Bẫy Họa Mi - Hoài niệm xót xa!

helmet

Thành viên tích cực
Nguồn: internet
Đọc bài này mình thấy hay và nhiều cảm xúc. Nay up lại chia sẻ cùng mọi người.
Xin phép tác giả bài viết


Bẫy Họa Mi - Hoài niệm xót xa!

Tôi là một thành viên mới của diễn đàn, chơi Họa Mi đã lâu và có thể nói là nghiện rất sâu, nó ngấm vào máu, với anh em trên diễn đàn tôi chưa biết mặt một ai, hi vọng có điều kiện để giao lưu và học hỏi cùng anh em. Với những trải nghiệm của mình, tôi xin đóng góp một vài câu chuyện có thể chỉ là tầm phào nhưng cũng có thể chúng ta cùng chung tay bảo tồn loài chim anh hùng này?!
1. Con đường bị bỏ bùa:
Tôi sinh ra ở một vùng quê trung du nghèo của tỉnh Phú Thọ, quê tôi chỉ có chè và sắn là nhiều, cũng như các bạn, tuổi thơ trải theo tiếng cười của những buổi tắm sông, đá bóng, thả bò. Nhưng có lẽ tôi hơn một số bạn bởi tôi có điều kiện được trực tiếp đi bẫy Họa Mi, được trải nghiệm tiếng hót hùng tráng của Họa Mi lúc giao tranh với chim mồi, tiếng bi thương của con chim mái bị mất trống, tiếng kêu thảng thốt, hốt hoảng của con chim mồi khi gặp phải con chim đánh quá khôn, tiếng hoảng loạn của chim rừng lúc sập bẫy…Tất cả những âm thanh sống động đó cuốn hút, làm say mê và cũng làm tôi thấy xót xa khi nhớ lại.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1997-1998 gì đó tôi bắt đầu biết chơi Họa Mi, thật là tình cờ và cũng như là duyên số. Hôm đó, sau nửa buổi chiều tắm sông mệt nhoài, tôi lếch thếch đi tìm bò vô tình nhìn thấy một chú xách trên tay cái lồng bẫy, trong lồng con mồi hót liên mồm, thỉnh thoảng lại đưa mỏ cắn vào lớp lưới trên lồng (lúc đó tôi đã biết đó là Họa Mi vì chúng tôi thỉnh thoảng có bắt được trứng trong các bụi nứa bị cộc hoặc trong những cây chè ngoài bờ lô không được người hái). Nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới chú ý đến tiếng hót mê ly của loài chim kỳ lạ này. Hồi đó tôi cũng đã có thâm niên nuôi chim khoảng 6 năm (tôi nuôi chim từ lúc học lớp 1) nhưng toàn là nuôi chào mào non và nuôi sáo thôi, chỉ nuôi được trong mùa hè, đến mùa đông trời lạnh và hết châu chấu thì mấy chú sáo và chào mào tôi thả hết. Với một thằng trẻ con đã thích chim thì nhìn thấy con chim mồi đó thì còn gì sướng bằng. Sau một hồi bắt chuyện và tự nguyện chạy xuống một nhà ven chân đồi xin thuốc lào cho người đi bẫy tôi đã được thuật sơ sơ về cách nuôi, cách bẫy. Lúc đó với đầu óc trẻ con tôi nghĩ đây là bí quyết trời cho (sau khi tự trải nghiệm thì mời biết đó là những thứ sơ đẳng nhất của một người nuôi Họa Mi) và tôi quyết tâm sẽ phải sở hữu một con mồi.
Quê tôi thì nghèo nhưng được cái bố mẹ tôi chiều con vì tôi khá ngoan và học cũng không ngu lắm nên sau khi mổ lợn tiết kiệm và xin thêm mẹ 50k tổng cộng tôi có 120.000 K và vào một sáng chủ nhật đẹp trời với cái xe đạp Mi Ni xin của ông anh con nhà bác tôi đã đạp xe cách nhà 20km để tậu một em mi mồi. Lúc đó tiền có giá, 120.000K cũng to lắm rồi, sau nửa ngày cả đi và hỏi thăm lằng nhằng tôi cũng đến được địa chỉ cần mua. Tôi chọn một chú mà người bán chim gọi là mồi (thực ra nó là một con mồi bị tụt). Các bạn thử tưởng tượng xem một thằng nhóc lớp 7 mà cầm trên tay con chim mà mình thích thì còn có thứ gì thú vị hơn không???
