Một số yếu ảnh hưởng đến việc sử dụng phân bón lá

mai vu duy

Thành viên
Sự hấp thu dưỡng chất qua lá bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài và bên trong như: nồng độ dưỡng chất, tình trạng dinh dưỡng của cây, tuổi lá, các yếu tố ngoại cảnh (ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, pH của dung dịch phun qua lá

1 Ảnh hưởng của nồng độ dưỡng chất

Theo Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài (2004) nồng độ dung dịch dinh dưỡng khi phun lên cây phải cao hơn nồng độ trong cây. Vì đa số các dưỡng chất dinh dưỡng hấp thu vào cây theo nguyên tắc khuếch tán, nghĩa là đi theo chiều từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp. Sự chênh lệch nồng độ dưỡng chất khoáng từ mặt bên ngoài hướng tới mặt bên trong tế bào. Các ion đi vào bên trong cây qua lớp cutin theo hướng chênh lệch nồng độ là một yếu tố quan trọng trong việc hấp thu dinh dưỡng lá.

2 Ảnh hưởng bởi tình trạng dinh dưỡng của cây

Phần lớn các chất dinh dưỡng được cây trồng hấp thu qua rễ, việc cung cấp dinh dưỡng qua lá chỉ là thứ yếu. Trong các trường hợp khô hạn hay ngập úng thì cây trồng không thể hấp thu dinh dưỡng qua rễ việc phun phân qua lá sẽ có hiệu quả cao hơn so với bón phân qua rễ. Khi nồng độ dinh dưỡng trong cây thấp thì tốc độ hấp thu chất dinh dưỡng qua lá tốt hơn so với nồng độ cao. Theo Phương Hiệp Oanh (2006) thì phun dung dịch gồm DAP và kali (tỷ lệ 4:1) nồng độ 1,5-2% kết hợp với phân bón lá Agrispon nồng độ 0,1-0,2% đã giúp vườn cây ăn trái chống chịu tốt với điều kiện ngập lũ.

3 Ảnh hưởng bởi tuổi lá

Theo Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài (2004) mức độ hấp thu dinh dưỡng khoáng qua lá giảm theo tuổi lá. Có nhiều yếu tố gây ra sự giảm hấp thu này là do hoạt động biến dưỡng giảm (hoạt động của nơi nhận dưỡng chất), tăng tính thấm của màng và gia tăng bề dày của lớp cutin trên bề mặt lá. Lớp cutin thấm nước khi lá non và không thấm nước khi lá đã già, vì vậy khả năng hấp thu dinh dưỡng của lá sẽ phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của lá. Lá non sẽ hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn lá già (Huỳnh Thị Chí Linh, 2008).

4 Ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh

Ánh sáng, ẩm độ, nhiệt độ các yếu tố này ảnh hưởng đến quá trình quang hợp nhằm tạo ra carbohydrate. Sự hấp thu dưỡng chất qua lá cao nhất khi ánh sáng thấp, ẩm độ cao, nhiệt độ tối hảo. Ánh sáng càng cao làm cho lớp cutin và lớp sáp dày. Nhiệt độ cao làm cho dung dịch phun qua lá mau khô dẫn đến việc hấp thu dinh dưỡng giảm hiệu quả. Ẩm độ cao làm cho dung dịch dinh dưỡng chậm khô. Ở cùng một nhiệt độ, ẩm độ không khí thích hợp giúp cho sự thoát hơi nước ở lá diễn ra bình thường. Chính nhờ vào lớp hơi nước trên bề mặt lá cũng giúp cho việc hấp thu dinh dưỡng tăng lên (Huỳnh Thị Chí Linh, 2008).

Phân bón lá được hấp thu qua khí khổng. Do đó, khi khí khổng bị đóng sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Các yếu tố có thể làm đóng khí khổng gồm: ánh sáng quá mạnh, ẩm độ đất quá khô, nhiệt độ cao (Lê Văn Tri, 2000), vì vậy tránh phun phân bón lá trong những trường hợp trên để tăng hiệu quả sử dụng dưỡng chất.

5 Ảnh hưởng bởi pH dung dịch phân bón lá


Dung dịch dinh dưỡng khoáng khi phun qua lá phải có pH trung tính, nếu như pH quá cao hay quá thấp sẽ làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng do môi trường bên trong tế bào là môi trường kiềm. Đôi khi pH không thích hợp sẽ dẫn đến cháy lá (Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2004).
 
Top