Vẫn còn nhiều Mai vàng đón tết

Sonda

Thành viên
Dù thời tiết có xáo trộn khiến Mai Vàng nở sớm nhưng vẫn còn nhiều tin tức khả quan từ các nhà vườn ...
 

Sonda

Thành viên
Mặc dù hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng nhiều vườn mai đã thay lá non và trổ hoa khiến nhiều chủ vườn hết sức lo lắng. Cả năm chăm sóc nâng niu chờ mùa gả bán, chỉ một lần mai nở sai mùa đã khiến nhiều chủ vườn phải chịu thất thu đành ngậm ngùi chờ mùa Tết năm sau.

Se lòng vì mai nở

Dường như bắt nhầm tín hiệu mùa xuân, những nhành mai thay màu lá mới, ra nụ, trổ hoa. Từng cánh mai vàng vô tình khoe sắc thắm lả lướt cùng làn gió sớm khiến những người trồng mai xót xa. Xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An từ lâu nổi tiếng là làng mai. Nhưng năm nay, nhiều chủ vườn mai có kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề cũng phải chứng kiến cảnh mai trong vườn bung chồi nở sớm. Chủ vườn Triệu Văn Quá, số nhà 14/11, ấp Hòa Long trồng khoảng 500 cây mai. Vào một sáng tinh mơ, trên cành mai đua nhau nở vàng rực cả khu vườn. Mặc dù biết trước năm nay là năm nhuần và cũng có những biện pháp kỹ thuật giống mọi năm như lãi (ngắt bỏ) lá lùi lại 1 - 2 tháng (nếu năm đủ thì lãi lá vào tháng 2 - 3 âm lịch, còn năm nhuần thì lãi lá vào tháng 4 - 5 âm lịch) nhưng vẫn không giữ được. Theo kinh nghiệm của những người trồng mai, nguyên nhân mai nở sớm là do thời tiết không ổn định. Lúc nắng nóng, lúc lại mưa bão kích thích cây mai thay lá đâm chồi và trổ nụ ra hoa. Người trồng mai dù có kinh nghiệm nhiều thì cũng phải phụ thuộc vào thời tiết mà thôi. Ông Huỳnh Văn Tấn ở 9/10, ấp Tây có trên 1.200 cây, trong đó ông dự định tung ra thị trường Tết năm nay trên 200 cây. Nhưng sự thay đổi khí hậu nóng lạnh bất thường trong những tháng qua khiến mai bắt đầu rụng lá từ hồi tháng 8 và đến lúc này thì nhiều cây đã trổ vàng hoa. Tính nhẩm chỉ còn 60 - 70 cây có thể bán được, ông tiếc rẻ: “Nhiều cây mai đẹp với giá hàng chục triệu đồng cũng đã bung hoa. Hơn 10 năm theo nghề trồng mai, cũng có năm được năm mất nhưng năm nay là năm thiệt hại nặng nề nhất”.

Lại sợ mai ngậm nụ ...

Một số chủ vườn chưa hết tiếc rẻ vì mai có hiện tượng nở sớm thì một số vườn mai chỉ toàn lá chưa có dấu hiệu nào của những đốt mai có thể bung nụ lại lo lắng mai ngậm nụ. Đây cũng là hiện tượng dễ gặp phải khi thời tiết từ nóng chuyển sang lạnh bất thường. Nhiều cây mai gặp nóng bung hoa nhưng khi trở lạnh lại ngậm nụ không trổ hoa nữa. Vườn của vợ chồng anh Vương Ngọc Bửu, ở 18/10, ấp Hòa Long cũng không tính được có bao nhiêu gốc mai lớn nhỏ nhưng sau một đợt thủy triều sông Sài Gòn ngập nước vào những gốc mai để lại phèn khiến nhiều cây mai vàng lá. Mặc dù anh đã phun nước rửa phèn ngay sau đó nhưng giờ mai vẫn chưa hé nụ khiến hai vợ chồng thấp thỏm lo âu.



Nghề trồng mai quả thật không đơn giản, mà hiện tại người làm vườn mai cũng chỉ đúc rút kinh nghiệm từ nhiều năm trồng cây chứ chưa được sự hướng dẫn cụ thể nào. Vả lại, nghề trồng cây cảnh cũng khó có sách vở lý thuyết nào đi sát với sự biến động không tính trước được của thời tiết, khí hậu và những tác động bên ngoài. Theo một số chủ vườn, mặc dù năm nay nhuần 1 tháng nhưng đó cũng không phải là nguyên nhân chính, nếu có thể biết được chính xác thời tiết ở từng thời điểm thì có thể hạn chế bằng cách làm dàn che cho mai bớt nắng trong những ngày nhiệt độ tăng đột ngột hoặc đưa mai vào bóng râm, giữ ẩm ướt sân mai, thường xuyên phun nước rửa sương muối vào mỗi chiều và khi trời vừa hừng sáng... nhưng với những chủ vườn có quá nhiều cây trên một diện tích rộng thì các biện pháp trên cũng thật khó thực hiện vì cần rất nhiều công sức, nên đành đánh cuộc với thiên nhiên và trông chờ vào sự may rủi.

Vẫn nhiều mai vàng đón Tết...

