Kiếm hiệp Kim Dung và cỏ cây hoa lá

sansnom

Thành viên
Thú thực tôi là một fan trung thành của truyện Kim Dung, thích nghiền ngẫm nhai đi nhai lại những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của ông. Khi tham gia điễn đàn, bỗng chợt nghiệm ra rằng trong truyện của ông chứa chất rất nhiều hình ảnh đẹp về cỏ cây hoa lá, trong đó chứa đựng nhiều ẩn ý sâu sắc.

Hôm nay xin mạn phép được chia sẻ vài chi tiết thú vị trong các bộ truyện đồ sộ của nhà văn.

1-Niêm hoa chỉ: một trong 72 tuyệt kỹ Thiếu lâm, dùng ngón tay (chỉ) để xuất chiêu, tư thế của bàn tay và ngón tựa như đang hái hoa (niêm hoa)trên cành. Có lẽ đoạn mô tả đặc trưng nhất về loại võ công này là đoạn giao đấu giữa Ma tăng Cưu Ma Trí và Hư Trúc ở Thiếu Lâm tự khi Ma tăng thách thức tỉ thí võ công với các sư tăng Thiếu lâm (Thiên Long bát bộ). Dùng hình tượng hoa để gọi tên chiêu thức võ công có lẽ tác giả muốn thể hiện lòng từ bi của nhà Phật: võ công Thiếu lâm để bảo vệ, cảm hoá con người chứ không hpải chuyên dùng để hại người.

2-A Bích và hoa sen: cũng trong tác phẩm TLBB này, hình ảnh cô a hoàn A Bích chèo thuyền chở Cưu Ma Trí và Đoàn Dự vượt qua hồ sen cộng với câu hát mang hơi hướng đồng dao của cô:
‘Ngư hí liên điệp đông, ngư hí liên điệp tây” (cá đùa lá sen phia đông, cá đùa lá sen phía tây) đã làm cho người đọc dịu lại tinh thần khi đang căng thẳng theo dõi số phận của chàng lãng tử Đoần Dự khi bị Ma Tăng bắt đi định tế sống trước ngôi mộ của Mộ Dung Bác. Một nốt lặng tuyệt vời và đúng lúc!

3-Vương phu nhân và Mạn đà hoa (hoa trà): bà là nhân tình của Vương gia Đoàn Chính Thuần, được ông bày cho thú chơi hoa trà, một loài hoa nổi tiếng của vùng đất Vân Nam, Đại lý. Khi buộc phải xa người tình, bà đem các giống hoa trà về trồng tại nhà mình và đặt tên cho trang trại của mình là Mạn đà Sơn trang với một nối niềm nhung nhớ vô hạn. Dĩ nhiên là rất quý vườn hoa của mình. Thế nhưng bà suýt giết chàng Đoàn Dự khi anh ta không ngớt chê bai màu sắc và độ tinh thuần của các gốc hoa. Bà không ngờ rằng chang chính là con của người tình Đoàn Chính Thuần, xuât thân từ cái nôi của hoa trà nay đứng trước một vườn hoa trà “lạc điệu” do điều kiện chăm sóc + thổ nhưỡng không phù hợp, chàng chê bai là phải rồi!

4-Ba gốc tùng cổ thụ: Trong truyện Ỷ thiên Đồ long ký ta bắt gặp hình ảnh 3 cây tùng cổ thụ ở hậu sơn Thiếu lâm tự, nơi mà 3 vị cao tăng Độ Kiếp, Độ Ách, Độ Nạn đang cùng nhau luyện võ công hợp bích nhằm chống lại kẻ thù là cựu Giáo chủ Minh giáo Dương Thiên Đính. Các gốc cổ thụ này to đến độ 3 vị khoét gốc cây thành một hốc cho riêng mình và ẩn thân trong đó như là một pháo đài che chắn và từ đó xuất chiêu khống chế kẻ địch. Và nơi đây cũng biến thành nơi giam giữ Tạ Tốn, xảy ra một cuộc kịch đấu đầy chất điện ảnh giữa 3 đại diện Thiếu lâm và 3 nhân vật phe Minh giáo: Trương Vô Kỵ, Dươgn Tiêu, Ân Thiên Chính …

5-Trương Vô Kỵ và nhành hoa mai trên Quang Minh Đỉnh: trong cuôc chiến bảo vệ Minh giáo, thật bất ngờ khi tác giả Kim Dung đã cho chàng họ Trươgn chọn cho mình một loại vũ khí đặc biệt - nhánh mai rừng – để tỉ thí cùng Lưỡng nghi Kiếm pháp của phái Côn luân và Phản Lưỡng nghi đao pháp (do cặp vợ chồng Chưởng môn Hao sơn Hà Thái Xung và Ban Thục Nhàn sử đao) và cuối cùng chàng đã khuất phục được đối phương bằng chính nhánh mai mềm mại này. Phải chăng tác giả muốn gởi đến chúng ta thông điệp: quân tử cùng chính nghĩa chiến thắng bạo lực gian tà?

