Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Minh Xuân

Quản lý
Việc nhân giống hiệu quả là tiền đề cho sản xuất cây mang tính thương mại. Khẩu hiệu của qui trình nhân giống sản xuất phải là “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Muốn vậy cần phải hiểu những đặc tính và khả năng của từng loài cây, lợi dụng đó để đạt được khả năng nhân giống cao.
Nhân giống còn là hoạt động rất hấp dẫn khi quan sát từ những hạt nhỏ như hạt bụi, từ những mẩu lá phát triển thành cây con rồi thành những cây hoàn chỉnh. Nhân giống thành công cũng là điều kiện tiên quyết cho việc thuần dưỡng và bảo tồn cây rừng. Qua hoạt động nhân giống các loài quí hiếm được nhân lên, được phổ biến và bảo tồn lâu dài trong môi trường nuôi trồng.
Thực sự mà nói, người chơi cây Việt Nam hiện nay còn biết và có quá ít kinh nghiệm thực tế về nhân giống cây cảnh. Chính vì thế chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi định phát triển và phổ cập những loài cây mới. Trong khi đó kỹ thuật nhân giống hiện đại ngày nay đã được cải tiến rất nhiều, cho phép nhân và trồng được nhiều loài cây đa dạng khác nhau một cách hiệu quả. Những ví dụ nhờ nhân giống hiệu quả mà đạt được sự phát triển nghề cây cảnh chẳng cần nhìn đâu xa là Trung Quốc và Thái Lan. Có thật nhân giống là những "bí quyết" mà người nông dân, các nhà vườn chúng ta không làm được hay không?
Chủ đề này không phải là hướng dẫn đầy đ ủ về nhân giống cây cảnh kiểu "Nhân giống toàn tập", mà là tản mạn những kinh nghiệm nhân giống cho các loài cây cụ thể ở nước ta nhờ áp dụng kiến thức cơ bản trong nhân giống. Rất mong các bạn cùng trao đổi kinh nghiệm và nguyện vọng vì các loài cây cảnh vốn đã đa dạng, kỹ thuật nhân giống chúng lại càng đa dạng hơn, không ai có thể có kinh nghiệm cho tất cả các loại cây này.
 

bonhe

Quản lý viên
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Chủ đề này sẽ rất hấp dẫn. Cám ơn Minh Xuân. Bonhe
 

Minh Xuân

Quản lý
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Nhân giống bắt đầu từ đâu? Tất nhiên là bắt đầu từ cây giống. Từ một cây giống ban đầu qua kỹ thuật nhân giống có thể tạo ra hàng trăm, hàng ngàn cây giống mới và từ đó có thể nhân lên mãi, đ ủ đáp ứng nhu cầu chơi cây. Cũng vì thế mà cây giống ban đầu rất quan trọng. Lựa chọn đúng cây để nhân giống sẽ quyết định thành công của những cây thành phẩm sau này.
Khi chọn cây giống để nhân cần suy nghĩ:
- Lựa chọn về loài: cần có đánh giá tiềm năng phát triển và giá trị sử dụng của loài cho những vùng cụ thể, nơi sẽ định bán cây giống đã được nhân ra. Loài cũng cần phải có khả năng nhân giống và nuôi trồng hiệu quả trong điều kiện ở những nơi này.
- Lựa chọn về giống: là những cây của loài có đặc tính được quan tâm. Ví dụ cũng là cây hoa Chuông (Sinningia speciosa) có thể có rất nhiều màu hoa, hoa đơn, hoa kép. Nhưng màu được ưa thích nhất vẫn là màu đỏ và tím. Hay ví dụ như chọn những cây lan Hài biến chủng với màu sắc hoa đặc biệt để nhân giống.
- Xác lập nguồn giống: nhiều khi để nhân giống hiệu quả ở qui mô thương mại cần có một lượng cây giống ban đầu đ ủ lớn. Những cây giống này được nuôi trồng và tác động một cách riêng biệt, không giống với những cây cảnh thành phẩm, với mục đích làm thế nào để tạo được vật liệu giống một cách hiệu quả nhất. Ví dụ nếu định nhân giống bằng giâm cành thì cây giống cần được cắt tỉa cho ra nhiều cành khỏe, có khả năng ra rễ cao. Số lượng cây giống ban đầu không thể chỉ là 1 cây vì như vậy sẽ cho quá ít vật liệu giống và nguồn gen mang lại quá hạn hẹp, không có hiệu quả.
Hiện nay trong nghề cây cảnh chúng ta chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nguồn giống nên việc nhân giống tiến hành một cách tự phát, tràn lan, thiếu chọn lọc và thiếu bền vững. "Giống tốt bội thu", giống bao giờ cũng là vấn đề phải nghĩ đầu tiên khi trồng cây.
 

