Vĩnh biệt võ sư đại lực sĩ Hà Châu . . .

henrythai

Thành viên
Tin thầy Hà Châu, võ sư đại lực sĩ quốc tế ra đi từ sáng nay, đã để lại cho nhiều người tiếc nuối. Võ thuật Việt Nam và cả các môn đồ yêu thích võ thuật trên thế giới đã vĩnh biệt một tài năng hy hữu như Thầy.

Những ngày cuối đời, hình ảnh một anh Tây tất bật chạy ngược xuôi từ quận 2 qua bệnh viện An Sinh Q.3 để lo cho một ông già tóc bạc phơ, đút cho ông từ miếng sữa, lo từng giấc ngủ dễ làm người xung quanh xúc động. Nhiều người mạnh dạn qua hỏi thăm khi biết đó là võ sư Hà Châu, ai cũng trầm trồ và xót xa.

Võ sư Hà Châu xuất hiện trong chương trình Cửu Long hội ngộ do Vinagame tổ chức năm 2007 tại nhà thi đấu QK7

Gần như cả đời chưa một lần ông phải uống một viên thuốc chứ đừng nói đến chuyện đi vào bệnh viện. Vậy mà những ngày cuối đời, cơn bạo bệnh tái phát, khiến ông đau nhức và ốm đi rất nhiều. Thương cậu học trò Tây, cứ kiên trì năn nĩ: "Thầy ơi phải vào bệnh viện để bác sĩ lo, thầy thương con đi nhe thầy…”, ông mới khẽ gật đầu, chịu nghe lời học trò vào bệnh viện để cho bác sĩ truyền nước biển, và lần đầu tiên sau 88 năm trong đời, vị đại lực sĩ Hà Châu mới biết được cảm giác tiêm là như thế nào.
Những giai thoại về vị võ sư lực sĩ

Cách đây 5 năm, khi công ty Vinagame tổ chức đêm võ Cửu long hội ngộ với sự tham dự của chín môn phái lừng danh. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm quy ẩn, giới võ lâm mới thấy ông già tóc bạc phơ, mang trên người chiếc áo choàng nhung đen, vẫn dây thắt lưng bản to cùng với trang phục toàn trắng, ông chậm rãi từng bứơc chân bước lên sân khấu. Đèn bật sáng, nhạc im phăng phắc, năm thầy trò võ đường Thiếu Lâm Hồng Gia – Hà Châu nghiêm mình cúi xuống chào khán giả, cử chỉ lịch thiệp và phong độ của ông vẫn còn nét lẫm liệt oai phong, với đôi bàn tay to và rắn chắc, thể hiện sự khổ luyện của người tập võ. Vẫn là màn thiết đầu công, ông gấp luôn ba miếng, tự đánh thẳng vào đầu mình một cái “bốp”, gạch bể văng tung toé, cả khán đài bùng lên tiếng vỗ tay. Vậy là sau thời gian dài quy ẩn, "cái đầu" của ông vẫn còn cứng như… xưa.
Đến màn Cương Đao Phạt Mộc, một chiếc ghế đẩu đem ra, cũng bàn tay ấy đã chặt một nhát xuống, chân ghế đã gãy lìa, sau đó ông chặt tiếp theo, nhưng cả ba lần đều… không gãy, cả cầu trường nín lặng, hồi hộp và lo lắng cho ông, bất ngờ ông xoay mặt ghế, đập thẳng vào đầu, chiếc ghế bể văng tung toé, cả cầu trường lại bùng tiếng vỗ tay, một cảm xúc khó tả đến tuyệt vời, không ai hình dung nổi một ông giả tuổi đã 83, bước lên sân khấu phải có người dìu, vậy mà nội công của ông vẫn còn thâm hậu đến thế! Một anh bạn đồng nghiệp thốt lên: “Xem thầy Hà Châu diễn tôi quên hết các tiết mục vừa rồi!”.


Sau hơn 20 năm quy ẩn, ông vẫn còn phong độ với những tiết mục thiết đầu công khiến khán giả rợn người khi xem ông già trình diễn

Giai thoại về những tuyệt kỷ công phu.

