Lan và rừng

Minh Xuân

Quản lý
Chào các bạn,
Tôi xin mở mục này để viết về lan và rừng tự nhiên của Việt Nam.
Tôi nghĩ đã gọi là chơi lan rừng thì không thể không tìm hiểu về nơi mà những cây lan này sinh sống. Có rất nhiều điều về rừng Việt Nam mà qua đó cho phép ta hiểu hơn những cây phong lan trong vườn nhà các bạn, vi dụ như, tại sao một loài lan chỉ gặp ở nơi này mà không ở nơi khác? tại sao cây lan trồng chỗ này thì ra hoa, mang sang vùng khác thì không? tại sao có loại cần che bóng, có loại cần sáng hơn mới nở hoa? phong lan, thạch lan và địa lan phân biệt với nhau như thế nào? ...
Rất mong được sự ủng hộ và góp ý bàn luận của các bạn để chúng ta hiểu hơn (sành chơi hơn) về nhóm cây rất quyến rũ này.
 

honglong237

Thành viên tích cực
cảm ơn bạn. chúng tôi chờ đợi những bài viết bổ ích của bạn về vấn đến này. thân ái !
 

Minh Xuân

Quản lý
Cảm ơn sự ủng hộ của bạn honglong.
Ai cũng biết lan mọc tự nhiên ở trong rừng nhưng có phải rừng nào cũng có lan không? Chắc chắn là không phải. Vậy lan rừng mọc ở đâu?
Ai cũng biết yêu cầu cơ bản khi trồng lan là giữ độ ẩm cao và che bóng, tránh nóng. Đây cũng là đặc điểm chính để giải thích tại sao các loài lan chỉ mọc ở những khu vực nhất định. Trước hết hãy xem ảnh hưởng của độ cao đến phân bố các loài lan.
Càng lên cao thì nhiệt độ không khí càng hạ thấp. Nhiệt độ thấp làm cho không khí trở nên ẩm hơn, nhiều mây và sương mù. Mây và sương mù tiếp theo lại ảnh hưởng đến độ chiếu sáng trong rừng. Vì vậy có thể thấy có sự tương quan rõ ràng giữa độ cao với những yếu tố cơ bản đối với cây: nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, ánh sáng.
Theo các bạn thì phong lan ở Việt Nam gặp từ độ cao nào so với mặt biển? 50m, 100m, 500m, 1000m? Những loài lan khác nhau gặp trong rừng ở những độ cao khác nhau. Phong lan Việt Nam gặp ở tất cả các độ cao từ mức sát mặt biển tới đỉnh Phan Xi Păng cao trên 3000m.
 

Minh Xuân

Quản lý
Theo độ cao có thể chia thành những sinh cảnh chính đối với lan như sau:
1. Rừng mưa nhiệt đới vùng thấp: độ cao dưới 800m. Đặc điểm là có độ ẩm không khí cao quanh năm, nhiệt độ tương đối cao và ổn định, chịu ảnh hưởng của gió mùa, mùa hè và đầu thu có nhiều mưa, mùa đông và xuân khô. Nhiều loài phong lan dễ trồng có nguồn gốc từ sinh cảnh này, chủ yếu là các loài lan đơn thân như Vân đa (Vanda), Dáng hương (Aerides), Hoàng yến (Ascocentrum), Phượng (Renanthera) và một số loài lan đa thân của chi Hoàng thảo.
2. Rừng vùng đồi núi thấp gió mùa: độ cao từ 800 đến 1800m. Đây là sinh cảnh quan trọng nhất đối với các loài lan, chiếm tới 60% số loài. Đặc điểm sinh cảnh này là nhiệt độ thấp hơn, có nhiều sương mù vào buổi sáng và chiều, mưa nhiều, mùa đông trời sáng, ít mây và tương đối khô, mùa hè nhiều mây và ẩm, gió núi làm không khí lưu thông liên tục. Phần lớn những loài lan đa thân quen thuộc của chi Hoàng thảo (Dendrobium), chi lan Bọng (Bulbophyllum) có xuất xứ ở sinh cảnh này.
3. Rừng á nhiệt đới núi cao: trên 1800m. Đặc điểm là sương mù quanh năm, mùa đông sáng, mùa hè mây che bóng, nhiệt độ thấp, ít thay đổi theo mùa. Gặp chủ yếu ở sinh cảnh này là các loài lan chịu lạnh của chi Hoàng thảo và các loài địa lan.
 

