[ Tự Học ] Những Phong Cách Bonsai cơ bản cho người mới chơi cây

Dương Thịnh

Thành viên tích cực
Chào cô chú anh chị,
Em cũng mới tập chơi cây, mặc dù nuôi phôi thì cũng rất nhiều năm qua rồi. Em tạo topic này hi vọng cùng chia sẻ một số kiến thức em tự học trong lúc rãnh rỗi, để những anh chị bạn bè khác cũng đang ở những bước đầu trong con đường cây cảnh này sẽ cùng nhau chia sẻ những kiến thức bổ ích. Cũng như là một góc học tập nhỏ cho chính bản thân em và tất cả mọi người yêu cây. Xin các bậc tiền bối đi ngang nếu thấy thiếu sót có thể đóng góp vài lời vàng ngọc, em xin chân thành cảm ơn.
________________________________

Những bài viết em chia sẻ trong này là những kiến thức được em lược dịch lại từ các trang báo, blog, website, diễn đàn nước ngoài. Có thể một số kiến thức đã cũ, hoặc các tiền nhân đi trước đã có chia sẻ, nếu em có lặp lại kiến thức vui lòng được lượng thứ cho.

Bài 1. Phong cách Bonsai cơ bản, hình dạng và thông tin chi tiết.


I. Phong cách Hokidachi - Chổi:



Phong cách Bonsai hình chổi phù hợp cho các cây rụng lá, chi mở rộng và phân nhánh tốt. Những thân cây thẳng đứng, phân chi ra mọi hướng ở 1/3 tổng chiều cao của cây. Các chi nhánh này tạo ra một tán chổi ( dàn xương ) tuyệt đẹp trong mùa đông. ( mùa xuống lá ).

II. Phong cách Chokkan - Thẳng đứng:


Phong cách thẳng đứng nhìn như cây thông Noel này là một kiểu rất phổ biến trong Bonsai truyền thống. Phong cách này cũng thường gặp trong tự nhiên, đặc biệt là khi cây được tiếp xúc với nhiều ánh sáng và không phải cạnh tranh với cây khác. Đối với phong cách này, thân cây phải vót đều từ gốc đến ngọn. Do đó, thân cây phải to nhất ở phần gốc và nhỏ nhất ở phần ngọn, tạo nên sự cân đối hài hòa. Vào khoảng 1/4 tổng chiều cao cây, nên bắt đầu sự phân nhánh. Phía trên cùng, phần ngọn phải là một chi duy nhất, phần thân chính phải luôn luôn thấp hơn tổng chiều cao của cây.

III. Phong cách Moyogi:


Phong cách này phổ biến và được ưa chuộng trong thiên nhiên lẫn trong nghệ thuật Bonsai. Những cây Bonsai dạng này thường có thân chính phát triển theo hình chữ "S", và tại mỗi co lại có sự phân nhánh xảy ra. Sự thon gọn của cây từ gốc đến ngọn cần phải được chú ý.

IV. Phong cách Shakan:


Phong cách Bonsai nghiêng là kết quả của cây bị gió thổi nghiêng theo một hướng xác định hoặc khi cây mọc trong bóng râm và phải hướng về phía mặt trời. Với cây Bonsai, phong cách nghiêng nên phát triển theo một góc 60 - 80 độ so với mặt đất. Rễ cây phát triển tốt ở một bên để giữ cây vững vàng, phía còn lại, thường rễ sẽ không phát triển bằng. Chi nhánh đầu tiên nên hướng ngược lại với chiều nghiêng để tạo ra một sự cân bằng thị giác, các chi có thể duỗi thẳng hoặc uốn cong nhưng phải dày hơn các chi ở giữa và ngọn.

V. Phong cách Kengai - Thác đổ:


Một cây sống trong tự nhiên có thể hình thành phong cách này từ nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như đá hay tuyết rơi xuống... Với Bonsai, khá khó khăn để duy trì một cây phát triển theo hướng xuống dưới, vì xu hướng tự nhiên là cây phát triển lên phía ngược lại. Ngọn của cây thường mọc ở trên mép chậu, các chi tiếp theo áp sát thành chậu nhưng lại có chiều hướng ngang để duy trì sự cân bằng của cây.

VI. Phong cách Han-kengai - Bán thác đổ:


Phong cách này cũng giống như Thác đổ, thường được nhìn thấy ở các bờ sông, hồ. Những thân cây mọc thẳng đứng trong một phạm vi nhỏ sau đó uốn cong xuống. Không giống thác đổ, chi cuối cùng của phong cách này không bao giờ nằm ở đáy chậu, trong khi sự phân nhánh cũng xảy ra tương tự.

