Khi người làng hoa đi học... trồng hoa!

midavina

Thành viên tích cực
"Có học mới nên khôn"
Đó là sự khẳng định chung của các học viên khi nghe tôi hỏi vào buổi bế giảng lớp học tổ chức sáng 29/11 tại hội trường UBND phường 9. Anh Lê Tấn, một người nhiều năm chuyên trồng lay-ơn ở làng hoa Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc) cho biết: - Được dự lớp, tôi thấy rất bổ ích. Vì ngoài cây lay-ơn ra, còn được học cách ghép, trồng, chăm sóc, tạo dáng các loại khác như mai, hồng, cúc, đồng tiền. Lâu nay, cứ trồng theo kinh nghiệm cha ông truyền lại là chính, cũng có đọc thêm sách báo nhưng không đáng kể. Bây giờ, có tài liệu hướng dẫn bài bản? thầy lại phân tích cụ thể, tỉ mỉ rồi thực hành nên tôi sáng ra nhiều điều. Hồi trước bón phân, cứ ước chừng bằng mắt. Nay thì mới biết, thiếu hụt đạm sẽ giảm số hoa, hoa nhỏ, lá màu xanh nhạt. Thiếu hụt lân làm lá bên dưới có màu đỏ tía, lá bên trên có màu xanh tối, thiếu hụt kali làm vàng lá non, cản trở sự trổ hoa. Thật đúng như ông bà nói: "Có học mới nên khôn"! Còn ông Đỗ Ngọc Hùng (làng hoa Phước Hậu, phường 9) tâm đắc:- Nói thiệt với anh, là dân trồng hoa nhưng qua lớp này , tôi mới phân biệt rành mạch thế nào là bon-sai, thế nào là kiểng cổ. Rồi ông hào hứng phân tích: - Bon-sai là cây thu nhỏ trồng trong chậu cạn, chiều cao không quá 3 lần so với đế. Số cành của bon-sai thường lẻ, cành dưới cùng phải thẳng góc 90 độ so với thân. Còn kiểng cổ (trung, đại) là loại cây lâu năm (từ 20 năm trở lên) thường đi theo cặp, theo thế kiểu "sinh - lão - bệnh - tử", "tam tài"... Lâu nay, cứ thấy cây nào có dáng đẹp đẹp, cong cong nằm trong chậu cứ gọi tuốt là bon-sai, nghĩ lại thấy mắc cười quá. Học viên Nguyễn Đơn (Bình Kiến) góp chuyện:- Phải kết hợp truyền thống với hiện đại thì mới mong nghề trồng hoa quê mình khá lên được. Truyền thống là kinh nghiệm tích lũy bao đời, còn hiện đại là những kiến thức khoa học do các thầy mang đến... Nữ học viên duy nhất của lớp - chị Nguyễn Thị Lạch (Phường 9) - không giấu được niềm vui và cho biết, cả gia đình chị sống bằng nghề trồng mai, quất nhưng nhiều năm qua, chỉ trồng theo lối quảng canh, đại trà. Bây giờ, nhờ các giảng viên của bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (Đại học Nông lâm TP HCM), chị mới tường tận, chỉ có trồng luân canh thì cây hoa mới phát triển tốt, lại hạn chế được các loại sâu bệnh thường gặp. Chị nói rằng sẽ về bàn với chồng để bắt đầu vụ tới, trồng hoa luân canh, đồng thời, thực hiện các kỹ thuật ghép mai học được từ các thầy.
Theo ông Phan Khánh, Trưởng phòng NN-PTNT thị xã Tuy Hòa - đơn vị tổ chức lớp học - thì một cái được nữa của các nhà vườn là lần đầu tiên, được giới thiệu một cách có hệ thống về thị trường hoa kiểng trong nước và trên thế giới. Chính cái nhìn sơ bộ nhưng khá toàn diện về thị trường quen mà lạ này sẽ là một động lực giúp người trồng hoa thị xã nói riêng và trong tỉnh nói chung có cái nhìn chuyên nghiệp hơn, toàn diện hơn về nghề mưu sinh lâu nay của mình. Từ đó, có những đầu tư thích hợp để trồng hoa thực sự mang lại thu nhập kinh tế cao hơn, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Việc mở lớp nhằm góp phần giúp người trồng hoa từng bước tiếp cận và chuẩn bị tâm thế, nội lực để đủ khả năng bước vào thị trường kinh doanh hoa đầy cạnh tranh trong thời gian tới.

