Làng "phôi" cây cảnh

tranathang

Thành viên
Thì ra nghề làm cây cảnh bây giờ đã khác hẳn trước. Chúng tôi phát hiện ra điều đó khi "du lịch" một vòng trong làng Cồn Tròn thuộc xã Hải Hòa (Hải Hậu, Nam Định).

Thay vì chủ nhân của mỗi cây cảnh phải gây dựng từ đầu: Ươm cây, vào chậu, uốn, tỉa, tạo thế... nghĩa là từ A đến Z. Để tạo được một cây thế, có khi mất cả chục năm trời như trước thì bây giờ, cái công việc đầy tính nghệ thuật này đã được "dịch vụ hóa", tức là được chia thành nhiều công đoạn khác nhau, do từng người một đảm nhiệm. Hải Hòa là nơi chuyên bán các "phôi" cây cảnh cho các nhà tạo cây thế không chỉ ở Định mà còn bán ra cả tỉnh ngoài... Tuy là một trong những xã nằm ven biển Hải Hậu, giáp với Thịnh Long, Hải Triều, Hải Lý... nhưng thay vì đi biển hay làm muối như các xã trên thì dân Hải Hòa mấy năm nay lại chuyển sang làm phôi cây cảnh nhiều hơn. Và nghề này xem ra có phần lại ổn định hơn nghề biển.

Nghề làm phôi cây cảnh ở Hải Hòa bắt đầu từ khi nào, nó được hình thành ra sao? Anh Nguyễn Văn Bảo, chủ nhân của hơn một trăm phôi cây cảnh đủ loại : Sung, si, la hán, sanh, lộc vừng... cho biết: - Việc trồng phôi cây cảnh để bán, tôi không nhớ chính xác là năm nào, nhưng chắc chắn là không lâu, cũng chỉ trên dưới chục năm nay nó mới phát triển mạnh. Lúc đầu, một số người thích cây cảnh nhưng cũng chẳng chuyên chú gì. Kiếm được một vài cây, thấy hay mắt thì trồng góc vườn, cạnh thềm để thưởng ngoạn theo kiểu rất dân dã, chẳng cho vào chậu, cũng chẳng ai biết uốn hay tỉa thành thế cả, cứ để chúng mọc tự nhiên. Thế rồi một số cây "lọt mắt xanh" những nhà tạo cây thế chuyên nghiệp. Bằng con mắt nghề nghiệp của mình, họ nhìn thấy từ những cái cây trồng tự nhiên ấy có thể tạo những cây thế rất giá trị, họ bèn hỏi mua. Thấy bán được giá, một cái cây trồng lay lắt góc vườn hay bên thềm, chỉ vài năm mà có giá bằng cả tạ thóc, người ta mới... giật mình... Bây giờ thì cả làng, cả xã trồng cây phôi, có nhà ký được hợp đồng với những chủ cây cảnh lớn ở Nam Điền, ở Vị Khê, cứ đến kỳ hạn là chủ cây đánh ô tô đến đào, chở đi...

Hải Hòa bây giờ có hàng trăm vườn phôi cây cảnh như vậy. Hầu như cả làng không còn chỗ đất nào trống. Ngoài vườn, người ta còn tôn cả ruộng lên để trồng phôi cây nữa. Hàng ngày, không ít người làng tỏa đi khắp nơi lùng cây. Thường là họ mua được với giá rất rẻ. Nhớ có lần về chơi nhà người bạn ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc, Nam Định), chúng tôi thấy bên đống rơm nhà anh có một gốc lộc vừng to hơn bắp đùi người lớn, cao khoảng trên một mét, cành lá rườm rà. Bà mẹ cho biết, cái cây đó không biết mọc từ bao giờ ở bờ ao, đang định nhờ anh con trai chặt đi, phơi nỏ làm củi đun thì có người đến hỏi mua, trả ba mươi ngàn. Bà mừng quá bán luôn. Họ đã đào lên nhưng hẹn hôm sau mới đến chở. Cây lộc vừng có dáng khá đẹp, chỉ hơi thấp so với cây lộc vừng của ông Cảnh Hưng chuyên cây cảnh, hòn non bộ ở thị xã Phủ Lý (Hà ) nhưng gốc thì to hơn. Cây lộc vừng cao khoảng hơn 2 mét, trồng trong chậu lớn màu chu sa đó, cách đây mấy năm đã được ông Cảnh Hưng bán cho một công ty ở Hải Phòng với giá... 11 triệu đồng. Cây lộc vừng nhà bạn tôi, vào tay một nhà trồng phôi cây cảnh ở Hải Hòa, rồi từ Hải Hòa đến một chủ cây cảnh ở Điền hay Vị Khê chẳng hạn, có khi tiền triệu chưa biết chừng. Và qua bàn tay ghép, uốn, tạo thế của những nhà tạo cây thế chuyên nghiệp kia, không biết nó sẽ thành bao nhiêu triệu... Ông thông gia nhà anh ruột tôi ở Thái Mỹ (Thái Thụy, Thái Bình) bán 3 cây sanh mọc trong bờ giậu cho một người mua cây chỉ với giá một trăm rưởi ngàn. Đến khi có người mách rằng ba cây sanh đó có thế rất đẹp, biết nơi bán có thể được gấp hàng chục lần, thì người ta đã mang cây đi rồi...

