Loại cây nào "tẩy sạch" nước ô nhiễm?

vivu

Thành viên tích cực
- Có đúng là chúng ta có thể sử dụng một số cây để loại bỏ chất độc ra khỏi môi trường nước? Nếu vậy, đó là những cây gì?



Rong đuôi chồn

TS Lê Văn Nhạ, Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Đúng là có nhiều loại cây có thể giúp làm sạch môi trường nước bị ô nhiễm.

Mới đây, chính các nhà khoa học của Viện cũng đã chọn được 19 loại cây có khả năng lọc các chất gây ô nhiễm nguồn nước như kim loại, sắt, thạch tín... có trong nguồn nước.

19 loại cây này đều là những loại cây dễ thấy trong môi trường tự nhiên, dễ trồng và phát triển nhanh như rong đuôi chó, rong đuôi chồn, cây sậy, bèo hoa dâu, bèo tây, bèo cái, thủy trúc...

http://bee.net.vn/channel/1994/201106/Loai-cay-nao-tay-sach-nuoc-o-nhiem-1802524/

PV
 

quocnguyen_hcm

Thành viên tích cực
Xác nhận ròn đuôi chồn có khả năng xử lý nước thải ô nhiễm nha. Quốc đang làm đồ án tốt nghiệp về rong đuôi chồn xử lý nước thải từ nuôi tôm và kết quả xử lý khá cao nha bà con
 

vivu

Thành viên tích cực
bạn có tài liệu nào nghiên cứu đưa lên để bà con cùng học hỏi
==================================
Dùng bè cỏ làm sạch nước sông ô nhiễm

Từ lâu người ta đã biết bộ rễ cây cỏ có khả năng làm sạch nước, nhưng việc sản xuất các bè cỏ thả nổi trên dòng nước để cứu ao hồ hay con kinh, con rạch và các đoạn sông ô nhiễm là kỹ thuật mới, được các công ty môi trường áp dụng gần đây.

Khi các thứ rác hay chất thải hữu cơ hút hết ô-xi thì dòng nước trở thành dòng bùn lơ lửng, lờ đờ, bốc mùi hôi thối, tạo nên các đoạn sông hay con kinh, con rạch nước đen đến độ tôm cá cũng không sống nổi. Hình ảnh này nay quá phổ biến nơi hầu hết các vùng ven đô nước thải sinh hoạt đổ ra, và cả nơi những ngã ba đổ nước từ ruộng thâm canh hay từ nhà máy công nghiệp vào dòng sông cái.

Kỹ thuật môi trường mới này được gọi là bè cỏ hay thảm nổi thực vật (floating reed bed). Theo đó một số loài cỏ chọn lọc được đem trồng trong những khung nổi kích thước đều đặn, rồi kéo tới lắp ráp vào những vị trí cố định ở giữa dòng chảy cho tới khi dòng nước trở lại trong xanh. Khung nổi thường được làm bằng ống nhựa PVC bịt kín hai đầu, kích thước 2m x 2m. Cây cỏ trồng trên bè cũng được chăm sóc, thu hoạch như các nguồn nông sản hoa trái hay nguyên liệu công nghiệp.

Một khi bộ rễ trên thảm phát triển thả dài xuống nước thì sinh ra chung quanh mỗi mao quản một màng không khí, tạo ra môi trường phản ứng ô-xi hóa/khử hữu hiện ngay giữa dòng nước lờ đờ dơ bẩn. Kết quả là các bùn hữu cơ lơ lửng được ô-xi hóa để chìm xuống đáy kéo theo bùn cát vô cơ. Dòng nước lưu chảy nhanh hơn kéo theo các vật trôi nổi và túi ny-lông về phía hạ nguồn, và việc hút vét bùn đáy cũng nên dễ dàng.