(còn tiếp...)
 

sansnom

Thành viên
Triệu Mẫn và cách hạ độc:

6-Hạ độc tại sơn trang: truớc nhóm cao thủ Minh giáo đầy bản lĩnh giang hồ, chuyện hạ độc tưởng chừng như rất khó thế nhưng cô Quận chúa Mông cổ nghĩ ra một phương pháp vô cùng tinh diệu: dùng thanh kiếm Ỷ thiên giả làm bằng gỗ đàn hương toả hương thơm vô hại và hương thơm của một lòai hoa đặc biệt trong vườn. Riêng biệt thì chúng vô hại, nhưng khi quần hùng Minh giáo tò mò rút thanh kiếm giả ra khỏi bao thì 2 hương thơm quyện vào nhau thành 1 loại độc lợi hại. Đến khi phát giác ra thì đã muộn, báo hại Trương Vô Kỵ phải đích thân trở lại Sơn trang tìm cho được loại củ của hoa thơm kia để giải độc. Và tại đây một mối tình nảy sinh giữa chàng Trương và nàng Triệu….

7-Thập hương nhuyễn cân tán: loại độc này Triệu Mẫn hay dùng để bắt cóc các cao thủ của Lục đại phái (Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Hoa Sơn, Côn Luân, Không Động) khi từ cuộc chiến Quang Minh đỉnh trở về. Chất độc không mùi không vị vô thanh vô sắc này được bào chế từ 10 loại hoa độc khác nhau nên có tên là Thập hương làm cho gân cốt uể oải (nhuyễn cân). Và thuốc giải cung rất nhiêu khê: nếu không biết rõ thành phần và liều lượng của tưng laòi hoa độc thì khó mà bào chế được.

8-Ngõ Lục trúc: Trong thiên Tiếu ngạo giang hồ ta biết đến 1 địa danh đầy màu xanh cỏ cây: Lục Trúc. Trong không gian màu xanh hoà bình của tre trúc này, Thánh cô Nhậm Doanh Doanh đã đàn cho chàng Lãng tử Lệnh Hồ Xung bản nhạc Thiên tâm phổ thiện khúc để xoa dịu nỗi đau nội thương cũng như nỗi đau thất tình… và cũng từ đây, mối tình của Thánh Cô với chàng Lệnh Hồ âm thầm le lói… để cuối truyện nên vợ nên chồng, cùng nhau hoà tấu bản Tiếu ngạo giang hồ cười chê giang hồ chính tà bất định…

9-Mối tình Đinh Điển và nàng Lăng Sương Hoa: 2 nhân vật này cùng yêu một loài hoa lạ (tên gì tôi quên mất) và từ tình yêu hoa đi đến tình yêu đôi lứa thật gần… Khi bị chia lìa nàng đã chọn cách nhắn gởi thông tin cho ngưuời yêu Đinh Điển đang bị cha nàng giam giữ trong ngục bằng cách: mối ngày nàng đạt 1 chậu hoa mới trên bệ của sổ. Đến một ngày kia chang họ Đinh thấy chậu hoa không người chăm sóc héo dần, cung là lúc chàng vượt ngục đi cứu người yêu… nhưng đã muộn.. nàng đã chết.

Các bạn trẻ ơi, hãy cố tìm hiểu về các loài hoa lạ đi nhé, biết đâu có một ngày tình yêu đến sau hoa, và mong rằng tình yêu sẽ không có kết thúc ảm đạm như mối tình trong bộ tiểu thuyết Liên Thành Quyết này.

10…. vẫn biết số 10 là “thập toàn” muốn viết thêm 1 gia thoại nữa nhưng lực bất tòng tâm, mỏi tay vì typing, các bạn mỏi mắt nếu theo dõi từ đầu, thôi thì kết thúc ở đây, hy vọng rằng bài viết mang đến cho các bạn 1 hương vị mới “lạ miệng” giữa hàng ngàn hương vị của hoa lá bonsai trên diễn đàn.

Cám ơn các bạn đã đọc bài.
 

dovanlo

Thành viên Danh Dự
Bạn ơi còn Đông Tà Hoàng Dược Sư và rừng hoa đào.
Đào Hoa đảo là một địa danh trong bộ ba tiểu thuyết võ hiệp Xạ Điêu Tam Bộ Khúc của Kim Dung.
Đảo Đào Hoa là một đảo nhỏ nằm không xa bờ, ở ngoài khơi Trung Quốc. Trên đảo có rừng, có núi, có sông, có suối, cảnh sắc rất tươi đẹp. Đặc biệt, trên đảo còn trồng rất nhiều cây hoa đào. Vào mùa xuân, hoa đào nở rộ khiến đây giống như chốn tiên cảnh.
Đảo Đào Hoa là nơi ẩn cư của Đông Tà Hoàng Dược Sư, một trong Thiên hạ ngũ tuyệt. Ông ta là người am hiểu Kinh Dịch nên đã biến đảo Đào Hoa thành một Bát Trận Đồ khiến cho ai lạc vào không thể tìm lối ra.
 