Ít ai biết ông gốc là người Hong Kong, theo cha sang Việt Nam từ nhỏ, sống ở vùng Sóc Trăng, ông tập võ từ lúc 5 tuổi, đến 9 tuổi thì ông qua lại Hong Kong để tầm sư học võ tiếp. Sư phụ ông là Trình Luân, thuộc phái Hồng Gia. Ông kể: “Lúc ấy tôi thuộc dạng con nhà giàu, ăn uống đầy đủ, tập luyện thường xuyên, rồi còn rước thầy về nhà dạy, nên lịch tập rất nghiệt ngã”.
Các tiết mục biểu diễn của ông luôn khác người, năm 1959, diễn ở sân Tao Đàn, có mặt cao thủ Vương Bàng Phu người Hong Kong đến xem, ông này cũng là người chuyên biểu diễn các tuyệt kỹ về nội công, nhưng sau khi chứng kiến Hà Châu biểu diễn, ông kinh ngạc đến độ ra phi trường mua vé bay luôn về nước ngay, bởi ở Việt Nam đã có một võ sư Hà Châu quá phi thường.
Hàng loạt tiết mục biểu diễn của ông thời đó như: “Song mã phanh thây”, tức là ở hai đầu là hai chiếc xe tải GMC nổ máy, ở giữa ông dùng hai cánh tay móc hai sợi dây giữ chặt không cho xe… vọt đi. Tiếng máy nổ, tiếng vang của chiếc bánh xe xoay tít tại chổ khiến nhiều người chứng kiến chỉ biết trầm trồ kinh ngạc. Tiếp đó ông còn những trò diễn mà người nghe qua cứ tưởng như đùa: Bẻ cong còng số 8, dùng răng uốn cong thanh sắt dày 1 cm, hoặc xé bộ bài 52 lá…


Cho xe ủi lô 12 tấn cán qua người, dùng đôi tay giữ chặt không cho hai chiếc xe GMC chạy... Những tiết mục này gần như tuyệt tích trên chốn võ lâm

Tất cả đó chỉ là những trò “vặt”, nếu như so sánh với tiết mục cho xe hủ lô 12 tấn cán qua người, khẽ cười ông kể: “Tiết mục này xin diễn ở đâu người ta cũng không cho vì sợ tôi… tử nạn. Năm đó 1961, ở Thị xã Trà Vinh, tôi có quen với ông bạn Nguyễn Đức Hoà, Trung tá tỉnh trưởng Trà Vinh, lúc đầu xin, ổng đâu có chịu, xe hủ lô mà cán qua người chứ đâu phải chuyện giỡn chơi, lỡ có bề gì khó làm việc lắm. Nhưng tui năn nỉ quá, ông kêu tôi viết giấy cam kết, nếu có gì xảy ra là phải tự chịu hết một mình, ký tên xong ông bắt phải lăn tay nữa ông mới chịu cho diễn. Buổi diễn đó, bà con ở Trà Vinh kéo nhau đi xem như ngày hội, nhưng ác nghiệt ở chỗ khi tôi vận công cho xe hủ lô cán qua được nửa chừng thì anh tài xế run quá làm tắt máy luôn, ai cũng cũng là tôi tiêu đời, nhưng may mắn là khoảng 30 giây sau xe nổ máy được và tôi… vẫn đứng dậy và biểu diễn tiếp như không có chuyện gì xảy ra.
Sau buổi diễn long trời như thế, ông lui vào quy ẩn, không xuất hiện ở đâu nữa, không ai biết ông ở đâu làm gì, thậm chí có người đồn thổi rằng ông đã chết sau pha diễn tử thần năm đó. Mãi đến năm 1987, ông lại xuất hiện ở Hà Nội biểu diễn. Sau đó ông liên tục trình diễn ở TP.HCM với những tiết mục không tưởng: Nằm cho xe buýt 50 chỗ ngồi chất đầy người chạy qua, dùng thiết đầu công húc đổ cả bức tường dày 10 phân…. Cũng trong thời gian này, ông định diễn tiết mục mang tên “quả bom tấn”, tức là người nằm xuống, phía trên dùng hệ thống ròng rọc kéo tản đá 300 kg lên cao, rồi thả xuống ngay ngực khi ông đang vận khí đề công. Lúc ấy báo chí đăng tin liên tục về tiết mục “quả bom tấn” này, khiến lảnh đạo Sở TDTT thấy sợ quá và cấm… diễn luôn, bởi ai cũng cảm thấy rùn mình khi nghe tiết mục dễ sợ này!
Tháng 10/1993 ông được mời sang Nga biểu diễn, mỗi lần diễn xong, khán giả cứ tràn lên sân khấu, lượm những cây gỗ vụn, những mảnh dừa, gạch vụn… về làm kỷ niệm …. Có người còn tìm cách nắm tay, sờ chân, rờ đầu, xem ông có phải là người bằng xương bằng thịt hay không?
Nhiều người tự hỏi làm thế nào mà ông lại có một sức mạnh phi thường như vậy? ông cười và bảo tôi sờ vào đầu, rồi nói: “ Đầu tôi nó có tới hai… cái sừng, để “được” như thế này, ngoài luyện tập tôi còn phải dùng tóc giả, tẩm rượu thuốc rồi đội lên đầu, cứ quah năm suốt tháng thì nó sẽ cứng lên. Sau đó ông dẫn tôi qua võ đường nằm trong một con hẻm ở đường Trần Não, Quận 2, một phòng tập khá đầy đủ các dụng cụ hỗ trợ cho việc luyện võ. Ông chỉ vào khung sắt với tên gọi Thiên cân tạ, đây là dụng cụ tập cho môn xe cán qua người, sợ tôi không hiểu, ông nằm xuống giải thích từng chi tiết một… lúc này tôi mới hiểu, để đạt được một trình độ nhất định, ngừơi tập phải trãi qua một quá trình gian nan!


