kỹ thuật trồng trầm hương

nguyenhuythac

Thành viên mới
Trầm hương

-Tên thường dùng: Dó trầm.

-Tên khác: Trầm hương, Trầm dó, Dó bầu, Trà hương.

-Tên khoa học: Aquilaria crassna Pierre, Aquilaria agallocha Roxb.

-Họ thực vật: Trầm (Thymelacaceae).



Gía trị kinh tế của Trầm hương

-Gỗ lớn, bình thường có màu nâu đỏ đều, đôi khi xen những điểm màu xanh lam nhạt, chứa chất thơm và chất định hương cao cấp. Từ xa xưa gỗ đã được sử dụng làm gối để gối đầu cho các nhà quyền thế và đốt Trầm hương trong các ngày hội lễ lớn, lễ tháng. Ngày nay, người ta trích từ gỗ này để lấy tinh dầu làm chất định hương và chất thơm cao cấp, do vậy gỗ trầm bình thường rất có giá trị.

-Tuy nhiên giá trị đặc biệt quan trọng nhất của Dó trầm là trầm hương hay còn gọi là kỳ nam, trong đó có loại gọi là kỳ nam hương, giá đắt gấp 10-20 lần trầm hương. Trong công nghiệp dùng để cung cấp tinh dầu làm chất xúc tác giữ cho các hương liệu của mỹ phẩm cao cấp như nước hoa, dầu gội đầu, xà phòng thơm...

-Đặc biệt hơn nữa Trầm hương đặc biệt là một vị thuốc hiếm và đắt trong đông y chủ yếu chữa các bệnh đau ngực, bụng, dạ dày, hen xuyễn, bí tiểu tiện, giảm đau, trấn tĩnh. Về mặt công dụng có thể làm thuốc chưa thể giải thích tại sao giá Trầm hương lại mắc như vậy, ngay từ thế kỷ XVI tại chợ Hội An Quảng Nam giá 1kg Trầm hương lên tới 16kg vàng, năm 1956 tại Nha Trang 1kg Trầm hương xấp xỉ 20 lạng vàng.





Đặc điểm hình thái Trầm hương

-Cây gỗ lớn, thân thẳng cao trung bình 18-25m, đường kính trung bình 40-45cm, có cây cao tới 30-40m, đường kính 70-80cm. Vỏ ngoài có màu nâu bạc hay xám trắng có nhiều sợi bền có thể bóc thành mảng lớn dọc theo thân cây. Rễ bằng phát triển ra 4 hướng, rễ cọc cắm sâu vào đất.

-Lá đơn mọc cách có dạng hình trứng đến trứng ngược, dài 8-12cm, rộng 3-6cm, cuống lá dài 4-5cm, ngọn ở hai đầu, mặt trên xanh bóng, mặt dưới xanh lam nhạt hơn, có lông.

-Hoa mọc thành cụm thành tán hay chùm ở kẽ lá, cánh hoa 10, màu trắng tro, nhị 10, bầu thượng hai ô, mỗi ô có 1 noãn, gốc dài có tuyến mật.

-Qủa khô, nang, hình lê, có lông hay hình trứng dài 4-5cm, rộng 3-3,5cm. Vỏ quả có lông mềm ngắn, khi chín chuyển qua màu vàng xám mang đài tồn tại khi khô nẻ thành 2 mảnh. Mùa quả chín từ tháng 6-7.

-Hạt hình trứng ngược dài 1,2-1,5cm, rộng 0,5-0,7cm, phía trên vỏ hạt phát triển thành cuống lá dài.

-Gỗ có Trầm hương là phần gỗ của Dó trầm có những điểm nhựa có hương thơm, cho vào nước thì chìm xuống nên có tên là Trầm hương là vậy. Trầm hương có hình dáng kích thước không nhất định thường có vết ngăn gồ ghề trông giống cánh chim ưng nên có tên gọi là gỗ chim ưng. Cũng có khi đó là những cục hình trụ khoảng 10cm, rộng 2-4cm, hai đầu có vết như dao cắt. Đôi khi lại như miếng gỗ mục, mặt ngoài màu vàng nâu hoặc có những vết dọc sẫm màu đen hay đen nâu. Có mùi thơm dễ chịu, khi đốt lên mùi thơm lại càng rõ rệt.