Mặc dù nhiều vườn mai có hiện tượng nở sớm nhưng như nhận xét của một số chủ vườn “người mất mùa mai thì mất nhưng người còn thì cũng còn nhiều lắm” nên Tết năm nay vẫn không lo thiếu mai vàng đón Tết. Dự đoán giá cả trên thị trường mai Tết có thể dao động chút ít, số lượng mai có thể giảm đi do việc nở sớm trong mấy tháng qua. Bên cạnh đó có một số vườn mai nhờ lợi thế vườn có nhiều cây cao che mát nên dù khí hậu thay đổi đột ngột vẫn không bị ảnh hưởng nên sẽ kịp cho ra hoa theo đúng thời gian. Vườn mai nhà anh Lê Minh Tâm, ở 10/16, ấp Tây trên 100 cây mai vẫn phát triển đồng đều và nảy lộc đâm chồi chờ bán đúng dịp xuân về Tết đến.
Như thường lệ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc càng thêm đậm đà ý nghĩa khi có cành mai vàng rực rỡ bày biện trong nhà. Vì thế những nụ hoa vàng vẫn đang e ấp đợi chờ nàng xuân gõ cửa để đua nhau khoe sắc thắm trên khắp mọi nẻo đường.

(NGỌC TRINH)

 

Sonda

Thành viên
Mai vàng ăn Tết sớm

Mai vàng ăn Tết sớm

Còn hai tháng nữa mới đến Tết Đinh Hợi nhưng các nhà vườn như ngồi trên lửa khi mai cứ nở vàng rực trong vườn... Nhiều nhà vườn đang cố gắng "hãm" và chuẩn bị một lượng mai để thay thế số mai đã nở, dù đều biết khó đối phó với thời tiết và năm nhuận.
Gần một tháng nay, hầu hết vườn mai kiểng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới đồng loạt bung trấu, nở nụ. Tại khu vực phường Linh Đông, Thủ Đức, nơi qui tụ nhiều nghệ nhân mai kiểng của TP HCM, những chậu mai bonsai lẫn mai “lùm”, loại mai lớn, đều đua nhau nở vàng cả vườn. Ông Tư Thương, chuyên cung cấp mai kiểng cho thị trường phía Bắc, than thở chậu nào cũng nở, cứ nắng lên là bung nụ. Hằng ngày, với chiếc kéo trong tay, ông phải cắt bỏ từng nhánh mai có hoa nở sớm nhưng cũng chẳng cứu được vườn mai.
Nhiều nhà vườn trên địa bàn cho biết số mai nở sớm không thể khai thác trong dịp Tết năm nay thấp cũng lên tới 20%, cao thì lên tới 50-70%. Thậm chí có vườn mai bị mất trắng như vườn Hai Nhất, Hai Còn. Một số nhà vườn lo lắng cho biết, hầu hết các chậu mai của người chơi gửi nhờ nhà vườn chăm sóc đều nở sớm. “Chẳng biết ăn nói với người gửi mai thế nào, có đền cây khác cũng chưa chắc khách hàng đã chấp nhận.”, một chủ vườn mai kiểng nói.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nguồn nước ô nhiễm cũng làm người trồng mai lao đao. Theo ông Ba Sơn, mức độ ô nhiễm nguồn nước năm nay càng nặng hơn, không thể dùng cho việc tưới mai nên hầu hết nhà vườn đều chuyển sang sử dụng nước máy, nhưng cũng chỉ khắc phục được một phần. Theo các nhà vườn, với nguồn nước và không khí ô nhiễm, những nghệ nhân mai kiểng có tay nghề cao cũng bó tay, không cứu được vườn mai thoát khỏi “ăn Tết sớm”.

Dọc khắp các nẻo đường quê ở ĐBSCL đâu đâu cũng thấy mai vàng bung nở. Nhiều cây mai vàng nở đến 60-70%. Cũng có trường hợp “né” được mai nở sớm như anh Lê Văn Nuôi, ấp Phước Định 1 (Long Hồ, Vĩnh Long), đã lặt lá từ tháng năm nên mai tốt hơn, ít nở hơn. Thế nhưng ông Tám Sỹ, phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Vĩnh Long, cho biết: “Tháng năm đã lặt lá rồi mà cũng không khỏi, nó trổ bông hết trơn”.

Ngay cả “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) cũng bó tay khi mai nở sớm. Một số nghệ nhân cho biết có trên 40% mai vàng nở sớm phải dẹp qua một bên chờ Tết Mậu Tý năm sau. Nhiều vườn mai kiểng dọc quốc lộ 57 chạy dài hàng chục cây số của huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã bung nở.

Mai không chỉ nở sớm mà còn nở nhiều, lên đến hơn 40%. Thậm chí mai còn nở hoa lần thứ hai. Sau đợt ra hoa lần hai thì bão Durian ập đến làm nhà vườn không kịp trở tay. Những nhà vườn có hàng nghìn cây trở lên sẽ khó tránh khỏi thất thu hàng trăm triệu đồng.

Thạc sĩ Bùi Văn Liêm, trưởng Phòng Kinh tế huyện Chợ Lách (Bến Tre), nhận xét: “Do năm nhuận và thời tiết bất thường như mưa tập trung, nắng tập trung làm lá già nên mai nở sớm”. Tết Đinh Hợi này làng hoa kiểng Cái Mơn sẽ tung ra thị trường 6-7 triệu sản phẩm, nhiều hơn 5-7% so với năm trước, trong đó có đến 1/3 là mai vàng.

