Chu trình photpho (Phosphor - P)

trungduart

Administrator
Như một thành phần cấu trúc của axit nucleic, lipitphotpho và nhiều hợp chất có liên quan với phốt pho, phốt pho là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng bậc nhất trong hệ thống sinh học. Tỷ lệ phốt pho so với các chất khác trong cơ thể thường lớn hơn tỷ lệ như thế bên ngoài mà cơ thể có thể kiếm được và ở nguồn của chúng.

Do vậy, photpho trở thành yếu tố sinh thái vừa mang tính giới hạn,vừa mang tính điều chỉnh. Ta có thể hình dung, sự phát triển của thực vật phù du (Phytoplankton) trong các hồ biến động rất lớn, phụ thuộc vàosự biến thiên rất mạnh của hàm lượng phốt pho tổng số, đặc biệt vào tỷ lệ hàm lượng giữa phốt pho, nitơ và cacbon. Ngay những hồ mà có tỷ lệ nitơ thấp hơn so với phốt pho thì dù phốt pho có giàu, thực vật phù du cũng không thể phát triển mạnh. Như vậy, nitơ trở thành yếu tố giới hạn. Tỷ lệ tương đối của các muối dinh dưỡng cho sự phát triển của thực vật phù du liên quan chặt chẽ với một phức hợp của quá trình sinh học, địa chất và vật lý, bao gồm cả sự quang hợp, sự lựa chọn của các loài tảo có khả năng sử dụng nitơ của khí quyển, cả độ kiềm, việc cung cấp muối dinh dưỡng, tốc độ đổi mới và xáo trộn của nước.

Thực vật đòi hỏi photpho vô cơ cho dinh dưỡng. Đó là orthophotphat (PO4).Trong chu trình khoáng điển hình, photphat sẽ được chuyển cho sinh vật sử dụng và sau lại được giải phóng do quá trình phân huỷ. Tuy nhiên, đối với photpho trên con đường vận chuyển của mình bị lắng đọng rất lớn. D.R. Lean (1973) nhận ra rằng, sự “bài tiết” phốt pho hữu cơ của thực vật phù du cũng dẫn đến sự tạo thành các chất keo ngoài tế bào mà chúng xem như các phần tử vô định hình chứa phốt pho trong nước hồ. Ở biển, sự phân huỷ sinh học diễn ra rất chậm, khó để phốt pho sớm trở lại tuần hoàn. Tham gia vào sự tái tạo này chủ yếu là nguyên sinh động vật (Protozoa) và động vật đa bào (Metazoa) có kích thước nhỏ.

Sự mất phốt pho gây ra bởi 2 quá trình diễn ra khác nhau: một dài, một ngắn. Sự hấp thụ vật lý của trầm tích và đất có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra hàm lượng photpho hoà tan trong đất và các hồ. Ngược lại, sự lắng đọng, thường kết hợp photpho với nhiều cation khác như nhôm, canxi, sắt, mangan... do đó, tạo nên kết tủa lắng xuống. Trong các khu vực nước có sự xáo động mạnh hoặc nước trồi, photpho mới được đưa trở lại tầng nước. Lượng photpho quay trở lại còn nhờ chim hoặc do nghề cá, song rất ít so với lượng đã mất. Những thực vật sống đáy ở vùng nước nông được ví như một cái bơm động lực có thể thu hồi lượng photpho ở sâu trong trầm tích đáy. Người ta đã thống kê được 9 loài thực vật lớn (Macrophyta) phổ biến tham gia vào việc tìm kiếm và khai thác photpho trong các “mỏ” như thế thuộc các chi Myriophyllum, Potamogeton, Callitriche, Elodea và Najas...

Sự lắng chìm của phốt pho còn gắn với các hợp chất của lưu huỳnh như FeS, Fe2S3 trong chu trình lưu huỳnh và cả với quá trình phản nitrat.

Xương, răng động vật chìm xuống đáy sâu đại dương cũng mang đi một lượng phốt pho đáng kể. Song sự tạo thành guano (chất thải của chim biển) hàng nghìn năm dọc bờ tây của Nam Mỹ (Chi lê, Peru) lại là mỏ phân photphat cực lớn. Trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phân chim trộn với đá vôi san hô trong điều kiện “dầm” mưa nhiệt đới cũng đã hình thành mỏ phân lân quan trọng như thế.
 
Top