Đặc tính sinh thái Trầm hương

-Thích hợp với độ cao từ 50-1200m và hầu như có mặt ở khắp các tỉnh trong cả nước, từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La,, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên cho đến Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều nhất là dọc theo biên giới Việt-Lào-Campuchia. Nhưng trong khoảng 15 năm kể từ năm 1997 có phong trào đi khai thác Trầm hương để xuất khẩu nên Trầm hương bị chặt phá gần như kiệt quệ.

-Trầm hương là cây ưa sáng, thường xanh, tán lá thưa, tỉa cành tự nhiên tốt, độ thon bé, mọc nhanh, tăng trưởng bình quân hằng năm được 1,2-1,4m về chiều cao và 3-3,5cm về đường kính, lúc nhỏ hơi chịu bóng, lớn lên ưa sáng mạnh.

-Thích hợp với nhiều loại đất có tầng dày trung bình đến mỏng, hơi ẩm, pH 4-6, rất ít khi gặp Trầm hương trên núi đá vôi.

-Có 3 loại Trầm hương là Dó bầu, Dó gạch và Dó lá nhỏ (còn gọi là Dó Trung Quốc). Trầm hương hình thành sớm đạt khối lượng lớn và chất lượng cao đối với hai loài Dó đầu, riêng Dó lá nhỏ ít có trầm nếu có thì chất lượng kém.

-Trầm hương hình thành tập trung chủ yếu ở gốc thân cây (củ rễ), ở đây chiếm 50-70% lượng trầm của mỗi cây và cũng cho chất lượng tốt hơn trầm thu được ở các vị trí khác trên thân cây. Ở những chỗ thân gỗ bị chấn thương cơ giới do bị chặt sâu hay do bão làm gẫy thân cành hoặc sâu bệnh đục khoét... sau một thời gian tại đó sẽ hình thành trầm hương. Vết tích chấn thương càng lớn và thời gian xảy ra càng dài thì khối Trầm hương hình thành càng lớn và chất lượng càng cao. Gần đây đã nghiên cứu sử dụng số kích thích tố hóa học và sinh học để gây tạo Trầm hương nhân tạo bước đầu đã có thành công với những cây trồng 6 tuổi.





Kỹ thuật gây trồng Trầm hương

Điều kiện gây trồng:

-Khí hậu: Nhiệt độ bình quân năm 20-25 độ C, lượng mưa trên 1500mm, độ ẩm không khí trên 80%.

-Đất đai: Tầng dày trên 50cm, ẩm, thoát nước, mùn trên 3%, pH 4-6, không trồng trên đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng.

-Thực bì: Thích hợp nhất là đất rừng nghèo kiệt và đất rừng sau nương rẫy.

Nguồn giống:

-Chọn cây mẹ trên 12 tuổi, sinh trưởng tốt, tán đều, không bị sâu bệnh.

-Tốt nhất là cây trong rừng giống chuyển hóa để lấy giống.

-Thu hái quả chín khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ, nhân hạt phát triển đầy đủ và chuyển sang màu trắng.

-Ủ quả 2-3 ngày cho chín đều rồi đem phơi trong nắng nhẹ từ 12-14 giờ để tách hạt ra khỏi quả và loại bot tạp chất.

-Hạt thu được tốt nhất là gieo ngay, nếu không phải bảo quản trong cát ẩm là cát khi nắm trong tay không rỉ nước, buông ra thấy có vết tay in trên nắm cát. Tỷ lệ 2 phần cát với 1 phần hạt theo khối lượng trộn đều, để nơi thoáng mát, thường xuyên đảo hạt 1-3 lần/ngày và bổ sung độ ẩm khi thấy hạt bị khô.

Tạo cây con:

-Ngâm hạt trong dung dịch thuốc tím 0,1% trong 3-4 giờ, rửa sạch hạt , loại bỏ hạt lép và thối rồi đem gieo trên luống đã chuẩn bị sẵn.

-Luống gieo cao 15-20cm, rộng 80-100cm, dài 5-10m. Rãnh luống rộng 50-60cm, bón lót 4-5kg phân chuồng hoaicho 1m2 mặt luống, trộn đều, làm đất mịn và san phẳng.

-Vãi đều hạt trên mặt luống, lượng hạt gieo 0,2-0,25kg/m2, sàng đất bột hoặc cát mịn lấp kín hạt dày 2,5-3,0cm. Cắm ràng che bóng 50-60%, tưới nước đủ ẩm.