Trước tình trạng mai ra hoa sớm, ông Nguyễn Văn Trung, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, đề nghị các nhà khoa học cần nghiên cứu làm sao hạn chế được tình trạng mai nở sớm, nhất là vào năm nhuận.

(Theo Tuổi Trẻ)
 

Sonda

Thành viên
Tên bài báo: Vui buồn cùng mai Tết
Ngày cập nhật: 25/1/2007
Nguồn tin: Bình Thuận

Năm nào cũng vậy, tầm tháng chạp là người trồng mai Hàm Hiệp bắt đầu tất bật. Vô nước, lặt lá, uốn cành rồi cho vào chậu… với kỹ thuật riêng của người trồng mai không ai giống ai. Có điều chung là làm sao mai nở vào đúng chiều 30 tết để sáng đầu năm, cây mai sẽ vàng rực, biểu thị những điều suôn sẻ, may mắn cho năm mới. Năm nay, làng mai Hàm Hiệp có vẻ lắng hơn mọi năm. Bão số 9 đã làm hơn 50% số mai nở sớm.

Chúng tôi trở lại vườn mai nhà anh Nguyễn Thanh Phú ở thôn Phú Điền những ngày đầu tháng chạp, đúng vào dịp anh Phú bắt đầu chuẩn bị những công đoạn cho vườn mai tết của mình. Năm trước, mai Hàm Hiệp cũng mất mùa vì những đợt áp thấp nhiệt đới, những cơn mưa muộn cuối năm. Tuy nhiên, vườn mai nhà anh Phú lại giữ được nhờ anh đã chủ động dùng bạt che chắn, ngăn không cho mai tiếp xúc với mưa, với sương mù, nên vườn mai đã không bị nở sớm như nhiều vườn khác. Năm trước, vườn mai gần 1 sào của anh cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Còn năm nay, gương mặt của anh trở nên đắn đo, chẳng có chút tự tin khi nói về mai tết. Anh Phú chỉ đống bạt hơn 300 m vợ chồng chuẩn bị để che mai như mọi năm đang nằm ở góc nhà mà buồn. Gió cấp 8 cấp 9 như thế làm sao mà che nổi, tôi chỉ còn biết bảo vệ vườn mai hơn 200 gốc của mình bằng cách đóng cọc chằng dây, dùng rơm và bao nilong che chắn bớt dưới gốc để rễ không tiếp xúc với nước. Thế nhưng chỉ được một phần rất nhỏ có tác dụng. Sau bão, vườn mai nhà tôi nở vàng rực. Có cả một số gốc chết do rễ bị ngập úng vì đất hà li, nước không rút được. Dạo sang những vườn mai hàng xóm cũng cảnh tương tự. Năm nay, rằm tháng 10 ở Hàm Hiệp vàng rực mai nở sớm, cứ như tết. Dù vậy, tháng chạp vẫn là thời điểm rộn ràng nhất của làng mai. Những gốc mai ăn tết sớm vẫn còn khả năng cho hoa khoảng 40-50% vào ngày tết, anh Phú cho biết: 200 gốc mai nhà anh giờ còn 100 cây có khả năng cho hoa, nhưng số bán được chắc chỉ 40-50 gốc. Mai cũng có duyên nữa chứ không phải cứ cây nào đẹp, hoa nở dày là bán được mà tùy vào cái nhìn của người chơi. Bởi vậy dù rất nhiều cây mai nở sớm, người trồng vẫn bỏ công chăm sóc. Người ta bảo cây mai đẹp là không cần hoa nở dày mà phải đều, dáng đẹp, cành lá hài hòa, bắt mắt.

Ngược Phú Điền, chúng tôi về Xuân Điền, vùng mai nổi tiếng của Hàm Hiệp mà người Phan Thiết hay gọi là làng mai Đại Lộc. Mai Đại Lộc cũng nở sớm hơn 50% vì bão số 9. Vườn mai nhà ông Ba Hố vẫn còn nguyên, chưa xuống lá vì ông bảo thời điểm đẹp nhất làm công việc này là 14-15 tháng chạp. Ông Ba Hố cho biết mình chơi mai phải hơn 50 năm nay. Chuyện được mùa, mất mùa với cây mai là thường xuyên bởi loại cây chịu nắng này coi vậy khó chăm sóc lắm. Cũng là người có duyên, có “tay” chứ không phải ai trồng mai cũng đẹp. Thực ra, để trồng một sào mai khoảng 200 cây, người ta phải phá đi mảnh vườn khoảng 80-90 trụ thanh long mà thu nhập của 2 thứ này ngang nhau, nhưng thanh long ai làm cũng được. Tết không có thu nhập từ mai, chi tiêu có thể chật hẹp đôi chút, nhưng nhất định phải có một vài cây mai “ruột” để chơi trong gia đình, đó mới là điều quan trọng. Mai Hàm Hiệp mất mùa, nhưng cũng không đoán được thị trường mai tết năm nay, bởi bây giờ ngoài mai địa phương thì các vùng mai của thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Ninh Thuận… năm nào cũng tham gia chợ hoa kiểng Phan Thiết.

