Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ gỗ

tranathang

Thành viên
"Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ gỗ là người xưa xếp thứ hạng thú chơi tao nhã như vậy. Nhưng tôi thì xếp thú chơi cây ngang với chơi tranh, chơi đồ cổ" -Anh Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Cty cổ phần Kiên Giang (Hải Dương) bộc bạch.

Cứ hình dung mà xem cái cây này đã sống qua bảy đời trong gia tộc một quan Thượng thư Bộ Lại họ Hồ ở kinh thành Huế. Biết bao người tâm huyết với cây từng chăm sóc nó. Linh hồn họ dường như vẫn lẩn quất đâu đây quanh gốc cây... Đứng bên cây sanh cổ 250 tuổi nổi tiếng của mình, anh Cường nói thêm.

Về cây sanh này thì tôi nghe khá nhiều chuyện. Năm 1996 anh Cường mang 200 triệu đồng đến Huế mang cây về, cha con ông già gạt nước mắt nhìn theo... Anh Cường kể giọng vẫn còn chút ngậm ngùi: “Tôi theo cây này lâu lắm rồi nhưng ông cụ không bán. Mãi dịp ấy, nhân nhà có việc chẳng thể đừng ông cụ đành nhắm mắt trao cho tôi... Thương ông cụ nhưng mà mình thì mê lắm, tặc lưỡi - mình chẳng mua thì cũng vào tay người khác...” Tôi phán con người ai chẳng có tính ích kỷ - hạnh phúc như chiếc khăn hẹp - người này kéo thì kẻ kia hở - biết làm sao được...” Anh Cường gật đầu rồi kể tiếp- Năm 2000, nhân dịp Festival, có một người ở Huế lặn lội ra trả giá cây gần hai tỷ mà tôi vẫn lắc đầu. "Thế bây giờ cây sanh này có giá bao nhiêu?"-Tôi tò mò hỏi. "Người ta đã trả tới 2,8 tỷ và có trả cao hơn bao nhiêu nữa thì tôi cũng không bán. Anh Cường trả lời chắc nịch. "Đây là cây sanh cổ đẹp nhất VN mà dân chơi cây đều công nhận. Sau nó là hai cây một ở Tỉnh uỷ Nam Định -một ở Hà Nội... Những người chơi cây như tôi trở nên thân thiết, giao hảo với nhau. Thi thoảng gạt công việc sang một bên đi thăm thú nhau, đàm đạo về cây. Đấy cũng là một cái thú...”

Cũng vì nghe danh cây sanh cổ này từ lâu nên có dịp về quê, tôi đòi bằng được cậu em đưa đến. Cậu ta cười: "Nhiều người hiếu kỳ như chị đến nhà hàng ấy vì cây. Ông Cường khôn thật - mang cây quý ra hút khách". Mà quả có thế. Ngồi chưa đầy ba mươi phút đã thấy hai đoàn khách từ xa đến xúm quanh cây sanh ngắm nghía trầm trồ. Rồi khá lâu sau dường như đã tạm thỏa mãn nỗi hiếu kỳ họ mới quay vào gọi đồ ăn. Tôi chợt nhớ lời anh Cường lúc nãy:

"Những người thích chơi cây tính khí thường điềm đạm, ôn hòa. Cây dạy cho người điều ấy. Trong cuộc sống ồn ào hối hả và căng thẳng này, nhiều người, đặc biệt là các doanh nhân tìm đến với cây để thư giãn và để học cách biết chia sẻ như cây..."

Anh Cường dẫn tôi thăm khắp vườn cây và bảo: "Dân chơi cây ngoài Bắc thường chú trọng đến tính triết lý, tính hàm ý của cây. Các thế cây như phụ tử, mẫu tử, ngũ phúc, thất hiền... được ưa chuộng. Người xưa thường thích dáng hạc, dáng long nhưlong giáng, long thăng, quần long... Trong Nam thường thích Bonsai... Gần đây xu hướng là để cây tự nhiên chỉ tỉa tót cho đẹp thêm.

- Nhưng giờ đây người ta đang vào rừng lên non đào cho được cây cổ thụ mang về trang trại cho vườn nhà resort, cơ quan. Đại cảnh đang lên ngôi.

Anh Cường lắc đầu: "Chỗ những cây ấy phải ở giữa thiên nhiên, ở rừng đại ngàn. Làm thế có khác nào nhốt chúa sơn lâm vào cũi..."

Tôi nhớ đến những cây đại thụ bị đào bới, bứng ra khỏi rừng sâu mang về, đứng chơ vơ cô đơn trong vườn nhà... Chợt thấy lòng se lại.

Anh Cường bảo: "Chơi cũng phải chọn cái tinh túy. Cốt là ở cái hồn. Một khoảng không gian, một dáng cây, màu xanh của lá và cảm giác hòa hợp với thiên nhiên... Bấy nhiêu là đủ...”.

Nói thế nhưng tôi biết anh Cường tự hào lắm với cây sanh cổ và vườn cây cảnh phong phú của mình. Dù Cty anh làm ăn khá phát đạt giữa vùng lúa Gia Lộc (Hải Dương) với việc kinh doanh hàng nghìn tấn lúa giống và cả nhà hàng... Nhưng người ta chỉ nhắc đến tên anh cùng với cây sanh cổ.

Thế cũng đủ biết - Cái thú chơi tao nhã của anh nổi tiếng đến thế nào.
 
Top