for training purpose only.)
Điều này có lẽ sẽ tương tự như bạn bước lên đồi cao, bắt gặp một cây Thông già bên bờ vực đang lặng lẽ gồng mình chống lại từng cơn gió, từng rạn nứt ngay từ gốc rễ và ngay cả sức già lão đang thấm dần từng mạch gỗ. Đó là cái cảm nhận về Wabi của người Nhật trước thiên nhiên.
Thế còn Sabi?
Nếu trong tinh thần Bonsai, Wabi là vật thể hiện sự cô đơn, tĩnh lặng thì Sabi lại là khía cạnh truyền đạt của sự vật. Vấn đề là người xem có lãnh hội được sự truyền tải đó không.
Nét đẹp theo dòng chảy của bông hoa gởi tới bạn, nét già lão của những miếng vỏ sần sùi… Những truyền cảm đó hoàn toàn là cảm nhận của mỗi người trước sự vật: không thể có từ ngữ nào diễn tả.


Chính bởi không thể diễn tả, người Tây phương đã hết sức khó khăn để hiểu được: tại sao người Nhật có thể ngồi tĩnh lặng cả buổi để ngắm một viên đá.

Vài ý nghĩ gởi đến các bạn về Wabi và Sabi của người Nhật như trên. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm, vui lòng tự tìm kiếm.
Chỉ xin nhắc chừng các bạn một tí tẹo thế này:

Ý nghĩa của Wabi Sabi trong Bonsai chắc chắn sẽ có chút khác biệt trong môn “Thủy Thạch, Suiseki”. Bởi trong thú chơi Suiseki người ta nêu ra tới 4 ý niệm (Wabi, Sabi, Shibui và Yugen) và cách chiêm nghiệm sẽ khác với Bonsai.

Để trắc ngiệm xem bạn có “ngộ” được tinh thần Wabi Sabi của người Nhật như thế nào, mời bạn tĩnh lặng ngắm thử cảnh vật dưới đây: qua chầm chậm từ hình đầu tiên đến hình cuối cùng. Sau đó bạn ngừng lâu hơn ở hình 3. Khi nào cảm nhận được sự bao la của rừng cây, sông nước, bạn sang hình 4.




Ngắm hình 4, liệu bạn có cảm nhận được sự cô đơn, tĩnh lặng, già nua tuổi tác cạnh sức trẻ xanh tươi?
Tùy bạn thôi. Chả ai bắt bạn phải thấy hay phải cảm nhận.
Còn như bạn liếc mắt sơ qua và bảo:
– Ờ! cũng được!
Có thế thì cũng xong.
Vốn là từ nhiều trăm năm trước, văn hóa của Tàu vẫn coi thơ văn là bậc cao nhất của nghệ thuật, kế đó là bút pháp. Chuyện đó cũng đã ảnh hưởng tới văn hóa dân Nhật. Bởi người Nhật vốn là học chuyện đó của người Tàu.
Thế nhưng, từ khi phát triển và thấm nhuần tinh thần Wabi Sabi, những thi sĩ và các nghệ nhân Nhật Bản (trong các ngành Suiseki, Bonsai, Cắm hoa…) được dân chúng quý trọng khi họ tạo dựng nên những tác phẩm mang tính “liên tưởng hồi ức” (mình tạm dùng cụm từ này). Tức là những dòng thơ hay tác phẩm khiến cho người khác cảm nhận ngay được những âm thanh, hình ảnh, sự việc từng xảy ra và vốn đã trong tiềm thức mỗi người Nhật Bản. Trong khi những dòng thơ hay tác phẩm đó đối với một người không hiểu văn hóa và đời sống Nhật chỉ thấy là lạ hoặc may ra là chút ít mỹ thuật nào đó, và cũng chỉ vậy thôi.
Thí dụ như các bạn ngắm thử lại tác phẩm bonsai được giải thưởng Sakufu Ten của tác giả Shinji Suzuki này xem nó có ý nghĩa gì ngoài công phu ngồi tỉa tót cái cây bonsai mỗi ngày suốt 2 năm.

Có bạn nào chịu khó nêu được ý nghĩa gì từ những cây và các phụ kiện? Xin các bạn cứ cho ý kiến.
 
