Làng... tỷ phú

tranathang

Thành viên
Chẳng ai ngờ cái làng quê nhỏ bé đất Hà Tây này lại có tới hàng chục tỷ phú. Chỉ vài năm trước, họ còn là những nông dân tay cuốc tay cày, người khấm khá hơn cũng chỉ buôn bán nhỏ lẻ, không lỗ là may mắn lắm rồi. Thế nhưng, giờ đây làng Cơ Giáo (xã Hồng Vân – Thường Tín – Hà Tây) đang đổi thay từng ngày. Tất cả là nhờ những nông dân – tỷ phú đó.
Tôi về thôn Cơ Giáo vào một ngày chuyển mùa. Con đê dài ngoằn ngoèo đầy những ổ gà. Một bà cụ bán nước bên đường hồ hởi bắt chuyện: “Chú về mua cây đấy à? Chú cứ đi theo con đường bê tông này 1 cây nữa là về đến làng Cơ Giáo. Gớm, ngày nào cũng có người hỏi thăm về mua cây đấy, có nhiều lúc hàng chục ô tô tải về chở đầy cây đi, họ xếp kín cả con đường này…”. Gần đến Cơ Giáo đã thấy cả một vùng cây xanh rộng che khuất tầm mắt, hai bên đường là cả rừng cây Sanh, Lộc Vừng, Tùng… xen lẫn những ngôi nhà 4 hoặc 5 tầng khang trang.

Chuyện của người tỷ phú đầu tiên

Người đầu tiên đưa nghề cây cảnh về với Cơ Giáo là một thanh niên mới 34 tuổi, anh Ngô Xuân Giang, hiện là Chủ tịch Chi hội làm vườn xã. Vườn nhà anh xanh um với hàng triệu cây giống và rất nhiều gốc cây lâu năm. Tôi được vợ anh đưa đi thăm vườn và nghe chị say sưa kể về chồng mình. Năm 1997, anh Giang bắt đầu kinh doanh cây cảnh.

Thực ra, khi đó, anh chưa hề có kinh nghiệm buôn bán cũng như chăm sóc cây, trong tay chỉ có 10 triệu đồng vay mượn của họ hàng làm vốn. Cũng như bao người nghèo khác ở thôn quê, vợ chồng anh đã bươn chải qua đủ thứ nghề để mưu sinh mà vẫn hoàn đói nghèo. Đến với “nghề” này cũng từ những ngày cực nhọc đẩy cây đi bán rong rồi có duyên lúc nào không hay.

Thời gian rảnh rỗi, anh đi tìm cây. Khi thì Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Nam Định rồi vào cả miền Nam, miền Tây.v.v. Mỗi lần đi dăm bữa, nửa tháng là anh mang về cả xe ô tô đầy cây. Tích góp dần, đến cuối năm 1999 thì anh bỏ hẳn việc bán dạo. Hàng ngày chỉ lấy cây về bán lại cho các cơ quan xí nghiệp hoặc các nông trường mới xây dựng cần cây giống. Vào tháng 9 năm 2004, một nông trường ở Sóc Sơn – Hà Nội đã về mua cây của gia đình anh với số lượng rất lớn, đến cả triệu cây giống.

Thành công nối tiếp thành công. Giờ đây, anh là một trong những chủ cây lớn nhất ở đất Hồng Vân này. Khắp xã đều biết đến anh. Đối với họ, gia đình anh là gương sáng trong làm kinh tế giỏi. Mới đây anh còn được nhận bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây. Người làng tự hào vì sự thành công của anh, bởi sự thành công ấy không chỉ giúp cải thiện đời sống bản thân anh mà còn cho cả thôn, xóm nơi anh ở. Hàng trăm thanh niên trạc tuổi anh cùng đến học hỏi kinh nghiệm.

Tỷ phú sinh tỷ phú

Một vườn cây cảnh ở thôn Cơ Giáo.

Sự thành công của anh Giang trong nghề kinh doanh cây cảnh làm cho bộ mặt Cơ Giáo thay đổi từng ngày. Không những thế, thanh niên trong vùng còn coi nhà anh là lớp học, anh là thầy giáo và giáo trình là những kinh nghiệm đắt giá mà gia đình Giang có được trong những năm qua. Và hầu hết họ nay cũng đã thành công. Trong đó phải kể đến anh Nguyễn Văn Chí, anh Nguyễn Văn Hiệp và Trần Văn Quỳnh…

Cũng trạc tuổi Giang, cũng sẵn tính mê cây từ bé, nhưng anh Nguyễn Văn Chí có cách làm riêng của mình. Đất đai không nhiều, chỉ với 1.400m2, anh quyết định chỉ buôn bán những gốc cây lâu năm. Hiện nay Chí đã có chừng 800 gốc cây. Hầu hết những cây này có tuổi thọ từ 7-8 chục đến hàng trăm tuổi. Và chúng chủ yếu được bán cho các đại gia nhiều tiền.

