Hãy đọc và suy ngẫm về cái tôi trong mỗi con người

bonsaichono

Thành viên
Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Tự điển Thesaurus định nghĩa về cái tôi (hay ngã kiến - egoismism/the selfness) là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác.
Cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian trong quá trình sống của con người... Khi còn nhỏ người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào nhận thức về chính mình, nói cách khác, cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương hay bị chạm tự ái như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách. Trẻ em thường quên rất mau và ít khi “để bụng” những chuyện buồn phiền. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm tự ái.
Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh: (1) Tích cực: sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân; (2) Tiêu cực: sự nhận định sai về những giá trị, nhân phẩm của mình đưa đến sự tự ti hay tự tôn.
Ở đây không bàn đến trường hợp của một người hay nhún nhường hoặc thường khoe khoang vì lý do nào đó trong giao tiếp xã hội. Nếu một người không nhìn thấy được giá trị của chính mình sẽ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương. “Mình thật chẳng làm nên trò trống gì là vô tích sự”, “Tôi thật là xấu xí, “Chẳng ai ưa tôi cả”… đó là một số những suy nghĩ thường có của một số những người luôn hoài nghi về giá trị thực sự của mình.
Khi bị chìm đắm trong sự tự ti, mặc cảm, người ta thường suy diễn, so sánh mọi thứ, mọi việc để cuối cùng tự cho mình là kẻ thua cuộc dẫn đến thái độ bi quan hoặc chán ghét mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là có ác cảm với những người mà họ cho là ba hoa, phô trương và kiêu ngạo... Không hài lòng với chính mình, ta cũng chẳng vui vẻ, cởi mở với ai. Tự ti có xu hướng sinh ra tự tôn. Khi bị đè nén, cái tôi bị bóp méo và khi chính chủ nhân thổi phồng nó lên (sau khi đã đè nén nó), thì cái tôi đó nó lại là sản phẩm của trạng thái tâm lý không tự chủ và giả tạo.
Tôi rất tâm đắc với một câu chuyện kể về Đức Đạt Lai Lạt Ma, người có một quan điểm đơn giản nhưng rất thiết thực về cách làm sao để tìm thấy sự tự tin cho mình. Khi được hỏi: làm sao Ngài có thể tự tin thuyết giảng trước đám đông hàng ngàn người, hoặc không e dè ngại ngần khi bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ? Ngài trả lời: “Hãy thành thật với chính mình”.
Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực có của chính mình sẽ giúp chúng ta mạnh dạn hơn, cởi mở hơn với thế giới quanh ta cũng như sẵn sàng đón nhận để vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống. Qua đó, nếu bạn cảm thấy thiếu hụt về một lĩnh vực nào đó, bạn không nên mất tự tin, bởi vì bạn biết rằng bạn còn có những giá trị khác. Cũng giống như một đứa bé gái khi bị trêu chọc là sún răng, nó liền hỏi lại: “Còn đôi mắt con thì sao?”. Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được nhìn nhận ưu điểm này của nó. Nó làm điều đó một cách tự nhiên, chân thành, không mặc cảm, không sợ bị đánh giá. Nếu “chịu khó” và chân thành (nghĩa là công bằng với chính mình) trong cuộc tìm kiếm, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy những giá trị riêng của chính mình.
Thế thì một người phụ nữ nội trợ sẽ không thấy mất tự tin vì nghĩ rằng mình không tạo ra đuợc thu nhập và có vị trí xã hội như những người khác. Là một người vợ và một người mẹ tốt, giá trị của họ vô cùng to lớn đối với gia đình của họ và do đó họ tất nhiên là những người rất cần thiết trong xã hội. Một người không có diện mạo xinh đẹp vẫn có thể gây thiện cảm với mọi người xung quanh họ nếu người ấy thân thiện và vui tính.
Không những chỉ dừng lại ở việc tìm thấy và trân trọng những giá trị sẵn có của mình, con người còn có thể phát triển thêm những giá trị mới cho chính mình. Điều này cũng tương tự như việc các công ty trong quá trình phát triển giá trị thương hiệu đã không ngừng phát triển những dịch vụ cộng thêm (value adding service) cho khách hàng của mình. Ví dụ như các đại lý bán vé máy bay phát triển thêm dịch vụ giao vé tận nhà, hướng dẫn lộ trình bay, tư vấn cách chọn chuyến bay…
Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai cũng có thể tạo thêm giá trị cho “thương hiệu” của chính mình bằng những việc làm đơn giản nhưng thiết thực, ví dụ như thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh, sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người, xây dựng những mối quan hệ tốt với người thân, bạn bè… Mọi nỗ lực dù nhỏ nhoi nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể.
Khi tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho “cái tôi” của mình đẹp hơn, người ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và tìm thấy cũng như tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể “là chính mình” và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về “cái tôi” của họ, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.
Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng lại thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại… vì hình như cái tôi lại thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài. Cho nên căn bệnh “cái tôi quá to” cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp trầm kha thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội.
Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế nếu khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các “sếp” có thể xem đó là “không thể chấp nhận được”. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình. Mà đã là tù nhân thì làm sao có hạnh phúc?
Vậy làm sao cởi bỏ được cái gánh nặng cái tôi đó ra? Làm thế nào để kiểm soát được trạng thái tâm lý tự ti mặc cảm, hay ngược lại, tâm lý tự cao tự đại của mình? Làm sao để có thể vượt ra khỏi cái tôi tiêu cực, cái bản ngã nghiệp chướng của chính mình để có thể là một người tự do, được sống hồn nhiên yêu đời và hạnh phúc?
Khi chê ai đó có cái tôi quá lớn, người ta thường nói “cái tôi của hắn to bằng quả núi”, hoặc “anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ”, là “trung tâm của thế giới”… Như vậy, vô hình trung, chúng ta đã thừa nhận mình chỉ là những cá thể rất nhỏ trong một vũ trụ rộng lớn. So với vũ trụ và thế giới chung quanh, quả thật mỗi cá nhân chúng ta chỉ là những hạt nhân nhỏ bé. Những hạt nhân này khi di chuyển va đụng vào nhau, giao tiếp, hỗ tương với nhau, sau đó lại di chuyển tiếp trong quỹ đạo của riêng mình trong vũ trụ.
Đã không phải là vũ trụ mà chỉ là “cái rốn” của vũ trụ, thì tại sao lại dám xem mình là cả vũ trụ? Bên cạnh đó, mỗi cá nhân là một thực thể tồn tại, phát triển, sinh ra và mất đi, có sự hình thành và cấu tạo rất riêng biệt, với những giá trị nhất định riêng trong thế giới này. Mỗi hạt nhân tuy nhỏ bé nhưng đều có một chỗ đứng nhất định trong mối tương quan với vũ trụ và các hạt nhân khác, và không tồn tại vĩnh viễn trong một thực thể nhất định.
Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
Nguồn: TƯỜNG NHI - Tạp chí Văn hóa Phật giáo
XIN CẢM ƠN CÁC ACE ĐÃ XEM BÀI .
 