ongdo

Thành viên
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Vậy là câu "nhất nước nhì phân tam cần tứ giống " giờ nên đổi thành "nhất giống nhì..." rùi :D
 

dblongthanh

Thành viên Danh Dự
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Vậy là câu "nhất nước nhì phân tam cần tứ giống " giờ nên đổi thành "nhất giống nhì..." rùi :D
Có 1 cái chỉ nói nhỏ với mình bạn thôi nha:với động vật và.... thì con nái chưa phải là 'yếu tố tiên quyết ' đề truyền giống. vì 1 đực có thễ lo được ....s nái.
 

trinhvantu

Thành viên
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Đọc bài viết của bác đúng lúc quá . em đang suy nghĩ cho cây giống muốn làm . cảm ơn bác nhiều
 

Minh Xuân

Quản lý
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Đọc bài viết của bác đúng lúc quá . em đang suy nghĩ cho cây giống muốn làm . cảm ơn bác nhiều
Bạn muốn làm giống cây gì vậy?
 

TaoLam

Thành viên tích cực
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Một bài viết hay cho việc nhân giống
 

Minh Xuân

Quản lý
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Vậy là câu "nhất nước nhì phân tam cần tứ giống " giờ nên đổi thành "nhất giống nhì..." rùi :D
Nếu bạn nào là nông dân thực thụ chắc chắn sẽ đồng ý cho giống lên hàng đầu. Сây cảnh ở Việt Nam có thói quen "ăn sẵn", chẳng lo chọn tạo giống bao giờ nên mới đánh giá không đúng vai trò của giống.
Nguồn giống trong cây cảnh có thể có nhiều hình thức:
- Hạt giống: Hiện tại có một số người chơi tiến bộ, biết cách nhập hạt giống từ nước ngoài về để tạo cây cảnh. Đây là một cách làm hiệu quả vì hạt giống thường không đắt như cây giống, có khả năng chuyên chở và bảo quản tốt, lại đa dạng, dễ chọn loài, dễ gây giống mới. Ví dụ, có những catalog hạt xương rồng và cây mọng nước với số loài tới hàng nghìn loài, từ những loại thông thường tới những loại quí hiếm nhất. Hay ví dụ như việc nhập hạt thông về trồng như một số bạn trong diễn đàn này.
- Cây giống: một hoặc vài cây đơn lẻ được lựa chọn làm cây mẹ, cung cấp vật liệu giống. Đây là cách làm phổ biến trong cây cảnh, tuy nhiên người nhân giống hiện nay chưa có ý thức chọn lọc nên những cây mang ra nhân giống nhiều khi không đáng gọi là giống (không đáp ứng những yêu cầu về giống). Xếp vào loại nguồn giống này còn có những cây được nhập từ nước ngoài về để nhân giống. Nhập cây là quá trình đắt đỏ, tốn kém nên việc lựa chọn giống lại càng cần kỹ.
- "Rừng giống": , hay nói cách khác là giống từ rừng:), tức là lấy giống trực tiếp từ những cây tự nhiên. Việc này không đơn giản là vào rừng là có cây giống mà thường địa điểm đi lấy cây về nhân ra là những địa điểm xác định, được tìm hiểu và chọn lọc trước. Lấy cây hay lấy vật liệu giống từ rừng về đòi hỏi phải có kỹ thuật tốt thì mới đạt hiệu quả (tỷ lệ sống) cao. Cách này tất nhiên là chỉ làm được một hai lần để từ đó tạo ra những vườn giống được nuôi trồng thực sự thì nhân giống mới bền vững và hiệu quả được.
- Vườn giống: tạm gọi như vậy khi người nhân giống trồng một loạt những giống được chọn của cùng một loài (hay một giống) một cách tập trung và có những tác động nhất định để tạo ra vật liệu lấy giống. Cách tạo vườn giống như vậy rất có hiệu quả, phổ biến trong nông lâm nghiệp, nhưng lại ít thấy cho cây cảnh. Lý do có lẽ cây cảnh còn manh mún quá, số lượng cây cần làm không nhiều nên ít ai lập riêng một vườn chuyên để lấy giống. Nhưng cũng vì thế đây là cơ hội cho những ai muốn đi sâu vào nghề cây cảnh, tạo lập những vườn giống riêng cho mình.
 