Nghề trồng phôi cây cảnh, tuy vậy, cũng không phải dễ, tốn không ít công phu. Giá của một cây phôi, tùy theo loại cây, tùy độ lớn hay mức độ đẹp xấu, có giá từ vài trăm ngàn đến dăm trăm ngàn. Cá biệt có cây có giá cả triệu. Để có một vườn cây phôi đẹp, hàng chạy, thường người làm phôi cũng phải có "con mắt nghề nghiệp", tức là phải am tường các thế cây không kém bao nhiêu so với một nhà tạo cây thế chuyên nghiệp. Nhìn một cái cây, dù là cây mọc hoang hay ở bờ giậu, bờ ao nhà người, cũng phải biết được cây có thế gì, hay cây đó dễ uốn, ghép được thành thế gì. Mua được cây rồi, về trồng trong vườn, cũng phải biết tùy từng loại cây mà "thúc" cho cây lớn nhanh hay "hãm" cho cây chậm lại. Với các loại sanh, si, sung... cây lớn quá rất khó bán. Trái lại một số loài khác như lộc vừng, đa... cây nhỏ quá không chạy. Với cây cằn quá, phải chăm cho lá cành mỡ màng lên. Trái lại một cây vổng quá, cần có nghệ thuật làm cho cây săn chắc lại. Gốc cây nhỏ, nhẵn, phải làm cho gốc phát triển to, xù xì ra, thúc cho mầm cây mọc lên từ gốc. Với một số cây khác, ngoài thân chính còn phải biết cách tạo thân phụ.

Anh Bảo kể có lần mua được một cây sung khá đẹp. Trồng trong vườn được hơn năm, anh đã định bán lấy ba trăm ngàn. Nhưng khi khách chuẩn bị đào, anh chợt phát hiện da ở gốc cây như vừa nhô lên một chút. Thế là anh không bán nữa, để lại chăm sóc tiếp. Quả nhiên mấy ngày sau từ hai chỗ nhú lên như hai cái đầu đinh ấy nẩy ra hai cái mầm. Anh mừng lắm, ra sức chăm chút cho đôi mầm ấy, vì anh biết với hai cái mầm đó, người tạo thế có thể biến cây sung đơn thành một cây sung "phụ tử". Gần một năm sau, cây sung phôi của anh có giá gấp đôi... Cơn bão số 7 năm 2005, Hải Hòa là một trong những xã bị nước mặn tràn vào, một số vườn cây phôi bị tàn phá, nhưng chỉ mấy tháng sau, màu xanh đã lại phủ kín những vườn đó, và mỗi ngày, hàng chục xe công nông, xe tải nhỏ chở đầy cây lại từ đây chạy đến hàng chục địa phương khác, chứng tỏ người dân ở đây đã đầu tư vào chúng thế nào. Bởi chúng đang trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm gia đình. Với một vài sào vườn trồng cây phôi, làm tốt ra mỗi năm có thể thu được vài ba chục triệu đồng, mà tính ra, còn nhàn hơn trồng lúa hay đi biển rất nhiều.

 
Top