Mai tứ quý

dat80

Thành viên
Đến bất cứ hiệu thuốc bắc nào hỏi, Tuấn cũng nhận được câu trả lời na ná:
- Đã lâu hiệu thuốc chúng tôi không bán đông trùng hạ thảo nữa. Vị thuốc đó quý hiếm thật nhưng nhiều người dã tâm lắm, dùng xong, đem phơi khô rồi bán lại cho chúng tôi. Thật giả lẫn lộn, đến chúng tôi còn không phân biệt được huống chi là khách!

Bây giờ Tuấn đã cầm vị thuốc đó trên tay. Anh lật qua lật lại, ngắm nghía những lát thuốc đó một cách chăm chú. Vị thuốc trông cứ như củ mài, củ khoai lang nghệ luộc được thái lát phơi khô vậy.

Mấy tuần nay cây mai tứ quý cứ èo uột, càng chăm bón, tưới tắm, cây mai càng xơ xác, những chiếc lá xanh đổi sang màu úa vàng, khẽ đụng tay vào là lá đã lìa cành. Tuấn phát hoảng, đôn đáo chạy tìm thằng Bảo hỏi cho ra sự tình. Thằng Bảo theo Tuấn về nhà. Thoạt nhìn cây mai nó bảo:

- Trời ơi, dừng ngay việc tưới tắm cho cây. Ra tiệm thuốc bắc cắt thuốc về để sắc bón cho nó.

Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Tuấn chưa nghe ai nói phải mua thuốc bắc về sắc lấy nước bón cho cây. Nghe thằng Bảo giải thích, Tuấn thấy có lý. Anh liền đi hỏi mua thang thuốc thập toàn đại bổ: sâm cao li, đương quy, thục địa, đỗ trọng… nhưng không có vị đông trùng hạ thảo.

May sao lần đó bạn của Tuấn là chủ một doanh nghiệp sang Trung Quốc ký hợp đồng mua bán làm ăn với đối tác, Tuấn nhờ tìm mua giúp. Cái ấm sắc thuốc bằng đất sứ của Trung Quốc, cắm điện vào một lúc nước đã sôi. Vị thuốc bốc hơi thơm ngào ngạt. Mấy ông, mấy bà đi ngang qua nhà Tuấn cũng dừng lại hỏi với vào trong: "Nhà bà Xuân sắc thuốc gì thơm quá!".

Mẹ Tuấn đang nằm trên giường nói vọng ra: "Cháu nó sắc thuốc bón cho cây mai tứ quý đó". Có ông nghe bà Xuân nói vậy thì lắc đầu: "Đúng là thời thế thay đổi. Bây giờ, chăm chuốt cây cảnh còn hơn cả việc chăm chuốt cho người!". Một bà bạn với mẹ Tuấn thì bảo: "Sao bà không giục thằng Tuấn lấy vợ đi, đã ba lăm, ba sáu tuổi rồi mà vẫn chưa vợ con gì cả. Chăm cái hoa nó biết khóc, biết cười kia kìa mới xứng với công sức bỏ ra. Hơi đâu công uổng, công thừa…".

Cây mai tứ quý từ ngày được Tuấn sắc thuốc bắc để chăm bón có khác. Thân cây mập mạp khỏe khoắn, những nụ hoa mọc sin sít bên nhau, thoắt cái đã xòe những cánh hoa vàng ươm, hương thơm ngan ngát tỏa khắp nhà. Cũng từ dạo đó, nhà Tuấn người ra kẻ vào mỗi lúc một đông, ai cũng muốn được ngắm nhìn cây mai tứ quý độc đáo của Tuấn.

Cây mai tứ quý mà Tuấn có được là mua của thằng Bảo, người cùng phố. Theo nó nói thì đó là một loại mai cực hiếm, có nguồn gốc tận đâu xa lắm, du nhập vào nước ta những năm sáu mươi thế kỷ trước. Hiện giống mai này đang mai một vì không ai hiểu được thuộc tính của hoa. Là loại mai quý hiếm nên cách chăm sóc cũng cầu kỳ công phu lắm. Phân bón cho nó không phải bã dừa, phân bò, mà phải là thuốc bắc, mua về sắc ra để bón cho nó như cho người bồi bổ sức khỏe vậy. Tuấn ưng thuận mua với giá một triệu đồng.