Ông Ba Hố trăn trở: Giữa thời buổi công nghệ, cây mai có thể được ghép, được chiết, được lai tạo, được cho nở theo ý muốn của con người. Những người trồng mai như ông dù có kinh nghiệm nhưng lại không theo kịp công nghệ nên trở thành lạc hậu. Dù vậy, người chơi mai Phan Thiết, dù đi đâu vẫn nhớ đau đáu làng mai Hàm Hiệp, vẫn thương, vẫn quý cây mai quê mình. Vào thời điểm này, làng mai Hàm Hiệp đã bắt đầu đón khách chơi mai đến tham quan, lựa chọn, đặt mua, chuẩn bị cho tết đủ mai vàng, bánh chưng xanh, câu đối đỏ.

MINH HẰNG


 

Sonda

Thành viên
Nghệ nhân cũng… bó tay!

Với vùng ĐBSCL, tỉnh Bến Tre được xem là “vương quốc” của mai vàng, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nghệ nhân chuyên kinh doanh mai. Dọc theo Quốc lộ 57, huyện Chợ Lách, nhìn những vườn mai vàng kiểng bạt ngàn của những nghệ nhân nơi đây, cứ ngỡ sẽ không có hiện tượng mai nở hoa... tưng bừng. Nào ngờ tỉ lệ mai nở còn cao hơn ở các tỉnh khác trong vùng.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lô (ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành) buồn xo: Năm nay mai vàng nở hoa sớm là đúng quy luật vì năm nhuận. Nhưng những năm nhuận trước đâu có hiện tượng nở hoa sớm và tỉ lệ nở cao như năm nay. Hầu hết các nhà vườn ở đây đều bị như vậy. Theo tôi biết, ở huyện Chợ Lách năm nay có trên 40% nhà vườn có mai vàng nở sớm, không thể kinh doanh được, phải dẹp qua một bên chờ năm sau chăm sóc lại mới bán. Số tiền thất thu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nghệ nhân Bùi Hoàng Trọng (ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành) bộc bạch: Dự kiến Tết Đinh Hợi này, cơ sở của tôi có 5.000 cây kiểng mai vàng xuất ra thị trường. Mặc dù biết trước năm nhuận, chúng tôi đã đầu tư khâu chăm sóc khá chu đáo, dùng đủ mọi phương pháp nhằm khống chế, nhưng cuối cùng cũng không thành.

Theo anh Trọng, nguyên nhân chính khiến mai ra hoa sớm là do thời tiết ngày càng bất thường. Đặc biệt, không khí lạnh xuất hiện sớm và nhiều hơn những năm trước đã làm cho lá mai bị khựng lại đột ngột, già đi và rụng, trong lúc bộ rễ đang phát triển để dưỡng lá thì tập trung dưỡng nụ. Nụ lớn nhanh và tất nhiên sẽ nở hoa. “Dù có kỹ thuật giỏi đến đâu, các nghệ nhân ở đây cũng đều... bó tay!”, anh Trọng nói.

Theo thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hiện toàn huyện có khoảng 3.000 hộ chuyên sản xuất mai kiểng với trên 1 triệu sản phẩm các loại. Trong đó có khoảng 60-70 hộ chuyên kinh doanh kiểng mai vàng với quy mô lớn từ hàng chục ngàn cây trở lên. Hiện tượng mai vàng nở hoa sớm đã làm cho nhiều nhà kinh doanh phải lao đao. Ước tính số tiền thất thu năm nay lên đến hàng tỉ đồng...

Trước tình trạng mai vàng nở hoa sớm, giới kinh doanh dự đoán giá mai vàng năm nay sẽ tăng cao do lượng cung bán ra thị trường giảm nhiều.
Ước tính năm nay có từ 40-50% lượng mai vàng nở hoa sớm “coi như bỏ” vì không thể bán được.

(BÁ DŨNG)
 

Sonda

Thành viên
Tên bài báo: Thị trường mai tết miền Tây: Nhiều điều khó đoán!
Nguồn tin: BCT,


Nhiều năm qua, tại các tỉnh miền Tây có hàng trăm nhà vườn ăn nên làm ra nhờ cây mai tết, trong đó rất nhiều hộ vươn lên giàu có. Đáng kể nhứt là các nhà vườn ở các làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) và quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ). Tuy nhiên, thị trường mai tết năm nay đang ẩn chứa nhiều điều khó đoán.

Huyện Chợ Lách (Bến Tre) từ lâu được coi là “Vương quốc của mai vàng”. Hiện toàn huyện có trên 3.000 hộ chuyên sản xuất mai kiểng với trên một triệu sản phẩm các loại, trong đó có khoảng 60 -70 hộ kinh doanh mai kiểng từ hàng chục ngàn cây trở lên. Anh Nguyễn Ngọc Tốt một nghệ nhân ghép mai nổi tiếng ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) cho biết hoa kiểng chủ lực ở Cái Mơn là kiểng tắc và mai vàng. Tết năm nay các nhà vườn sẽ tung ra thị trường hàng trăm ngàn chậu mai ghép đủ loại, đủ cỡ giá bình quân từ một trăm ngàn đến một triệu đồng/cây.

