Mùa sửa cây

trungduart

Administrator
- Để có một chậu cây cảnh đẹp, đạt được cả 3 tiêu chí “Cổ - Kỳ - Mỹ” ngoài những điều kiện cần có như: Thời gian, tính kiên trì bền bỉ, con mắt nghệ thuật, bàn tay khéo léo... người làm nghề sinh vật cảnh (SVC) còn phải nắm vững các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, cắt sửa, tạo dáng cây cảnh theo thời điểm thích hợp thì mới có được những cây cảnh đẹp như ý.

Gần 20 năm làm cây cảnh, tôi thấy trong năm có hai thời điểm mùa xuân và mùa thu là thích hợp nhất cho việc đánh chuyển, thay chậu, cắt sửa, uốn nắn, tạo dáng cho cây cảnh.

Mùa xuân, tiết trời ấm áp lại có mưa nên muôn vật sinh sôi phát triển, cây cối đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa, kết trái. Đây là mùa rất thích hợp để người làm cây cảnh tiến hành những “động tác mạnh” để sửa cây có thân hình, dáng thế theo ý muốn như: Đào cây lên để cắt sửa, điều chỉnh, sắp xếp lại bộ rễ rồi trồng lại, cho ôm đá, hoặc cắt bỏ toàn bộ cành tán, làm lại cành tán mới theo sở thích, hay uốn thân, cắt truyền, chuyển cành lên làm ngọn mới tạo cho cây có dáng “gốc bồ ngọn chỉ”, đục khoét, sẻ rãnh tạo các vết sẹo trên thân cây... Sau khi làm xong từng cây tiến hành bón phân bổ sung, tưới nước giữ độ ẩm và theo dõi khi cây nẩy lộc có biện pháp phòng trừ sâu hại kịp thời. Mầm lộc phát triển dài độ 10 phân, ta chỉ để lại những mầm ở đúng vị trí, còn những mầm khác cắt bỏ để những mầm còn lại phát triển nhanh, chóng mập. Chờ cho cành nhánh phát triển to bằng chiếc đũa con, ta dùng dây thép vừa phải (loại có bọc nhựa càng tốt) để làm các thao tác kỹ thuật tạo dáng thân cành theo ý muốn. Đối với những cây cành tán phát triển mạnh như sung, sanh, lộc vừng... chỉ sau hai tháng là phải gỡ bỏ dây thép ra, để lâu vỏ cây sẽ bao kín dây thép, gỡ ra vỏ cây sẽ bị rách nát làm tổn thương đến thân cành. Những cây này không cắt sửa trong mùa hè, chỉ buộc vít giữ cho dáng thế ở vị trí cố định còn cành tán cho phát triển sum suê để giữ độ ẩm cho bộ rễ phát triển, che chắn thân cây tránh nắng nóng chiếu trực tiếp vào làm cháy xám vỏ, mất vẻ đẹp, sức sống của cây.

Nếu như mùa xuân là mùa dùng những “động tác mạnh” để cho cây có dáng thế ổn định, trường tồn mãi mãi thì mùa thu là mùa chỉ nên dùng những “động tác nhẹ” như: Chăm sóc, tưới bón bổ sung phân cho cây, gỡ bỏ dây thép quấn, cắt bỏ các dây co, vít thân cành, cắt sửa, thay lá mới cho cành tán, tạo cho cây luôn giữ được mầu xanh tươi tắn suốt mùa đông và ra hoa kết trái vào dịp đón Tết mừng xuân.

Để sửa được một cây đẹp như trên, động tác đầu tiên của ta là tiến hành cắt hoặc tuốt bỏ toàn bộ lá, búp ngọn rồi dùng con mắt thẩm mỹ quan sát, quyết định dùng kéo, cưa con cắt bỏ những cành, nhánh thừa, giữ lại những cành tán ổn định cả về bốn phía. Cành tán phía dưới để to, rộng hơn cành tán trên. Điều chỉnh làm sao để khi nhìn vào tổng thể toàn cây có tán là một hình ô-tháp. Sau khi cắt sửa tán cành xong ta lại có thể dùng dây thép nhỏ để uốn nắn các chi nhỏ trên thân cành cho xòe ra ba phía (trên và hai bên) theo hình mâm xôi, nhài quạt. Sau khi cắt sửa xong tiến hành đào, moi bỏ bớt đất quanh gốc bón phân bổ sung và thường xuyên tưới nước giữ độ ẩm cho cây phát triển. Những ngày còn nắng rát nhất là vào những ngày “tháng tám nắng rám trái bưởi” cần che đậy phần thân cành phơi lộ ra về hướng Tây để tránh nắng rát làm cháy vỏ cây. Làm như vậy chỉ sau một tháng đối với cây phát dục mạnh như: Sanh, sung, lộc vừng là tán lá đã mọc kín thân cành, các cây khác cũng chỉ sau chậm nhất hai tháng là tán cành cũng sẽ lên lộc đều. Trước Tết nửa tháng ta chỉ cần sửa qua, cắt bỏ những mầm ngọn rườm rà là có cây chơi Tết đẹp theo ý muốn.