Last edited:

caycanhphuongviet

Thành viên
2/
Có bạn nào chịu khó nêu được ý nghĩa gì từ những cây và các phụ kiện? Xin các bạn cứ cho ý kiến.
GioNui
Gió núi nghĩ để hiểu được ý nghĩa của cây trên thì phải hiểu được bức tượng nói lên điều gì. Rất tiếc, Gió núi lại chẳng hiểu bức tượng phụ kiện đó là gì…..
Đoán là: bức tượng có thể là hình ảnh của một người thầy mẫu mực, hay một vị tướng lừng danh, một công thần của đất nước hoặc thậm chí là cả Nhật Hoàng.
Nếu là người Nhật, thì ai cũng hiểu bức tượng trên, kiểu như tượng Quan Công của người Tàu.
Tác giả không dùng phụ kiện khác mà dùng bức tượng đó, ý nói cái cây Tùng kia chính là hiện thân của vị công thần: uy nghi, bệ vệ, vững chãi. Xứng đáng là thủ lĩnh tinh thần của mọi người.
thienhai
Một ngày mới, một thời đại mới, tươi đẹp, phấn khởi như màu xanh và vẻ đẹp của cây, sự phấn khởi của bức tượng. Chắc nó đang diễn tả thời đổi mới hưng thịnh ở Nhật
duong lieu
Theo cháu thì cái tượng đang ngắm nhìn và chào cây lúc bình minh đang lên. Mấy đường gạch ngang hơi to hình như biểu lộ con người cần phải ngắm nhìn và học theo thiên nhiêu nhiều nhơn nữa.
Juniperus
Người trong Vườn, Trà, Thư, Hoa không còn màng vật chất, cũng không học thiên nhiên mà là hòa vào thiên nhiên.
Ảnh trên theo tôi ở ngoài bờ biển lặng gió ông ấy đứng nghiêm giơ tay chào hoàng hôn và cây đại thụ. Với mặt trời thấp hơn cây xen giữa (xem sắp xếp không là tam giác lệch) ông ấy cảm thấy mờ do chói nên cảnh vật cây là tiên cảnh chứ không phải dưới hạ giới. Và đại thụ như phủ bóng nuốt cả mặt trời. Ông Sinji suzuki muốn ám chỉ khi tĩnh tâm đặt mình trong bối cảnh ấy sẽ thấy bóng đại thụ trên cao của ông ấy hòa bóng với biển và trời sừng sững, ngưng đọng, không gì suy chuyển được. Và người xem sẽ thấy mình như rất nhỏ bé trước bóng cây (áp chế tâm thức).
Cái lý khô đạm của Vườn nhật không dùng nước chính là thể hiện thời gian ngưng đọng mọi chuyển động đứng nguyên, đó là thời khắc tâm hoà vào cảnh, kiểu như xem tivi mà dừng được 1 khung hình vào não vậy.
Cảm ơn rất nhiều các bạn đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến khi cảm nhận tác phẩm trên. Với mình và có lẽ với cả mọi tác giả người Nhật không hề bao giờ bày tỏ với các bạn rằng: bạn nghĩ vậy là đúng hoặc bạn nhận xét vậy là sai. Không hề có chuyện đó!
Nhiệm vụ của người kiến tạo tác phẩm như trên là có xếp đặt 3 phẩm vật hình tượng trên cho người thưởng lãm “hòa mình trở lại vào khung cảnh của buổi lễ hội lúc chiều tà” hay không?
Với người Nhật, những giây phút cùng nhau kéo về hội đền để cùng vui buồn với diễn viên đóng Tuồng Noh (như chèo cổ + hát bội ở Việt Nam) và tôn vinh sự dũng cảm, trung thành của thần dân với Thiên hoàng, chính là khoảng thời gian hết sức quan trọng và cần thiết cho cuộc sống. Đó là lúc con người (ở vai khán giả) được phép bộc lộ hết tâm ý qua tiếng cười sảng khoái hay ngấn lệ trước những diễn tiến của vở tuồng.
Cho nên, khung cảnh trình diễn Bonsai ở trên được chiếm giải chính vì đã dẫn người thưởng lãm “Nhật Bản” quay ngay được về khung cảnh ngôi đền (cây Kim Tùng vốn được trồng ở cửa đền) và nơi đó, diễn viên vở tuồng đang biểu hiện những trạng thái tâm hồn ở thời điểm mà sức sống thiên nhiên đang bắt đầu trầm xuống: hoàng hôn.