Tại TP Cần Thơ có hàng chục nhà vườn chuyên trồng mai với qui mô lớn (từ 500 đến 4.000 cây), nổi tiếng nhứt là cơ sở Vạn Lợi của anh Nguyễn Văn Chót ở khu vực Lợi Nguyên B, phường An Bình, quận Ninh Kiều mỗi năm thu nhập trên nửa tỉ đồng. Còn tại Bến Tre, chủ cơ sở Hoa kiểng Hoàng Trung cho biết năm rồi đã bán ra 3.000 chậu mai, năm nay tăng lên 6.000 chậu, giá thấp nhất 50.000 đồng và cao nhất là 10 triệu đồng/chậu. Đó là chưa kể nhiều nơi đã tập trung đầu tư cho mai bon sai và mai cổ thụ với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Đây là loại hàng quý hiếm, những cây thuộc hàng “độc” có thế lên đến hàng trăm triệu đồng/cây. Hiện các tay chơi mai chuyên nghiệp đang hăm hở săn tìm loại nầy để cung ứng cho các khu đô thị mới hoặc các công trình vừa đưa vào sử dụng.

Thị trường hoa kiểng đang bắt đầu sôi động. Nhưng năm nay, những biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu khiến nhiều nhà vườn và thương lái đứng ngồi không yên vì các nụ mai đang thi nhau bung nụ. Một là năm nay nhuần 13 tháng, chu kỳ sinh học kéo dài, nên nhiều nơi mai đã ra hoa trước tết khoảng 40%. Hai là không khí lạnh về sớm và mưa trái mùa, nguồn nước tưới không tốt nên nhiều nơi mai đã bị vàng lá, khô cành làm ảnh hưởng đến nụ hoa.

Thực trạng trên đã làm ảnh hưởng đến giá mai ở thị trường miền Tây. Một chậu mai mini đẹp (loại để bàn) năm rồi giá 50.000đ, năm nay lên tới 80.000 đồng. Chính vì vậy mà một số thương lái lo tập trung hàng chuẩn bị chuyển đi các nơi xa như miền Đông, miền Bắc, Tây Nguyên. Ông Nguyễn Văn Đen, một chủ vườn mai ở Cái Mơn cho biết năm nay mai vàng xuất sang Trung Quốc và Campuchia giá cao hơn.

Anh Cao Ngọc Nhẫn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa kiểng Cần Thơ, cho biết: Năm nay, số người đăng ký bán mai đông hơn năm rồi, các tụ điểm mua bán cũng bất đầu rộn rịp hẳn lên. Tại một số thị trấn và thị tứ, nhiều xe ba gác và xuồng ghe cũng chở hàng đi các nơi để giao cho bạn hàng. Hầu hết các thương lái đều thu gom các loại hàng mai ghép (loại để bàn), dân trong nghề gọi là mai mini, mai bụi hoặc mai lùm có giá từ vài chục ngàn đến 200 ngàn đồng/chậu. Loại này năm nào cũng tiêu thụ mạnh nhờ gọn, đẹp và phù hợp với túi tiền của cán bộ công nhân viên chức.

Tại làng hoa Sa Đéc, nhiều thương lái cũng nhận định rằng thị trường mai tết năm nay rất đa dạng và phong phú nhưng giá cả sẽ biến động vì đa số mai đã nở sớm. Do đó, nhiều người có kinh nghiệm chơi mai thường đợi đến ngày hăm chín tết mới bắt đầu chọn mai. Vào thời điểm nầy, tất cả nhà vườn đều khẩn trương thay chậu, tạo dáng và uốn sửa để nâng mai lên thành những mặt hàng “chất lượng cao”, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc, xử lý phân thuốc và chọn ngày lảy lá sao cho thích hợp. Cây mai tuy dễ trồng nhưng không hay đỏng đảnh, muốn bung nụ lúc nào tùy ý không ai ngăn cản nổi. Mỗi nghệ nhân đều có kinh nghiệm và bí quyết chăm sóc riêng nhưng thành công hay không còn tùy thuộc vào bản lĩnh tay nghề của từng nghệ nhân.

Thị trường mai tết hằng năm thường xuất hiện một số giống mới lạ hấp dẫn, tạo được sự cuốn hút đối với người thưởng ngoạn. Cụ thể như cách nay vài thập kỷ đã có giống mai huỳnh tỷ (24 cánh), sau đó là mai dão Thủ Đức (10- 12 cánh) rồi đến mai Bến Tre (100 cánh) nay. Trong làng hoa kiểng đa số người chơi đều coi mai dão là “đệ nhứt mai hoa”. Nhưng từ năm 2003, chợ hoa Xuân Ninh Kiều - Cần Thơ lại xuất hiện một giống mai đặc biệt gọi là mai Phú Quý, loại hoa nhiều cánh nhưng chỉ nở chúm chím sáng rực và vàng óng ả. Năm nay, vườn mai của anh Phạm Văn Hiếu ở phường Long Tuyền (TP.Cần Thơ) lại có bán thêm một thứ sản phẩm thử nghiệm “hợp chất giúp hoa mai nở không rụng” nhằm gây thêm sự chú ý của nhiều người chơi mai.

Tết nầy bà con ở miền Tây sẽ có dịp ngắm nhìn thỏa thích những rừng mai đa dạng, phong phú và rực rỡ sắc màu. Đặc biệt, thị trường tết năm nay sẽ có một cuộc tranh tài lý thú giữa mai ghép Thủ Đức- Cái Mơn và mai Phú Quý Cần Thơ với các giống mai truyền thống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Còn giá cả ra sao chưa thể đoán trước !

