Sự cần thiết phải bón phân qua lá

mai vu duy

Thành viên
Khi đất có hàm lượng dưỡng chất khoáng không đủ cung cấp cho cây trồng hoặc có nhưng cây trồng không thể hấp thu do các yếu tố bất lợi. Khi đó việc phun phân bón lá sẽ giúp cho cây trồng hấp thụ nhanh đáp ứng kịp thời giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ví dụ trong đất có pH cao và nhiều hữu cơ thiếu mangan có thể khắc phục bằng cách phun phân bón lá có chứa mangan (Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2004).

Dinh dưỡng cây hấp thu qua lá được sử dụng đến 95% so với 45-50% bón qua đất (Chu Thị Thơm và ctv., 2006). Phân bón lá có thể thay thế được 30% phân bón qua rễ. Trên đất phèn dù bón đủ NPK thì lúa vẫn không hấp thụ được tốt do rễ kém phát triển trong tầng canh tác, đôi khi phân bị bốc hơi nhanh hay bị rửa trôi do thời tiết do đó cây lúa không thể hấp thu dinh dưỡng được vì vậy cần phải bổ sung phân bón qua lá để đáp ứng nhu cầu cây lúa trong quá trình phát triển. Phân bón lá giúp lúa thúc đẩy nhanh quá trình ra rễ, đẻ nhánh và hình thành đòng (Nguyễn Thanh Bình, 2008).

Ở những khu vực bán khô hạn, lớp đất mặt bị thiếu nước kéo theo làm giảm hữu dụng các dưỡng chất trong suốt thời gian sinh trưởng của cây là hiện tượng thường gặp. Mặc dù nước hữu dụng vẫn có ở lớp đất phía dưới, nhưng dinh dưỡng khoáng trở thành một yếu tố giới hạn cho sự sinh trưởng của cây. Trong điều kiện này, việc phun dinh dưỡng qua lá sẽ có hiệu quả hơn so với việc bón dinh dưỡng vào đất

Sự giảm hấp thu dinh dưỡng của rễ bắt đầu trong giai đoạn sinh sản là do sự cạnh tranh carbohydrate giữa rễ và bông. Việc phun dinh dưỡng qua lá có thể bù đắp cho sự thiếu dinh dưỡng này

Sử dụng phân bón lá giúp gia tăng hàm lượng tinh bột ở ngũ cốc, lượng protein và chất lượng hạt có thể gia tăng nhanh chóng khi phun phân đạm qua lá ở giai đoạn sau. Đạm cung cấp ở giai đoạn này nhanh chóng được vận chuyển hoặc chuyển vị từ lá tới hạt (Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2004).

Theo Lê Hoàng Kiệt và ctv. (2005) phân bón lá giúp cây hấp thụ nhanh và hiệu quả các chất dinh dưỡng qua lá, bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt là vi lượng trong các giai đoạn khủng hoảng của cây.

Phun phân bón lá giúp cây trồng tăng năng suất và chất lượng. Nghiên cứu của Rana và Sharma 1980 cho thấy phun hai lần CuSO4 với nồng độ 0,025% trên nho làm tăng năng suất ý nghĩa đối chứng với mức tăng 13,7% (Chu Thị Thơm và ctv., 2006). Ngoài ra phân bón lá còn có tác dụng kéo dài thời gian tồn trữ nông sản sau thu hoạch bằng biện pháp xử lý tiền thu hoạch. Phun K2CO3 nồng độ 2 g/l trên xoài Cát Hòa Lộc 5-6 năm tuổi vào thời điểm trái đậu trứng cá đến trước thu hoạch hai tuần đã làm tăng năng suất phẩm chất trái và tồn trữ được thêm hai ngày (Trần Thị Kim Ba, 2007). Sử dụng dưỡng chất CaCl2 và H3BO3 với nồng độ 2500 ppm đã làm tăng pectin, himicellulose trong thành phần vách tế bào của vỏ và thịt trái tại thời điểm thu hoạch làm chậm quá trình chín của trái quýt hồng (Phạm Thị Phương Thảo, 2009). Theo Phan Thị Lệ Thi (2009) sử dụng H¬3BO3 ở nồng độ 100ppm phun qua lá một tháng trước thu hoạch đã giúp màu sắc vỏ trái bóng sáng duy trì ổn định theo thời gian tồn trữ và vỏ trái cứng chắc hơn. Tỷ lệ hao hụt trọng lượng và tỷ lệ nhiễm bệnh giảm, giúp vỏ trái giảm mất nước bốn tuần sau thu hoạch của trái quýt đường.
 
Top