Sự mê hoặc của thế giới đá cảnh

midavina

Thành viên tích cực
Những người săn đá thường coi hành trình của mình là "cuộc tìm kiếm nhân duyên". Bởi khi được đem về, tuổi của viên đá có khi đã hàng triệu năm, lại qua sự bào mòn của dòng nước mới có hình dáng như khi được tìm thấy. "Duyên" là yếu tố đầu tiên để viên đá lộ ra với người, vào lúc nó xinh đẹp nhất.

Chơi đá cảnh không cầu kỳ và tốn nhiều công chăm chút như với hoa, bonsai hay chim chóc, nhưng nó mê hoặc người chơi theo cách riêng. Những viên đá thường có một không hai và cái đẹp còn ẩn giấu của nó chính là sự thử thách với "người đi tìm nhân duyên".
Ở TP HCM có bộ ba sưu tầm đá cảnh khá lâu năm là ông Trần Hòa Ân, Hồ Khiêm và Lê Công Quý. Bộ đá của mỗi người có cả nghìn viên, mang dáng dấp riêng biệt vì họ có gu khác nhau. Kỹ sư Hồ Khiêm, 55 tuổi, là một trong số ít người rành về đá vì ông tốt nghiệp ngành thạch học, rất thích loại có hình mặt người. Ông Quý, ông Ân lại chọn theo cảm hứng cái đẹp có thể chỉ được phát hiện ra sau khi đem về.

Theo ông Khiêm, đá cảnh có các loại: trầm tích, cát kết, sét kết và sỏi kết. Để có đá đẹp, người ta phải kiên nhẫn tìm kiếm trong những chuyến đi xa. Chính sự bào mòn của nước trong thời gian dài đã tạo ra những tác phẩm độc đáo nên đá đẹp thường hiện diện ở nơi có thác, suối...

Ông Ân, 65 tuổi, nhẹ nhàng nói về thú chơi không bỏ được này: "May mắn thì chỉ ra suối là nhặt được, nhưng không phải lúc nào cũng nhàn hạ như thế. Chơi đá đòi hỏi sự tìm kiếm lâu dài". Ngoài ra, sự hấp dẫn của viên đá lại nằm ở khả năng cảm nhận của từng người. Không những thế, chỉ cần thay đổi hướng nắng, không gian trưng bày là thay đổi cả "linh hồn" của đá. Ông Quý triết lý hơn, rằng việc ngắm nhìn vật phẩm tìm được trên những nẻo đường rong ruổi khiến ông thấy lòng bình an.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đá cảnh màu (hay còn gọi là đá tự nhiên) ở Nha Trang rất đẹp, hơn hẳn đá thiên nhiên của Trung Quốc. Các khu vực khác ở miền Trung và Tây Nguyên cũng là nơi có rất nhiều tác phẩm đá cảnh kỳ thú.

 
Top