Hoài Phương
 

Sonda

Thành viên
Đào khan hiếm, mai mất mùa

Trong khi đào Hà Nội "hy sinh" dần dần do "mưa axít", sương muối, dịch bệnh thì mai ở miền Nam cũng bị mất mùa. Cây mai nào còn sống sót thì đã nở hoa.

Có mặt trên cánh đồng trồng đào của bà con nông dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, trong chiều một ngày cuối đông. Trên các khu vườn, nhiều hộ gia đình đang tỉa cành, tuốt lá cho những cây đào còn may mắn sống sót để kịp ra hoa vào đúng dịp Tết. Nhiều diện tích trồng thật xác xơ, thảm hại do đào chết hàng loạt. Người dân đã phải xới đất trồng xen các giống cây khác thay thế vào đó.

Đứng trên khu vườn trồng đào nhà mình, anh Nguyễn Văn Toán (cụm 3, phường Xuân La) xót xa: “Gia đình tôi trồng khoảng 50 gốc đào lớn và hơn 200 gốc đào nhỏ. Nhưng do năm nay diễn biến thời tiết thất thường, thiên tai dịch bệnh hoành hành suốt năm, 30 gốc đào lớn, gốc thấp nhất giá cũng phải từ 2 triệu đồng trở lên đã bị xóa sổ”. Nếu tính cả gốc đào lớn, đào nhỏ của gia đình anh Toán thì mức thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng đào, thế nhưng vườn đào của ông Nguyễn Văn Minh (cụm 8, tổ 49, Phú Thượng) cũng không tránh khỏi quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên. Do trận “mưa axít” cùng đợt sương muối kéo dài hồi đầu năm đã làm 40 gốc đào cho thuê của ông Minh bị chết.

Oái oăm thay, số gốc đào ấy lại là những gốc đào rất có giá trị, thường để cho các tổ chức Nhà nước, các công ty lớn thuê với giá lên đến hàng chục triệu đồng vào mỗi dịp Tết.

Chỉ vào gốc đào ở giữa vườn, ông Minh bảo: “Gốc đào này Tết năm ngoái đã cao 3 mét, cho thuê với giá 6 triệu đồng. Trong quá trình vận chuyển bị gãy cành, cùng với thiên tai dịch bệnh năm nay đã làm nó thui chột đi chỉ còn chưa đầy 1 mét. Cũng may gốc đào vẫn còn sống nên tôi có thể cứu chữa và đưa vào sử dụng được”.

Nhiều gốc đào quý nhà ông Minh tuy có thể cứu được nhưng cũng không thể kịp đưa vào sử dụng cho Tết này, mức thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng là điều không tránh khỏi. Ông còn cho biết, Phú Thượng cũng có nhiều hộ gia đình mất trắng cả vườn đào do bị ngập úng, thất thu hoàn toàn vào dịp Tết năm nay.

Nhật Tân - Phú Thượng - Xuân La có thể coi là “đại bản doanh” của đào Hà Nội. Với gần như 100% diện tích đất nông nghiệp là dành cho việc trồng đào, hàng chục năm qua thể coi ba phường trên đã hoàn toàn “bao sân” thị trường đào Tết thủ đô. Tuy nhiên, cơn lốc đô thị hóa (xây dựng các khu đô thị mới) đã làm thu hẹp hàng chục hécta.

Theo con số tổng kết mới nhất của Phòng Kinh tế - Kế hoạch quận Tây Hồ, ước tính tổng diện tích trồng đào thiệt hại vào khoảng trên 30 hécta, trong đó, phường Phú Thượng thiệt hại với diện tích lớn nhất vào khoảng 20 hécta, phường Xuân La khoảng 10 hécta và phường Nhật Tân ít nhất cũng gần 2 hécta.

Cho đến thời điểm này, chỉ có duy nhất phường Nhật Tân là còn nhiều hy vọng về một vụ đào thành công. Hai phường còn lại hiện chỉ còn vớt vát được một chút. Thậm chí nhiều gia đình đã tính đến chuyện ươm những lứa đào mới cho Tết Mậu Tý.

Theo ông Phạm Tuấn Diếp, Trưởng Phòng Kinh tế-Kế hoạch quận Tây Hồ thì nguyên nhân chủ yếu làm cho diện tích trồng đào của bà con nông dân ở Tây Hồ bị thiệt hại như vậy là do tình hình thời tiết năm 2006 diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt là đợt mưa úng, "mưa axít" kéo dài từ 17/8 đến 20/8/2006, đã khiến cho hơn 30 hécta đào của hàng trăm hộ gia đình ở Phú Thượng, Xuân La và Nhật Tân bị thất thu.

Những ngày cuối tháng 11, người dân tưởng chắc ăn với những cây đào sống sót sau đợt lụt, nào ngờ trời vào đông, lại thêm mưa đá làm đào tiếp tục chết.

Trong khi đó, nhiều hộ nông dân cho rằng nguyên nhân của việc đào chết hàng loạt là do nhiều dự án của quận Tây Hồ còn dang dở, dẫn đến kênh mương úng ngập mỗi khi mưa lớn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một vấn đề là từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng đào, việc chăm lo vấn đề thủy lợi đã không còn được chú trọng như trước.