Tuấn mới chăm sóc có mấy tháng nhưng ai trông thấy cây mai cũng trầm trồ khen đẹp. Lúc đầu có người nài Tuấn để lại với giá gấp đôi số tiền Tuấn đã mua của thằng Bảo. Về sau có người còn quy ra vàng, nài nỉ Tuấn để lại với giá hai ba cây vàng. Gần đây nhất có một đại gia ở Sài Gòn đã trả Tuấn năm cây vàng để được sở hữu cây mai đó. Cứ thế, tiếng đồn đại về cây mai tứ quý của Tuấn lan truyền khắp cả thành phố nhỏ bé này. Qua miệng đồn thổi của người đời, cây mai đó giờ đây có giá đến cả bạc tỉ.

Cây mai tứ quý đó với ai trầm trồ, ao ước được có nó không biết chứ ở nhà này thì người đầu tiên không thích, đó là mẹ của Tuấn. Vài ngày đầu khi Tuấn mới bưng chậu mai về, mẹ có nhìn qua đôi ba lần, từ đó chẳng bao giờ bà để mắt đến nữa. Sự nhiêu khê mà cây mai mang đến cho bà là quá rõ.

Khi mới sửa lại căn nhà theo yêu cầu của mẹ, Tuấn kê cho mẹ cái giường ở góc nhà. Tuổi cao, sức yếu, bệnh tật liên miên bà không thể leo lên lầu. Từ hôm đưa chậu mai về, suốt ngày bạn bè Tuấn, kéo đến thăm chơi, ngắm hoa, chuyện trò bù khú khiến bà càng thêm đau đầu buốt óc. Cái mùi hương ngào ngạt của hoa mai phát tán đến tận mọi ngóc ngách trong nhà. Mũi bà bị dị ứng với các loại nước hoa, hương hoa. Bà lại mắc chứng bệnh đái tháo đường giai đoạn cuối nên càng khó chịu khi hít thở cái mùi hương của hoa mai nở vào buổi sáng.

Thấy mẹ mở tung cửa phòng trong, phòng ngoài, có lần Tuấn bảo: "Mẹ lạ thật đấy! Người ta tìm cách giữ lại hương hoa ở trong phòng cho thơm, mẹ lại xua đuổi nó đi. Có khác gì đem tiền vứt qua cửa sổ?". Nói thì nói vậy nhưng thấy mẹ không chịu được hương thơm của hoa, Tuấn đành phải đưa chậu hoa mai lên lầu trên. Bất tiện nhất là những khi có bạn bè đến chơi, phải kéo nhau lên lầu để thưởng ngoạn. Dần dần mấy người bạn của Tuấn cũng thấy ngại, thưa dần việc lui tới thăm chơi với Tuấn. Cũng đã có lần Tuấn nói với mẹ: "Hay là…", nhưng nói đến đó Tuấn dừng lại. Mẹ Tuấn biết ý con muốn bảo bà lên lầu trên mà nằm nghỉ, nhưng hai chân bà bị phù nề, đi lại trên nền nhà đã khó huống chi lại phải leo từng bậc cầu thang.

Mấy tuần nay, mẹ Tuấn nằm liệt giường. Sáng nay lúc Tuấn dắt xe ra cửa để mua thuốc bắc về sắc bón cho cây mai, mẹ Tuấn dặn với theo: "Nhớ đến nhà ông bác sĩ Lập để hỏi thuốc cho mẹ!". Thuốc đặc trị bệnh tiểu đường chỉ bán theo đơn bác sĩ. Thuốc vừa đắt, vừa ít người mua nên ở cửa hiệu bán thuốc tây không mấy khi có sẵn.

Bác sĩ Lập có người nhà ở nước ngoài thỉnh thoảng gửi thuốc về để người nhà dùng. Đôi lúc chưa dùng đến, gặp người quen nài nỉ ông để lại cho. Tuấn định sau khi ra hiệu thuốc bắc hỏi mua thang thuốc thập toàn đại bổ thì sẽ ghé đến nhà bác sĩ Lập. Mua được thuốc bắc cho cây mai rồi, Tuấn đến bưu điện gọi cho người bạn nhắc lại chuyện sắp tới có ra nước ngoài nhớ mua giúp đông trùng hạ thảo. Hiện giờ anh chỉ còn đủ thuốc để sắc một thang này là hết. Nói xong điện thoại với bạn, Tuấn về nhà. Anh quên mất chuyện đến nhà bác sĩ Lập theo lời mẹ dặn. Đến khi mẹ hỏi, Tuấn phát hoảng đành nói lảng: "Con đến nhà nhưng ông ấy đi vắng, để chiều con ghé lại lần nữa xem sao".