GioNui

Moderator
Hưởng ứng với chủ topic bằng 1 bài học xuất sắc về việc dẹp bớt cái tôi qua một bên để nhìn lại điểm yếu của chính mình, không đổ lỗi cho người khác. Trích từ VNExpress, cho những ai chưa đọc, nếu đã đọc rồi thì cũng nên đọc lại.

Bài học 100 triệu USD của cựu giám đốc Facebook

Noah Kagan từng coi Facebook là cả cuộc sống của mình nên khi bị sa thải, vị cựu giám đốc sản phẩm này đã mất một năm mới vượt qua được sự suy sụp.

Ngày 29/9, Kagan (hiện là nhà sáng lập AppSumo) quyết định đối diện với sự thật khi đăng bài "Vì sao tôi bị đuổi việc" (vào năm 2006) trên blog của ông, chia sẻ những sai lầm đã khiến ông đánh mất cơ hội kiếm được khoản tiền 100 triệu USD.

Kagan gia nhập Facebook vào năm 2005, chỉ khoảng một năm sau khi Mark Zuckerberg thành lập công ty tại khu ký túc Đại học Harvard (Mỹ). 8 tháng sau, khi Facebook từ một công ty nhỏ bé với khoảng 30 người trở thành hiện tượng trên toàn cầu với 150 nhân viên thì Kagan bị "tống ra đường".

Ông nhận ra khi mạng xã hội này phát triển, họ cần những người với kỹ năng khác nhau nhưng cả kỹ năng và thái độ của ông đều không phù hợp. Đây là điều mà bất cứ ai làm trong công ty mới thành lập và sau đó phát triển nhanh chóng cũng phải đối mặt, nên Kagan muốn chia sẻ kinh nghiệm "đau thương" của ông cho những người đó:



Noah Kagan.