Trước tình hình đó, nhiều người sành chơi đào dự đoán Tết năm nay đào Hà Nội sẽ rất khan hiếm. Ông Nguyễn Văn Minh khẳng định, dịp Tết năm nay, cả đào bán và đào cho thuê sẽ đắt hơn rất nhiều. Ngay gia đình ông năm ngoái cho thuê hơn 100 gốc đào thì năm nay chỉ còn 50 gốc.

Dự tính, những gốc đào năm ngoái cho thuê với giá 2 đến 3 triệu đồng thì năm nay có thể lên 5 đến 6 triệu đồng, và số gốc đào cho thuê với giá vài ba chục triệu đồng cũng không phải là ít. Tuy nhiên, giá cả đào ở Tây Hồ vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết từ nay cho đến cuối năm âm lịch.

Theo kinh nghiệm, ông Minh cho rằng nếu thời tiết cứ rét kéo dài, đào sẽ bị hãm, không nở hoa được vào đúng dịp Tết. Đào các nơi không đẹp bằng đào Phú Thượng, Xuân La và Nhật Tân nên không thể thay thế được.

Ông Diếp cũng cùng chung nhận định là từ nay đến Tết Nguyên đán, giá cả đào còn phụ thuộc vào thời tiết và nhu cầu của người chơi đào nhiều hay ít. Riêng đào đẹp năm nay sẽ rất hiếm do khi chuyển đào gốc già lâu năm từ đồng ra trồng ở bãi đã bị hỏng khá nhiều.

So với các làng hoa khác, làng hoa Hiệp Bình Chánh là một trong những làng hoa ven thành phố lâu đời nhất. Vì nhiều lý do, một phần vì quá trình đô thị hóa, hiện nay làng hoa nổi tiếng một thời này chỉ còn khoảng hơn 6 hécta, nhiều chủ vườn đang lo ngại rằng, năm nay diện tích trồng mai sẽ còn giảm nhiều.

Đê bao bị vỡ liên tục trong thời gian qua khiến hàng ngàn hécta mai vàng bị ngập úng trong nước trên địa bàn các quận, huyện vùng ven TP HCM như Hóc Môn, Thủ Đức, quận 12. Dọc theo đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức hàng loạt nhà vườn phải bán gốc mai trước Tết vì sợ ngập nước sâu sẽ gây thối rễ. Người dân trồng mai khu vực này đang chung một nỗi lo, hàng ngàn chậu mai ghép, cây hoa kiểng đang có nguy cơ bị chết vì nguồn nước ô nhiễm đã ngấm vào rễ.

Những ngày đầu tháng 1, có mặt tại vườn kiểng của ông Út Cao, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, một nghệ nhân chăm mai nổi tiếng. Vườn nhà ông hiện có khoảng 8 nghìn gốc mai. Vài tuần nay, nghệ nhân Út Cao ru rú trong nhà như trốn nợ.

Theo những nhà vườn chuyên về trồng mai tại Thủ Đức, thì ông Út Cao là người bị thiệt hại nặng nhất trong “đại dịch” mai nở sớm. Hàng ngàn chậu mai thi nhau khoe sắc rực rỡ. Không như mọi năm, ông có mặt ngoài vườn từ sớm đến tối, chăm chút, tỉa tót từng gốc mai; năm nay nghệ nhân Út Cao cám cảnh đến nỗi không buồn ngó ngàng gì đến vườn.

Vợ ông vừa tưới vừa cắt từng cọng lá, bà bảo rằng, năm nay nắng mưa thất thường, mấy tuần trước còn bị vỡ đê khu vực, vườn mai bị ngập nước, chính vì thế, mai các vườn khác chỉ bị thiệt hại khoảng 50%, nhưng nhà ông bị gần hết.

Bà Út than thở, chậu nào cũng bung nụ, cứ nắng lên là nở. Nếu những gốc mai này nở đúng Tết, nhà bà sẽ có hàng tỷ đồng, nay hai vợ chồng ông bà đang lo ngay ngáy vì nếu không có mai đủ “chuẩn” cho những khách hàng đã ký gửi, ông bà sẽ phải đền tiền cho khách. Số tiền mỗi gốc không lớn, nhưng hàng ngàn gốc không phải là con số nhỏ.

Không phải nghệ nhân về mai như ông Út Cao, nhưng bà Út cũng đủ kiến thức để giải thích cho tôi rằng: mai năm nay mất mùa là do nhuận tháng 7 và ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới khiến trời mưa liên tục, khi có mưa là mai lại bung nụ nở hoa.

Để cứu vườn mai, ông bà Út Cao cũng như nhiều nghệ nhân khác đã “cứu” bằng cách tưới nước nhiều lần trong ngày, giữ cho mai luôn tươi mát, không khô lá, rụng lá, không bung nụ.

Hiện tượng mai nở sớm, mai chết không chỉ xảy ra ở khu vực Kha Vạn Cân, Thủ Đức mà hàng loạt vườn mai ở khu vực Bình Quới, An Phú Đông (quận 12) cũng chung tình trạng.