I

imported_minh_tri

Guest
Cám ơn các bạn đã đọc bài.
Cám ơn bạn đã đăng bài
cám ơn anh đã comment bài

cảm ơn đã spam:-"
 

dovanlo

Thành viên Danh Dự
Cám ơn các bạn đã đọc bài.
Cám ơn bạn đã đăng bài
cám ơn anh đã comment bài
cảm ơn đã spam:-"
Trí có nghe câu" Quan nhậu quan say người ta nói quan vui, lính nhậu lính say người ta nói lính quậy chưa". Coi chừng bị nhốt nhe lính, anh với 3B là quan không đó
 
I

imported_minh_tri

Guest
Trí có nghe câu" Quan nhậu quan say người ta nói quan vui, lính nhậu lính say người ta nói lính quậy chưa". Coi chừng bị nhốt nhe lính, anh với 3B là quan không đó

quan liêu :p:p. beng nick đi. thách đố cho xiền lun đó:))
 
I

imported_minh_tri

Guest
Mấy Anh hiền quá, Em mà là quan, ai thách thức ... Ban ngay. Hơ hơ ...
tại ngừ ta là quan chứ không phải quan liêu. hèn chi hôm bữa a xin làm mod bị đàn chủ ............:p
chưa chi đã giở giọng quan.......liêu:))
 

sansnom

Thành viên
Bạn ơi còn Đông Tà Hoàng Dược Sư và rừng hoa đào.
Đào Hoa đảo là một địa danh trong bộ ba tiểu thuyết võ hiệp Xạ Điêu Tam Bộ Khúc của Kim Dung.
Đảo Đào Hoa là một đảo nhỏ nằm không xa bờ, ở ngoài khơi Trung Quốc. Trên đảo có rừng, có núi, có sông, có suối, cảnh sắc rất tươi đẹp. Đặc biệt, trên đảo còn trồng rất nhiều cây hoa đào. Vào mùa xuân, hoa đào nở rộ khiến đây giống như chốn tiên cảnh.
Đảo Đào Hoa là nơi ẩn cư của Đông Tà Hoàng Dược Sư, một trong Thiên hạ ngũ tuyệt. Ông ta là người am hiểu Kinh Dịch nên đã biến đảo Đào Hoa thành một Bát Trận Đồ khiến cho ai lạc vào không thể tìm lối ra.
coi bộ anh Lô cũng nghiên cứu Kim Dung kỹ lưỡng nhe! Riêng về Đào hoa đảo và Hoàng lão tà chắc nói cả trời vẫn chưa hết chuyện hén! Lão tà này nhìn hoa đào rơi rụng trước gió mà sáng tạo ra loại võ công "Lạc anh chưởng pháp và Lạc anh kiếm pháp" rất cao siêu và khó luyện cho ra được cái thần của lão: uyển chuyển, đẹp mắt tựa như múa nhưng vẫn phát huy tối đa uy lực.
 