Minh Xuân

Quản lý
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Một loài cây có thể có nhiều cách nhân giống khác nhau với hiệu quả khác nhau. Ví dụ các loài xương rồng hiện tại ở Việt Nam được nhân giống thương mại bằng cách ghép lên gốc Thanh long, hoặc bằng cách tách nhánh từ những cây mẹ. Tuy nhiên, ở nước ngoài, xương rồng chủ yếu lại được nhân bằng hạt với giá thành rẻ, số lượng nhiều và cây đồng đều nhau. Và đối với không ít loài xương rồng quí, đây là cách duy nhất để có cây mà trồng, cũng như để có những cây đẹp, không bị ghép lên cây khác.
Nhân giống bằng hạt bao gồm các công đoạn: thu hái, chế biến quả, bảo quản hạt, gieo ươm, chăm sóc cây con. Đối với người chơi cây hiện nay ít ai thu hạt trực tiếp từ cây mẹ mà thường mua hạt có sẵn ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể thu được hạt từ những nguồn giống trong nước nếu biết cách. Xin trình bày một ví dụ về nhân giống bằng hạt đối với các loài xương rồng và cây mọng nước.

Cây con Melocactus nhân từ hạt.

Ở họ xương rồng rất nhiều khi chúng ta thấy sau khi ra hoa trên cây mọc lên những quả nhỏ màu đỏ mọng, bên trong có chứa nhiều hạt. Những loài xương rồng thường thấy ra quả là Thanh long (Hylocereus), xương rồng núm (Mammillaria), xương rồng trạng nguyên (Melocactus), Gymnocalycium, ... Những loài khác cũng không khó tạo quả nếu được thụ phấn nhân tạo.
Thu hạt bằng cách hái quả, bóp lấy hạt, rửa bỏ phần thịt quả, hong hạt cho khô bớt rồi bảo quản ở chỗ khô ráo. Hạt xương rồng nhỏ bằng đầu tăm hoặc đầu que diêm tùy theo loài. Khi đem gieo ngâm cho hạt hút nước trên giấy thấm (hoặc giẻ ướt) trong một đêm rồi đem gieo.
Đất gieo hạt phải là đất sạch, tốt nhất là nên hấp qua đất để diệt mầm bệnh và cỏ dại. Xương rồng là cây mọng nước nên rất dễ bị thối nếu đất trồng không sạch.
Khi gieo hạt lên mặt đất không cần lấp đất lên hạt. Gieo xong nhúng ngập cả chậu hạt vào một chậu nước khác cho nước thấm đều từ dưới lên. Không tưới nước từ trên xuống vì hạt nhỏ, sẽ bị trôi hạt. Tưới xong dùng ny long hay kính đậy chậu gieo hạt lại để giữ ẩm cho hạt.
Hạt nảy mầm khá nhanh, thường chỉ ngày thứ ba là đã có những hạt tách vỏ nảy mầm. Cây mầm xương rồng nhỏ, tròn và mọng nước, trông rất sinh động. Thỉnh thoảng mở nắp đậy chậu, giũ nước đọng ở nắp rồi đập lại. Làm như vậy cho đến khi hạt nảy mầm hết và đánh cây mầm sang chậu trồng.
Quá trình gieo hạt và chăm sóc cây mầm xương rồng khá dài dòng, xin vắn tắt vài điểm chú ý như vậy. Bạn nào quan tâm cụ thể có thể hỏi thêm.
 