Buổi chiều, Tuấn lại đến nhà bác sĩ Lập. Trên đường đi bất chợt Tuấn thấy Bảo đang ngồi trong quán cà phê bên đường. Thằng Bảo ngoắt tay gọi anh. Vừa gặp nó đã huyên thuyên khoe với anh nó mới sưu tầm được cây mai thế "độc lắm", có tên gọi "Mẹ bồng con". Nó tả cho Tuấn dáng mai có cành được tỉa tót công phu. Cành trên có dáng người mẹ xòe tóc, vươn một bàn tay ra. Bên dưới "cánh tay" là một "cái đầu con trẻ". Tất cả đều là những cành mai được uốn lượn theo trí tưởng tượng của con người nhưng với sự tự nhiên hiếm có.

Tuấn nghe thằng Bảo tả đã bị hút hồn. Tuấn theo nó đi xem cây mai thế. Trong khi Tuấn đang thưởng ngoạn cây mai thế "Mẹ bồng con" thì thằng Bảo đọc câu thơ, không biết nó học được từ ai: "Nhớ gì, nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm bống, lưỡi lừa cá xương". Tuấn ở nhà Bảo bước ra đường thành phố đã lên đèn. Tuấn tìm đến nhà ông bác sĩ Lập. Lạ quá, sao giờ này mà đèn trong nhà ông vẫn chưa bật sáng. Tuấn hỏi mấy người ở cạnh nhà ông. Họ nói ông bác sĩ mới ra ga để đi Sài Gòn, giá anh đến sớm chừng năm, mười phút thì còn kịp gặp.

Đêm đó, mẹ Tuấn chuyển cơn đau nặng, huyết áp tụt xuống đột ngột. Tuấn đưa mẹ vào cấp cứu tại bệnh viện. Từ đó cho đến sáng mẹ Tuấn chìm trong hôn mê sâu, phải thở bằng bình ôxy. Hai ngày sau thì mẹ Tuấn mất. Suốt mấy ngày liền Tuấn lo tang lễ mẹ, rước thầy về tụng kinh cho hồn mẹ sớm được siêu thoát. Hễ chợp mắt là Tuấn lại thấy mẹ hiện về bên cạnh. Có lúc bà đi loạng choạng lên cầu thang, có khi bà té ngã xuống nền nhà làm xô đổ cả chậu mai tứ quý. Đến lúc đó, Tuấn mới chợt nhớ đến cây mai, anh lên lầu thấy cây mai tàn úa từ lúc nào. Lúc Tuấn quay lại đã thấy thằng Bảo đứng bên cạnh. Nó tìm lời an ủi anh:

- Nay mai tôi sẽ sưu tầm cho anh một cây mai khác. Chuyện đó quá dễ. Hôm qua, tôi vừa nhặt được một gốc mai già, người ta đem vứt trong đống rác ở đầu phố.

Tuấn ngạc nhiên hỏi:

- Loại mai quý hiếm mà nhặt trong đống rác, mày nói nghe thật lạ.

Đến lúc đó Bảo mới thành thật thổ lộ: Cây mai tứ quý dạo trước đã bán cho Tuấn, chính hắn đã nhặt trong đống rác đầu phố. Không biết nhà ai thấy cây mai già bị sâu đục thân đã nhổ bỏ đi, hắn nhặt được đem về thuốc thang tẩm bổ cho nó, sau đó bán lại cho Tuấn.

Tuấn chưa hết ngạc nhiên thì lại nghe thằng Bảo cất tiếng nói :

- Ở đời cái gì quý hiếm giả tạo đều cũng là do con người định giá cho nó. Đôi khi người ta hờ hững bỏ quên cái quý hiếm nhất trên đời để chạy theo cái tầm thường chính là vậy.

Lần đó Tuấn thắp nhang cho mẹ. Lạ quá, anh thấy bóng mẹ cứ chập chờn ẩn hiện. Tuấn bỗng thốt lên "Mẹ ơi!". Và cũng chính trong giây phút đó Tuấn biết trên đời này anh đã đánh mất sự quý báu nhất. Đánh mất mãi mãi ...
 
Top