dovanlo

Thành viên Danh Dự
VŨ ĐỨC SAO BIỂN

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

HOA TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG

V ăn chương tiểu thuyết, kể cả văn chương tiểu thuyết võ hiệp, luôn có những đoạn tả cảnh. Cảnh quan thiên nhiên hiện ra trong văn chương đã trở thành một thứ quy luật tất yếu, không thể thiếu được. Vả chăng, người Trung Hoa đã quan niệm “Vạn vật đồng nhất thể” mà con người cũng là một vật trong vạn vật cho nên con người không thể tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, ra khỏi cảnh quan và môi trường sống. Văn chương tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung cũng vậy. Con người trong tiểu thuyết của ông luôn luôn gắn liền với thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên và hoạt động với thiên nhiên.
Nhưng vượt lên trên tất cả cung cách mô tả thiên nhiên, Kim Dung đã dành cho hoa nhiều cảm tình nhất. Hoa xuất hiện trongg 12 bộ tiểu thuyết võ hiệp của ông như là biểu tượng cho bốn mùa. Hoa tiêu biểu cho chiều sâu trí tuệ và tâm hồn của người trồng hoa và chơi hoa. Hoa là sản phẩm đặc trưng của từng vùng đất mà đất Trung Hoa vô cùng rộng lớn nên hoa cũng cực kỳ phong phú về chủng loại, đặc sắc về ngoại hình. Ở một chừng mực nào đó, ta có thể thấy Kim Dung đã thể hiện kiến thức của một nhà hoa học trong những bộ tiểu thuyết của mình.
Trong Thiên Long bát bộ, theo gót chân lãng du của vương tử Đại Lý Đoàn Dự, tác giả đưa chúng ta đi về vùng Giang Nam nước Tống. Mùa xuân về trên Thái Hồ, Giang Nam, ta bắt gặp hoa sen và hoa hồng lăng khoe sắc thắm, thoang thoảng hường đưa trong gió. Rồi tác giả đưa chúng ta về Mạn Đàn sơn trang của Vương phu nhân, thưởng thức hoa trà. Đoạn lý luận về hoa trà của Đoàn Dự có thể coi là một chương hoa học kỳ thú trong Thiên Long bát bộ.
Hoa trà - tiếng Phạn là Mạn đà la – là một loài hoa nổi tiếng được trồng phổ biến khắp vùng Vân Nam. Lúc bấy giờ, Vân Nam thuộc nước Đại Lý. Hoa trà trở thành quốc hoa của Đại Lý. Vân Nam có khí hậu ấm, mứa nhiều quanh năm, dân dã bình thường cũng biết trồng hoa trà để thưởng ngoạn. Thế nhưng,Vương phu nhân là đem hoa trà từ Vân Nam (Đại Lý) về trồng ở Giang Nam (Tống) mà lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc khiến các gọi là Mạn đà sơn trang của phu nhân dưới mắt Đàon Dự chẳng đáng một xu. Vốn ghét tính cách tàn bạo, ngang ngược của Vương phu nhân, Đoàn Dự thẳng thừng phê phán sự dốt nát của bà khi trồng trà: “Tỷ như khóm trà hoa này chắc phu nhân cho là quý lắm? Cái lan can bên cạnh mới thực là đẹp.”. Khen như vậy khác nào khen quyển sách in đẹp mà nội dung rỗng tuếch. Những kiến thức về hoa trà của Đoàn Dự khiến Vương phu nhân vừa kinh hãi, vửa thẹn thùng. Chậu hoa mà phu nhân gọi là “Ngũ sắc trà hoa” (hoa tra năm màu) thì Đoàn Dự gọi là “Lạc đệ tú tài” (tú tài thi hỏng). Đoàn Dự cho biết loại hoa trá quý nhất là “Thập bát học sĩ” (18 vị học sĩ) gồm 18 bông, màu sắc không bông nào giống bông nào (toàn hồng, toàn trắng, toàn tía...không hỗn tạp), cùng nở một lúc và cùng tàn một giờ. Sau “Thập bát học sĩ” là “Bát tiên quá hải” (8 vị tiên qua biển) chỉ có một gốc, nở ra cùng lúc 8 bông với 8 màu khác nhau. Sau “Bát tiên quá hải” là “Thất tiên nữ” (7 tiên nữ) chỉ có một gốc nở ra 7 bông. Sau “Thất tiên nữ” là “Phong trần tam hiệp” (3 hiệp khách phong trần) chỉ có 1 gốc nở ra đúng 3 bông. Rồi “Nhị Kiều” (hai nàng họ Kiều), rồi chia hạng chánh, phó... đủ kiểu chơi.
Vương phu nhân còn khen ngợi loại trà “Mãn nguyệt” (trăng tròn). Đoàn Dự bác ngay vàlý luận đó phải là loại “Ỷ lan Kiều’ (nàng Kiều e thẹn dựa vào lan can). Trồng “Ỷ lan Kiều” phải chọn nơi nửa kín nửa hở để xứng với câu thơ:
E thẹn ôm đàn che nửa mặt
Ai kêu ai gọi cũng làm thinh.
Viết đến đâu, Kim Dung trích dẫn thơ ca đến đó:
Xuân câu thuỷ động trà hoa bạch
Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng
(Dòng xuân nước gợn hoa trà trắng
Non hạ mây vương trái vải hồng)
Hoặc:
Thanh quần ngọc diện như tương thức
Cửu nguyệt trà hoa mãn độ khai
(Quần xanh vóc ngọc như từng gặp
Tháng chín, hoa trà rợp lối đi)
Thật sự, Trung Quốc đã từng có tác phẩm Điền trung trà hoa ký nghiên cứu về hoa trà trong đó có đoạn: “Đại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập nhị, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hỏa tề vân cẩm, thước nhật chưng hà.” (Hoa trà Đại Lý đứng đầu thiên hạ, gồm 72 loại khác nhau, có loại lớn hơn cả hoa mẫu đơn, khiến ta đứng xa vẫn trông đỏ rõ một góc trời như mây gấm hoà vào cho màu trắng ban mai thêm rực rỡ). Thật ít có nhà văn nào đạt được kiến thức hoa học và vận dụng kiến thức ấy - vốn thuộc phạm vi sinh học – vào văn chương một cách nhuần nhuyễn như Kim Dung.
 