Minh Xuân

Quản lý
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Có vẻ không ai quan tâm đến nhân giống bằng hạt:). Đó cũng là điểm yếu của người chơi cây Việt Nam, chỉ thích có cây ngay mà không thích hạt. Cũng vì thế nghề cây cảnh ở Việt Nam không hề có chọn và tạo giống vì nhân giống bằng hạt là cơ sở của tạo giống mới.
Hạt giống rất đa dạng. Ví dụ về kích cỡ hạt:
- Hạt lớn: là hạt những loại như quả cau cọ, tuế, kích thước trên 5-7cm. Những hạt lớn có chứa nhiều nước nên hạt nhanh hỏng, nên gieo ngay khi thu hái.
- Hạt trung bình: như những hạt xương rồng đã viết trên. Những hạt này dễ bảo quản và dễ gieo ươm.
- Hạt nhỏ: nhỏ như bụi, điển hình là hạt của họ Thượng tiễn (Gesneriaceae), Thu hải đường, các loài dương xỉ. Những hạt nhỏ như vậy cần có cách thu hái và bảo quản riêng để tránh bay mất hạt.
- Hạt cực nhỏ: hạt phong lan, không có nôi nhũ nên chỉ nảy mầm trong điều kiện đặc biệt.
Về tính chất hạt:
- Hạt ưa khô: có thể bảo quản lâu dài (vài năm) trong điều kiện thông thường
- Hạt ưa ẩm: hạt có hàm lượng nước cao, rất nhanh mất sức nảy mầm. Cần bảo quản đặc biệt (ở nơi ẩm)
- Hạt trung tính: có tính chất về bảo quản và gieo ươm giữa hai loại trên.
Về yêu cầu xử lý hạt (tính ngủ):
- Hạt thông thường: gieo là nảy mầm ngay.
- Hạt ngủ vật lý: cần có tác động để phá vỡ vỏ cứng của hạt hoặc phải có đ ủ độ ánh sáng chiếu vào hạt mới nảy mầm.
- Hạt ngủ sinh lý: cần có tác động như ủ lạnh để phá ngủ thì hạt mới nảy mầm.
Sinh lý hạt giống là môn học khá phức tạp, khó nói hết được. Ai có quan tâm cụ thể tới việc nhân giống bằng hạt đối với những loài cây nhất định xin cứ hỏi.
 

