Những vị thuốc quanh ta

Ngoc_Quang

Thành viên
Làm thuốc từ cây na
B.S HOÀNG XUÂN ĐẠI



Cây na còn gọi là phan lệ chi, sa lê, mác kiếp hay mãng cầu (cách gọi riêng của các tỉnh phía nam), tên khoa học Annona Squamosa thuộc họ Annonaceae. Có mùi thơm ngon đặc biệt khi ăn nhất là loại na dai; là loại quả nhiều dinh dưỡng, giàu dược tính nên trong Đông y còn sử dụng làm thuốc trị nhiều bệnh chứng khác nhau.

Quả na cũng đã được phân tích thành phần thấy chủ yếu chứa đường glucose khá cao 72%, tinh bột 1,73%, protide 2,7%, vitamine C… Lá na chứa tinh dầu 0,08%, trong hạt chứa tinh dầu 40%, trong đó các acide béo chiếm tỷ lệ lớn. Vỏ và rễ cây na có chứa acide hydrocyanic…

Đông y cũng cho rằng na có vị ngọt hơi chua tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đàm, chữa kiết lỵ… Quả na chín có công dụng bồi bổ cơ thể rất tốt đối với người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh… Còn quả na điếc tức là quả na khi còn non bị nấm làm hỏng, xác khô, màu nâu đỏ tím được dùng trị mụn nhọt ở vú phụ nữ, chữa ho, viêm họng… Ngoài ra trong dân gian còn sử dụng hạt na để diệt chấy rận, lá na trị sốt rét kinh niên, bong gân, rễ và vỏ cây na dùng làm thuốc tẩy giun…

Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu cách trị một số bệnh từ na như sau:

* Chữa sưng vú: Lá na 1 nắm, giã nát cùng với lá bồ công anh đắp vào chỗ vú sưng. Ngày thay 1 lần.

* Chữa bong gân chấn thương: Lá na 20g, quả đu ***** xanh 10g, Vôi tôi 5g, Muối ăn 5g, tất cả giã chung cho nát rồi hơ lửa cho nóng đắp vào vùng tổn thương. Ngày đắp 1 lần.

* Tẩy giun đũa: Rễ na 30 – 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc lấy nước đặc uống 1 lần vào buổi sáng.

* Bồi bổ cho người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh: Na chín ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 quả.

* Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Dùng quả na điếc 20g, đốt cháy tồn tính, cỏ Lào ngọn non 50g, gạo tẻ 30g rang thật vàng, cho tất cả vào sắc uống, ngày 1 thang chia 3 lần,

* Trị nhọt vú: Lấy quả na điếc phơi khô tán bột, hòa với giấm, lấy nước hỗn hợp này hằng ngày bôi nhiều lần vào chỗ nhọt.

* Chữa răng bị đau nhức: Lấy hạt na giã nhỏ ngâm rượu, rồi lấy rượu đã ngâm hạt na ngậm vào chỗ răng sưng đau, sau ngậm chừng 10 – 15 phút thì nhổ nước này đi. Ngày cần ngậm vài ba lần.

* Trị chấy rận: Lấy nước hạt na giã ngâm rượu đặc cho lên đầu tóc, sau ủ kín bằng vải trùm đầu để chừng 30 phút thì gội đầu. Cũng lấy dung dịch rượu ngâm hạt na này cho vào quần áo ngâm.

* Trị viêm họng: Quả na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính), và cùng giã nhỏ tán bột mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành xi rô làm thành hoàn mỗi viên nặng 0,5g. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3 – 4 viên. Trẻ em tùy tuổi mà ngày uống từ 3 – 6 viên chia 2 lần. Cần uống 3 – 5 ngày.

* Chữa sốt rét: Quả na điếc 40g, giun đất (loại khoang cổ) 80g, phèn phi 20g, quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu sao vàng, giun đất lộn ruột ra ngoài, rửa sạch và tẩy rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ lại trộn với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm hoàn bằng hạt đậu xanh, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.

