Chuyện ly kỳ quanh cây cảnh trị giá bạc tỉ

tranathang

Thành viên
Ông khách xứ Thanh cố vật nài nhưng mặt chủ nhân vẫn lạnh tanh: "100.00USD chứ trả hơn tôi cũng không bán"... Như bao người khác, ông này lủi thủi ra về.


Cây sanh cổ thụ trong vườn nhà hàng Lầu Hương Quán.
Kỳ cây và kỳ "nhân"

Ở Hải Dương không ít người không biết đến ông với biệt danh Cường “giống” vì ông là GĐ của Công ty Giống lúa Kiên Giang, Cường “đặc sản” do ông là chủ của nhà hàng Lầu Hương Quán thênh thang cả vài ngàn mét vuông sát vành đai thành phố; và còn là Cường “cây cảnh” với hàng trăm cây cảnh cao cấp, trong đó có cây sanh trị giá gần 2 tỉ đồng.

“Cây này được giới chơi cây đánh giá là một trong những cây cảnh đắt nhất nước cùng cây sanh dáng long mẫu tử của dòng họ Đỗ ở Nam Điền, Nam Định và cây sanh hai thân gốc từ thời triều đình Huế của ông Sử Trường Sơn ở Hà Nội”. Ông Cường bảo.

Cây sanh của ông khá to, cao đến hơn 2m. Cây hình chữ S, dáng xiêu, cong cong theo thế “đằng vân thập toàn” (mười áng mây đẹp cùng nhấp nhô). Thân cây mốc trắng, rễ rủ bệt to bằng bắp chân, đanh quánh lại như làm bằng đá tảng đã là minh chứng sống động về cái tuổi trường thọ, vắt qua hai thế kỷ của nó.

Cách đây 8 năm, trong một lần ông Cường lang bạt khắp trong Nam, ngoài Bắc sưu tầm cổ thụ mà không tìm được cây nào ưng ý thì tình cờ ở thành nội Huế, ông nghe được một anh xe ôm úp mở về một cây cảnh quý đang được rao bán. Ông tất tả dò tìm đến nhà người bán cây cảnh nọ. “Vừa nhìn thấy nó (tức cây sanh) tôi đã mê ngay! Chẳng biết cái cảm giác mừng như bắt được vàng nó thế nào chứ với riêng tôi thì phải cải chính là mừng như... tìm thấy cây cảnh ưng ý” - Ông Cường tếu táo.

Nghe người bán giới thiệu thì cây sanh cổ thụ này là của gia bảo của quan thượng thư họ Hồ, truyền đến anh ta là đời thứ 7 (vậy cứ suy luận ra thì tuổi cây không dưới 200 năm) thì ông lại càng say. Hiện gia cảnh của chủ nhân cây đại thụ này túng quẫn quá, nhà dột nát không có tiền sửa thì anh ta mới đành chặc lưỡi...

Cái sự mặc cả, ngã giá cũng thật là một kỳ công. Sau bao cuộc thương thuyết, ông Cường bạo tay trả 220 triệu đồng (nên nhớ vàng thời điểm đó có 4 triệu một cây). Gia chủ đồng ý rồi, tưởng đã ổn thì hai bố con họ Hồ nọ cứ bịn rịn, ngần ngừ, nước mắt lưng tròng, chừng như đổi ý. Hoảng quá, ông Cường thảy cọc tiền trả ngay gia chủ rồi thuê cả cái cần cẩu dăm tấn bốc cây lên xe tải chở về Bắc tắp lự.

Chăm chút báu vật

Ông Cường chăm sóc cây sanh rất tỉ mẩn, cái tỉ mẩn của một người biết giá trị đích thực của cây cảnh. Cây sanh có hẳn một “thực đơn” riêng vì khác với cây cảnh mới trồng, cây càng già càng phải kén chọn khoản “ăn uống”. Ông Cường tài tình như một danh y, chỉ bằng cách quan sát lá là đoán được bệnh của nó: lá hơi cằn, ngả sắc, mặt lá không bóng... đó là triệu chứng suy dinh dưỡng của cây, cần phải chăm sóc, phục tráng ngay; lá sần sùi rồi rụng là sâu phá hoại thân.