NGUOITHUONGXUAN

Thành viên
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

Xin phép bác MINHXUAN cho em ké topic của bác tý nhé!
Theo kinh nghiệm của mình, muốn nhân giống sanh bằng hạt, bác làm như sau:
1. Chuẩn bị đất gieo hạt
Sạch cỏ dại, nhỏ mịn, thoát nước tốt ( đất có nhiều mùn là tốt nhất)
2. Hạt giống.
Chọn quả chín đỏ ( có loại chín vàng) mềm. Bỏ vào chậu nước bóp nát đãi lấy hạt gieo ngay ( bước này rất quan trọng, nếu bác để quả kém tươi đi mới lấy hạt gieo là tỷ lệ nảy mầm không cao đâu nhé!).
3.Cách gieo hạt.
Bác làm luống kích thước = 60 cm x chiều dài tùy vị trí khu vườn đảm bảo luống phải thoát nước tốt. Hoặc nên gieo vào khay (nhưng phải thoát nước)
Gieo: khoảng cách hạt cách hạt = 5 cm x 5 cm, gieo xong không cần lấp đất.
Giữ ẩm cho luống, nếu tưới thì nên tưới bằng bình phun nước cho Phong Lan. Tránh nắng nóng trực tiếp và mưa rơi trực tiếp vào luống cây ( nên che bằng túi bóng kính).
Khoảng 5 - 7 ngày ( tùy nhiệt độ, thời tiết) bác sẽ thấy hạt sanh nảy mầm rất khoẻ.
Khi cây có 4-5 lá thật, bác có thể đưa cây ra trồng ( ra cây) vào luống chính như sau: Túm lấy lá nhẹ nhàng gỡ cây ra khỏi luống và trồng với khoảng cách thưa hơn (20 cm x 20 cm), khi cây mới trồng, bác nhớ che nắng, che mưa cho cây nhé!
Cây ra luống trồng được khoảng 1 năm thì bác đã có những cây giống có thể trồng vào chậu, trồng ra vườn và bắt đầu tạo dáng rồi!
Lưu ý là sau mỗi lần trồng, bác cố gắng quan tâm chú ý đến việc rãi đều bộ rễ cây ra nhiều hướng nhé!
Cây em trồng, sau một năm đã có kích thước trung bình là 45-60cm rồi đấy bác ạ!
Chúc bác vui và sớm có những cây cảnh như ý do chính tay mình trồng!
Cây sanh trồng từ hạt, sau khi ra luống 1 năm:


Cây sanh 1 năm tuổi đã được trồng ra vườn ươm!

Cây sanh 2 năm tuổi

Những cây đa 2 năm tuổi trồng ở vườn ươm!
 

Minh Xuân

Quản lý
Xin phép bác MINHXUAN cho em ké topic của bác tý nhé!
Theo kinh nghiệm của mình, muốn nhân giống sanh bằng hạt, bác làm như sau:
1. Chuẩn bị đất gieo hạt
Sạch cỏ dại, nhỏ mịn, thoát nước tốt ( đất có nhiều mùn là tốt nhất)
2. Hạt giống.
Chọn quả chín đỏ ( có loại chín vàng) mềm. Bỏ vào chậu nước bóp nát đãi lấy hạt gieo ngay ( bước này rất quan trọng, nếu bác để quả kém tươi đi mới lấy hạt gieo là tỷ lệ nảy mầm không cao đâu nhé!).
3.Cách gieo hạt.
Bác làm luống kích thước = 60 cm x chiều dài tùy vị trí khu vườn đảm bảo luống phải thoát nước tốt. Hoặc nên gieo vào khay (nhưng phải thoát nước)
Gieo: khoảng cách hạt cách hạt = 5 cm x 5 cm, gieo xong không cần lấp đất.
Giữ ẩm cho luống, nếu tưới thì nên tưới bằng bình phun nước cho Phong Lan. Tránh nắng nóng trực tiếp và mưa rơi trực tiếp vào luống cây ( nên che bằng túi bóng kính).
Khoảng 5 - 7 ngày ( tùy nhiệt độ, thời tiết) bác sẽ thấy hạt sanh nảy mầm rất khoẻ.
Khi cây có 4-5 lá thật, bác có thể đưa cây ra trồng ( ra cây) vào luống chính như sau: Túm lấy lá nhẹ nhàng gỡ cây ra khỏi luống và trồng với khoảng cách thưa hơn (20 cm x 20 cm), khi cây mới trồng, bác nhớ che nắng, che mưa cho cây nhé!
Cây ra luống trồng được khoảng 1 năm thì bác đã có những cây giống có thể trồng vào chậu, trồng ra vườn và bắt đầu tạo dáng rồi!
Lưu ý là sau mỗi lần trồng, bác cố gắng quan tâm chú ý đến việc rãi đều bộ rễ cây ra nhiều hướng nhé!
Cây em trồng, sau một năm đã có kích thước trung bình là 45-60cm rồi đấy bác ạ!
Chúc bác vui và sớm có những cây cảnh như ý do chính tay mình trồng!
Xin phép bình luận một chút về gieo hạt sanh si đa đề.
Họ sanh (Ficus) đều có quả mọng, khi chín màu đỏ hoặc vàng. Màu sắc và thịt quả thu hút chim ăn và phát tán hạt. Với cách phát tán như vậy hạt sanh có một số đặc điểm đáng chú ý:
- Cần loại bỏ thịt quả thì hạt mới nảy mầm. Nói chung trong thịt các quả mọng có chứa các chất ức chế nảy mầm nên những loại quả mọng đều cần tách hạt khỏi thịt quả.
- Hạt dễ mất sức nảy mầm theo thời gian (có thể xếp vào dạng hạt trung tính theo sinh lý hạt). Như vậy theo tôi thì nếu phải bảo quản hạt qua một thời gian nhất định (ví dụ để đợi thời gian gieo phù hợp hoặc để mang đi xa) nên bảo quản nguyên cả quả hơn là tách hạt bảo quản.
-Hạt có kích thước nhỏ. Không rõ bạn Người Thường Xuân làm như thế nào để đảm bảo kích thước gieo hạt cách nhau 5x5 cm? Ngồi nhặt từng hạt để gieo đúng kích thước thì vất vả quá.
-Hạt nhỏ nên gieo không cần lấp đất và tưới nhẹ để tránh trôi hạt.
-Hạt nảy mầm không cần nhiều nắng vì nói chung các loài họ sanh đều tái sinh tự nhiên ở chỗ tối, vườn bò lên cao.
 