"Tôi sẽ kể cho các bạn về cái ngày tôi bị sa thải. Tôi đang nghĩ tới việc uống cafe với sếp thì thấy Matt Cohler (khi đó là Phó chủ tịch Facebook) ngồi ở bàn bên trong. Tôi biết ngay có chuyện gì đó không ổn. Matt thông báo rất nhanh còn tôi thì chết đứng khi nghe những lời đó. Họ đưa tôi trở lại văn phòng và lấy laptop, điện thoại của tôi. Tôi tới cửa hàng Verizon để sử dụng nhờ điện thoại, gọi cho bạn gái và về căn hộ tôi đang ở cùng với 6 thành viên Facebook khác.

Tôi dọn đồ, ra ban công hút hết nửa bao thuốc rồi lái xe tới ở tạm nhà một người bạn. Đêm ấy chúng tôi có một bữa tiệc BBQ và ai cũng hỏi công việc dạo này thế nào. Tôi uống say mèm và cầu nguyện đây chỉ là cơn ác mộng. Thời điểm đó, thứ tự những thứ quan trọng với cuộc đời tôi là:

1. Facebook
2. Bản thân tôi
3. Thức ăn/Chỗ ở
4. Bạn gái
5. Gia đình
6. Bạn bè

Nói cách khác, Facebook chính là toàn bộ cuộc sống của tôi. Các mối quan hệ, công việc, bạn bè... và mọi thứ khác đều gắn chặt với công ty. Vậy mà lại kết thúc như thế. Tệ hơn, tôi vừa được lên chức và tăng lương mới 2 tháng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bị sa thải và tôi đã mất cả năm để vượt qua cú sốc này.

Nhưng cuối cùng tôi cũng hiểu Facebook quyết định đúng khi để tôi đi. Khi bạn tuyển dụng, luôn có ba kiểu nhân viên:

1. Người phát triển: Người gia nhập khi công ty mới ở quy mô nhỏ và có thể phát triển kỹ năng để thích nghi với sự thay đổi khác nhau của công ty.

2. Người thể hiện: Người có thể rất phù hợp với công ty ở giai đoạn hiện tại nhưng không còn phù hợp khi có thay đổi.

3. Người từng trải: Họ có kinh nghiệm trước đây và biết cách hướng dẫn bạn áp dụng điều tương tự ở công ty mới.

Tôi thuộc kiểu người thứ hai. Tôi xử lý rất tốt các vấn đề của công ty ở quy mô 30 người. Tôi sẽ quyết định mọi công việc và đơn giản tới bàn của Mark Zuckerberg để xin chấp thuận. Nhưng khi mở rộng lên 150 người, mọi quyết định phải thông qua các cuộc họp và phải đặt lịch hẹn với Mark qua thư ký.

Tôi cảm thấy khó chịu với điều này và luôn nghĩ về cách làm việc trong quá khứ. Nó giống như khi nhớ về những kỷ niệm đẹp với người yêu cũ mỗi khi bạn gặp rắc rối, bực bội với cuộc sống hiện tại.

Có ba lý do khiến tôi bị sa thải:

Sự ích kỷ: Tôi muốn thu hút sự chú ý nên đã đặt bản thân trước Facebook. Tôi tổ chức các sự kiện tại văn phòng, chia sẻ thông tin lên blog và sử dụng thương hiệu công ty nhiều hơn là tôi có thể đóng góp cho nó. Giờ tôi nhận ra cách tốt nhất để nổi tiếng là tạo những sản phẩm tuyệt vời, không phải bằng việc viết blog, lập hội nhóm...

Marketing: Chúng tôi chuẩn bị giới thiệu một tính năng mới nhưng đội tiếp thị quyết định không làm gì. Do đó, vào đêm trước khi sự kiện diễn ra, tôi gửi e-mail cho trang TechCrunch để họ đăng điều này vào buổi sáng. Nhưng họ lại đưa tin ngay trong đêm khi sản phẩm chưa thực sự được công bố. Tôi không nghĩ mình sai vì đội marketing đã không làm gì để quảng bá tính năng mới. Nhưng đáng lẽ tôi nên tham gia, góp ý cùng với họ chứ không chỉ đứng bên ngoài và tự quyết định.

Kỹ năng: Bạn cần biết điểm yếu của mình trong công việc. Tôi không giỏi lên kế hoạch hay quản lý sản phẩm vào thời điểm đó. Giải pháp là cải thiện hoặc xin chuyển sang vị trí khác. Thường xuyên hỏi bản thân rằng liệu bạn có thể làm gì để tăng giá trị cho công ty. Nếu thực hiện điều đó, bạn sẽ không bao giờ bị sa thải (trừ khi mắc lỗi ngớ ngẩn hoặc công ty bị phá sản).