Thích Đủ Thứ

Thành viên tích cực
Bạn Minh Xuân có nhiều kiến thức hay quá nhỉ. Bạn có thể nói thêm về những điểm cần lưu ý khi thuần hóa lan rừng, chủ yếu là mang về đồng bằng, thành phố được không? Làm thế nào để cây ra hoa mà không cần kích thích bằng nhiệt độ trong nhà kính như các nhà vườn vẫn thường làm? Tôi chỉ cần ra hoa, không cần hoa nhiều, to như các bông hoa sản xuất công nghiệp!
 

culanluasg

Super Moderator
Những bài viết mở đầu rất hay ,mong tiếp tục xem thêm những bài khác ,Cảm ơn bạn Minh Xuan
 

Minh Xuân

Quản lý
Bạn Minh Xuân có nhiều kiến thức hay quá nhỉ. Bạn có thể nói thêm về những điểm cần lưu ý khi thuần hóa lan rừng, chủ yếu là mang về đồng bằng, thành phố được không? Làm thế nào để cây ra hoa mà không cần kích thích bằng nhiệt độ trong nhà kính như các nhà vườn vẫn thường làm? Tôi chỉ cần ra hoa, không cần hoa nhiều, to như các bông hoa sản xuất công nghiệp!
Cảm ơn các bạn đã quan tâm. Bạn Thích Đủ Thử mà nói trúng ngay vào chủ đề:).
Thuần dưỡng lan rừng không chỉ là một thú chơi mà còn là một vấn đề khoa học. Thuần dưỡng cây rừng nói nôm na là mang cây từ rừng về trồng ở nhà. Muốn làm được điều này cần hiểu 3 vấn đề:
1. Trước hết là điều kiện nuôi trồng ở nhà. Cái này thì ai cũng biết vi là nhà của mỗi người.
2. Thứ hai là cây được mang về. Cái này thì nhiều sách đã nói, ví dụ cây gọi là gì, trông như thế nào, ...
3. Thứ ba chính là chỗ mà cây được lấy về hay là rừng. Đây là vấn đề sinh thái cây trong tự nhiên, còn rất ít được tìm hiểu. Chính vì vậy Minh Xuân muốn mở mục nói về tương quan giữa cây và rừng này để khơi nên phần nào vấn đề.
Nếu hiểu được những kiến thức cơ bản về sinh thái lan rừng thì sẽ hiểu được cần có cách thuần dưỡng thế nào cho hợp lý đối với từng loài cụ thể, ở từng địa phương cụ thể.
Xin các bạn theo dõi những bài tiếp theo để hiểu được những khái niệm cơ bản, từ đó mới có thể áp dụng cụ thể được. Minh Xuân sẽ cố gắng dành thời gian để trình bày với các bạn kinh nghiệm về hiểu biết của mình về sinh thái lan rừng Việt Nam. Nếu bạn nào muốn hỏi cụ thể cũng xin đừng ngại mà nêu ra, vì qua những điều cụ thể càng sẽ giúp hiểu thêm những vấn đề chung.
 

Minh Xuân

Quản lý
Bắc - Nam
Việt Nam nằm trong phạm vi khí hậu nhiệt đới, phía Nam chưa đến đường xích đạo, phía Bắc chưa đến chí tuyến Bắc. Vị trí này rất thuận lợi cho phát triển của phong lan vì nhiệt độ không bị quá nóng hay quá lạnh. Phần lớn các loài phong lan đều có thể trồng được mà không cần đến nhà kính.
Tuy nhiên điều kiện khí hậu Bắc - Nam Việt Nam cũng rất khác nhau. Phía Bắc có mùa đông tương đối lạnh. Miền Nam nhiệt độ ấm quanh năm. Như bài trên đã nói, nhiệt độ rừng sẽ kéo theo ảnh hưởng đến độ ẩm và ánh sáng. Vì vậy phân bố lan theo chiều Nam Bắc là một yếu tố quan trọng cần để ý khi tìm hiểu về cây.
Kết hợp giữa độ cao và phân bố Nam Bắc sẽ cho chúng ta hiểu hơn yêu cầu của cây. Phân vùng theo độ cao đã dẫn ở trên do vậy cũng cần chú ý đến vị trí cụ thể:
- Vùng thấp ở miền Nam tính dưới 800m, ở miền Bắc chỉ còn 500-600m
- Vùng núi thấp tính ở miền Nam dưới 1800m thì ở miền Bắc xuống thấp hơn còn khoảng 1500m.
 