Sửa cây vào mùa thu để chuẩn bị phục vụ chơi Tết, công việc tuy nhẹ nhàng nhưng cũng khá bộn bề, tất bật. Người sửa cây không những phải có tính cần cù, chịu khó, chu đáo, tỉ mỉ, kỳ công mà còn phải có con mắt nghệ thuật, bàn tay khéo léo mới tạo ra được một cây trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa thẩm mỹ.

Hiện nay nghề làm cây cảnh đã phát triển sâu rộng trên cả nước, những nơi có tổ chức hội, đã có tổ kỹ thuật chuyên đi sửa cây cho hội. Từ tổ chức này đã xuất hiện nhiều “bàn tay vàng” trong tạo dáng thế cây cảnh, nhiều người đã đạt tiêu chuẩn được Trung ương Hội công nhận nghệ nhân SVC. Trong ngành SVC, ngoài các nghề như nghề chuyên đi làm non bộ, ươm cây giống, đi bán cây rong, làm dịch vụ hoa... còn xuất hiện nghề mới là nghề chuyên đi sửa, tạo dáng cây cảnh. Đây là nghề không phải ai cũng làm được. Ngoài trình độ kiến thức về SVC còn phải có tính bền bỉ, kiên trì, óc thẩm mỹ, bàn tay kỹ thuật, tài hoa, khéo léo... mới tạo ra được những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật để đời.

Nguyễn Văn Ngọ
 

X.style

Thành viên tích cực
bài viết của anh rất bổ ích cho những người mới tập chơi còn non kinh nghiệm. xin cảm ơn!
 

Gì Nhỉ

Thành viên
Bài viết của anh Dũng rất bổ ích cho người mới như em. Cảm ơn anh nhiều!
 

MY LIEN

Thành viên mới
cám ơn bác ngọ đã chỉ cho các đệ thời điểm uốn sửa cây, cảmơn nhiều...?
 

thanhluong

Thành viên
Bài viết của bác rất bổ ích cho người mới chơi như mình. Tiện đây bác cho hỏi cây trồng trong chậu nuôi tay cành thì thay chậu vào thời điểm nào là thích hợp và thời gian giữa các lần cần bao lâu. Thanks
 

bigbabol

Moderator
Bài viết của bác rất bổ ích cho người mới chơi như mình. Tiện đây bác cho hỏi cây trồng trong chậu nuôi tay cành thì thay chậu vào thời điểm nào là thích hợp và thời gian giữa các lần cần bao lâu. Thanks
thay chậu vào thời điểm cây tăng trưởng, tức là mùa xuân là tốt
thay chậu như bạn nói chắc là thay chất trồng, chất trồng được thay khi cây của bạn có dấu hiệu chậm phát triển và rễ trong chậu quá nhiều, đây cũng là dấu hiệu trả lời câu hỏi thời gian mỗi lần cách nhau là bao lâu.
 

motniendamme

Thành viên mới
bác cho em hỏi mùa thu và mùa xuân thường dao động từ tháng mấy đến tháng mấy, em mới tập tành chơi được vài năm nên kinh nghiệm còn ít rất mong các bác chỉ dẫn thêm. Bài viết của bác rất bổ ích cảm ơn bác
 

hungntem

Thành viên tích cực
Nên nhớ rằng miền Bắc và miền Nam của nước ta có khí hậu khác nhau. Vì thế cách chuyển cây cũng như thời điểm tạo dáng cho cây cũng khác nhau. Với cây nhỏ thì uốn nắn hay can thiệp dễ hơn cây lớn. Với cây lớn muốn vít cành hay uốn nắn (miền bắc) tốt nhất là vào mùa nào không có nước (cuối đông), vì như vậy cây sẽ ko dòn. Chú ý khi làm xong cẩn thận thì vặt hết lá đi cho khoẻ cây.
 
Top