Ai cũng có thể bị thay thế và bạn không phải người đặc biệt đến mức công ty không tìm được người tốt hơn để thế chỗ bạn. Tất cả những điều trên khiến tôi mất việc. Thật may mắn tôi hài lòng với những gì mình đang có và những kinh nghiệm tôi có được khi không còn làm ở Facebook".

Châu An
 

bonsaichono

Thành viên
Cái Tôi chính là cá tính riêng của từng người. Nói cách khác, nó là những tính cách mà mỗi người muốn khẳng định trước mọi người xung quanh, khi không muốn mình bị vô hình, không muốn mình bị mờ nhạt. Mỗi người đều có Cái Tôi riêng, không ai giống ai. Từ đó hình thành nên tính cách cá nhân rất khác nhau dù chúng ta cùng sống trong cùng một xã hội.
Theo đúng nghĩa của nó, Cái Tôi không có gì là xấu, miễn sao mỗi người biết điều chỉnh nó cho phù hợp với những thứ có liên quan đến cuộc sống của mình. Cái Tôi không những tốt mà còn rất tốt. Nó là nguyên nhân và cũng là lý do cho sự tồn tại của mỗi con người. Nếu không có nó, không những bạn mà ngay cả tôi sẽ rơi vào sự hoang mang trong suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình.
Tuy nhiên, chúng ta thường nghe đến cụm từ “Cái Tôi cao” với những cái lắc đầu rất hay gặp: “Cái tôi của nó quá lớn!”. Người có Cái Tôi quá lớn sẽ tự nghĩ mình là số 1, không ai quan trọng hơn mình, xem thường người khác, dần dần trở nên "láo" , hống hách, không còn biết quan tâm đến giá trị của ai bên cạnh.
Nhưng chúng ta thường không nhận ra được “Cái Tôi cao” ở bản thân mình. Bởi:
- Chúng ta chỉ công nhận, lắng nghe, thấy vui khi được người khác nói về những cái tốt, thế mạnh của mình. Nhưng chúng ta lơ là, không suy nghĩ, thậm chí đôi khi là khó chịu khi nghe thấy những điểm yếu, khuyết điểm của mình.
- Chúng ta chỉ nhìn thấy những cái mình có mà không biết đến những gì mình chưa có. Nói cách khác là tự thỏa mãn với chính mình.
- Chúng ta luôn nhìn thấy kết quả mọi thứ mình làm tốt hơn người khác, không ai bằng mình.
- Chúng ta luôn nhìn thấy mọi thứ của mình là tốt nhất, và không ai có những thứ ấy tốt hơn mình.
- Chúng ta không thể lắng nghe được những điều người khác nói và suy ngẫm về nó.
- Chúng ta không sẵn sàng chấp nhận (đón nhận) sự thay đổi, ngay cả khi biết nó đúng.
- Chúng ta không sẵn sàng nghiên cứu, học hỏi. Sự học hỏi ở đây, không chỉ là học hỏi kiến thức có liên quan đến công việc chuyên môn, mà là nhìn và học hỏi ở những người xung quanh, với những điều bản thân mình chưa có, không có.
Và có một điều rất quan trọng trong “Cái Tôi cao”, đó là chúng ta coi trọng giá trị bản thân mình hơn giá trị của người khác. Bạn nghĩ rằng, khi bạn ăn mặc lịch sự, bước vào những nhà hàng sang trọng, làm việc trong một công ty danh tiếng, chuyên nghiệp, là bạn “hơn” một người nào đó, làm công việc chân tay, là “cu li”, bốc vác ở vỉa hè? Nếu có suy nghĩ vậy, tất cả mọi thứ bạn đang có đều là vô giá trị. Bởi, mỗi con người ở cuộc sống này, đều có một vị trí để sống. Vị trí nào cũng cần thiết, quan trọng, có giá trị riêng. Còn mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nếu như bạn chỉ nhìn thấy giá trị của bản thân mình mà không nhìn thấy được giá trị của những xung quanh, bạn sẽ không thể bước được bất cứ đâu.
Đơn giản vì cuộc sống là ba phần ghép lại: Tôi – Người khác – Chúng ta. Cái Tôi của bạn chỉ là một phần nhỏ. Và nó sẽ luôn bị Người khác – Chúng ta đè bẹp, dập tắt. Khi đó Cái Tôi chính là sự thất bại của cuộc đời mỗi người.
Có một cách hiểu vui khác mà tôi đã nói với bạn bè của mình. Khi Cái Tôi sẽ lớn thì nó sẽ Nặng hơn. Mà Tôi + Nặng = "Tội”. Vậy nên đừng bao giờ cho nó lớn. Bởi nó sẽ là một cái “tội” mang tên chính bạn.
 
Top