Những ngày qua, ông bà Út Cao và nhiều nhà vườn ở khu vực Kha Vạn Cân đã tiến hành cứu vườn mai bằng cách tưới nhiều nước để tăng cường độ ẩm, phun thuốc dưỡng lá để lá không bị rụng. Cũng có người dùng lưới mỏng che toàn bộ vườn mai nhằm làm giảm nhiệt độ... Tuy nhiên, theo các nghệ nhân, cây mai cũng như người phụ nữ đẹp vốn đỏng đảnh, dễ bị thời tiết tác động, dù người trồng có khéo chữa chạy cách mấy cũng không thể kìm hãm được tỷ lệ mai nở sớm.

Nhiều năm nay, các tỉnh miền Tây có hàng ngàn nhà vườn ăn nên làm ra nhờ nghề chăm mai Tết. Đáng kể nhất là các địa phương như Sa Đéc (Đồng Tháp), Ninh Kiều (Cần Thơ), Chợ Lách (Bến Tre). Mọi năm, nếu mai TP HCM bị hư hại thì nhà vườn sẽ cho người xuống các tỉnh miền Tây để lấy hàng về bán lại, nhưng năm nay, theo các nhà vườn ở miền Tây, tình trạng mai mất mùa cũng diễn ra tương tự.

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nơi được coi là “vương quốc” của loài mai cũng mất mùa. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của cơn bão số 9 và sau đó là thời tiết rất thất thường, nhà vườn không thể điều tiết được.

Thị trường mai Tết năm nay đã bắt đầu sôi động, mọi năm phải đầu tháng Chạp. Thực trạng mai nở sớm đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả của mai vàng miền Tây. Một chậu mai loại để bàn năm ngoái chỉ khoảng 40 đến 50 ngàn đồng, năm nay có giá từ 80 đến 100 nghìn đồng mà vẫn thiếu hàng. Ngay thời điểm này, các thương lái miền Tây đã đi gom hàng để đưa lên các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên.

Hiện nay, để vớt vát một mùa mai thất bát, nhiều nhà vườn tại TP HCM đã thay chậu, tạo dáng và uốn sửa để nâng những cây mai nở sớm lên thành hàng “chất lượng cao”. Nhiều người có kinh nghiệm chơi mai cho biết, năm nay muốn chọn được mai nở đúng Tết, tránh bị các tay thương lái lừa, người mua mai nên đi chọn mai vào những ngày giáp Tết.

(Theo Công An Nhân Dân)
 

Sonda

Thành viên
Nở sớm tràn lan, Mai Tết sẽ “sốt giá”?

Nở sớm tràn lan, Mai Tết sẽ “sốt giá”?
...................
khảo sát sơ bộ hiện nay có đến 60% - 70% vườn mai đã nở hoa sớm. “Cả nhà vườn và chính quyền địa phương đang rối bời như canh hẹ nhưng chưa tìm được cách khắc phục”. Tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), anh Phạm Văn Hùng cho biết: “Trồng mai, ngoài chuyện kinh doanh, nó còn mang đến điều may mắn cho gia đình. Do đó, năm nào tui cũng o bế cho vườn mai nở hoa thật nhiều đúng vào dịp Tết, nhưng năm nay mai lại nở không như ý muốn, trong lòng cũng thấy âu lo…”.

Thất thu tiền tỷ!

Nghệ nhân Trần Văn Thăng, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) phân tích: “Nguyên nhân mai nở sớm là do thời tiết thất thường, lúc nóng lúc lạnh thay đổi nhanh. Mặt khác, năm nay là năm nhuận nên việc xử lý rất khó khăn”.

Nghệ nhân Bảy Việt, ở làng hoa kiểng thị xã Sa Đéc cho biết thêm: “Thông thường năm nhuận làm cho mai vàng dễ nở sớm, nhưng cái lạ là tỷ lệ nở sớm năm nay quá nhiều và xảy ra khắp nơi. Hầu hết các nhà vườn ở ĐBSCL và cả TP Hồ Chí Minh cũng như nhau. Cái thiếu của nhà vườn là ban đầu không chú ý không khí lạnh xuất hiện sớm và nhiều hơn những năm trước, dẫn đến lá mai bị khựng, già đi và rụng, nụ lớn nhanh làm cho mai nở hoa”.

Những ngày qua, nhiều nhà vườn xử lý bằng cách tưới nhiều nước để tăng cường độ ẩm, song song đó phun thuốc dưỡng lá để nuôi lá tránh bị rụng. Có người dùng lưới che toàn bộ vườn mai nhằm làm giảm nhiệt độ… Tuy nhiên, dù cố gắng “làm mát” cách mấy vẫn không kìm được tỷ lệ mai bung nụ, bởi đây là quy luật tự nhiên theo thời tiết(!?).

Nghệ nhân Bảy Việt cho biết, ước sơ bộ vườn mai Tết với hơn 1.000 cây mai vàng, mai kiểng rất đẹp, nhưng bị nở sớm gây thiệt hại không nhỏ. Còn theo tính toán của Phòng Kinh tế huyện Chợ Lách (Bến Tre), với tỷ lệ mai nở sớm tràn lan làm hàng trăm nhà vườn và giới kinh doanh mai Tết mất hàng tỷ đồng.

 
G

ghostfull

Guest
Sonda nên chú ý loại kích thích sinh trưởng Cytokinin. Loại này sẽ làm cho mai không nở được trong thời gian trước tết. Chỉ cần ngưng phun loại này trước tết 1,5 tháng là yên tâm, cho dù thời tiết cho xấu cũng không ảnh hưởng.

 
Top