dovanlo

Thành viên Danh Dự
VŨ ĐỨC SAO BIỂN

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

HOA TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG

Đúng là Kim Dung đã đưa hoa vào tác phẩm văn chương võ hiệp của mình, dùng hình ảnh tươi đẹp của hoa để chế ngự bớt tính chất căng thẳng và đôi khi tàn nhẫn của thế giới võ hiệp. Hoa là biểu tượng cho một dạng công lực thượng thừa, Kẻ luyện nội công đến mức cao siêu nhất được gọi là “Tam hoa tụ đỉnh”. Hoa được dùng để đặt tên cho các pho võ công: Niêm hoa chường, Niêm hoa chỉ của phái Thiếu Lâm; Thiên Sơn thiết mai thủ của phái Tiêu Dao; Lạc anh chưởng pháp của Đào hoa đảo. Hoa trở thành mệnh lệnh tấn công như khi bang chúng Cái bang hát bài Liên hoa lạc (cánh sen rơi) thì có nghĩa là họ kết Đã cẩu trận để chống lại kẻ địch, bao vây kẻ địch.
Hoa trở thành đòn thức, chiêu thế của người sử dụng võ công, và khi sử dụng, giới võ lâm phải thể hiện cho được yếu tính của đòn thức, chiêu thế mang tên hoa đó. Nhà sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí khi đánh chiêu Niêm hoa vi tiếu trong Niêm hoa chỉ vẫn giữ được khuôn mặt tươi cười, tư thế ung dung của khái niệm niêm hoa (cánh hoa chưa nở). Nhà sư Hư Trúc sử dụng Thiên Sơn chiết mai thủ với phong cách nhẹ nhàng, khuôn mặt trầm tĩnh đúng như người đang bẻ cành mai trên núi Thiên Sơn mà kình lực có thể làm tan bia, vỡ đá. Phái Thiếu Lâm có chiêu Hoa khai kiến Phật (Hoa nở thấy Phật) bó buột đệ tử Thiếu Lâm chấp hai tay lên trước ngực, vừa hàm ý chào kính kẻ địch, vừa thể hiện đức từ bi của nhà Phật: đấu tranh là phải đấu chứ không muốn giết hại lẫn nhau. Ta bắt gặp trong tiểu thuyết Kim Dung những tên gọi Lạc hoa lưu thủy (hoa rụng nước trôi), Mãn thiên hoa vũ (mưa hoa đầy trời), Liên hoa phất huyệt thủ (đánh huyệt như phất hoa sen), Hồ điệp xuyên hoa (bướm len giữa khóm hoa), Thiên nữ tán hoa (tiên nữ rắc hoa)...
Hoa muôn đời là biểu tượng của người phụ nữ đẹp, là biểu tượng của cô gái trong trắng thơ ngây. Kinh Thi có câu: “Xước ước như xử nữ” (mềm mại như gái trinh) và từ “xước ước” cũng đồng thời là từ diễn tả dáng thanh lịch của ngàn hoa. Những nhân vật nữ của Kim Dung như Nhậm Doanh Doanh, Nhạc Linh San, Nghi Lâm, Lam Phượng Hoàng (Tiếu ngạo giang hồ), Hoàng Dung, Quách Tương, Tiều Long Nữ (Thần điêu hiệp lữ), Hân Tố Tố, Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu (Ỷ thiên Đồ long ký)... đều có “khuôn mặt đẹp như hoa nở, nụ cười tươi như hoa nở”. Những cô gái trinh bạch, xinh đêp ấy được gọi là Hoàng hoa khuê nữ (cô gái trong phòng khuê dịu dáng như hoa cúc) nhưng lĩnh vực hoạt động của họ không phải là phòng khuê nữa mà là giới giang hồ.
Họ là hào khách võ lâm biết yêu hoa: Vương phu nhân yêu hoa trà, Mộc Uyển Thanh yêu hoa mai côi (hoa hồng) và con người cô cũng toát ra mùi hương tự nhiên của mai côi đến nỗi cô có ngoại hiệu là Hương Dược Xoa (Thiên Long bát bộ), Lăng Sương Hoa, con gái tri phủ Giang Lăng thành Lăng Thoái Tư yêu hoa cúc (Liên thành quyết).