Minh Xuân

Quản lý
Đông - Tây
Phía Đông Việt Nam là biển, phía Tây là các dãy núi cao. Khí hậu biển bao giờ cũng nhiều hơi ẩm hơn và dao động nhiệt độ ít hơn những vùng sâu trong đất liền.
Điều kiện biển đảo tạo ra một sinh cảnh rất đặc biệt, ấm và ẩm, rất phù hợp cho phong lan. Chính vì vậy ngoài hải đảo cho dù núi không cao vẫn gặp khá nhiều loại lan lạ. Nhiều khi lan còn mọc ngay trên các vách đá ven bờ biển. Ví dụ về lan mọc ở độ cao thấp trên đảo:
- Hài đốm (Paphiopedilum concolor) gặp ở các đảo của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Thậm chí lan hài này còn gặp cả ở vùng núi đá vôi thấp của Ninh Bình (Tam Cốc Bích Động) ở độ cao trên mặt ruộng.
- Hệ lan tương đối phong phú và độc đáo trên đảo Phú Quốc.
- Nhiều loài lan đặc hữu hay có phân bố hẹp như Bạch môi (Christensonia), Hoàng yến tím (Ascocentrum christensonianum) chỉ gặp ở Ninh Thuận, nơi núi vươn ra biển.


Bạch môi Trung (Christensonia vietnamica)

Tính về chiều rộng theo hướng Đông Tây thì chỉ có vùng Tây Bắc và Tây Nghệ An là tương đối xa biển, tạo nên sự khác biệt về sinh thái với lan rừng. Hai vùng này mang một phần tính chất khí hậu lục địa, chịu ảnh hưởng của gió Lào nên tương đối khô và nóng. Điều này làm cho lan rừng các vùng này hoặc bị thay đổi về hình thái (thân lá nhỏ để chống khô), hoặc di rời lên các độ cao cao hơn (ẩm hơn và lạnh hơn) so với vùng phía đông ven biển.
 

Thích Đủ Thứ

Thành viên tích cực
Tôi nhận thấy thách thức lớn nhất khi mang lan rừng về trồng tại nhà là khác biệt về điều kiện sống, bao gồm:

+ Độ cao: Sự khác biệt về độ cao dẫn đến sự khác biệt về áp suất khí quyển. Đôi khi, những giống cây xuất phát từ những nơi cao, mang về đồng bằng là chết, cho dù có đánh nguyên cả tảng đất có cây non;

+ Khác biệt về địa lý khí hậu: Ở trên rừng, lan sống trong điều kiện mát, ẩm. Khi về đồng bằng, chịu nhiệt độ nóng, khô. Điều này ảnh hưởng đến sinh lý của cây rất nhiều.

Các điều kiện khác như: ánh sáng, thổ nhưỡng, thời vụ, đặc tính sinh hóa ... có thể tìm hiểu trong sách. Tuy nhiên, 2 khác biệt trên làm cho việc thuần hóa lan rừng nói riêng cũng như nhân giống 1 loại cây ra khỏi vùng sinh thái vốn có của nó nói chung không dễ dàng.
 

Minh Xuân

Quản lý
Ví dụ một loài lan có thân nhỏ, chịu khô của vùng Tây Bắc:


Dendrobium hancokii, thân mảnh, đen, chia nhánh nên đôi khi gọi là Hoàng thảo trúc.
 

Minh Xuân

Quản lý
Tôi nhận thấy thách thức lớn nhất khi mang lan rừng về trồng tại nhà là khác biệt về điều kiện sống, bao gồm:

+ Độ cao: Sự khác biệt về độ cao dẫn đến sự khác biệt về áp suất khí quyển. Đôi khi, những giống cây xuất phát từ những nơi cao, mang về đồng bằng là chết, cho dù có đánh nguyên cả tảng đất có cây non;

+ Khác biệt về địa lý khí hậu: Ở trên rừng, lan sống trong điều kiện mát, ẩm. Khi về đồng bằng, chịu nhiệt độ nóng, khô. Điều này ảnh hưởng đến sinh lý của cây rất nhiều.