Lúc đó, quê tôi chưa bán cám chim nên thức ăn cho chú chim yêu quý của tôi chỉ có gạo trộn trứng gà (không bỏ lòng trắng – trẻ con nên ngây ngô mà) và châu chấu. Trừ đi học và đi ngủ là tôi không xách theo chú nhóc đi chứ ngày nào cũng mang đi thả bò, và treo vào cành xoan để nghe hót. Con mồi này bị tụt nhưng được cái là chim đã đi bẫy rồi nên lên đồi hót rất khét và rất mau mỏ. Từng ngày từng ngày tôi sống trong vui sướng bên cạnh chú mi mà lúc đó tôi nghĩ nó là vô địch thiên hạ.
2. Chiến công đầu tiên – bài học đầu đời:
Sau khi chăm sóc chú mi yêu quý được khoảng 2 tháng thì thằng em họ con nhà chú phát hiện ra cạnh nhà nó có một đôi mi rừng và thế là kế hoạch của chúng tôi bắt đầu.
Khu vực mà đôi mi rừng ở tương đối lý tưởng nằm trong một lòng khe có ruộng, bên cạnh là những đồi sắn, nơi chúng thường đứng hót là một rừng nứa non xen lẫn cây chó đẻ và cỏ tranh lúp xúp có thể nói là thiên thời địa lợi cho chúng sinh sống.
Hai thằng trẻ con vào sáng chủ nhật hì hụi xách lồng vào lòng khe, tôi nhớ lúc đó khoảng 7h sáng cuối tháng 9 loay hoay mãi cuối cùng cũng tìm đựơc một bụi nứa cộc (do bị chặt nhiều) cao chỉ khoảng 1.5m và để lồng tơ hơ chìa ra (hai anh em chui vào một đám có tranh và nằm nín thở). Em thần Mi của tôi vừa treo đã kẹp kẹp mỏ và bắt đầu trổ giọng, những tiếng hót hùng dũng vào buổi sáng, tiếng chim hót trong lòng khe sâu nghe rất vang và có cảm giác như bị dội lại rất sướng, chỉ khoảng 2 phút sau từ rừng sắn bên cạnh đã nghe tiếng con chim rừng đáp lại và chắc chỉ mất khoảng 5 phút chúng tôi đã thấy một đôi chim tuyệt đẹp đứng bên trên ngọn nứa ở bụi nứa bên cạnh. Con chim đực lại gần hơn cách khoảng 50cm và bắt đầu hót vừa hót vừa búng cánh, con cái cứ loe xoe lại gần là con đực dồn theo, chúng cứ đuổi nhau khiến bụi nứa loạt soạt. Ban đầu con chim mồi của tôi chưa dám búng cánh mạnh nhưng chắc là cu cậu ngửi thấy hơi mái và nghe mái xùy nên cánh búng như dế và liên tiếp cắn vào nan lồng, thỉnh thoảng lại nằm bẹp xuống đáy lồng mà búng cánh.
Có thể ngôn từ của tôi không đủ sức để miêu tả cảnh hai con chim hót đấu nhau nhưng thực sự lúc đó con chim rừng hót hay khủng khiếp, luyến láy và mượt mà hơn con chim của tôi nhiều. Bất thình lình tôi chỉ nghe bụp và tiếng con chim mồi kêu lên hoảng loạn và khi định thần lại thì tôi biết con chim rừng đã lao vào đánh vào cạnh lồng làm con mồi của tôi kêu như bị bóp cổ. Sau pha đánh đó con mồi của tôi chỉ dám roẹt roẹt và tịt cả hót. Con chim rừng thì bình tĩnh cứ nhảy quanh bụi nứa vừa hót vửa búng, con mái cũng xùy liên hồi và lao đến rất gần, con chim mồi của tôi bị đôi vợ chồng chim rừng ốp cho đến tịt ngóm cứ đâm lồng liên xoành xoạch tìm đường chạy.