Kẻ nào manh tâm chiếm đoạt trinh tiết người phụ nữ bị Kim Dung gọi là tên Thái hoa dâm tặc (tên dâm tặc chuyên hái hoa). Trong Tiếu ngạo giang hồ, có gã Giang dương đại đạo thái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao Điền Bá Quang. Hắn gớm ghiếc đến nỗi phụ nữ nhà lành cũng bị cha mẹ cấm không được gọi đến tên. Nhà sư Bất Giới đã trừng trị tội dâm dật của hắn bằng cách điểm trọng huyệt, xuyên một cặp tụ tiễn (mũi tên nhỏ) vào bộ phận sinh dục để hắn không thể “hái hoa” được nữa. Ngoại hiệu của nhà sư là Bất Giới (không cấm cản chi hết) nhưng nhà sư buộc Điền Bá Quang phải cạo đầu làm sư, đặt lại ngoại hiệu cho hắn là Bất Khả Bất Giới (không thể không cấm). Cách trừng trị kinh khủng như vậy là nhằm bảo vệ những đời hoa!
Hoa là biểu tượng của tình yêu lứa đôi, và đặc biệt trong võ hiệp tiểu thuyết của Kim Dung, là biểu tượng của tình yêu chung thuỷ. Thời đôi mươi, Vương phu nhân say mê Đoàn Chính Thuần, thất thân với y và sinh ra Vương Ngọc Yến. Đoàn Chính Thuần là hoàng thái đệ của Đoàn Chính Minh, vua Đại Lý; không thể cưới được Vương phu nhân. Tương tư tình lang, Vương phu nhân đem trà Đại Lý về trồng tại Giang Nam, lập nên cái gọi là Mạng đà sơn trang (Thiên Long bát bộ). Còn trong Liên thành quyết, Kim Dung đã thực sự tạo cho hoa cúc một tâm hồn riêng khi ông xây dựng mối tình Đinh Điển – Lăng Sương Hoa.
Đinh Điển luyện thành thần công Thần chiếu kinh, chỉ cần vươn tay ra chộp một cái là kẻ thù phải chết. Anh yêu tiểu thư Lăng Sương Hoa, con gái tri phủ Lăng Thoái Tư thành Giang Lăng, nên ẩn thân vào nhà tù thành Giang Lăng để ngày ngày được ngắm màu hoa cúc vàng trên cửa sổ do chính Lăng Sương Hoa chăm sóc. Lăng Sương Hoa ra sức chăm bón hoa, giữ cho hoa tươi mãi để tạ lòng người yêu. Tình yêu lặng lẽ giữa người tù và cô tiểu thư diễn ra thật nên thơ những cũng rất mạnh mẽ. Tri phủ Lăng Thoái Tư biết được điều đó; lão cố tìm mọi cách để giết Đinh Điển để chiếm đoạt bộ Liên thành quyết - một bí lục mô tả đường đi nước bước của mộ kho báu trị giá liên thành. Lão bức tử con gái, đặt cô vào quan tài rồi tẩm thuốc độc lên vỏ quan tài, chờ Đinh Điển sa bẫy. Quản nhiên một hôm Đinh Điển nhận ra rằng chậu hoa cúc trên cửa sổ của người tình đã héo úa. biết rằng Lăng Sương Hoa đã gặp điều gì đó chẳng lành, Đinh Điển vượt ngụ, thâm nhập vào tư dinh Lăng Thoái Tu. Thấy tấm bài vị đề “Lăng Sương Hoa ái nữ chi linh vị” trên nắp quan tài, anh đau xót ông lấy quan tài khóc rống lên và lập tức bị trúng độc. Đinh Điển chết, dặn dò lại nghĩa đệ là Địch Vân phải hợp táng xương cốt của anh và Lăng Sương Hoa chung một nơi.
Lăng Sương Hoa được chôn trong nghĩa địa phía tây thành Giang Lăng còn Đinh Điển thì chết ở vùng Quan ngoại. Cuối truyện, chàng Địch Vân mang bọc xương cốt của nghĩa huynh Đinh Điển từ ngàn dặm trở lại Giang Lăng, đào mả Lăng Sương Hoa và hợp táng hai người. Anh còn mua hoa cúc, cuốc đất chung quanh mộ rồi trồng cho hai người mấy cụm với ước mong hương hồn họ nhìn thấy bóng hoa và được sống lại với tình yêu cũ. Liên thành quyết có cái buồn và chất thơ lãng mạn xuyên suốt toát ra từ bóng hoa cúc vàng - mối tình của Đinh Điển và Lăng Sương Hoa.
