Cây “thuốc giấu” của đồng bào dân tộc

hodoan

Thành viên tích cực
Cây “thuốc giấu” của đồng bào dân tộc


Sâm Việt Nam hay còn gọi là sâm Ngọc Linh, được phát hiện đầu tiên tại Ngọc Lây, thuộc Kon Tum vào năm 1973. Các công trình nghiên cứu hệ thống về thực vật, sinh thái, trồng trọt, hóa học, dược lý, lâm sàng... đến nay đã xác định đây là một cây sâm quý, có thể so sánh với nhân sâm (Panax ginseng C.A. Meyer), sâm Hoa Kỳ (Panax quinquefolium L.) và tam thất (Panax notoginseng (Burk.) F.H. Chen).

Có người nói sâm Việt Nam là cây “thuốc giấu” của đồng bào dân tộc, được sử dụng như một vị thuốc trị nhiều bệnh, tăng lực, chống mệt mỏi khi đi rừng dài ngày... Theo truyền tụng, chỉ có các già làng biết nơi mọc và cách sử dụng nó. Năm 1976, công trình nghiên cứu sơ bộ của TS. Nguyễn Thới Nhâm tại Ba Lan cho thấy thành phần saponin của sâm Việt Nam khá giống nhân sâm. Năm 1985, tên khoa học của sâm Việt Nam được xác định là Panax vietnamensis Ha et Grushv., một loài sâm mới của thế giới, thuộc họ nhân sâm (Araliaceae).

Hàng chục công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng tỏ sâm Việt Nam có thành phần hóa học phong phú và khá giống nhân sâm. Nó chứa hơn 50 loại saponin chủ yếu thuộc nhóm dammaran, trong đó có 24 hợp chất mới. Hàm lượng saponin trong sâm Việt Nam (13 - 18%), cao hơn hẳn so với nhân sâm (4 - 8%) và các loài sâm khác. Tác động dược lý và lâm sàng của sâm Việt Nam rất giống nhân sâm: tăng lực, tăng sức bền vận động, trị suy nhược, chống stress, chống viêm gan, trị tiểu đường... Ngoài ra, sâm Việt Nam còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Những công trình công bố gần đây còn cho thấy sâm Việt Nam có tác dụng chống stress (thực thể và tâm lý), phòng chống ung bướu, tăng cường khả năng giải độc gan...

Tại các hội nghị quốc tế về sâm trong những năm gần đây, sâm Việt Nam được đặc biệt quan tâm. Các nhà khoa học xếp sâm Việt Nam vào loại sâm quý.

Sâm Việt Nam đã được di thực trồng ở nhiều nơi. Để đánh giá chất lượng, nhóm nghiên cứu Sở y tế Quảng Nam phối hợp với khoa dược, Trường đại học y dược TP.HCM, đã lấy các mẫu sâm ở các vườn xã Trà Cang, Trà Nam, huyện Nam Trà My; vườn xã Trà Linh (mẫu đối chứng) và vườn xã CH’Ơm, huyện Tây Giang để thử nghiệm. Kết quả định lượng các saponin chính trong các mẫu sâm Việt Nam cho thấy: sâm trồng tại trại Trà Linh có hàm lượng MR2 (majonosid – R2) cao nhất trong số các mẫu khảo sát. Mẫu di thực tại vườn xã CH’ Ơm có hàm lượng G-Rb1 (ginsenosid - Rb1) và G - Rg1 (ginsenosid - Rg1) cao hơn trong mẫu sâm đối chứng, nhưng tổng hàm lượng các saponin chính tương đương với mẫu sâm đối chứng. Riêng mẫu di thực đến vườn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn có tổng hàm lượng các saponin chính thấp hơn mẫu sâm đối chứng khoảng 25%. Mẫu di thực vào Trà Nam có tổng hàm lượng các saponin chính thấp hơn mẫu sâm đối chứng khoảng 36%. Mẫu di thực vào Trà Cang có tổng hàm lượng các saponin chính chỉ bằng 1/6 so với mẫu sâm đối chứng.

Dựa vào các kết quả thu được có thể đánh giá sơ bộ rằng: việc di thực có thể là khả thi đối với khu vực CH’ Ơm và Phước Lộc vì kích thước, hình dáng củ, hàm lượng các saponin chính trong củ sâm di thực khá tương đồng với mẫu sâm đối chứng. Việc di thực vào Trà Nam không mang kết quả tốt vì hàm lượng các saponin chính chỉ bằng 36% so với sâm đối chứng và kích thước củ cũng kém phát triển hơn so với các mẫu di thực vào Tây Giang và Phước Sơn. Việc di thực vào Trà Cang được xem là không thành công vì các củ sâm di thực không phát triển và hàm lượng các saponin chính quá thấp.

(Khoa học phổ thông)
 
Top