-Thường xuyên tưới nước, làm cỏ phá váng cho tới 30-40 ngày cây mầm cao từ 6-8cm, có 2-4 lá mầm thì nhổ để cấy vào bầu. Định kỳ 4-5 ngày phun dung dịch benlat 0,5%, lượng phun 1-1,2l/m2 để phòng trừ nấm.

-Vỏ bầu làm bằng polyethylen, kích thước 10x10cm, dán đáy, đục lỗ. Ruột bầu gồm 85% đất trộn với 13% phân chuồng , 1% supe lân và 1% dinh dưỡng thủy canh TC-Mobi theo khối lượng. Xếp bầu lên luống đã chuẩn bị sẵn giống như luống gieo nhưng không cần bón lót.

-Tưới nước đủ ẩm cho luống cây gieo và luống bầu. Chọn cây đủ tiêu chuẩn cấy một cây vào bầu, tưới nước đủ ẩm và làm giàn che.

-Nước tưới trước 2 tháng tuổi, mỗi ngày 2 lần, 1-1,5l/m2/lần, vào tháng thư 3-4, ngày tưới một lần 1,5-2,0 l/m2 sau 4 tháng, 2-3 ngày tưới 1 lần 2-3l/m2.

-Dàn che trước 2 tháng tuổi che bóng 50-60%, tháng thứ 3-5 che bóng 30-40%, sau 2 tháng dỡ bỏ dàn che.

-Nhổ cỏ xới đất định kỳ sau 3 tháng tuổi 15-20 ngày/lần, từ 3-6 tháng tuổi 30-40 ngày/lần, sau 6 tháng cứ 60-70 ngày/lần.

-Bóc thúc khi cây xấu và vàng bằng hỗn hợp một đạm 2 lân nồng độ 0,5%, lượng bón 1,5-2 lít/m2.

-Tưới dung dịch Benlat nồng độ 0,5-1,0%, lượng tưới 0,8-1,0 l/m2 theo định kỳ: trước 3 tháng phun 15-20 ngày/lần, sau 3 tháng phun 30-40 ngày/lần để phòng trừ bệnh thối thân, lở cổ rễ. Bắt và diệt sâu keo, sâu xanh ăn lá.

-Đảo bầu dãn cây lần đầu khi cây 5-6 tháng tuổi cao 18-22cm, lần cuối trước khi đem đi trồng 25-30 ngày.




Tiêu chuẩn cây con:

-Tuổi: trên 12 tháng.

-Cao: trên 40cm, đường kính cổ rễ trên 0,35cm.

-Sinh lực: Sinh trưởng tốt, cân đối, thân thẳng, không sâu bệnh.

Gây trồng chăm sóc:

-Thời vụ trồng thích hợp nhất là vào giữa mùa mưa.

-Phát dọn thực bì theo băng rộng bằng 1/3-1/2 chiều cao của rừng, băng chặt tốt nhất theo hướng đông tây, nơi dốc theo đường đồng mức.

-Làm đất cục bộ theo hố đào có kích cỡ 40x40x40cm. Bón lót hỗn hợp 0,25-0,3kg theo tỷ lệ 2 đạm 1 lân 1 kali cho một hố.

-Mật độ 400-500c/ha, cự ly cách nhay 2m, hàng cách hàng 3m.

-Chọn cây đủ tiêu chuẩn, xé bỏ vỏ bầu, moi đất đặt bầu ngay ngắn, lấp đất vụn và lèn chặt, vun đất quanh gốc cây cao hơn mặt đất 4-5cm.

-Chăm sóc năm đầu 1-2 lần, năm thứ 2-3 mỗi năm ba lần, năm thứ tư đến khi khép tán mỗi năm một lần bằng cách vun xới đất quanh gốc đường kính rộng 1m.

-Trồng dặm cây chết ngay từ lần chăm sóc đầu của năm thứ nhất. Năm thứ hai đến năm thứ ba bón thúc một năm một lần, 50g hỗn hợp 2 đạm 1 lân 1 kali 1 dung dịch thủy canh TC-Mobi cho một gốc. Bón theo rạch sâu 5-10cm xung quanh và cách gốc 40-50cm, lắp đất kín rạch sau khi bón.

-Chặt dần cây ở băng chừa điều chỉnh độ tàn che đến năm thứ tư cây Trầm hương đước phơi ra ánh sáng hoàn toàn.
 
Top