Để giữ phong độ cho cây, cứ 15 ngày có một đợt bón nhẹ gồm: NPK, vi sinh, ma-nhê... chừng 200 gam và cứ khoảng 1 tháng, sau cữ cắt tỉa, cây được bón thúc cũng những thành phần tương tự nhưng liều lượng gấp đôi... Mặc dù chưa từng dự bất kỳ một cuộc thi nào (vì cả cây và chậu nặng đến 3 - 4 tấn nên rất khó chuyên chở xa) nhưng giới chơi cây cảnh từ ông Nguyễn Hùng Tuấn, tiến sĩ sinh học, Giám đốc Trung tâm Khoa học - Mỹ thuật - Sinh vật cảnh; bà Hà Kiều Oanh, tiến sĩ thuộc Trung ương Hội Sinh vật cảnh đến các nghệ nhân nổi danh như các ông: Bào “già” Hải Phòng, Cường họa sĩ Hà Nội, Dũng “tổng hợp”... khi nhìn thấy cây sanh này đều trầm trồ “đệ nhất thiên hạ”.

Không ít lần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - ông Nguyễn Văn Chiền đã đến thăm Lầu Hương Quán của ông Cường cũng chỉ vì mê cái cây độc nhất đó hơn điếu đổ. Nhiều người khi chỉ lần đầu nhìn thế cây như mười áng mây này đã tựa như bị bỏ bùa, dùng dằng đi không dứt. Ông Cường kể, cách đây mấy năm có đoàn 9-10 người của Tổng công ty Bưu chính viễn thông đánh cả ôtô đến tham quan cây và ngã giá 1,2 tỉ nhưng ông vãn lắc đầu.

Rồi là ông Phiến “cá” (tức Nguyễn Văn Phiến, chủ quán cá đặc sản nổi tiếng ở Việt Trì, Phú Thọ) một tay chơi cây nức tiếng với hàng ngàn cây cảnh trị giá tiền triệu, tiền tỉ cũng nằn nì cốt để bổ sung cái cây vua này vào bộ sưu tập. Cácvidít của ông ấy còn để lại đây, số điện thoại 09132...

Mới đây nhất, cái ông doanh nghiệp gì ấy ở mãi tận trong Thanh Hóa cứ nỉ non trả lên tới ngót 2 tỉ, nhưng ông Nguyễn Mạnh Cường vẫn một mực chối từ. “Ông ấy buồn lắm! Bảo cả đời tôi vào Nam, ra Bắc thành công lắm, thất bại cũng không ít nhưng lần này là lần thất bại lớn nhất...”, rồi quầy quậy bỏ đi nhưng vẫn hay phôn cho tôi để gạ tiếp. Ông Cường cười. Cái cười tựa của một lão nông được mùa, nghe giòn lạ!

Quý cây cảnh như chính mạng sống của mình, ông Nguyễn Mạnh Cường bố trí tại điền viên của mình suốt đêm ngày có đến 7 - 8 trai tráng bảo vệ cùng 5 con chó bécgiê to như con bê suốt ngày tuần tiễu. Tưởng con ruồi cũng không thể lọt qua! “Ấy thế mà năm kia, vườn cây của tôi bị đạo tặc đấy. Lúc nghe tin, sáng chưa rõ mặt người, tôi đã bổ ra để kiểm tra. Hú vía, chỉ có mấy cây nhỏ bị mất. Còn cái anh cổ thụ này dường như nặng quá. Bão cấp 9, cấp 10 mà nó còn trơ trơ thì chúng làm sao khiêng nổi...”.

Tôi kể ông nghe chuyện ở Hưng Yên có ông bố chết đi để lại cho hai đứa con đôi lão tùng trị giá 100 triệu nhưng vì phân chia không sòng phẳng nên thằng em mang dao ra phay một nhát mất 1/3 cây, về sau bán chưa được một phần giá trị. Tôi kể chuyện ở Huế nhà nọ có cây sanh gia bảo, bố mất đi, thằng con lăm lăm đòi bán đi lấy tiền uống rượu, chơi bời khiến cho bà mẹ trên 70 tuổi, lưng còng, tóc bạc cứ ngày ngày mang... dao ra canh. Tôi kể... Rồi hỏi ông: “Ông có định... di chúc khối tài sản ngót 2 tỉ này cho đứa nào không?”. Ông Nguyễn Mạnh Cường tư lự, bảo: “Tôi còn khỏe. Vả lại hai đứa con đều rất mê cây nên cũng không lo lắm...”.

Chơi cây cảnh là một cách tĩnh tâm, một dạng thiền. Phải chăng ông Cường đã đạt đến trình độ ấy?

 
Top