Các bạn thấy đấy! Cái cây vốn là điểm chúng ta thường là xúm lại đánh giá đủ thứ hạng mục đã trở nên nhẹ nhàng hơn trong khung cảnh trình bày trên. Và khi “cái cây bonsai ấy” không có một chi tiết nào thừa thãi, hơn thế nó lại ở “tư thế hết sức nghiêm trang hòa trong nét già lão” thì nó quả đã rất xứng đáng “đại diện” cho một ngôi đền đã hằn nét thời gian.
Người Nhật họ chiêm ngưỡng, thưởng lãm Bonsai như thế đấy!
Chắc cũng chả ít bạn, tuy đã cố can đảm theo dõi đến tận giờ này cho mục trình diễn tác phẩm bonsai, sẽ phải thốt lên rằng:
“Chả lẽ cứ phải như thế mới là Bonsai?”
hoặc là
“Người Nhật họ lỉnh kỉnh nhiêu khê, lễ nghi rườm rà như vậy thì kệ họ. Hơi đâu mà cứ phải tìm hiểu làm gì cho mất công, mất thì giờ?”
Cả hai ý trên thì cho mình thưa thế này:
Ở đây, mình chỉ cố tìm ý nghĩa thưởng lãm Bonsai của người Nhật. Còn thì tùy bạn. Bạn muốn trình diện Bonsai của bạn kiểu Nhật, hay kiểu Tây, kiểu Việt gì thì bản thân tác phẩm bonsai của bạn không thay đổi. Chỉ là thay đổi cách ngắm từ người tới cây và mức truyền đạt từ cây tới người.
Chuyện nhiêu khê của người Nhật thưởng lãm Bonsai thì hẳn là có đấy. Chỉ có điều, đối với chúng ta thì đó là nhiêu khê, nhưng đối với người Nhật thì đó là chuyện đương nhiên bình thường như việc: hễ ăn uống là ngồi đàng hoàng.
Sở dĩ mình nêu ý trên là bởi chuyện như sau.
Nếu những bạn nào chơi Bonsai và có ước muốn mang cây đi đấu nước ngoài thì nên cố hiểu về Wabi Sabi của người Nhật một ít. Rồi từ đó có thể phần nào hiểu được: cây mình đẹp quá sức, quý hiếm vô ngần, kỳ cổ mỹ văn đầy đủ mà sao họ không trao giải nhất?
Bởi vì chả phải riêng ở Nhật, ngay như tại các nước Âu Mỹ, những người đang say mê Bonsai ở mức “bậc Thầy” (thường làm Giám khảo cuộc thi) cũng đang cố trau dồi, tự chiêm nghiệm để ngộ ra cái Wabi Sabi của người nhật ứng vào Bonsai. Bởi thế, mức đánh giá của những Giám khảo này hoàn toàn dựa vào tinh thần Wabi Sabi có trong họ.
Chứ còn cứ lấy lề này, luật nọ ra gá vào cây để tính điểm thì???
Thế nên có lẽ “thú chơi Bonsai” (mà tuyệt đỉnh là được “thưởng lãm Bonsai trong cảnh sắc”) chắc cũng chả khác lắm với một số ngành nghề trong đời sống chúng ta xưa nay.
Có những người sẵn lòng bỏ ra vài chục năm nghiên cứu y học cứu người, cứu vật. Có người cũng chỉ 10 năm ra trường là đã hành nghề y. Mà cũng chả thiếu gì những người chỉ học một vài năm ngành y nhưng cũng có thể dám kê đơn bốc thuốc. Còn như chỉ học một vài khóa cấp cứu (CPR) giúp người ngất xỉu qua cơn nguy kịch để kịp đủ thời gian vào bệnh viện thì hằng hà.
Mà ngay như bên đông y cũng hệt vậy. Có phải Thầy thuốc nào cũng học chẩn mạch bốc thuốc châm cứu tới vài chục năm đâu. Còn như ngoài dân giã thì: biết cạo gió cứu người “trúng gió”, hay chích huyệt Tiểu trường kim cho khỏi tiêu chảy đến kiệt sức mà chết, hay là ấn ấn vào huyệt Hợp cốc cho đỡ nhức đầu… Và, cũng chỉ vài ba kiểu cấp cứu vậy là đủ vui, đủ sống.
Chắc là chơi Bonsai cũng na ná thế thôi. Cho nên, với mình, thích mức nào, kiểu nào thì tùy bạn. Chỉ là trong vài ngàn người đăm chiêu suy nghĩ về vẻ đẹp bông hoa mà duy chỉ có được một người mỉm cười ngắm hoa thôi. Thế cũng đủ lắm rồi!
Chắc có lẽ nhiều bạn đã thấy được điều mình muốn trình bày: việc trình diễn một tác phẩm bonsai trong một khung cảnh đóng khung như dưới đây cũng nhắm giúp người thưởng lãm dễ hòa mình vào khung cảnh của cây Bonsai:

Bởi thế, nếu bạn là một người khách thật quý được mời tới nhà một người Nhật và chủ nhân trịnh trọng đặt ở Tokonoma của họ một cây Thông Trắng đẹp nhất vườn như trên để đón chào bạn thì bạn sẽ hiểu thế nào? Bạn nên có thái độ ngắm cây thế nào để khỏi làm gia chủ thất vọng? Và bạn nên có ngôn từ thế nào (cách nói chuyện) để chủ nhà vui cảm vì bạn hiểu được ý ông ấy muốn bày tỏ trong việc trình bày Tokonoma?
Bây giờ các bạn mà hỏi mình:
Ý của ông chủ nhà Daizo Iwasaki muốn biểu lộ điều gì?
Thì thưa với các bạn: mình cũng đến chịu.
Có lẽ chỉ một người Nhật thật sự may ra mới lãnh hội hết ý chủ nhân.
Thế nhưng, với những gì đã trải qua trong cuộc sống, mỗi người chúng ta chắc chắn có thể tự suy đoán ý nghĩa khi ngồi đắm mình vào khung cảnh trên.
Tỷ dụ như chúng ta có thể hiểu ra điều này:
Chúng tôi (chủ nhà) chúc mừng quý khách với những điều trịnh trọng và cao quý nhất (Toknoma ở mức trang trọng nhất = bức liễn treo chính giữa).
Chúng tôi cũng gửi đến quý khách lời chúc trường thọ (Thông trắng).
Những điều chúng ta trao đổi hôm nay sẽ là những điều đặt trên lòng tin vào trời đất và không dời đổi (như núi cao).
Cho đến ngày qua đời (tứ = tử), những điều trao đổi giữa chúng ta sẽ chôn chặt dưới lòng đất (bình hoa)…
Ấy là mình nghĩ ra vậy. Còn thì sự thực ra sao? Quả là chịu chết!
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào?
Bất kỳ bạn nghĩ thế nào thì cung cách khi vào nhà để cùng chủ nhà bàn bạc, người khách sẽ được chủ nhà xếp đặt để ngồi ở một khoảng cách nào đó ngắm Toknoma. Chứ không thể có chuyện vào nhà chắp tay sau đít đứng ngắm cây, hoặc lại sát cận cây để ngó cho rõ (thiếu điều rờ xem cây thật giả hay có còn dây rợ gì quấn ở cành?).
Chắc hẳn các bạn cũng đồng ý với mình là phải có cung cách ngắm như thế thôi.
 
