Những nghệ nhân nông dân

trungduart

Administrator
Những nghệ nhân nông dân Không chỉ làm nghệ thuật, những “nghệ nhân chân đất” còn muốn gầy dựng một thương hiệu riêng...
Nghệ nhân Hai Còn và nghệ nhân Trần Văn Toán bên tác phẩm của mình

Tại Hội Hoa Xuân TPHCM 2009 tổ chức tại Công viên Tao Đàn, bên cạnh những tác phẩm hoa tươi, cây cảnh, bonsai... nhiều du khách còn được thưởng thức những tác phẩm cây khô đầy nghệ thuật như Sum họp (giải vàng), Âu yếm (giải đồng)... Ít ai ngờ rằng những nghệ nhân tạo nên các tác phẩm ấy lại là những nông dân.


Biến rễ cây thành tác phẩm nghệ thuật

Tôi tìm đến nhà nghệ nhân Trần Văn Toán ở tổ 5, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, Long An - người vừa đoạt giải vàng với tác phẩm Sum họp. Con đường đất ngoằn ngoèo đưa tôi đến ngôi nhà ngói khang trang nằm giữa cánh đồng trơ gốc rạ sau mùa thu hoạch. Ngay cửa vào, tôi thấy hàng loạt tác phẩm cây khô nghệ thuật, cái nằm trước sân, cái đặt trong phòng khách và cả khuôn viên sân vườn. Chỉ vào những tác phẩm: Khúc tình ca (giải vàng năm 2006), Long giáng (giải bạc năm 2007), Mẫu tử tương thân (giải vàng huyện Cần Đước năm 2006), Tình mẹ... nghệ nhân Toán tự hào: “Đó là thành quả của 5 năm làm nghệ thuật”.

Nghệ nhân Hai Còn cho biết: “Chúng tôi luôn mong muốn có một nơi để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân đoạt giải qua các hội thi. Đây sẽ là nơi cho du khách tham quan, mua sắm. Từ đó, chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu cây khô nghệ thuật Cần Đước và tạo nên thế mạnh vốn có của vùng”.

Nghệ nhân Hai Còn và nghệ nhân Trần Văn Toán bên những tác phẩm của mình

Để thực hiện tác phẩm Sum họp vừa đoạt giải vàng năm nay, nghệ nhân Trần Văn Toán đã làm việc cật lực gần 4 tháng. Ông kể: “Đây là gốc cây cui có tuổi đời hơn 300 năm được tôi chọn trong số vài chục gốc cây bị chôn vùi dưới sình trên sông Vàm Cỏ. Phải mất gần 2 tuần tôi mới moi lên được toàn bộ rễ của nó”. Sau khi moi lên, rễ cây được đem phơi trong một tháng; sau đó phải làm sạch hết phần đất dính trên các kẽ hở. “Khó nhất vẫn là công đoạn tạo hình vì cây có bộ rễ khá dày. Phải cắt làm sao không mất cái hồn mà vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên”. Sau gần 4 tháng tạo dáng, làm bóng, tác phẩm Sum họp thể hiện sự quây quần, đoàn tụ bên nhau trong ngày Tết ra đời.

Tác phẩm phải có hồn

Nói đến cây khô nghệ thuật, vùng đất Cần Đước- Long An là mọi người nghĩ đến nghệ nhân Phạm Văn Tuấn (Hai Còn) hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Hoa lan Cây cảnh huyện Cần Đước. Hơn 10 năm dày công sưu tầm, nghiên cứu, thực hiện, nhiều tác phẩm của ông đã đoạt giải vàng như: Mẫu tử tương tùy (2005), Khát sống (2006)... Những tác phẩm được ông đặt trang trọng ở góc phòng như những báu vật. Trầm ngâm bên tách trà, nghệ nhân Hai Còn tâm sự: “Cơ duyên đưa tôi đến với nghề làm cây khô nghệ thuật vào năm 1999. Hôm đó, tôi đưa má tôi dự đám cưới về trên sông Vàm Cỏ, thấy thấp thoáng dưới sình hiện lên những rễ cây có hình thù kỳ lạ, tôi tấp vào, xắn quần lội xuống, bới đất moi lên. Thấy người tôi dính đầy sình, má tôi mắng: “Gốc cây khô chứ có gì đâu mà quý”. Vậy mà khi lấy về, đem phơi khô, tạo dáng, bà khen đẹp”.

Theo nghệ nhân Hai Còn, để có những tác phẩm đẹp, nghệ nhân phải đi khắp sông dùng cây xom xuống đất để tìm các bộ rễ rồi cẩn thận đào xới đưa lên mặt đất. Muốn tác phẩm không bị mốc, lâu hư, rễ cây cần được phơi khô trong vòng một tháng, sau đó đánh nhẹ lớp véc-ni cho bóng. Ông nói: “Gốc cây đẹp phải có nhiều vân sớ, không quá bóng, cũng không được cắt tỉa nhiều. Đặc biệt, khi tạo hình, tác phẩm phải có hồn, phù hợp với vóc dáng trên từng chi tiết”.

Chú trọng thị hiếu của người thưởng thức

Gần 10 năm làm nghệ thuật cây khô, nghệ nhân Hai Còn không chỉ là nghệ nhân đầu tiên mà còn là người thầy đã dẫn dắt những nông dân trong vùng cùng hướng đến nghệ thuật cây khô tự nhiên. Hiện bộ môn cây khô tự nhiên và đá cảnh mỹ thuật của huyện đã thu hút hơn 10 nghệ nhân tham gia. Hầu hết đều là những người xuất thân từ ruộng đồng. Những cái tên như Trần Văn Toán, Nguyễn Văn Thạch, Nguyễn Văn Bê... đều có những tác phẩm nghệ thuật đoạt giải qua các Hội Hoa Xuân của TPHCM. Những tác phẩm nghệ thuật cây khô tự nhiên của huyện Cần Đước cũng đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Vào mùng 9 mỗi tháng, những “nghệ nhân chân đất” đều tập trung cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như xu hướng mới trong cách làm nghệ thuật cây khô. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bê cho rằng: “Chúng tôi luôn hướng đến những tác phẩm nghệ thuật mới, đáp ứng thị hiếu của người thưởng thức. Có như thế nghệ thuật cây khô Cần Đước mới tạo được tiếng vang trong giới làm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật cây khô hiện nay”.

Bài: Huỳnh Nga
 

123zo

Thành viên
sao bác không lấy vài tấm hình làm dẫn chứng cho bài viết có sức thuyết phục hơn??
 
Top