Các điều kiện khác như: ánh sáng, thổ nhưỡng, thời vụ, đặc tính sinh hóa ... có thể tìm hiểu trong sách. Tuy nhiên, 2 khác biệt trên làm cho việc thuần hóa lan rừng nói riêng cũng như nhân giống 1 loại cây ra khỏi vùng sinh thái vốn có của nó nói chung không dễ dàng.
Bạn TĐT nhận xét rất đúng. Tuy nhiên lan và thực vật nói chung có khả năng thích nghi tương đối rộng. Điều kiện nuôi trồng có thể không cần hoàn toàn giống như điều kiện sinh thái tự nhiên của cây. Điều kiện sinh thái của cây thường hẹp hơn vì:
- Cây cần sống được trong điều kiện này (sinh trưởng)
- Cây cần sống tương đối tốt trong điều kiện này, không bị cây khác lấn ép (cạnh tranh)
- Cây cần có khả năng tái sinh, bao gồm ra hoa, kết quả và nảy mầm, trong điều kiện tự nhiên (sinh sản).
Trong nuôi trồng cây không bị cạnh tranh và không nhất thiết phải tạo hạt nên điều kiện nuôi trồng có thể rộng hơn điều kiện sinh thái.
Nếu xem phân vùng độ cao như đã dẫn thì hầu hết các loài lan vùng thấp (dưới 800m) đều rất dễ dàng nuôi trồng ở đồng bằng. Điển hình là các loài đơn thân phổ biến như Quế, Đai châu, Hồ điệp rừng.
Lan vùng núi thấp (800-1800m) tuy đòi hỏi nuôi trồng khó hơn, nhưng cũng có thể trồng được một cách hiệu quả. Ví dụ như các loài Hoàng thảo hay gặp (Phi điệp, Long nhãn).
Lan vùng núi cao (trên 1800m) thì tất nhiên rất khó trồng ở đồng bằng nếu không có các điều kiện kỹ thuật đặc biệt. Vì thế với những người mới chơi lan rừng nên bắt đầu từ lan vùng thấp, rồi sang lan vùng núi thấp, không nên sưu tầm nhưng loài núi cao (như từ Sa Pa, chẳng hạn).
 

Minh Xuân

Quản lý
Như vậy chúng ta đã xem qua các yếu tố liên quan đến vị trí một sinh cảnh lan rừng và ảnh hưởng của nó tới các yêu cầu của cây, đó là:
- độ cao
- vĩ độ (Nam Bắc)
- kinh độ (Đông Tây, đất liền - biển đảo).
Đó mới là một phần trong các yếu tố của một sinh cảnh lan rừng. Xin trao đổi thêm về một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sinh thái lan rừng.
 

Minh Xuân

Quản lý
Ở Việt Nam lan rừng gặp chủ yếu ở hai dạng núi: núi đá và núi đất.
Núi đá
Chính xác hơn là núi đá vôi vì đây là dạng núi đá phổ biến ở Bắc và Trung Việt Nam. Những khu núi đá khác thường chỉ là một phần trong các dãy núi đất, chứ không thành khối núi riêng biệt.
Núi đá vôi Việt Nam tạo nên những kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng như vịnh Ha Long, động Phong Nha. Và đây cũng là nơi rất phong phú các loài lan rừng độc đáo.
Tính chất đá của núi là cho không khí bề mặt núi lạnh hơn. Nước mưa rơi xuống không đọng lại trên bề mặt đá mà thấm qua khe, rồi chảy ra những vách đá ven khe suối. Các vách đá này do vậy luôn luôn ẩm, là nơi lý tưởng cho lan phát triển.
Mặt đá làm cho nhiều loài cỏ dại thông thường không thể mọc được. Trong khi đó các loài lan có thân dày, rễ dày, có khả năng mọc len lỏi, bám tren đá, nên có ưu thế vượt hơn hẳn những loài cây khác. Vì không bị cỏ dại cạnh tranh nên ở những độ cao rất thấp có thể vẫn gặp các loài lan mọc trên đá.


Lan gấm (Ludisia discolor) ở Ninh Bình, độ cao trên mặt ruộng.

Đặc biệt kỳ lạ là sinh cảnh trên các dông núi đá vôi. Ở đây quanh năm mây mù bao phủ, độ ẩm thường xuyên cao, tạo nên thiên đường cho các loài lan. Nếu bạn đến đỉnh núi đá sẽ thấy khắp mặt đất, vách đá là các loại lan khác nhau như một vườn lan rộng lớn. Những chỗ như vậy phải giẫm lên lan mà đi.