Người yêu hoa thì rất quý hoa, xem hoa như là bạn; còn kẻ ghét hoa thì rất giận hoa, xem hoa là thù địch. Đó là trường hợp của Vi Tiểu bào, một tiểu lưu manh bất học vô thuật, may mắn trở thành quan lớn triều Khang Hy (Lộc Đỉnh ký). Vua Khang Hy ra lệnh cho Vi Tiểu Bảo làm khâm sai đại thần, trở về quê quán thành Dương Châu xây dựng toà Trung liệt từ. Nghe đồn Vi Tiểu Bảo là một thiếu niên, tưởng gã là người có tài văn học, các quan ở Dương Châu bèn mời gã vào uống rượu ngâm thơ trong chùa Thiền Trí. Mùa ấy, hoa thược dược đang nở mà thược dược ở Dương Châu và chùa Thiền Trí là thứ hoa tươi đẹp nhất thiên hạ. Nhìn thấy thược dược tươi hơn hớn, Vi Tiểu Bảo tức muốn sôi gan. Nguyên lai, lúc mới lên chín mười tuổi, gã đã từng cùng bọn tiểu lưu manh thành Dương Châu đột nhập chùa Thiền Trí hái trộm hoa thược dược. Một nhà sư nào đó đã rượt cả bọn chạy, Vi Tiểu bảo nhỏ con, chạy chậm bị nhà sư nắm áo éo lại, tát cho một cái. “Mối thù” ấy âm ỉ mãi trong lòng gã nên khi quay về Dương Châu, thấy lại thược dược đại đóa nở phô hồng khoe tía trong chùa Thiền Trí là gã nổi nóng.
Gã đặt chuyện nói rằng vua Khang Hy đang nuôi bầy ngựa chiến và ra lệnh cho gã chặt hết thược dược trong thiên hạ để làm thức ăn cho ngựa. Nghe câu nói đó, bá quan văn võ Dương Châu và các nhà sư chùa Thiền Trí đều vỡ mật kinh tâm. Mây mắn là viên tuần phủ Dương Châu học rộng biết nhiều. Viên tuần phủ phải nịnh Vi Tiểu Bảo rằng thược duợc là tượng trưng cho người đàn ông thành đạt, công danh hiển hách; rằng Vi Tiểu Bảo về Dương Châu đúng mùa thược dược mãi khai là điều tốt lành, ngày sau ắt thăng quan tiến chức cao sang không biết bao nhiêu mà lường. Cho nên việc chặt hoa thược dược cho ngựa ăn là chuyện rất uổng. Viên tuần phủ còn ngắt một đóa hoa thược dược kình cẩn gài lên mũ của Khâm sai đại thần và chúc phúc. Quả nhiên lời nói khôn khéo đó của viên tuần phủ đã làm nguôi cơn giận của Vi Tiểu Bảo, cứu được ngàn hoa của chùan Thiền Trí và thành Dương Châu.
Kiến thức về hoa của Kim Dung thật phong phú. Loại hoa gì, tính năng ra sao, nở mùa nào, có nhiều ở địa phường nào đều được lý giải một cách cặn kẽ. Mỗi mùa hoa, mang hteo một loại chướng khí. Chướng khí là hậu quả của cây lá rụng xuống ao chằm, rồi bốc lên, tạo thành những dịch bệnh cho con người. Tháng ba âm lịch có Đào hoa chướng, tháng năm chó Lựu hoa chướng, tháng tám có Phù dung chướng. Kim Dung cho biết người Vân Nam vốn yêu hoa trà, coi hoa trà là một loài hoa quý cho nên không lấy tên hoa trà để gọi chướng khí.
Hoa làm đẹp thêm cho tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, tạo nên chiều sâu cho tác phẩm. Hoa là nới gửi gắm tâm tình con người. Chất thơ tự có trong hoa biến thành chất thơ cho tác phẩm. Đoc Kim Dung càng nhiều lần, ta càng khám phá ra thêm nhiều vẻ đạp, cáng nhận ra làn u hương thuần nhã của hoa.
Giòng xuân nước gợn hoa trà trắng
Non hạ mây vương trái vải hồng.
Có người nói bóng hoa trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là hình ảnh của Hạ Mộng, người tình của ông. Hạ Mộng đã xa ông như lạc hoa lưu thủy. Và tiểu thuyết của ông giàu bóng hoa, hương hoa bởi Hạ Mộng vẫn sống trong trái tim ông.
Nguồn: NXB Trẻ
Được bạn: Thái Nhi đưa lên vnthuquan
vào ngày: 27 tháng 12 năm 2003
 