Last edited:

caycanhphuongviet

Thành viên
3/
Chắc hẳn các bạn cũng đồng ý với mình là phải có cung cách ngắm như thế thôi.
Juniperus
Cháu đọc bài của chú trong chủ đề này rất nhiều mà không đủ định lực viết lên thành bài được, bởi tâm xao động quá!
Cái mà cháu bị tản mát, đó chính là sự khác biệt khi dòng chảy Bonsai bắt nguồn từ Penjing của Tàu rồi mới du nhập vào Nhật. Sự khác biệt lớn nhất đó là cái gốc của nó bao gồm cảnh (landscape) có chứa đựng vật chủ là cây, qua Nhật thì phần cảnh được phân rã ra và người Nhật chuyên môn hóa sáng tạo riêng phần cây và hình thành Bonsai của họ. Thế phần cảnh đó biến đi đâu???
Nếu công bằng mà nói, phần Tâm đạo của người Nhật tĩnh tại hướng tâm hơn người Tàu có xu hướng thiên về kỹ xảo và họa tiết. Người Nhật thực ra không hẳn là bỏ bối cảnh mà chẳng qua họ muốn mở rộng không gian hơn hẳn Penjing Tàu với Triết lý Mỹ Thiền Nhất Thể. Và cái thể hiện ra bên ngoài nhận thấy đó là Trà (Trà đạo – Nhất kỳ nhất hội), Thư (Mặc tích, Thiền ngữ), Hoa (Hoa tượng), Vườn (U, Nhàn, Giản, Đạm). Cái liên hệ rất bền chặt giữa bốn loại hình nghệ thuật đều nhắm đến nâng giá trị thẩm mỹ Thiền. Bonsai lúc này là 1 đối tượng đặt trong bối cảnh thiền với không gian và thời gian cụ thể, và sống với con người chứ không phải như Penjing chỉ nhằm mục tiêu mô tả thu nhỏ bối cảnh thành 1 hình ảnh.
Như vậy, trong loạt bài về cách trình diễn Bonsai này, do chúng ta đã làm theo cách người Nhật (tạo một chủ thể chính là cây bonsai) nên nếu muốn dựng lại một “bối cảnh” thu nhỏ sinh động giúp người thưởng lãm nắm được tâm ý và cảm thụ tốt hơn thì lại phải quay về bù đắp phần Penjing nguyên thủy cho nó hoặc đặt 1 bối cảnh Vườn có tính thiền theo cách người Nhật…
Đã qua hơn mấy phần mà sao vẫn chưa kết luận gì về: thực chất kiểu trình diễn Bonsai của người Nhật! Các bạn chịu khó cho mình thêm ít phút nữa. Bởi chắc chắn là có một câu hỏi đang được đặt ra ở đây:
Cứ kiểu nói như trên thì muốn thưởng lãm Bonsai cho “đúng đắn” ắt phải là người thuộc phái “Thiền”?
Không ít người Tàu đã viết bài trên các Tạp Chí Bonsai đưa ý niệm Thiền (theo Zen của Nhật) vào Bonsai. Riêng bản thân mình thì thấy có nhiều khác biệt.
Có thể là những người thuộc Thiền tông dễ yêu cây cảnh (Bonsai). Nhưng người chơi Bonsai, ngắm Bonsai chả cần gì đến căn cơ Thiền tông. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, nếu có chút cơ duyên Thiền định thì việc hòa nhập với tinh thần Wabi sabi của người Nhật quả là có dễ dàng hơn.
Theo mình: Thiền của ngài Đạt Ma Sư Tổ là dùng Trung Đạo (khoảng giữa) để làm dịu những đòi hỏi của cơ thể (ăn một bữa, ngủ một nửa, ngồi thay vì đứng hoặc nằm…) hầu tập trung trí lực vào việc “khai phá cơ thể”. Nếu cơ thể được khai hóa = đủ khả năng dẫn dắt khí lực thông suốt, lúc đó trí huệ sẽ đạt tối mức trống rỗng = ngộ.
Thế nên, việc cơ thể có những động tác đặc biệt hoặc tạo cho đầu óc thường gặp những cảnh sắc thiên nhiên bình lặng là một trong những phương cách để đạt cảnh giới của Thiền Tông.
Nói khác đi: có thể rằng chiêm ngưỡng Bonsai chỉ là một cách nhỏ giúp người Thiền đạt cảnh giới dễ dàng hơn.
Trong khi đó, những người bình thường như chúng ta chơi Bonsai và nếu nhìn ngắm cây bonsai để thấy được vẻ đẹp của cây, cảm được nét già nua của cây, hoặc thưởng thức trọn vẹn hương thơm cùng nét sống động của một chồi non đang hé thì cuộc sống của chúng ta đã đủ có ý nghĩa. Và nét đẹp của cây bonsai đã làm phong phú đời sống tinh thần của chúng ta. Thế là đủ.
Ngoài câu hỏi liên quan đến Thiền, bạn Juniperus có đề cập đến Penjing của Tàu. Theo mình, nghệ thuật Penjing của Tàu cũng chả liên quan gì đến việc trình diễn Bonsai của người Nhật.
Nếu Penjing (có lẽ các bạn vẫn gọi là Tiểu cảnh) là một diễn tả cảnh sắc thu nhỏ để giữ lại hình ảnh thiên nhiên đã từng gặp, đã từng yêu thích của một người, thì cho dù Penjing đó đặt cây làm chủ thể hay núi đá làm chủ thể hoặc ngay cả sông nước làm chủ thể thì nó vẫn là một cảnh sắc thu nhỏ khá rõ ràng với cây, núi, nước và có thể một vài hình tượng.
Điều mô tả về Penjing ở trên có thể thấy phần nào trong cách trình diễn Bonsai của Nhật, thế nhưng cách dùng các phụ kiện gợi ý của Toknoma cho cây chủ thì khác hẳn. Nhất là sự khác biệt rõ ràng về cách dùng khoảng trống của Tokonoma để diễn tả thiên nhiên.
Tóm lại, cá nhân mình có thể đúc kết những ý kiến cá nhân về ý nghĩa thực của trình diễn Bonsai dưới mắt người Nhật như sau:
“Không thể dùng ngôn từ để giải thích về ý niệm Wabi Sabi trong việc trình diễn tác phẩm bonsai cùng phụ kiện trong một khu vực giới hạn nhưng lại truyền đạt tới người thưởng lãm sự không cùng, nét tĩnh lặng, sức sống động của cây Bonsai với vùng thiên nhiên quanh nó, ngoài sự cảm nhận bằng tâm hồn của riêng mỗi người.”
Đó là ý kiến cá nhân mình.
Trước kia, trong thời gian đầu mới tiếp xúc với văn hóa Nhật bản qua thú chơi Bonsai, những người Âu Mỹ rất ngưỡng mộ việc đặt cây Bonsai trong Toknoma. Việc đó đưa đến kết quả: cây trông đẹp hơn, mang nhiều giá trị hơn (ý Tây phương là giá trị tiền bạc).
Thế nên, Tây phương (và ngay cả Tàu sau này) đã cố gắng bắt chước thực hiện. Để dễ hiểu, Âu Mỹ bắt đầu đưa ra những nguyên tắc thiết kế: tam giác lệch như ở vòm lá cây bonsai.
Thực sự thì về mặt mỹ thuật, Tây phương rất đạt về thiết kế “như Nhật”, nhưng vẫn không thể “là Nhật”. Do đấy cuối cùng thì họ cũng đành chịu không giải thích theo “lối suy nghĩ tây phương” được. và họ đành cũng phải thốt lên: không thể diễn tả bằng lời cho ý niệm Wabi Sabi của Nhật.
Đó chính là một trong những tinh túy của tinh thần Đông phương mà hiện nay Âu Mỹ đang cố chiêm nghiệm để sống theo.
Tạm dịch:

(From Bonsai Focus, n.126, 2010. For training purpose only)

Literati display – There is no definition, but you must feel the essence of it.
Không thể dùng từ ngữ định nghĩa được: trình bày Bonsai theo kiểu tri thức là gì. Muốn hiểu nó, bạn phải dùng cảm nhận để nắm được cái thần của lối trình bày này.