phamtriu.tb

Thành viên Mua Bán
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây

nhân giống sanh, si,đa,sung có 2 con đường:nhân giống từ hạt giống và nhân giống từ cành có tuổi thích hợp(triết cành hoặc giâm cành)
với cây giống từ hạt có ưu thế về bộ rễ và với cây thành phẩm sau này cây gieo hạt vẫn có giá hơn,nhưng nhiều khi cây giống không đạt đc những đặc tính tốt như cây mẹ
với cây nhân giống từ cành có ưu thế là nhanh và dễ làm,từ 1 cây nguyên liệu(cây mẹ) có thể nhân giống với số lượng khá lớn và chủ động được chất lượng cây giống,giữ đc toàn bộ những đặc tính tốt của cây mẹ(kích thước lá,màu sắc và kích thước quả...)cây nhân giống từ cành còn mau già và ra quả sớm hơn....
 

NGUOITHUONGXUAN

Thành viên
....
-Hạt có kích thước nhỏ. Không rõ bạn Người Thường Xuân làm như thế nào để đảm bảo kích thước gieo hạt cách nhau 5x5 cm? Ngồi nhặt từng hạt để gieo đúng kích thước thì vất vả quá.
....
Chào bác Minh Xuân và các bác!
Việc đảm bảo khoảng cách (một cách tương đối) là có thể thực hiện được với số lượng hạt cây nhỏ bác à! Nếu như gieo trong khay với lượng hạt nhỏ thì ta dùng một vật như muỗng (thìa nhỏ) để thực hiện, còn với lượng hạt lớn thì bác trộn thêm hạt giống với cát xây dựng để gieo cũng có thể gieo thưa hạt ra được đấy các bác à!
Chúc các bác vui!
 

Minh Xuân

Quản lý
Độ này thấy nhiều người bắt đầu quan tâm đến nhân giống bằng cành (giâm cành, giâm hom). Làm bài thơ chơi:D

Giâm cành

Trăm năm trong lúc trồng cây
Giâm cành thì phải mát tay mới thành
Muốn cho ra rễ thật nhanh
Chọn cây mẹ khỏe, chọn cành dẻo dai
Chọn khi nắng ít, mưa vài
Hoa chưa hé nụ, lá dài xanh nguyên
Cát vàng đem lấy làm nền
Cắm cành vừa đủ, chớ quên tưới đều
Ny lông che sớm đậy chiều
Giũ sạch nước đọng, tránh điều bốc hơi
Không khí, nước, ánh mặt trời
Thời gian qua để ra đời rễ con
Đừng chuyển cây lúc còn non
Đợi cho rễ khỏe, chồi còn nhú ra
Đôi khi cây mọc la đà
Giâm cành ngọn, tránh cành già thì hơn
Rễ nhiều, cây tốt xanh rờn
Bõ công theo đuổi nguồn cơn tháng ngày
Giống tốt tiền sẽ về tay
Nhìn cây mau lớn thấy say cuộc đời.
 