Hoặc lấy lá na 20 – 30g, giã nhỏ, chế thêm nước vắt lấy 1 bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sang ngày sau cho chút rượu khuấy và uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng 2 giờ. Mỗi ngày uống 1 lần, cần uống liền từ 5 – 7 ngày.
trích báo nongnghiep.vn _ (25/09/2009 10:17)
 
Chữa ho, dưỡng da lúc giao mùa

Trời dần chuyển sang mùa đông, lúc này các bệnh như ho, khô da do thời tiết rất hay gặp. Dưới đây là những món ăn, những bài thuốc dân gian, cổ truyền theo lương y Như Tá, lương y Trần Khiết giúp chữa những tình trạng nói trên.

Dưỡng da

* Hạt sen nấu long nhãn

Nguyên liệu: Một ít hạt sen (độ 20-30g), một ít nhãn nhục (8-10g), 30g vị thuốc khiếm thực, 50g vị thuốc dĩ nhân, một muỗng canh mật ong.

Cách làm: Cho tất cả các nguyên liệu trên (trừ mật ong) vào nồi cùng 3 chén nước (độ 750 ml), nấu với lửa nhỏ trong một giờ, sau đó cho tiếp mật ong vào là có thể dùng được. Công hiệu của món ăn bài thuốc này là: giúp nhuận da, giúp cải thiện tình trạng da khô ráp khi tiết trời se lạnh.

Tắc (trái) là vị thuốc chữa ho do thời tiết, long nhãn - Ảnh: H.Mai

* Cúc hoa nấu mật ong

Nguyên liệu: 30g cúc hoa còn tươi, 2 muỗng canh mật ong.

Cách làm: Cho cúc hoa tươi vào nồi cùng 3 chén nước, nấu sôi, sau khi gần đặc lại thì thêm vào mật ong để làm thành dạng cao. Mỗi lần dùng lấy 15g đem pha với nước sôi (khuấy đều trước khi dùng), có công dụng giúp làn da sáng, chống da khô, lão hóa.

* Hạnh nhân cam thảo

Nguyên liệu: Hạnh nhân, ma hoàng (mỗi thứ 10g), 30g ý dĩ nhân, và 3g chích cam thảo.

Cách làm: Các vị thuốc trên đem sắc (nấu) với 3 chén nước, nấu còn lại 1 chén, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng trước mỗi bữa ăn, giúp làn da trắng, không bị thô ráp trong mùa lạnh.

Chữa ho

* Xà lách xoong nấu gừng tươi

Nguyên liệu: 10g cải xà lách xoong, 50g lá tía tô, mấy lát gừng tươi.

Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, cùng 750 ml nước, nấu (sắc) còn lại 250 ml, chia làm 3 lần dùng hết trong ngày; có công dụng chữa ho, nhất là ho do thời tiết chuyển mùa.

* Vỏ quýt nấu với cải xoong

Nguyên liệu: 30-40g trần bì (vỏ quýt), 100g cải xà lách xoong.

Cách làm: Cho cả hai loại vào nồi cùng 750 ml nước, nấu với lửa nhỏ, nấu còn lại 250 ml, chia làm 3 lần dùng hết trong một ngày.

* Tắc chưng đường phèn

Nguyên liệu: 5-6 trái tắc vừa chín tới, một ít đường phèn.

Cách làm: Cắt tắc làm đôi cho vào chén cùng đường phèn, rồi đem chưng cách thủy đến khi thấy chén tắc ra nhiều nước là được (cũng có thể đem chưng vào nồi cơm, khi cơm vừa cạn). Có thể cho vào thêm một ít bông khế còn tươi, dùng trị ho khi chuyển mùa sẽ rất hay. Cách làm tương tự, nhưng thay tắc bằng chanh (chanh cắt lát khoanh tròn thật mỏng) cũng được.
...............
St.
 
Top