Anh hiện đang sở hữu những kỷ lục về giá bán cây trong vùng này. Hôm tôi đến, anh chuẩn bị bán một cây Sanh ngót nghét 200 tuổi với giá … 780 triệu đồng. Giám đốc một công ty TNHH đã đề nghị mua nó. Đây được xem là một kỷ lục mới, chưa ai ở Cơ Giáo làm được trong những năm qua. Để có được thành công này anh đã phải đánh đổi bằng nhiều thứ.

Số là, do yêu cây, thích được chăm sóc cây, anh đã tích góp những đồng lãi mà anh kiếm được để mua cây, sắm cho mình những chiếc chậu cảnh đẹp nhất, những cây mà anh cảm thấy thích nhất. Cứ nhà nào có cây mới anh lại tới chơi, dò hỏi, học cách chăm sóc và tỉa tót. Có lần thấy cây đẹp quá, anh không thể chống lại được sự đam mê của mình nên đã giấu vợ đem bán chiếc xe gắn máy mà gia đình dồn tiền mua cho để mua cây. Khi vợ biết chuyện, hai vợ chồng cãi nhau và chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Anh hối hận vì đã nói dối vợ nhưng vẫn không từ bỏ được thú đam mê cây của mình.

Một hôm, một người lạ về làng chơi thấy cây của anh đẹp nên gạ mua với giá 50 triệu đồng. Đêm đó, anh trằn trọc suy tư “Vì sao người ta lại bỏ ra một số tiền lớn đến thế để mua cây nhỉ?” thế là nghề mới của anh ra đời. Đến nay, mới vào nghề được vài năm nhưng số vốn mua cây hàng năm của anh lên tới cả chục tỷ đồng. Đó là số tiền đã dùng để chi tiêu cho cuộc sống, sự ăn học của con cái và xây dựng nhà cửa, khung cảnh của khu “rừng cây cảnh nho nhỏ” của anh.

Ngay ở đầu làng, một nếp nhà sàn được xây dựng khá công phu, trong một khuôn viên tràn ngập cây cảnh xếp ngăn nắp. Đây là cơ ngơi, cũng là vườn cây nhà anh Trần Văn Quỳnh. Với vị trí thuận lợi, anh Quỳnh có ý định xây dựng khu vườn trở thành nơi trưng bày cây cảnh và là nơi tiếp đón khách đến tham quan và mua cây. Khu vườn được đầu tư hàng trăm triệu đồng, chưa tính số cây trong đó. Đứng giữa bạt ngàn cây, tôi cảm nhận được sự tự hào của người dân nơi đây với những con người trẻ tuổi này. Họ, những nông dân chân chất ngày nào nay đã trở thành những tỷ phú trẻ góp phần làm giàu quê hương.

Cơ Giáo hôm nay, ngày mai...

Nhằm nhân rộng, phát triển mô hình này, các “tỷ phú” thôn Cơ Giáo đã họp nhau và thành lập ra Chi hội làm vườn của xã. Với mục tiêu là giúp đỡ những người khác làm ăn và trao đổi kinh nghiệm. Tuy mới thành lập năm 2001 nhưng đến nay, chi hội đã có gần 30 hội viên. Ông Nguyễn Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã Hồng Vân nói: “Cả thôn có 33 mẫu đất nông nghiệp nay đã chuyển gần hết sang trồng cây cảnh.

Cây cảnh có ở khắp mọi nơi trong các ngõ xóm. Nó đã góp phần làm cho kinh tế của xã chúng tôi phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt mấy năm gần đây”. Ngay từ khi nghề trồng và kinh doanh cây cảnh phát triển ở xã, chính quyền xã đã hết sức coi trọng và khuyến khích người dân tham gia. Ông Huấn còn hy vọng tương lai sẽ biến cây cảnh Cơ Giáo thành một thương hiệu.

Để có được thành công đó, còn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của tất cả người dân trong xã. Nhưng một tương lai tươi sáng đang mở ra. Trước mắt, theo ý kiến của nhiều hội viên trong chi hội thì họ sẽ xin ý kiến của chính quyền địa phương để xây dựng một khu du lịch sinh thái với diện tích 8 hécta. Khu sinh thái này sẽ tiếp đón du khách đến nghỉ ngơi an dưỡng và cũng là để giới thiệu về cây cảnh Cơ Giáo với mọi người.

 
Top