Lan ở dông núi Pà Cò - Hòa Bình. Độ cao 1500m
 

Minh Xuân

Quản lý
Núi đất
Khác với núi đá, trên núi đất lan không cạnh tranh nổi với những cây khác. Mặt đất không mát và ẩm như mặt đá. Do vậy trên núi đất lan chỉ gặp ở những độ cao tương đối cao. Các loài gặp ở đây là địa lan mọc trên mặt đất và phong lan theo đúng nghĩa của từ (lan mọc trên thân cây).
Những khu vực núi đất có độ cao tương đối để có lan là những khu vực lan nổi tiếng như Sa Pa (Tây Bắc) và Đà Lạt (Tây Nguyên).


Địa lan ở núi Văn Bàn - Lào Cai. Độ cao 1900m.
 

Minh Xuân

Quản lý
Cần phân biệt khái niệm núi đá, núi đất với phong lan, địa lan, thạch lan. Khi nói núi đá, núi đất là nói đến sinh cảnh chung khu vực mà lan sinh sống. Còn khi nói địa lan, thạch lan là nói đến dạng sống cụ thể của cây.
Phong lan là những loài lan mọc bám trên thân cây hay vách đá. Rễ phong lan dày, không ăn sâu vào trong thân cây hay len lỏi trong khe đá. Lan chỉ dựa vào cây hoặc đá để vươn lên. Rẽ lan dày có tác dụng hút nước sương và chứa nước. Các loài phong lan nói chung đều ưa thoáng khí.
Trong các loài phong lan thường phân biệt rõ các loài đơn thân và đa thân. Các loài đơn thân mọc theo một trục, rất hiếm khi phân nhánh. Rễ cây thường dày và mọc dài, phân bố theo dọc trục thân. Thường gặp các loài lan đa thân ở Việt Nam là các chi Vân đa (Vanda), Quế (Aerides), Phượng (Renanthera), Ngọc điểm (Rhynchostylis), Hoàng yến (Ascocentrum), Hồ điệp (Phalaenopsis), Tóc tiên (Holcoglossum).


Tóc tiên Trung (Holcoglossum subulifolium) trong tự nhiên.

Các loài lan đa thân thường tạo giả hành, hướng mọc của giả hành không trùng với hướng phát triển của phần thân. Rễ lan đa thân thường mảnh hơn, mọc thành chùm ở gốc.
Ở Việt Nam lan đa thân gặp chủ yếu là chi Hoàng thảo (Dendrobium) và chi lan Bọng (Bulbophylum). Tuy nhiên số lượng loài trong các chi này khá nhiều, gặp ở hầu hết các vùng lan.


Một cây lan Bọng trong tự nhiên.
 

Minh Xuân

Quản lý
Địa lan là những loài cây mọc trên các loại đất mềm. Các loài địa lan có rễ chùm, thường là nhỏ, ăn vào đất như những loài cỏ khác.
Phân biệt khái niệm địa lan với chi lan Kiếm (Cymbidium), là một chi lớn trong số các loài địa lan. Ngoài chi này ra xếp vào địa lan còn có các chi như Hạc đính (Phaius), Chu đinh (Spathogottis), Sậy (Arudinaria) và một số loài lan nhỏ như Hà biện (Habenaria).
Gọi là địa lan nhưng không ít khi vẫn gặp những loài mọc theo dạng phong lan hay thạch lan, nhất là các loài chi lan Kiếm.


Lan Kiếm (Cymbidium) ở trên núi đá Cao Bằng
 

Minh Xuân

Quản lý
Thạch lan là các loại lan mọc trên đá, có thân dày, rễ dày, len lỏi ăn sâu vào đá. Lan có thể mọc trên đá vôi, hoặc những loại đá khác khi những đá này lô ra khỏi đất như ở ven suối, ven khe hay đỉnh núi.
Điển hình của thạch lan là các loài lan Hài (Paphiopedilum).


Hài xanh (Paphiopedilum malipoense) ở Hòa Bình.

Xếp vào thạch lan còn có các loài trong nhóm lan gấm như Kim tuyến (Anoectochilus), Gấm đất (Goodyera). Tuy nhiên đôi khi cũng gặp các loài lan gấm mọc trên thảm mục dưới tán rừng.
 