If the person displaying can capture the essence of their understanding of wabi-sabi; that is the only thing that defines a literati bonsai display.
Nếu như trình diễn tác phẩm bonsai của một ai đó tỏ lộ được nét tinh túy của ý niệm Wabi Sabi trong họ, thì có lẽ: đó là cách duy nhất để giải thích được trình bày tác phẩm bonsai kiểu tri-thức là gì.

One can hear the wind blowing through the pine and see the new moon floating in the sky.
Ai kia có thể nghe được tiếng gió luồn trong vòm lá Thông và thấy được vầng trăng non lấp ló qua đám mây trời.

Thiết nghĩ tới đây đã khá đủ những điều mình muốn trình bày. Phần kế tiếp chúng ta sẽ đề cập đến một số nguyên tắc do người Nhật phát kiến về “thưởng lãm” để xây dựng thành một số phương thức trình bày
 
Last edited:

caycanhphuongviet

Thành viên
Thấy cả vũ trụ trong một hạt cát
20th February, 2017


Nguồn: diễn đàn Cây Cảnh Việt Nam
Chủ đề: Cây cỏ “phụ kiện” Bonsai
Chủ biên: hqvuhototbung
Cùng với ý kiến trích dẫn từ: GioNui

Mời các bạn ngắm thử vài bức hình dưới đây và cho ý kiến.





Ngồi tĩnh lặng trước một cảnh tượng như trên, tâm hồn bạn liệu có tĩnh lặng hay thả hồn theo trời mây sóng vỗ?
Nếu như bạn vừa thấy hình ảnh núi, biển và mắt bạn từ từ khép nhẹ để mọi hình ảnh đó mờ nhạt đi thì, với một chút trí tưởng tượng hòa thêm với chút ký ức ở những buổi đi dạo một mình ngoài bãi biển, thì chắc hẳn bạn đã có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ nhẹ lên ghềnh đá.
Thế nên, hình ảnh núi đá, sóng biển ở trên chỉ là biểu tượng gần gũi giúp chúng ta đánh thức những hình ảnh đang có trong tiểm thức để thưởng ngoạn.
Bởi vậy, mỗi người có một “hình ảnh cũ” khác nhau trong tiềm thức. Người thì ngồi một mình bên ghềnh đá ở bãi Trước Vũng Tàu trong lúc thất tình. Người thì đứng ngắm cảnh trời mây ở Nha Trang… Tức là, cùng một biểu tượng núi đá, tháp chùa của buổi triển lãm nhưng nó đã khuấy động tâm thức mỗi người trỗi lên hồi ức riêng biệt của mình. Nếu tảng đá, đỉnh chùa làm được điều đó, ắt hẳn là tác giả thực hiện chuyện này đã đạt ý.
Thế nhưng cũng chính người thưởng lãm, đang đứng ngắm “cảnh chùa ngoài bờ biển” cũng phải pha thêm chút tưởng tượng thi cảnh giới mới lộ.
Cho nên, tóm gọn thì người Nhật khuyên con cháu họ ngay từ những ngày đụng tay đến Bonsai:
Hãy nhòa mắt để thấy được vũ trụ trong một hạt cát.
Sau này, cụ thể hơn, họ bảo:
Thấy được quả núi trong một hạt cát!
Mà rõ ràng:
Bạn chỉ thấy được khi mắt bạn hơi chùng xuống để hạt cát ấy mờ nhạt dần và sau đó, với trí tưởng tượng hỗ trợ, hạt cát sẽ hiện dần lại thành một quả núi đồ sộ.
Đó chính là một phương cách đơn giản giúp bạn đưa tâm hồn vào một tác phẩm bonsai. Tức là cần một chút trí tưởng tượng hòa vào đó. Có thế, hình ảnh viên đá nhặt ngoài sông sẽ thành rặng núi.

Mountain stone set in suiban filled with sand. The use of pure-white sand is a radical departure from traditional practice. The sand is intended to represent drifting snow and enhances the power of the stone to suggest a natural scene such as that depicted in Figured (below).

