Tính chịu mặn của cây (tính chịu stress muối)

trungduart

Administrator
1. Tác hại của muối
Đất mặn là loại đất chứa hàm lượng muối cao (>0,2%) có nhiều ion độc. Do nồng độ muối cao nên áp suất thẩm thấu của dung dịch đất ở đây rất cao, có thể đạt 200-300atm hay còn có thể cao hơn.
Do đất mặn có áp suất thẩm thấu cao cho nên cây không thể hút được nước nếu không có cơ chế thích nghi, do đó gây nên hiện tượng hạn sinh lý. Cây bình thường không thể sống trong môi trường có áp suất thẩm thấu trên 40 atm.
Một tác hại khác của đất mặn là trong dung dịch đất chứa nhiều ion độc. Một số ion ở nồng độ thấp không độc nhưng ở nồng độ cao lại gây độc. Các ion này lại cạnh tranh với chất dinh dưỡng trong quá trình hút của rễ làm cho rễ khó hút chất dinh dưỡng. Thành phần các muối trong đất mặn phổ biến là NaCl, Na2SO2, Na2SO4, Na2CO3, MgCl2, MgSO4 ... các muối đó ở nồng độ cao đều gây độc cho cây.

Đặc biệt khi cây hút các ion độc vào trong tế bào sẽ gây rối loạn trao đổi chất của tế bào. Các ion độc sẽ ức chế hoạt động các enzim, các chất kích thích sinh trưởng cho nên làm rối loạn hoạt động trao đổi chất- năng lượng, các hoạt động sinh lý bình thường của tế bào. Các chất độc còn ảnh hưởng theo chiều hướng bất lợi đến nguyên sinh chất như làm giảm mạnh độ nhớt, tính thấm của nguyên sinh chất tăng mạnh nhất là tăng mạnh ngoại thẩm làm cho tế bào mất chất dinh dưỡng. Các hoạt động sinh lý của tế bào cũng bị ảnh hưởng: quá trình quang hợp giảm mạnh do lá kém phát triển, sắc tố ít do các chất độc ức chế quá trình tổng hợp sắc tố, các quá trình xảy ra trong quang hợp bị giảm sút do ảnh hưởng của chất độc và thiếu nước. Quá trình hô hấp tăng mạnh, các cơ chất bị phân huỷ mạnh, nhưng hiệu quả năng lượng thấp, phần lớn năng lượng của các quá trình phân huỷ đều thải ra dưới dạng nhiệt làm cho tế bào thiếu ATP để hoạt động. Phân huỷ mạnh, tổng hợp lại yếu nên không bù đủ lượng vật chất do hô hấp phân huỷ, chất dự trữ dần dần bị hao hụt, cây không sinh trưởng được, do vậy cây còi cọc, năng suất thấp. Nếu cây bị mặn nặng hay mặn kéo dài sẽ bị chết.

2. Các hình thức chịu mặn của cây
Thực vật có thể tránh khỏi tác hại của mặn bằng cách loại muối hay cách ly muối. Tuỳ theo hình thức chịu mặn, có thể chia cây chịu mặn thành các nhóm cây chịu mặn:
- Cây chịu mặn thực sự. Đây là nhóm cây có khả năng chịu mặn cao nhất. Nhóm cây này có khả năng sống trong môi trường có độ mặn cao đến 10% do áp suất thẩm thấu của dịch bào ở nhóm cây này có thể đạt 200-300 atm, cao gấp hàng chục lần so với các nhóm cây bình thường khác.
- Cây thải muối. Là nhóm cây có khả năng tiết muối đã tích luỹ trong cơ thể ra ngoài qua khí khổng hay tuyến muối. Ở nhóm cây này muối từ môi trường thấm vào cơ thể được tập trung vào các tuyến muối mà không phát tán đi các thành phần khác của cơ thể nên không gây độc cho cơ thể. Sau khi tích một lượng muối nhất định, muối sẽ được tiết ra ngoài qua tuyến muối hay khí khổng.
- Cây cách ly muối. Ở nhóm cây này trên lá, thân rất nhiều lông. Các lông này làm thành lớp cách ly cơ thể với muối trong môi trường. Muối được tích luỹ trên các lông phủ dày trên lá, trên thân nên muối không tiếp xúc với cơ thể, không thấm vào được thể nên không gây độc cho cơ thể. Nhóm cây này có thể sống trong môi trường có độ muối cao.
- Cây không thấm muối. Đây là nhóm cây có màng nguyên sinh chất với khả năng chọn lọc rất cao nên không cho các loại muối độc thấm vào tế bào. Nhóm cây này có thể sống trong môi trường độ mặn vừa.
Các nhóm cây chịu mặn trên tùy mức độ, điều kiện mà có thể thích nghi với các mức độ mặn khác nhau. Phản ứng chung đặc trưng của nhóm cây chịu mặn là tăng nồng độ dịch bào, giảm tính thấm của màng nguyên sinh chất với muối, tăng hàm lượng albumin và globilin để tăng khả năng giải độc của tế bào. Các quá trình tổng hợp xảy ra mạnh, nhất là tổng hợp các axit hữu cơ, protein, axit nucleic ... để tăng cường tạo ra các yếu tố giải độc cho tế bào.
Một đặc điểm thích nghi đặc trưng của nhóm cây chịu mặn là thay đổi hình thái giải phẫu cơ thể theo chiều hướng thích nghi với môi trường mặn như hầu hết cây chịu mặn đều có rễ bành (rễ phụ) to, có nhiều rễ hô hấp, lá dày mọng nước.
Hiện tượng sinh con của một số cây chịu mặn là đặc điểm rất đặc biệt của nhóm cây này. Nhờ sự sinh con mà bảo đảm sự phát tán mạnh nhằm duy trì được nòi giống trong điều kiện sống không thuận lợi

3. Các biện pháp nâng cao tính chịu mặn của cây
Để góp phần nâng cao năng suất cây trồng trong điều kiện mặn, cần có các biện pháp thích hợp. Ngoài việc chủ động thau chua, rửa mặn cải tạo môi trường trồng trọt, biện pháp trực tiếp nâng cao khả năng chịu mặn của cây trồng có vai trò quan trọng.
Trước hết việc chọn giống chịu mặn thích nghi cho từng vùng sinh thái khác nhau sẽ góp phần tạo cơ cấu cây trồng thích hợp cho từng vùng mặn khác nhau. Biện pháp rèn luyện hạt giống bằng cách ngâm hạt giống trong dung dịch muối mặn một thời gian thích hợp giúp phôi thích nghi dần với môi trường mặn. Trong môi trường mặn phôi có những biến đổi về tính chất nguyên sinh chất, về các hoạt động trao đổi chất, các hoạt động sinh lý thích ứng dần với môi trường mặn. Do vậy cây mọc lên sẽ có khả năng chịu mặn tốt. Ngoài ra có thể kết hợp với các biện pháp bón phân hợp lý, chăm sóc theo chế độ thích hợp ... cũng góp phần tăng khả năng chịu mặn của cây trồng từ đó góp phần duy trì và nâng cao năng suất cây trồng trong điều kiện bị nhiễm mặn.
 
Top