Minh Xuân

Quản lý
Kỹ thuật giâm hom cành các loài cây khác nhau nói chung là giống nhau (như mô tả ở bài thơ trên). Sau đây là một số chủ đề liên quan đến giâm cành từ kinh nghiệm thực tế của những người trong diễn đàn:
- Giâm cành thông và cây lá kim: http://www.mediafire.com/?1wmzmjmtmo2
- Giâm cành đào: http://forum.caycanhvietnam.com/diendan/showthread.php?t=7780
- Giâm cành sam núi: http://forum.caycanhvietnam.com/diendan/showthread.php?t=7748

Danh sách trên có lẽ sẽ được bổ sung thêm dần dần. Còn rất nhiều loại cây khác dễ giâm như sứ, xương rồng và cây mọng nước và những loại giâm cành rất độc đáo như giâm đốt Hoàng thảo (phong lan đa thân), giâm cuống hoa Hồ điệp, giâm đốt các loại tre, ...
Nguyên tắc là cây gì cũng có thể giâm cành được nếu có cây mẹ trẻ khỏe, giâm đúng thời vụ, cắt cành đúng cách, chăm sóc đúng kỹ thuật.
Nhân giống bằng cành có hệ số nhân rất cao, rất đúng với khẩu hiệu "Nhanh, nhiều, tốt, rẻ" và rất hấp dẫn khi theo dõi từ một cành giâm tạo được rễ, rồi thành cây hoàn chỉnh.
Chúc các bạn thành công và có những niềm vui từ cành giâm.
 

Minh Xuân

Quản lý
Có những cách giâm cành khác nhau khi xem xét dạng cành giâm: Giâm chồi non, giâm cành bánh tẻ hay giâm cành đã hóa gỗ. Trong việc chọn cành giâm luôn phải cân đối giữa 2 yếu tố:
- Cành phải trẻ thì mới có đà ra rễ.
- Cành phải đủ già để có chất dinh dưỡng.
Giâm bằng chồi non thì đà ra rễ lớn, nhưng cành ít chất dinh dưỡng dự trữ, cành khó chăm vì dễ héo. Cách này chỉ dùng với cây thân thảo.
Giâm bằng cành đã hóa gỗ thì trong cành có nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại thiếu đà ra rễ như cành non. Dùng cách này tạo ngay được cây hoàn chỉnh tương đối lớn, nhưng không phải loài nào cũng có thể thành công. Thường chỉ là những loài dễ ra rễ.
Vì thế hiệu quả nhất (tỷ lệ ra rễ cao nhất) là ở giâm cành bánh tẻ có cả phần non và phần đã hóa gỗ. Hầu hết các loài cây đều có thể tạo được rễ cho cành bánh tẻ, kể cả những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi.

Giâm cành Thông đỏ (Taxus chinensis)

 

tbmgroup

Thành viên
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

bài viết này rất bổ ích
nó sẽ càng bổ ích hơn nữa nếu có 1 topic chuyên về trao đổi,nhân giống các loại cây
cảm ơn anh em trong diễn đàn!
 

lemythanhoanhoanh2000

Thành viên tích cực
Trả lời: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ - Nhân giống, cơ sở của nghề cây cảnh

xin cảm ơn bài viết của anh , để mọi người chia sẽ những cây giâm cành và trồng hạt , mong anh chị em và bác nào còn cánh giâm cành hay trồng hạt của những loại cây nào thì chia sẽ .thanks
 
Top