Hà Châu trong lần sinh nhật tuổi 85

Hậu nhân của Hồng Gia

Võ đường của ông có các khá nhiều đệ tử, nhưng học được hết bí kíp của ông không phải ai cũng có cơ duyên này. Xuất hiện trước mặt chúng tôi là anh chàng người Pháp tên Philippe, từng là võ sư đấu đài ở Đài Loan, Hồng Kông… Người từng lặn lội sang Trung Quốc để tầm sư học võ thiếu lâm, vậy mà chính các sư phụ bên ấy lại giới thiệu về võ sư Hà Châu cho Philippe để anh tìm thầy mà học. Thầy Hà Châu bảo: “ Anh này có tới ba bằng cấp võ quốc tế, vậy mà cứ kêu tôi bằng thầy, tôi không dám nhận, mình chỉ mách vài chiêu “nhỏ” thôi mà”.



Các học trò mừng thọ thầy Hà Châu tại võ đường trên đường Trần Não Q2

Quả thật, trong các lần biểu diễn, ngoài Anh Lý đại đệ tử biểu diễn bài Thái Dương Đao và quyền Thạch Phá Sơn rất dũng mãnh, thì Philippe đã làm cả khán đài phải vỗ tay vì các tiết mục xếp sắt bằng tay, dùng cổ quấn sắt, dùng tay chặt gổ và cả màn nội công đập tản đá xanh trên bụng. Cứ nhìn những giọt mồ hôi của Philippe và cả phong cách chững chạc nhưng khiêm tốn của anh, là người ta đã có thể mỉm cười, hậu nhân của Hà Châu đã bắt đầu xuất hiện, và biết đâu sau này các tiết mục song mã phanh thây, hũ lô cán qua người, dùng tay không quật ngã con bò sẽ do một anh Tây thực hiện.
Nói về người thầy của mình Philippe luôn trân trọng: “Thật ra Philippe không thích xuất hiện diễn võ thuật ở chỗ đông người, hơn hai mươi mấy năm trời tôi “chơi” võ, đi nhiều và gặp cũng nhiều, nhưng tôi chưa thấy ai giỏi và đức độ như thầy, ở võ đường cũng còn nhiều sư huynh tốt lắm, như anh Lý chẳng hạn, cả đời luyện võ và rất giỏi nhưng vẫn không giàu như người ta tưởng, tôi thương thầy, thương anh Lý nên phải cùng nhau ra biểu diễn để thầy vui và sống được lâu. Hôm tổng dợt, thầy cứ đòi đi lên sân khấu, tôi sợ thầy mệt, nhưng thầy bảo rằng: “Phải lên coi để chuẩn bị cho đàng hoàng chứ, sống trong không khí võ như thế này đâu phải lúc nào cũng có!”
Hôm biểu diễn xong, thầy vui lắm, nhìn thầy tự nhiên tôi rất là hạnh phúc, với thầy chỉ có võ thuật mới làm thầy vui như thế. Vậy mà giờ ông đã vĩnh viễn đi xa, để lại nhiều tiếc nuối cho người yêu võ thuật. Hiện linh cữu của ông được gia đình tổ chức an táng tại chùa Vĩnh Nghiêm, đường Nam kỳ Khởi Nghĩa. Linh cữu được an táng tại Bình Hưng Hòa vào sáng chủ nhật ngày 23/10.
LỮ ĐẮC LONG
(Theo zing.vn)
 
Top