ĐỔI ĐỜI NHỜ CÂY CẢNH

tranathang

Thành viên
Nằm về phía Đông Nam và cách thành phố Nam Định 7 km, làng Vỵ Khê, xã Điền Xá, huyện Nam trực trước đây khi còn là một làng quê có đến 95% đất đai, lao động chuyên canh cây lúa, làm lụng quanh năm vất vả vẫn phải luôn đối mặt với cái đói, cái nghèo. Dọc theo con đê ngăn lũ sông Hồng vẵn còn đó những nẻo đất lồi lõm, cỏ hoang; nhưng đại lộ phận đất đai đã được sang lấp, mọc lên những khu vuờn xanh mượf và hàng chục loại cây cảnh được cắt tỉa, uốn hình, tạo dáng đẹp như tranh! Đình làng ngày xưa đã được trùng tu, nâng cấp trở thành hội sở sinh vật cảnh mới được khánh thành trồng khang trang, bề thế vừa giữ nét cổ kính, uy nghi nhưng cũng thật hiền hoà, gần gũi.

Điền xá vốn là Nam Điền và Nam Xá ghép lại mà thành. Đây là mảnh đết mà tướng quân thời nhà Lý (cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII) là Tô Trung Tự khởi xướng trồng hoa, cây cảnh. Đây chính là Ông Tổ nghề hoa cảnh nước ta.

Nhưng để trở thành một ngành sản xuất-kinh doanh ở cái xã thuần nông này thì chỉ mới khởi sự trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sau khi Hội sinh vật cảnh ra đời, Huyện ủy Nam Trực chủ trương chuyển đổi từ cây lúa và một phần đất đai chiêm trũng, hoang hóa sang trồng và kinh doanh các loại cây cảnh, từ đó xã tập trung chỉ đạo và đông đảo bà con nông dân đồng lòng thực hiện.

Đồng chí Vũ Duy Hưng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã cho biết: “Tổng diện tích toàn xã là 345 ha, trong đó có 200 ha trồng lúa. Qua 10 năm chuyển đổi đã có 100 ha trồng cây cảnh. Cây cảnh ở đây là Sanh, tùng đa, bồ đề, thiên tuế, lộc vừng, sung, cần thăng, duối, liễu, khế, sứ, nguyệt quế... nhiều nhất là cây sanh. Đã có đến 1.200 hộ tham gia và là ra 250 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí 50%, còn lại là thu nhập (công và lãi ròng) tức khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm”.

Nghề trồng cây cảnh đã làm thay đổi rõ rệt đời sống, bộ mặt nông thôn; nhà cửa khang trang với nhiều loại tiện nghi sinh hoạt; hộ thật sự nghèo không còn nữa. Tình hình an ninh, trật tự rất tốt, không xảy ra trộm cắp, nhậu nhẹt, nghiện ngập bê tha; ai cũng say mê làm đẹp cho sản phẩm của mình, gặp nhau toàn bàn chuyện kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn. Nếp sống văn hoá đi vào từng gia đình, từng trường học, chung quanh trường là hoa, canh cảnh; các cấp lớp đều có tiết học về sinh vật cảnh, khi trở về nhà trẻ em trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc cây cảnh, ý thức giữ gìn tôn tạo cây xanh, bảo vệ môi trường trở thành tình cảm, thói quen ở mỗi con người. Ngoài ra mỗi năm Điền Xá còn đón tiếp, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tế với hàng chục sinh viên Đại học nộng nghiệp về đây nghiên cứu, thực tập, làm luận văn, viết đề tài, nhiều người trong số họ trở thành cộng tác viên trong công tác xúc tiến thị trường, giới thiệu quản bá sản phẩm.

Những năm tới đây xã sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm 100 ha, một phần từ đất trồng lúa, một phần tận dụng diện tích còn lại ven đê đưa vào sản xuất cây cảnh, biến Vỵ Khê, Điền Xá trở thành làng nghề chuyên về cây cảnh của tỉnh

Đạt được những thành quả đó, trước hết là do huyện, xã có chủ trương đúng; nhưng quan trọng hơn hết là các tổ chức sinh vật cảnh sáng tạo cách làm, bước đi thích hợp. Phương châm là “lấy ngắn nuôi dài” bắt đầu bắng cách trồng cỏ, trồng cây lá màu để sớm có thu nhập, tích luỹ, từ đó chuyển dần sang trồng cây cảnh ngắn hạn rồi cây trung hạn, dài hạn, có những cây dài hạn giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng/cây. Vườn nào cũng có đủ các loại cây, không một chút đất bỏ trống. Hàng trăm tỉnh, huyện hội sinh vật mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm; thầy tạo chỗ, học viên tại chỗ, dần dần cả làng cả xã ai cũng hiểu biết và có tay nghề vững vàng trong nghề trồng, chăm sóc, tạo dáng, lập thế cho cây cảnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiêm, Phó chủ tịch hội Sinh Vật cảnh tỉnh Nam Định đưa đồng chí Võ Văn Cương và tôi đi thăm các vườn cảnh, vườn này nối tiếp vườn kia cứ như lạc vào xứ sở thần thoại nào. Những cây sanh, cây si già cỗi xếp thành nhiều tầng, nhiều lớp; những cây tùng, cây đa dáng hoành, dáng trực, thế nghinh phong, phủ địa... hết sức lạ kỳ! Người lao động ở đây chính là nghệ nhân gửi gắm tình cảm, ý tưởng, tâm hồn mình vào từng tác phẩm độc đáo, sống động. Nay mai kiểng thế Nam Điền, Nam Xá sẽ xuôi về phương Nam, khoe sắc giữa lòng thành phố Bác!

Tôi lại trở về con đường đê sông Hồng lồng lộng, gió văn thổi, nhưng lòng tôi thì nóng ran tự lúc nào, tự hỏi: “Tại sao thành phố ta không làm được? Đất đai ven đô và ngoại thành còn bỏ hoang; còn kém hiệu quả , khí hậu thời tiết thuận hoà, vốn liếng không phải là quá khó; người lao động tài hoa say mê cây cảnh không bao giờ thiếu và nhất là có một thị trường lớn, một nơi tiêu thụ mà các tỉnh rất mong muốn...”.

Thành phố đã đề ra chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh đến năm 2010, nếu được triển khai một cách tích cực, sáng tạo chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị.

Bắt đầu từ việc tổ chức cho cán bộ và nhân dân đi tham quan, học tập. Học cách làm, học tay nghề và học cả tinh thần say mê, chí thú làm ăn mà bà con ở làng Vỵ Khê, ở xã Điền Xá sẵn sàng xẻ chia cho bà con lao động thành phố. Bây giờ hãy còn chưa muộn!

 
Top