Chứ còn mà ngắm Bonsai với tinh thần “người trần mắt thịt” và “đầy một bụng lý giải” thì: quả núi kia, sóng biển ấy chỉ là một cục đá nhỏ xíu lụm ngoài vỉa đường đặt trên dĩa muối:








Chúng ta cùng ngắm nhìn tác phẩm bonsai, nhưng để thấy được cái ý của tác phẩm ấy thể hiện thì có lẽ không thể thiếu một chút tưởng tượng riêng của mỗi người.
Mình nghĩ, những bạn như bạn tmt_arc, chắc hẳn là hết sức mong muốn người xem có chút xíu tưởng tượng khi đứng trước mô hình kiến trúc của bạn ấy để có thể mở ra trước mắt một dinh thự đồ sộ.
Cho nên, có thể diễn giải ý niệm: hình ảnh quả núi trong một hạt cát, là thế này:
Người thưởng lãm không nhìn ngắm tác phẩm dưới con mắt của một “ông Thần”. Tức là chúng ta lấy “đôi mắt của một con mèo” đứng ngắm một con voi Mammoth khổng lồ, chứ đừng dùng mắt của một con voi “nhìn xuống” một con mèo nhỏ xíu.
Còn hơn nữa: lấy cặp mắt mờ của chú ốc sên để “nhìn sự vật mờ mờ” và “thấy được sự việc bằng đôi râu”.




Nếu như thế, chúng ta cũng có thể chuyển “cái nhìn” của chúng ta vào “đôi mắt” của một con vi khuẩn chui vào từng mạch cây và khám phá vũ trụ trong một mạch nhựa ở lá!
Mà muốn được như vậy, chúng ta phải chùng người xuống cho thành “nhỏ bé” trước sự vật. Chứ mà “phóng mình lên” như một “ông Thần” thì chắc là chả thấy gì rồi. Sau khi chùn người, thu nhỏ, chúng ta mới “có thể mở tâm hồn vì thiên nhiên trước mắt quá lớn”. Điều này quả thực là có hơi… trừu tượng, khó nhai. Cũng mong một ít bạn cảm được.
Người xem nên thu nhỏ để thấy rộng (sau khi kết hợp với chút tưởng tượng), bởi chính tác giả cũng đã làm công việc thu nhỏ để thấy rộng ấy.
Cả một tòa dinh thự đồ sộ như Dinh Thống Nhất ở Saigon (dinh Độc Lập) chẳng qua cũng là “cái thấy” của Cụ Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ khi ngắm chữ Vương đơn sơ có 3 nét ngang mà ra.

Cho nên chính cái ý từ hạt cát đã thành ngọn núi là vậy.
GioNui
Như vậy thì việc thiết kế tay cành thưa thoáng ở cây bonsai dễ giúp người xem cảm thấy mình như nhỏ lại so với một cây chi cành rậm rạp?
Chuyện này thì không hẳn vậy.
Một cách ngắn gọn thì: cây to ắt lắm lá lắm cành. Thế nhưng cây to mà sống bình thường chả bị gì phá hủy thì đầy. Nên chi người ta vốn lại “thương hơn” những đứa “không lành lặn” vì thiên tai, gió cát. Mà cái thứ đó muốn lộ được thì cành lá phải lưa thưa.
Thế là rễ gồ, thân to, cành ngắn, lá lơ thơ thì bảo: già, đẹp mà thanh!

Rốt lại thì ý niệm: thấy được ngọn núi trong hạt cát chính là căn cơ nên có để đưa trí tưởng tượng của chúng ta hòa vào tác phẩm bonsai. Nhờ vậy, lãnh hội được ý tưởng của tác phẩm qua những gợi ý đường nét, màu sắc, khung cảnh quanh tác phẩm. Có như thế chúng ta thấy được hồn tác phẩm, nghe được tiếng gió trong tác phẩm thiết tưởng chả mấy khó.
Thực tập chuyện đó, mời các bạn xem lại một góc cạnh tác phẩm qua hình dưới đây.

Vậy có phải:
Nếu lặng ngắm hình tượng trên, những đường vân gỗ sẽ mờ nhạt dần để trở thành những gợn sóng nhỏ mặt hồ.
Lúc đó, hình ảnh đơn độc của một chú le le dõi mắt chân trời để tìm tương lai tươi sáng hơn hẳn là có chút xa xăm?
Cũng bởi chú ta đang đứng trên quá khứ đổ nát như những mảnh thuyền còn sót lại.
Và tương lai là dựa vào những “đâm chồi nảy lộc” mạnh mẽ như đám cỏ sau lưng.

Bởi thế, nếu muốn người xem sớm cảm nhận được mặt nước hồ lung linh gợn sóng, đương nhiên chính tác giả phải làm sao tạo được đường vân gỗ trên ván cho rõ nét hơn từ tầm nhìn hơi xa. Dĩ nhiên góc nhìn từ người xem đến tác phẩm cũng là vấn đề phải nghiên cứu: nhìn hơi xiên từ trên xuống. Đó là tài trí của tác giả khi kiến tạo tác phẩm và cả khi trình bày tác phẩm.
 
