Lan rừng Drymoda siamensis Schltr. 1906

culanluasg

Super Moderator
trích từ trang hoalanvietnam.org
Tháng 4 vừa qua, cùng một thời gian anh Cao bá Hảo tại Đắc Lắc và anh Khương hữu Thắng tại Vườn quốc gia Bù gia Mập có gửi cho tôi những tấm ảnh của một cây lan lạ chưa từng thấy.


Ảnh: Cao bá Hảo

Ảnh: Khương hữu Thắng




Ảnh Khương hữu Thắng
Trong ký ức một kẻ già nua, thoạt nhìn qua, cứ ngỡ là một giống Bulbophyllum nào đó, nhưng mở cả chục cuốn sách, rồi bỏ cả một hai tuần lễ luớt trên các trang Web cũng không thấy tăm hơi, hình bóng. Đành gửi thư cầu cứu các khoa học gia từ Hoa Kỳ cho đến Âu Châu nhưng vẫn tuyệt vô tăm tích.

Việc tìm dấu vết cây lan xa lạ này giống y như lời cổ nhân đã nói:
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc đi tìm biển Đông.
Bởi vì trong ngàn vạn tấm hình trên Internet, trong sách vở, trong cả chục hồ sơ đầy ắp những hình ảnh hoa lan quý giá mà các bạn từ Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Ban mê Thuột, Kontum, Đà Lạt, Saigon, Phú Quốc v.v... đã tặng cho chúng tôi trong nhưng chuyến về thăm quê hương, làm sao có thể tìm thấy tấm ảnh mong muốn, cũng như người thiếu phụ làm sao có thể tìm thấy người chồng giữa chốn ba quân đông nghẹt? Hơn nữa các các khoa học gia lại bất đồng ý kiến với nhau, cho nên đã lôi cây lan từ loài này sang loài khác làm cho đầu óc kẻ chơi lan tài tử như chúng tôi phải rối tinh, rối mò như lạc vào mê hồn trận. Xin hãy đơn cử một thí dụ:

Cây lan Dendrobium acerosum có những tên đồng danh (Synonym) như sau:

Aporum acerosum (Lindl.) Brieger 1981; Aporum calceolariae (J. König) M.A. Clem. 2003; Aporum subteres Griff. 1845; Callista acerosa (Lindl.) Kuntze 1891; Callista subteres (Griff.) Kuntze 1891; Cymbidium calceolaria (J. König) Willd. 1805; Epidendrum calceolariae J. König 1791; Dendrobium subteres (Griff.) Lindl. 1859.


Ảnh Lê trọng Châu
Thêm vào đó những hình ảnh các bạn gửi cho phần lớn có một độ phân giải (resolution) rất thấp, mầu sắc không trung thực, hoa gần tàn cho nên đã đổi mầu, chỉ có một góc cạnh, không chụp cận ảnh, nhất là lại không cho biết rõ các chi tiết cần thiết như: kích thước hoa lá, mùa hoa nở v.v…

Nhưng chuyện đời thường có sự ngẫu nhiên lạ lùng "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng" cũng như cây lan Cymbidium banaense, đặc hữu của Việt nam, mấy lần trở về quê hương và hỏi các bạn bè ở Đà Nẵng, tìm đỏ con mắt cũng không thấy mà bỗng nhiên vô tình tìm thấy tại Hoa Kỳ (Xin xem bài Cymbidium banaense trên trang Hoalanvietnam.org)

Trong lúc đang tìm tòi tư liệu của các cây Cologyne bỗng thấy hình ảnh một cây lan tương tự. Vội vàng gác bỏ mấy cây Thanh Đạm, lần theo dấu vết mới biết rằng đây là một giống lan mới lạ chưa từng được phát hiện tại Việt Nam: cây Drymoda siamensis một trong 5 giống thuộc loài lan Drymoda do Lindley lập ra vào năm 1838 với cây Drymoda picta. Loài này trực thuộc vào chi Bulbophyllinae:
Drymoda picta Lindl. 1838
Drymoda siamensis Schltr. 1906
Drymoda latisepala Seidenf. 1981
Drymoda gymnopus (Hook. f.) Garay, Hamer & Siegerist 1994
Drymoda digitata (J.J. Sm.) Garay, Hamer & Siegerist 1994
Trở về với cây lan mới của Việt nam: Drymoda siamensis là một giống phong lan rất nhỏ thường mọc ở phía Miến Điện, Thái Lan, Lào và lần đầu tìm thấy ở Việt Nam tại 2 địa điểm khác nhau. Cây cao chừng 3-4 phân, củ tròn, dẹt và nhăn nheo, lá 2 chiếc, rụng vào mùa Thu. Cuống hoa dài 3-3.5 phân, hoa đơn độc to 1.5 phân nở vào mùa Đông-Xuân, không thơm và tàn trong khoảng 10 ngày.

Anh Cao bá Hảo cho biết cây lan có hoa rất bé, chỉ bằng hạt đậu xanh, lá nhỏ, củ dẹp và có mầu tím. Mọc tại Krong Ana, Đắc Lắc trên độ cao khoảng 20 th, ra hoa vào tháng 2,3 âm lịch.

Anh Khương hữu Thắng cho hay là tìm thấy cây lan này tại VQG Bù Gia Mập (tìm thấy rất ít, và chưa thấy lại lần 2), trên núi thấp ở độ cao 300-400m, sống bám trên cây Sao đen (Hopea odorata), trong rừng xanh lá quanh năm, hoa nở vào đầu tháng 2 đến cuối tháng 3. Hoa từ lúc nở đến lúc tàn: 2 tuần lễ.

Xin xem hình ảnh của www.benorchid.com từ khi cây lan còn xanh lá cho tới khi ra hoa:










Tiếp tục tìm thêm mới biết rằng những cây lan này đã có nhiều thay đổi:

Cây Drymoda gymnopus (Hook. f.) Garay, Hamer & Siegerist 1994 thực ra chỉ là cây Bulbophyllum gymnopus do Hook. f. đã công bố từ năm 1890.

Cây Drymoda latisepala Seidenf. 1981 chỉ là cây Bulbophyllum capillipes do C.S.P. Parish & Rchb. f. công bố vào năm 1874.


Drymoda picta
Ảnh: pflanzenfrunde.com
Drymoda picta
Ảnh: mukling@pantip

Bulbophyllum gymnopus
Ảnh: J.B. Comber
Bulbophyllum capillipes
Ảnh: Lê trọng Châu (chaunguyendl)

Mỗi lần nhận được hình ảnh của những cây lan mới, cũ của các bạn ở quê nhà gửi cho, trong lòng lại cảm thấy dạt dào nỗi niềm sót sa, thương nhớ và thấy khoảng cách trùng dương vạn dậm hình như xích lại gần hơn.

Trân trọng giới thiệu cây lan mới của quê hương với hy vọng rằng các bạn ở quê nhà sẽ tìm được những cây lan mới lạ khác, để góp phần vào việc cống hiến cho thế giới những kỳ hoa và mong rằng cây lan này sẽ được các khoa hoc gia lưu tâm tới.

Thành thực cám ơn các anh Cao bá Hảo và Khương hữu Thắng đã cho tôi những món quà vô cùng quý giá.

Wesminster vào Hạ 2011
BÙI XUÂN ĐÁNG
 
Top