VII. Phong cách Bụningi - Văn nhân:


Trong tự nhiên, phong cách này có thể nhìn thấy khi mà cây sống trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, và cây muốn tồn tại bắt buộc phải phát triển cao hơn những cây cạnh tranh xung quanh. Những thân cây mọc ngoằn ngoèo lên trên và không hề có phân chi, bởi vì ánh mặt trời chỉ chiếu tới phần ngọn cây mà thôi. Để tăng độ "vật vã" của cây, người ta thường tạo một số chi nhánh dạng lũa không vỏ cây, nhằm làm tăng thẩm mỹ cũng như miêu tả hết sự kiên cường của cây. Ý tưởng chính là cây phải vật lộn để tồn tại. Những cây phong cách này thường được đặt trong chậu tròn, nhỏ.

VIII. Phong cách Fukinagashi - Gió lùa:


Phong cách gió lùa cũng là một ví dụ điển hình về việc phải đấu tranh để tồn tại. Các chi nhánh đều hướng về một bên giống như đã bị gió mạnh thổi liên tục trong thời gian dài. Tất cả các chi nhánh mọc đầy đủ ở các mặt của thân nhưng dần dần sẽ được uốn cong về một phía.

IX. Phong cách Sokan - Đôi thân:


Phong cách này thực sự phổ biến trong tự nhiên nhưng lại không quá phổ biến trong nghệ thuật Bonsai. Thường thì hai thân cây cùng lớn lên từ một hệ thống rễ ban đầu, nhưng cũng có trường hợp thân cây nhỏ mọc ra ngay từ thân cây lớn dưới mặt đất. Hai thân sẽ phát triển khác nhau cả về độ dày và độ dài. Thân cây to hơn và phát triển hơn mọc gần thẳng đứng, trong khi thân còn lại hơi nghiêng. Cả hai cùng tạo nên một tán cây hài hòa.

X. Phong cách Kabudachi - Đa thân:


Về mặt lý thuyết, phong cách này là sự nâng cao của phong cách đôi thân phía trên, khác nhau chính là phong cách này có 3 hoặc nhiều thân hơn. Tất cả các thân thật sự cùng chung một gốc rễ và cùng tạo nên một tán cây hài hòa. Trong đó thân chính phát triển nhất tạo thành đỉnh của tán.

XI. Phong cách Yose-ue - Rừng:


Phong cách rừng này rất giống phong cách đa thân, nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ nó có hai hay nhiều hơn số cây nằm độc lập với nhau. Các cây phát triển được trồng trong một chậu cạn, lớn và có xu hướng tạo nên một tán cây chung tự nhiên. Các cây thường được trồng so le hơn là một đường thẳng, vì cách trồng này sẽ tạo nên một "khu rừng" tự nhiên và thực tế hơn.

XII. Phong cách Seki-joju - Bám đá:


Trên địa hình núi đá cằn cỗi, cây muốn tồn tại bắt buộc phải tìm thấy nguồn dinh dưỡng bằng rễ của mình, mà nguồn dinh dưỡng này lại thường nằm trong những kẽ nứt của đá và lỗ hổng. Rễ không được bảo vệ trước khi đến nguồn dinh dưỡng nên bản thân chúng phải có cách tự bảo vệ của riêng mình bằng cách mọc thêm một lớp vỏ đặc biệt xung quanh để bảo vệ chúng trước ánh sáng mặt trời.

XIII. Phong cách Ishisuki - Trong đá:


Ở phong cách này, các cây được trồng trong lỗ hoặc kẽ hở của đá. Điều này có nghĩa là rễ cây không có nhiều không gian để phát triển và hấp thu chất dinh dưỡng. Điều đó làm tăng độ "khắc khổ" của cây vật lộn để tồn tại. Điều quan trọng là phải tưới nước và chăm bón thường xuyên, vì không có nhiều không gian cho nước và chất dinh dưỡng lưu trữ lại. Các cây bonsai dạng này thường được trồng trong một lỗ cạn mà đôi khi những cái lỗ đó được lấp đầy bằng sỏi mịn hoặc nước.

XIV. Phong cách Ikadabuki:


Một thân cây gãy và nằm ngang đôi khi có thể sinh tồn bằng cách hướng các chi nhánh lên. Hệ thống rễ cũ vẫn sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho các chi nhánh này. Cho đến khi bộ rễ mới của các chi nhánh mọc ra và đủ mạnh sẽ thay thế toàn bộ chức năng của hệ thống rễ cũ.

XV. Phong cách Shairmiki:


Theo thời gian trôi qua, một số cây bắt đầu tự hình thành nên những phần lũa như là kết quả của điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Phần lũa thường bắt đầu ở phần rễ nổi lên mặt đất và kéo dài lên dọc thân cây, càng ngày càng mỏng hơn. Mặt trời sẽ thiêu đốt và tạo thành những phần rất đặc trưng của cây.
 

Đông Xuân

Thành viên tích cực
Trả lời: [ Tự Học ] Những Phong Cách Bonsai cơ bản cho người mới chơi cây

Cây sam núi này không biết phong cách chi, không phải bám đá cũng không phải trong đá. Em ngồi ngoài đá trồng như phong lan, cũng không bám nhé chỉ đi trên đá thui. Tiếp bài đi bác.

 
Top