Trong khi đó cây cỏ trên bè hút các chất bổ mà đặc biệt là các dạng đạm làm cho dòng sông mất mùi hôi thối. Các loài bèo, tảo cũng ít phát triển vì mất phần dưỡng chất. Trên thực tế sản lượng hoa trái trồng trên các bè đạt ở mức cao cho dù bị cấm sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu. Một số loài cỏ còn có tính năng thu hút chọn lọc hay giải trừ độc chất hóa học và kim loại nặng. Loại cỏ này được định kỳ cắt bỏ đem đốt để cô lập chất độc.

Các loài được chọn để trồng thảm nổi là thứ dễ trồng, sống bán thủy sinh, rễ phát triển mạnh, thông thường là cỏ sậy Phragmites australis, cỏ nến Typha orientalis, và gần đây người ta đem trồng thử nghiệm cỏ vetiver, cỏ năng, cỏ bàng cùng các loài rau muống. Ở miền Nam đám trôi lục bình Eichlornia crassipe và cây điên điển Sesbania sesban cũng có khả năng lọc nước rất mạnh. Nhưng lục bình cũng như rau muống miền Bắc thường giữ lại nhiều bùn đất nơi các bộ rễ nên hiệu quả lọc nước không cao.

Trong khi đó loài cây điên điển dễ trồng trên bè bằng việc thả thân nằm ngang mọc thành nhiều bụi, rễ phát triển mạnh và thòng xuống sâu. Loài cây này thu hút rất mạnh dư lượng phân bón N ,P, K trong nước và ít nhiều giải trừ tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời thu hút rất nhiều tôm cá đến sinh sống và sinh sản. Điều dễ thấy là các đám điên điển ở đầu nước thải đồng ruộng đơm hoa rất nhiều phân bố quanh năm, lại là hoa ngon và ngọt giàu chất bổ dưỡng cho các bữa ăn.

Trừ khi dùng cỏ chuyên dụng để hút các độc chất nhất định cho vùng nước thải nơi các nhà máy, các thảm nổi nên được trồng bằng nhiều loài cỏ xen kẽ để hỗ trợ khả năng lọc nước cho nhau. Trên thực tế các thảm cỏ nổi còn được dùng nhiều để tạo ngư trường làm tăng sản lượng tôm cá nước ngọt, hay lắp ráp tạo thành kết cấu chống sóng, chống sạt cho các công trình bảo vệ bờ sông.
==================================
Tác dụng làm sạch nước mới của rau muống


Gần đây các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc trồng rau muống trên các bè nổi có thể làm sạch dòng nước ô nhiễm bởi hóa chất công nghiệp, lượng thừa phân bón và nhất là khử trừ loại nước đen sinh hoạt đổ ra từ các vùng dân cư đô thị.



Kỹ thuật làm sạch nước bằng cách trồng cỏ trên các bè nổi nay dần trở nên phổ biến. Bộ rễ của một số loài như lục bình, rau muống hay các loài lác sậy như bồn bồn thả trôi trong nước có khả năng phân hủy hữu cơ và hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa nhằm ngăn cản việc phát triển các loài rong tảo và các mùi hôi. Các bộ rễ này cũng gây nên hiện tượng tập trung các hạt bùn đen và kim loại nặng rồi làm chúng bất động để chìm xuống đáy trả lại màu trong cho nước. Cuối cùng chúng có năng lực bổ sung thêm lượng ôxy thiếu hụt nhằm đưa sự sống tự nhiên của các loài tôm cá trở lại nơi các dòng kênh.

Trong số các loài cây cỏ có tính năng làm sạch nước thì rau muống (Ipomea aquatica) là giống bản địa phát triển rất nhanh nhưng dễ kiểm soát vì hạt không thể tự mọc trong nước. Đây lại là nguồn thực phẩm có nhu cầu lớn nên không phải xử lý lượng sinh khối khổng lồ sau một chu kỳ sử dụng. Một nghiên cứu công bố trên báo Agricultural Water Management số 95 (năm 2008) cho biết hàm lượng kim loại nặng chủ yếu tập trung trong bùn rễ và rồi lắng xuống đáy nước, trong khi sản phẩm rau muống vẫn bảo đảm mức độ an toàn thực phẩm theo các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Lương Nông Liên hợp quốc (FAO).