Để nghề trồng hoa ở Phú Yên khởi sắc
Là một trong ba giảng viên của lớp, kỹ sư Đỗ Hữu Gia đánh giá rất cao tinh thần, thái độ học tập của các học viên. Ông cho rằng, cái đáng quý nhất của các học sinh - nông dân này là sẵn sàng tranh luận với thầy để đạt đến sự hiểu biết thỏa mãn nhất. Đi dạy kiến thức trồng hoa cho nông dân nhưng cũng là cơ hội để các nhà khoa học tiếp cận, học hỏi từ thực tiễn cuộc sống, bổ sung cho giáo trình ngày càng hoàn thiện hơn. Ông kể: - Tiếp xúc với các học viên, tôi mới biết, cúc bị héo lá, dẫn đến chết nửa cây là căn bệnh khá phổ biến ở Phú Yên. Trong khi đó, tại các tỉnh Nam bộ, bệnh này rất ít xuất hiện. Thực tế đó đòi hỏi tôi và các đồng nghiệp sắp tới phải tập trung nghiên cứu để có kiến giải thỏa đáng. Nông dân thị xã Tuy Hòa trồng hoa trên cát, còn ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), hoa được nhà vườn trồng trên đất phù sa, sự khác biệt này cũng đáng được lưu tâm tìm hiểu để có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hữu hiệu. Theo kỹ sư Gia, người trồng hoa ở Phú Yên cần cù, chịu khó, khí hậu địa phương tuy có khắc nghiệt nhưng chế độ nước tưới lại rất thích hợp cho hoa phát triển. Vì vậy, có thể nói rằng, tiềm năng nghề trồng hoa ở Phú Yên là rất có tương lai.

Nhưng để phát triển ổn định và bền vững, các nhà vườn cần phải làm thế nào để sản xuất ra nhiều loại hoa có chất lượng, phải làm tốt các khâu quảng bá, tiếp thị. Muốn vậy, phải bắt đầu từ việc đưa khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm bón hoa, từ bỏ các thói quen, tập quán cũ trong sản xuất. Để minh chứng cho ý kiến của mình, kỹ sư Gia nói: - Qua tham quan thực tế, tôi thấy, hiện nhiều nhà vườn ở Phú Yên vẫn còn trồng hoa trong chậu. Điều này sẽ rất bất lợi khi vận chuyển. Vì thế, nên trồng hoa trong giỏ như nhiều nhà vườn Nam bộ đã làm cách đây nhiều năm. Khi khách đã mua hoa về thì tùy ý thích từng người mà chọn lựa kiểu chậu cho hợp "gu" thẩm mỹ của mình.

Phú Yên là tỉnh đầu tiên ở duyên hải Nam Trung bộ tổ chức cho người làng hoa học nghề trồng hoa, chuyện tưởng ngược đời nhưng ngẫm cho cùng lại rất hợp lý. Bởi vì, để người trồng hoa ngày càng có thu nhập cao, ổn định, vấn đề cốt tử là phải chuyển đổi cách làm ăn bấy nay. Ông Phan Khánh cho biết, hiện diện tích trồng hoa ở thị xã Tuy Hòa khoảng 40 ha và mỗi năm, doanh thu nghề này từ 6 - 8 tỉ đồng. Có người trồng 1 ha lay-ơn, thu khoảng 260 triệu đồng/năm, trong đó, lãi ròng là 50%. Các con số trên cho thấy, nếu đầu tư theo hướng sản xuất lớn, có sự hỗ trợ tích cực của khoa học kỹ thuật, trồng hoa sẽ là một ngành kinh tế đầy triển vọng với doanh thu tăng gấp hàng chục lần. Đầu ra thì không lo, bởi vì, hàng năm, khi Tết đến, xuân về hoặc các ngày lễ trọng, mai, cúc, quất... từ các làng hoa thị xã lại ngược ra Bắc, lên Tây Nguyên và cung ứng không đủ cho thị trường địa phương. Trên địa bàn thị xã Tuy Hòa hiện trồng hơn 20 loại hoa nhưng phần lớn đã nhiễm bệnh hoặc bị thoái hóa. Vì vậy, cần phải thay bằng các giống mới có chất lượng, năng suất cao hơn, được thị trường ưa chuộng hơn. Sắp tới, Phòng NN - PTNT thị xã sẽ từng bước hỗ trợ người trồng hoa, tạo sự gắn bó giữa Nhà nước với người sản xuất qua chiếc cầu nối khoa học kỹ thuật mà lớp học này chính là sự khởi động đầu tiên tuy có hơi muộn...

(luân canh:Việc trồng liên tiếp nhiều loài cây trên cùng một khoảnh đất, mỗi thời gian một loài, nhằm cải tạo đất (chẳng hạn, dùng cây này sản ra những chất dinh dưỡng cần cho cây sau), tận dụng các lớp đất (liên tiếp bằng những loài có rễ ăn xuống những độ sâu khác nhau).)
 

haibien

Quản Lý Viên
cai gi cung phai hoc,kinh nghiem nha nghe la rat qui nhung tiep thu khoa hoc ky thuat de ket hop voi hung kinh nghiem nha nghe la huong di dung de cho nghe trong hoa,cay canh noi rieng va ca nen nong nghiep viet nam noi chung thoat khoi canh lac hau buoc vao thi truong the gioi.
 

Inova

Thành viên
được học là điều tuyệt vời nhất mà diễn đàn này cũng là lớp học lớn mà:bz
 
Bài viết thật bổ ích , có đọc mới biết :)):))...còn không vẫn bị * mù mờ * về chuyện bón phân cho cây .:)cám ơn bài viết rất nhiều:))
 
Top