Minh Xuân

Quản lý
Có thể có nhiều bạn cho rằng những gì nói về rừng như trên là lý thuyết, chẳng có ý nghĩa gì đối với thực tế gây trồng và chăm sóc lan cả. Điều đó đúng một phần. Nhưng Minh Xuân xin so sánh thế này:
Các bạn chắc đều biết cảnh mấy bà bán lan rừng ngồi ven vỉa hè ngoài chợ Bưởi (đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội). Nhưng Minh Xuân tin chắc là mấy bà bán lan này có hiểu biết về lan rừng còn hơn bất cứ người chơi lan kém học hỏi nào. Mấy bà này không chỉ biết, mà biết rõ và trồng cây rất giỏi, đáng gọi là "nghệ nhân":
- Họ biết rất rõ lan sinh sống ở đâu (ở vùng nào, núi nào) vì nếu không họ đã không thể hái được những cây lan này. Những cây lan ở chợ Bưởi có nguồn gốc không chỉ ở miền Bắc, miền Trung mà cả từ miền Nam.
- Họ biết rất rõ giá trị trang trí của từng cây (hoa to hay nhỏ, có mùi hay không, ...). Trên rừng cả đống lan, họ chỉ thu những cây có giá trị mang bán mà thôi.
- Họ biết rất nhiều loài lan. Số các loài lan bán ở đây hàng năm có thể lên tới hàng trăm loài
- Họ biết rất rõ khi nào thì loài lan nào ra hoa. Nhờ thế mà mùa nào họ bán đúng loại lan đó.
- Họ trồng cây rất giỏi, một lúc phải xứ lý hàng tạ lan rừng được chở về. Tức là họ nuôi trồng có tính chất tương đối công nghiệp.
Vài dòng như vậy, hy vọng bạn nào có tâm huyết với lan rừng Việt Nam trước hết ít nhất cố gắng phải có kiến thức hơn mấy bà bán lan rong ngoài đường này.
 

culanluasg

Super Moderator
Minh Xuân tin chắc là mấy bà bán lan này có hiểu biết về lan rừng còn hơn bất cứ người chơi lan kém học hỏi nào. Mấy bà này không chỉ biết, mà biết rõ và trồng cây rất giỏi, đáng gọi là "nghệ nhân":
- Họ biết rất rõ lan sinh sống ở đâu (ở vùng nào, núi nào) vì nếu không họ đã không thể hái được những cây lan này. Những cây lan ở chợ Bưởi có nguồn gốc không chỉ ở miền Bắc, miền Trung mà cả từ miền Nam.
- Họ biết rất rõ giá trị trang trí của từng cây (hoa to hay nhỏ, có mùi hay không, ...). Trên rừng cả đống lan, họ chỉ thu những cây có giá trị mang bán mà thôi.
- Họ biết rất nhiều loài lan. Số các loài lan bán ở đây hàng năm có thể lên tới hàng trăm loài
- Họ biết rất rõ khi nào thì loài lan nào ra hoa. Nhờ thế mà mùa nào họ bán đúng loại lan đó.
- Họ trồng cây rất giỏi, một lúc phải xứ lý hàng tạ lan rừng được chở về. Tức là họ nuôi trồng có tính chất tương đối công nghiệp.
_Xin Chào bạn,trước hết xin cảm ơn bạn về những bài viết đã qua và sắp tới ,tuy nhiên với điều này thì mình cảm thấy chưa có phù hợp lắm .có vẻ có phần đúng và có phần chưa đúng ,hiện nay theo mình biết chỉ có một số không lớn người vừa hái lan rừng vừa trực tiếp bán lan rừng mà đa số chỉ là người thu hái của rừng theo ý của một số đại gia kinh doanh lan rừng (theo mùa ,theo gu trồng .theo thời vụ),sau đó sẽ được phân bố lại tuỳ theo hàng ,hàng đẹp và hiếm thì về thành phố lớn,hàng loại hai ,hàng hoa nhỏ ,hàng không tên tuổi thì về tỉnh lẻ ,người buôn bán lan rừng bây giờ đa dạng lắm ,có khi họ biết rất ít về lan họ bán ,và chỉ rành một số đơn giản mà thôi ,chưa kể còn kèm theo hình ảnh sai về lan rừng họ đang bán ,hình mẫu lại là những cây lan công nghiệp
-Còn trồng lại thì tuỳ theo Các chi lan thu hái và thời điểm nhất định
- Do đó khẳng định trên cũng có phần đúng và cũng có phần chưa phù hợp ...
 
Top