Hoa trà!

NGUOITHUONGXUAN

Thành viên

Trà là một loài hoa được nhiều người ưa thích bởi màu sắc rực rỡ, cao sang, lâu tàn và nhất là lại nở vào dịp tết Nguyên đán.
Dưới triều đại phong kiến đã có câu: " Vua chơi lan, quan chơi trà". Người giàu có hoặc có chức sắc mới có tiền chơi trà. Người dân chơi trà là "phạm thượng"...
Ngày nay, ai cũng có thể chơi được trà. Tuy so với một số loài hoa khác, trà vào loại đắt tiền, song cũng tương tự giá một cành đào đẹp. Vả lại, chơi xong mùa hoa tết lại chăm bón để cho các năm sau và còn có thể nhân giống bằng nhiều cách: chiết cành, ghép cành, căm ngọn ( giâm cành). Trà có nhiều loại khác nhau: thiển ( gồm phấn hồng, phấn đỏ); thâm hống bát diện; bạch; phấn Nhật hay còn gọi là cung hồng phấn); lựu.
Trà thiển, nhuỵ hoa ở giữa trông thô thiển, cánh đơn điệu, màu sắc tuy cũng đẹp nhưng thiếu chiều sâu hơn các loại trà khác. Loại trà này nếu cây chiết phải cành ngọn thiếu ánh sáng hoặc không chăm bón tốt có thể sẽ không ra hoa, hoặc hoa rất ít.
Trà thâm hồng bát diện là loại trà cánh hoa cong vênh, đan xếp thành ruột hình tròn, tám phía đều nhau trông hài hoà đẹp mắt. Lại nổi lên một màu vàng của nhuỵ trong từng cánh hoa giữa ruột mùa đỏ sau kín mà người ta gọi là thâm hồng. Tức là như ta đem màu thâm (đen) pha trộn với màu hồng tươi, nên mới có từ thâm hồng bát diện là như vậy.
Có những cây trà màu của thâm hồng bát diện nhưng hoa bé không đủ xếp tám cánh (lớp dưới cùng), nhuỵ vàng mốc là loại trà đã bị lai tạo.
Trà bạch, màu hoa trắng toát, tinh khiết. Có mười lớp cánh hoa ( cũng có thể 9 hoặc 11), bảy lớp dưới, mỗi lớp có sau cánh, lớp thứ tám có năm cánh, hai lớp cuối ba cánh. Đặc biệt, lóp cuối phong nhuỵ hoa cho đến khi mãn khai và rụng lìa cành. Trong trà bạch, có loại phô nhuỵ nhưng không được ưa chuộng.
Trà phấn Nhật hay còn gọi là cung hông phấn, loại trà này rất hiếm, vì hiếm nên khá đắt tiền. Ở Hà Nội hiện nay chỉ còn vài cây. Một cây của nhà ông Nguyễn Luân, ở làng Nghi Tàm. Một cây của ông Thạch ở phố Bạch Mai. Ai hỏi bao nhiêu tiền cũng không bán. Năm 1993, ông Thạch đem nhân giống chiết ra được ba cành, nhưng oái oăm thay năm ấy chăm bón rất tốt nhưng Tết cũng không được một bông hoa nào cả. Có lẽ vì vậy, ông tạm gác bỏ ý định nhân giống cây trà cung hồng phấn của mình.
Trà lựu, là loại trà không có nhuỵ, cánh hơi xoăn, màu đỏ tươi như màu hoa lựu. Loại trà này cũng khó trồng và hiếm. Cụ trưởng Tràng người làng Ngọc Hà, nhân giống suốt mấy năm liền mới được vài chục cây nhỏ. Tuy vậy, nó không được quý bằng loại cung hồng phấn.
Nói chung trong các loại hoa trà đều không có hương. Mặc dù có loại có nhuỵ nhưng hương không toát được ra ngoài.
Trà là một trong những loài hoa ươm nụ trong thời gian khá lâu. Hằng năm từ tháng năm âm lịch ( cũng có cây sớm hơn hoặc muộn hơn chút ít) là trà đã ủ nụ, cho đến khi hoa tàn vào tháng giêng âm lịch. Tức là trong thời gian từ tám đến mười tháng. Trong thời gian ươm nụ cho đến khi nở được chia ra làm ba giai đoạn mà người ta gọi là: nụ; hàm tiếu, mãn khai. Thời gian ủ nụ là thời gian lâu nhất, tới gần sáu tháng. Thời gian hé nở ( hàm tiếu) khoảng gần hai tháng. Thời gian nở ( mãn khai) khoảng 20 ngày. Nếu gặp nước mưa, hoa trà chỉ đứng trên cây được khoảng mươi hôm là rụng.
Trà ưa khô và hơi ẩm, không nên tưới sủng nước. Hằng ngày, phun nước cho lá trà được sạch bóng. Khi trà ươm nụ, nụ còn bé, bón tưới nhiều nụ sẽ bị thâm đầu và rụng. CHỉ nên bón khi nụ đã to bằng đầu đũa, tức là vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch.
Trà phải để chỗ thoáng mát, tránh hướng tây và nắng gắt sẽ làm táp lá, dẫn tới bị chết cành rồi dần dần bị khô gốc. Cần tỉa thưa nụ để hoa to, nở hết và không bị hại cây. Làm như vậy, chắc chắn sẽ cho ta những chậu trà đẹp mắt cả về lá, nụ và hoa tươi.

............................
Theo NHƯ MẠO
 
Top