Last edited:

caycanhphuongviet

Thành viên
Khoảng trống trong trình bày tác phẩm bonsai
21st February, 2017


Nguồn: diễn đàn Cây Cảnh Việt Nam
Chủ đề: Cây cỏ “phụ kiện” Bonsai
Chủ biên: hqvuhototbung

Ý niệm khoảng trống
Chắc các bạn hẳn còn nhớ những chuyện chúng ta bàn về khoảng trống cho bố cục thiết kế một cây bonsai ở chủ đề: abc cành nhánh cây bonsai.
Chúng ta thấy các nghệ nhận phuơng Tây cũng đã từ lâu chú ý đến tỉ lệ giữa khu vực sáng và khu vực tối ở một bố cục tác phẩm bonsai.




Như cây bonsai trên, ông Francois Jerker đã tô màu xanh lơ, cam, đỏ vào những khu vực khoảng trống. Khoảng tối (thân, chậu, cành, vòm lá) được để trống.
Chúng ta có thể so sánh khoảng màu với khoảng trắng và kết luận: cây bonsai trên rất đẹp nhưng lại có vẻ nặng nề vì tỉ lệ sáng và tối (màu cam + đỏ + xanh/không màu) ở mức 40/60.
Thường ra, những Bonsai có tỉ lệ sáng tối lớn hơn 70/30 sẽ thấy có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Vấn đề khoảng trống trong trình bày tác phẩm bonsai với phụ kiện hết sức quan trọng.
Tại sao quan trọng?
Khoảng trống giữ nhiệm vụ gì trong trình diễn tác phẩm trong khuôn khổ Tokonoma?
Tương tự 2 khu vực ở một cây bonsai (khu vực không có gì và khu vực có thân, cành, lá, chậu mà chúng ta có thể gọi với nhiều tên khác nhau: sáng tối, âm dương, negative/positive), việc trình bày Bonsai với phụ kiện cần rất nhiều “khoảng trống” (empty space).
Có thể nói không ngoa: chính khoảng trống quyết định tất cả.

Nếu chúng ta ngồi ngắm tác phẩm trên trong thoáng qua hay trong một thời gian dài tĩnh lặng thì khoảng không gian mở rộng quanh cây Thông già Bonsai đã khiến chúng ta thực sự thấy nhỏ bé. Từ đó, cảm nhận nét đẹp cổ kính, trầm mặc của cây Thông sẽ được rõ nét hơn.

Đứng trước bức liễn với hình ảnh Phú Sĩ sơn và vùng chân núi, bạn có cảm thấy cả một vùng không gian bao la không giới hạn quanh bạn không? Cho dù là “bức tranh” chỉ có vài tấc rộng!
Chính cái khoảng trống hết sức trống rỗng của bức tranh đã tạo nên cảm giác “vũ trụ vô hạn”.
Cũng bởi là khoảng trống, nên mình chả còn ngôn từ nào diễn tả. Chỉ là tiếp đây, xin chia xẻ tới các bạn chút chuyện ngoài lề. Có thể chút ít liên quan chuyện “khoảng trống” cho vui.

Chuyện: đi tìm cái “không”.

Trong vấn đề trình bày tác phẩm bonsai, mình xin các bạn nên để ý một chi tiết nhỏ, nhưng theo ý mình lại khá hấp dẫn.
Mời các bạn xem kỹ cây Thông trong bức tranh do bạn Juniperus đã đăng:

Nếu chút để ý vào màu sắc đường thân của hai cây Thông, các bạn sẽ thấy 2 điều trái ngược nhau, nhưng lại tương tác tạo nên nét đặc sắc thần kỳ:
Màu vỏ trên thân tương ứng với mức già nua nên những mảng trắng xám và trắng hòa nhau. Điều này khiến phần sáng của cây tăng lên. Dù đây là điểm cần lưu ý trong phác họa, thì ngay trong Bonsai chúng ta cũng cần để mắt.
Cũng từ phần trăm vùng sáng của đường thân đó, chúng ta lại bắt gặp những hốc tối trên thân: vết thẹo u nần theo thời gian. Ngoài việc tăng mức già nua, những hõm cực tối đó đã đem đến cho người thưởng tranh sự kích động cần phải chú mục tìm kiếm nét bí hiểm đang có trong những hốc tối đó.
Tóm tắt là nếu trên thân cây Thông bonsai có những vùng thẹo sâu hoắm (thành bọng) thì đó quả thực là những điểm bí hiểm đặc sắc. Đồng thời, nếu thân cây Thông có những vùng trắng (tạm gọi là lũa) thì ý niệm vùng sáng vùng tối cần được thay đổi. Tức là vùng trắng của thân trở thành vùng sáng của bố cục tác phẩm.
Các bạn có chút so sánh thử xem mức thay đổi tỉ lệ vùng sáng/tối của cây Tùng Juniper dưới đây biến chuyển từ lúc chưa sửa đến sau khi sửa khác nhau thế nào (xin nhớ để ý vùng thân hơi tối chuyển thành trắng bệch).
 
Last edited:
Top