dovanlo

Thành viên Danh Dự
VŨ ĐỨC SAO BIỂN

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

Cành mai trên Thiên Sơn


Thiên Sơn là tên một rặng núi hiểm trở thuộc khu vực ngoại Tân Cương, phía Tây – Tây Bắc Trung Hoa, là biên giới thiên nhiên giữa Trung Hoa và Kirghizitan. Không hiểu từ giấc mơ lãng mạn nào, nhà văn Kim Dung đã để cho chàng thiếu niên Trương Vô Kỵ mới 15 tuổi dắt tay cô bé gái Dương Bất Hối 11 tuổi đi từ An Huy, vượt qua khoảng 18.000 dặm lên tới đỉnh Côn Lôn trong rặng Thiên Sơn, giúp Bất Hối tìm được người cha Dương Tiêu. Cơ duyên đã đưa đẩy cậu bé gày gò Trương Vô Kỵ bò lọt qua một hang đá nhỏ, tìm ra một thung lũng đẹp, học được thần công trong Cửu Dương kinh. Cơ duyên đã khiến cậu bé ở đó năm làm bạn với cỏ cây, với khỉ vượn, rồi lên tới Quang Minh đỉnh (đỉnh Pobedy cao nhất của Thiên Sơn – 7439 mét) nơi đặt tổng đàn của Bái hỏa giáo (Minh Giáo) Trung Hoa, học được thần công Càn khôn đại nã di của Bái hỏa giáo. Lại cũng chính cơ duyên đã đưa Trương Vô Kỵ – bấy giờ đã là chàng thanh niên 20 tuổi – phải đối đầu với sáu đại môn phái Trung Hoa khi họ muốn tuyệt diệt Bái hỏa giáo. Kinh qua những đoạn đời đau khổ, chàng thanh niên đôi mươi đó đã đủ chín chắn để biết tự dặn mình không được giết người, không được gây thù nhưng phải bảo vệ được những tinh hoa của Bái hoả giáo bởi vì họ là những người yêu nước, kháng Nguyên.
Mùa xuân là mùa hoa mai nở. Hoa mai trên Thiên Sơn thích nghi với khí hậu giá lạnh quanh năm, đến tháng 3, tháng 4 Dương lịch vẫn còn mãn khai. Trong tư duy lãng mạn đậm màu sắc phương đông, tác giả Kim Dung đã để cho nhân vật của mình bẻ một cành mai trên núi Thiên Sơn làm vũ khí chống lại song đao, song kiếm. Vợ chồng Hà Thái Xung – Ban Thục Nhàn của phái Côn Lôn sử Chính Lưỡng nghi kiếm pháp. Hai trưởng lão của phái Hoa Sơn sử Phản Lưỡng nghi đao pháp. Chính và phản là hai mặt đối lập triệt để nhưng khi đã hợp bích thì oai lực mạnh vô song, bởi nguyên tắc âm Dương tương điều, thủy hoả tương chế. Chính biến của kiếm pháp có 64 thế, kỳ biến của đao pháp có 64 thế; 64 nhân cho 64 thành ra 4096 thế liên miên bất tuyệt. Bốn địch thủ của Trương Vô Kỵ cụ thể hoá triết học phương Đông thành bài bản chiến đấu: phía Nam quẻ Càn, phía Bắc quẻ Khôn, phía Đông quẻ Ly, phía Tây quẻ Khảm. Ngoài bốn chính phương còn bốn bàng phương: Đông Bắc quẻ Chấn, Đông Nam quẻ Đoài, Tây Nam quẻ Tốn, Tây Bắc quẻ Cấn. Chính lưỡng nghi kiếm pháp của phái Côn Lôn đi từ Chấn vị tới Càn vị; phản Lưỡng nghi đao pháp của phái Hoa Sơn đi từ Tốn vị tới Khôn vị. Chính đi thuận, phản đi nghịch; ai rơi vào thế liên thủ giáp công của họ thì khó tránh được cái vòng biến ảo huyền diệu của nguyên lý Âm Dương.
Vô Kỵ biết rằng mình không đơn giản chỉ đấu với chính – phản Lưỡng nghi mà đang đấu với một triết lý thực chứng của Đông phương. Anh đã nhớ lại những lời đã học trong Cửu dương kinh: “Gió thổi qua mỏn núi mặc cho nó ngang tàng, ánh trăng vẫn chiếu trên sông lớn” và “Quý hồ ta vẫn giữ được một hơi chân khí sung mãn”. Đó chính là nguyên lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong tư duy Đông phương. Anh cũng nhận ra rằng chính – phản Lưỡng nghi thể hiện được là do gốc ở bộ pháp. Bước chân của bốn đại cao thủ sẽ đi từ Qui Muội qua Vô Vọng, Vô Vọng qua Đồng Nhân, Đồng Nhân qua Đại Hữu… Anh khéo léo sử phương pháp bốn lạng chống ngàn cân, lấy cái nhẹ nhàng bay bướm để hoá giải cái cường mạnh, lấy chậm để chế nhanh, lấy cái vụng về chế cái tinh xảo, lấy chiêu thức của người đẩy về phá người. Trương Vô Kỵ sử dụng một cành mai tươi đẹp dịu dàng bay nhảy trong rừng đao kiếm. Ấy thế mà cành mai không rụng lấy một bông!
Vận dụng tư duy Đông phương và tiểu thuyết một cách lãng mạn đến thế là cùng. Trong văn chương và triết học Trung Hoa, mai được nâng lên bạn hữu của con người, đứng đầu mai, lan, cúc, trúc. Chưa thấy tác phẩm nào nói chuyện con người sử cành mai làm vũ khí để chiến đấu và chiến thắng, trừ bộ Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung. Tôi nghĩ tới một ý đồ khác của nhà văn. Ông cho cái đẹp chiến thắng cái thô bạo; cái nhân tính tiềm ẩn trong cành mai chiến thắng cái tàn bạo tiềm ẩn trong đao, kiếm; cái hồn hậu của tự nhiên chiến thắng cái cơ tâm của con người!
Quả thật lãng mạn khi nhà văn cho phép cành mai đấu với đao kiếm. Tôi cho rằng tư duy lãng mạn đó chỉ có thể có trong tiểu thuyết phương Đông, trong triết học phương Đông. Cả ba thứ cành mai, chính Lưỡng nghi kiếm pháp, phản Lưỡng nghi đao pháp là những hình tượng mang nặng tính ẩn dụ. Văn chương cho phép người ta bay bổng tuyệt vời mặc dù cả tác giả và độc giả đều sống trên mặt đất. Tôi đọc hai thiên Tiêu dao du và Tề vật luận trong Nam hoa kinh của Trang Tử rồi so sánh với cành mai dịu dàng thanh thoát trong Ỷ thiên Đồ long ký và cảm thấy hạnh phúc vì cái đẹp còn tồn tại mãi bên đời chúng ta.
Nguồn: NXB Trẻ
Được bạn: Thái Nhi đưa lên vnthuquan
vào ngày: 27 tháng 12 năm 2003
 
Top