Hai anh em nằm trọng bụi cỏ tranh mà không dám thở, tôi thì điên tiết con mồi chỉ định lao ra vứt cả cái lồng đi cho bõ tức. Trẻ con thì cay cú nhất khi vật thân yêu của mình không dám thể hiện, để cho đôi mi rừng dọa nạt. Nhưng phải thú thật là đôi mi đó hót quá hay, cả hai con đều búng tít thò lò nhưng cứ con mái xán lại gần là con trống đuổi. Thời gian cứ lặng trôi, trong lòng tôi thì nóng như lửa đốt, đôi chim rừng không bỏ đi và cũng không đánh cứ búng cánh và hót.
Hai anh em tôi như quân thất trận và lủi thủi lên xách lồng mi, định về nhưng có lẽ tính hiếu thắng trong tôi còn nhiều và hơn nữa lại gặp được đôi mi rừng còn non nên buổi đánh chim chưa kết thúc. Lấy lồng xong, rút kinh nghiệm lần trước, hai anh em bồi dưỡng cho con mồi vài chú châu chấu non chưa mọc cánh, ngồi nghỉ khoảng 30p và quyết tâm tìm một bụi cây chó đẻ, dùng dao phát gọn ghẽ cành lá lòa xòa và nhét luôn cả lồng vào, được cái con mồi của tôi khi chim rừng đến thì kêu beng béc nhưng cứ treo lại là hót. Cu cậu vừa mở được mấy mỏ thì ở rừng sắn bên cạnh đôi chim rừng đã sang, con mái lao vào gần đến bụi chó đẻ trước con trống lao sau. Con mái xùy liên mồm và kịch bản y hệt như trước con mồi của tôi lại câm tịt và chạy lồng loạn xạ. Nhưng có lẽ số con chim đực rừng bị bắt hay sao ấy, đột nhiên con mái lao thẳng vào bụi chó đẻ, cuống cuồng con đực lao theo và tôi chỉ nghe tiếng bộp và oét oét của cả con mồi lẫn con rừng, con mái thì lủi vào bụi nứa gần đó và xùy liên hồi.
Hai anh em tôi ôm nhau lăn lộn, cười như nắc nẻ, mặc kệ gai đùm đũm cào rách cả mặt, cười như nắc nẻ…sau đó hai thằng lao lên gỡ con chim nămg gọn trong lưới ra, một thằng cởi áo và túm ống tay áo lại, thả con chim vào đó vui vẻ sách lồng về.
Đây là khởi điểm đầu tiên cho hàng chục năm ròng rã leo đồi khắp mấy tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên bẫy Họa Mi của tôi. Sau này còn nhiều chuyện thú vị, nhưng cũng có những nỗi buồn khôn xiết, những hoài niệm mà giờ đây chỉ còn là ký ức đẹp của một thời. Nếu các bạn muốn nghe có dịp tôi lại tiếp tục kể những lần ăn, ngủ trên rừng để bẫy Họa Mi.
Cách đây khoảng 3 tháng tôi nhân dịp được nghỉ phép 3 ngày tôi có xách lồng Họa Mi lên một Sơn La và đi sang một huyện của Hòa Bình nhưng 3 ngày trời ròng rã, một tiếng chim mái xùy cũng không có. Tôi thấy đau đớn và xót xa khi chúng ta tàn phá thiên nhiên một cách khủng khiếp, rồi sẽ có ngày chúng ta phải trả giá cho những hành động tàn bạo đối với thiên nhiên của chúng ta.
Tôi không thể viết tiếp được vì bận phải làm rồi, hiện nay tôi đang ghép một trống một mái để xem có thể cho ra lò được lứa họa mi nhà nào không? Hi vọng được các bạn chia sẻ kinh nghiệm và cùng giúp đỡ bảo tồn loài chim anh hùng này./.
 

Mr.ghost

Thành viên mới
anh ở vùng đồi núi có khác thích thế em ở nông chim thôn chỉ có bẫy chim sâu với bẫy chào mào rồi đi bắn chim thoi :D mà giờ cũng ít chim thật hồi nhỏ quê em nhiều cu gáy nắm mà giờ kiếm cả ngày cũng chẳng thấy con nào mà thấy tụi trẻ con tinh bẫy chim sâu trào mào mang đi bán thôi thế thì làm ì còn nhiều chim dc :((
 
Top