Nghiên cứu này áp dụng kỹ thuật chảy sâu (deep flow technique). Theo đó nhiều bè nổi dạng máng hẹp đặt song song bắc ngang dòng kinh làm cho dòng chảy phải nhiều lần chui xuống lách qua các bộ rễ chằng chịt trong nước. Kết quả cho thấy chỉ sau 48 giờ tổng lượng bùn đen (TSS) giảm đến 91,1%, nhu cầu ô-xy hóa học (COD) và sinh học (BOD) lần lượt giảm 84,5% và 88,5%, lượng thừa chất đạm (TN) và chất lân (TP) được cây hấp thụ vào thân và lá lên đến 41,5-71,5% dẫn đến làm giảm 68,8% diệp lục tố chlorophylla trôi nổi trong nước nghĩa là giảm khả năng sinh trưởng của các loài rong tảo.

Rau muống giống được cắt từ những đoạn dài đã ra rễ non hoặc gieo hạt cho đến khi cây cao 5cm thì đem trồng trong nền giá thể nghèo chất dinh dưỡng, nhờ đó bộ rễ nhanh chóng phát triển chui ra ngoài lưới để tìm thức ăn. Để duy trì chất lượng nước sạch nơi các ao nuôi hoặc nơi cửa sông chúng ta chỉ cần diện tích bè nổi rau muống chiếm khoảng 1/6 diện tích mặt nước. Nhưng để cải thiện các dòng nước đen chúng ta phải khai hoang đoạn kênh để nước lộ lên mặt rồi mới đặt vào đó các máng nổi cách nhau nhiều mét. Sau vài tháng khi thấy bộ rễ chậm ra rễ con thì cần loại bỏ luống cây để trồng lại lứa mới.

Trích từ _ nongnghiep.vn

nguồn: http://www.vesinhcongnghiep.net/tin-tuc/moi-truong/633-tac-dung-lam-sach-nuoc-moi-cua-rau-muong.html
 

vivu

Thành viên tích cực
Trồng bồn bồn, một công đôi việc


Mấy năm gần đây người dân các tỉnh đồng bằng ven biển, nhất là các vùng ngoại ô và phụ cận thành phố Hồ Chí Minh khai thác một loài cỏ lác gọi là bồn bồn dùng làm thức ăn.

Dưa và gỏi bồn bồn hiện là những đặc sản trong các nhà hàng nhưng cũng là những món ăn dân dã trong các gia đình. Tinh ý một chút chúng ta có thể nhận ra những nơi bồn bồn còn gọi là cỏ nến lan tới thì dòng nước sông rạch trở nên trong lành hơn, vừa ít rong rêu lại nhiều tôm cá. Thực ra các loài bồn bồn (Typha spp) vừa là cây thực phẩm lâu đời cho nhiều dân tộc các nước vừa là loài thực vật có khả năng kỳ diệu làm sạch môi trường nước nơi chúng sinh sống.

Đã từ lâu các nhà môi trường trồng bồn bồn trên các bãi lọc ngầm (constructed wetland) cùng với các loài sậy (Phragmites) hay sậy trố (Phaleris) để làm sạch nguồn nước ô nhiễm đổ ra từ các nhà máy công nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản và từ các vùng dân cư đô thị. Nước bẩn được cho chảy vào ruộng rồi thấm xuống bộ rễ của lớp thực vật trồng trên nền đất cát sỏi. Ở đó các chất bẩn lơ lửng và hòa tan bị giữ lại, nước sạch theo nền đáy chảy ra các ao hồ hay sông rạch. Bộ rễ nhóm thực vật đặc biệt này có khả năng phân hủy nhiều hợp chất hữu cơ độc hại, kềm giữ các kim loại nặng, hấp thụ lượng thừa phân bón và chất dinh dưỡng trôi vào trong nước. Khả năng hấp thụ của bồn bồn có thể lên đến 1,43-2,30g đạm và 0,17-0,29g lân một ngày trên mỗi mét vuông bãi lọc.

Cây bồn bồn có thể sống được ở cả trên cạn và trong nước. Chúng thường phát triển rất mạnh trong môi trường ngập nước và có khả năng thích ứng với các vùng phèn mặn hay nhiễm mặn, thậm chí với những nguồn nước đen từ các vùng dân cư đô thị lớn như ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Mỗi bông bồn bồn có hình cây nến màu nâu cho ra hàng trăm ngàn hạt có khả năng nẩy mầm. Nhưng người ta thường nhân giống bồn bồn bằng các cây con mọc ra từ các thân ngầm. Ở vùng đất tốt và có nhiều nước thì chỉ sau một năm mỗi cây bồn bồn có thể đâm rễ ra đến 3 mét ở về mọi phía và từ đó mọc ra khoảng 100 mầm cây gần giống với cây măng tây (Asparagus). Mầm non chứa đến 30% tinh bột và đường, cùng với thân lá non và thân củ non làm nên những món ăn sống, nấu luộc, chiên xào hay làm dưa bóp gỏi.

Ở những nơi đất mặn và phèn mặn người ta thấy cả hai loài cây mắm (Avicennia) và cây bồn bồn đều có khả năng đưa ôxy xuống bộ rễ để làm hạ phèn và kềm giữ các kim loại nặng độc hại. Khả năng kềm giữ này tỏ ra mạnh hơn so với rau muống và bèo lục bình, đặc biệt có hiệu quả với kim loại chì (Pb), cadmi (Cd), đồng (Cu), kẽm (Zn), nickel (Ni) và cobalt (Co) chảy ra từ các khu công nghiệp. Nhưng ưu điểm quan trọng nhất của bồn bồn trồng trên các bè nổi là thân ngầm và bộ rễ phát triển rất mạnh trong vùng có đường kính đến 3 mét quanh thân và xuống sâu hàng chục centimét tạo thành nơi trú ngụ cho các loài côn trùng dưới nước vốn là nguồn thực phẩm của các loài tôm cá.

Với các nhà kỹ thuật môi trường người ta tạo nên các bè cây bồn bồn với bộ khung nổi làm bằng ống nhựa PVC và màng lưới nylon phủ đáy để đổ đất trồng. Các bè nổi thường có kích thước không lớn vì bán kính rễ lan ra rất rộng, lại nữa thường được di chuyển đến những vị trí khác nhau để khử sạch nguồn nước, làm giảm độ bùn, hạ thấp độ mặn và đưa các chỉ số COD, BOD trở lại bình thường. Tốc độ khử bùn để làm trong nước tỏ ra mạnh hơn kể từ năm thứ hai. Nhưng với các nhà vườn, nhà nông ven sông, ven rạch có thể trồng cây bồn bồn vừa làm thực phẩm vừa làm sạch nước và thu hút cá bằng bắc giàn thấp nằm ngang mặt nước chạy dọc theo bờ. Lúc đó bộ rễ phát triển rất nhanh để thu nguồn dinh dưỡng trong khi các thân ngầm mọc trong lớp bùn trên giàn sinh ra rất nhiều mầm non khả dĩ làm nguồn thức ăn, đem bán ở chợ và cả chế biến đem đi xuất khẩu.

Theo NNVN
http://www.phanbonquelam.com/news.aspx?tab0=421&id=285
 

namquyennhii

Thành viên
một topic hay! mình nghĩ lục bình có khả năng làm giảm ô nhiễm của nước rất cao!
và dễ thích nghi với mọi môi trường!
 

thanhtan123

Thành viên
các loài như:rong,bèo.......chỉ tẩy một phần nào đó thôi,chớ không tẩy sạch hoàn toàn bao giờ.tôi cũng biết có một loại cây cũng hút được chất bẩn chất dơ như:cây môn ngứa,môn ngọt.
 
Top