Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

mai vu duy

Thành viên
Mình xin gửi đến các anh chị tài liệu này do mình biên tập từ nhiều tài liệu trong nước lẫn nước ngoài. Công nghệ này rất quan trọng trong chọn tạo giống hoa mới. Hiện nay, trong nước cũng có một số nơi nghiên cứu kỹ thuật này, mong là về sau sẽ được nhiều nơi nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất. Mong 1 ngày gần xa sẽ thấy nhiều giống linh sam mới lạ được ứng dụng từ kỹ thuật này.


1. GIỚI THIỆU


Việc trồng hoa ở nước ta còn nhiều hạn chế do thiếu các giống hoa tốt và đặc sắc, các giống hoa nhập nội lại có chi phí sản xuất cao do phải tạo một số điều thích nghi. Vì vậy, mục tiêu quan trọng của các nhà chọn giống là tạo ra giống hoa mới, lạ, hấp dẫn về màu sắc, hình dạng, kích thước, hương thơm, độ bền hoa, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện địa phương.

Thực tế kết quả chọn các giống hoa trên thế giới cho thấy phương pháp chọn giống đột biến được coi là có hiệu quả nhất làm thay đổi vật chất di truyền, từ đó đem lại hiệu quả cao trong việc tạo ra các giống hoa mới với những tính trạng quý và khắc phục các nhược điểm của phương pháp truyền thống.

Việc nhân giống cây trồng theo phương pháp truyền thống bằng cho hệ số nhân giống không cao. Những năm gần đây, nuôi cấy mô là kỹ thuật nhân giống đã được áp dụng thành công trên một số loại cây trồng nhằm cung cấp lượng lớn cây giống đồng đều trong một thời gian ngắn.

Đột biến in vitro là phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật nuôi cấy mô với phương pháp gây đột biến, sự kết hợp này mang lại khả năng tạo biến dị rất cao (Walther & Sauce 1989). Cùng với sự phát triển của công nghệ tế bào thực vật thì sự kết hợp giữa nuôi cây mô tế bào và đột biến thực nghiệm sẽ làm tăng tần số biến dị di truyền lên nhiều lần so với phương pháp thông thường, rút ngắn thời gian trong công tác chọn tạo giống mới (Lê Trần Bình et al.,1997).

Đào Thanh Bằng et al. (2007) cho rằng phương pháp gây đột biến có thể cải tiến một hoặc một số tính trạng mong muốn mà không làm ảnh hưởng đến những tính trạng khác. Theo thống kê của FAO/IAEA trên thế giới có 552 giống cây cảnh đột biến được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ in vitro trong đó, cúc (232 giống), hồng (6 giống), cẩm chướng (18 giống)…(Maluszynski et al., 2000). Các giống đột biến với sự thay đổi về màu sắc, hình dạng hoa và những kiểu hình lạ có giá trị thương mại cao.
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

=================================
2. NỘI DUNG

2.1 Sơ lược về đột biến

Tính ổn định trong cấu trúc di truyền trong cơ thể sống không phải là tuyệt đối, nó có thể bị biến đổi do tác nhân vật lý và hóa học. Người ta gọi những cá thể mang những biến đổi trong cấu trúc gene hoặc nhiễm sắc thể là những cá thể đột biến. Đột biến là quá trình phát sinh, tăng cường các biến dị, xuất phát từ các vi phạm cấu trúc và biến đổi của gene, thậm chí có thể tạo ra các tổ hợp hoặc liên kết gene mới. Những thay đổi có lợi trong quá trình gây đột biến có thể được chọn lọc và tổ hợp lại nhờ quá trình lai tạo và chọn lọc (Phạm Văn Duệ, 2005).

Đột biến đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tiến hóa của thế giới sinh vật thông qua chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo. Nếu như không có đột biến thì sẽ không có quá trình tiến hóa, và cũng không thể có con người. Vì vậy, đột biến và chọn lọc có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tính đa dạng của sinh giới, trong đó có cả thế giới cây trồng và vật nuôi vô cùng phong phú của chúng ta hiện nay.


2.1.1 Các kiểu đột biến

Dựa vào tính chất biến đổi cấu trúc di truyền mà người ta chia làm 2 loại đột biến là đột biến gene và đột biến nhiễm sắc thể (Chu Thị Thơm và ctv, 2006).

- Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc phân tử của gene, tức là nó làm thay đổi trật tự của các nucleotid trong DNA hoặc làm thay thế các bazơ nitơ trong các cặp nucleotid. Đột biến biểu hiện ở từng cá thể riêng lẻ, không tuơng ứng với điều kiện sống, thường là đột biến lặn và có hại cho cơ thể. Cũng có một số là đột biến trội, có ý nghĩa trong chọn giống và tiến hóa. Ngoài những đột biến gene xảy ra trên DNA của nhiễm sắc thể, đột biến trên DNA của các bào quan như ty thể, lục lạp có thể gây ra những biến dị di truyền theo dòng mẹ.

- Đột biến nhiễm sắc thể là những đột biến làm đứt hoặc thay đổi cấu trúc nhiễm sắc thể, vì vậy là thay đổi nhiều dấu hiệu hay các đặc tính khác nhau của cơ thể. Nó làm biến đổi sự phân chia các nhiễm sắc thể trong quá trình giảm phân và nguyên phân, dẫn đến giảm mạnh độ hữu thụ. Do đó nó không có vai trò quan trọng trong chọn giống.

- Ngoài ra còn có đột biến làm tăng hoặc giảm số lần bộ nhiễm sắc thể - hệ gene, gọi là đa bội thể hoặc đơn bội thể.
Đa số các đột biến xảy ra là lặn, do đó thế hệ F1, alen đột biến bị alen trội lấn át và dấu hiệu đột biến do alen lặn sẽ không biểu hiện ra bên ngoài, trừ trường hợp đột biến trội và trội không hoàn toàn. Nó chỉ được phát hiện ra ở F2, F3 và các thế hệ sau khi cho tự thụ.

Mặt khác đột biến còn giúp chúng ta khắc phục được tính không lai được ở một số loài hoặc những loài có hoa, quả nhỏ như lúa, cao lương …


2.1.2 Phương pháp gây đột biến bằng tác nhân vật lý


Để thu nhận các thể đột biến hiện nay người ta thường dùng các dạng bức xạ khác nhau như tia X, tia gamma, các chùm tia α, β, các nơtron nhanh và chậm, các chất đồng vị phóng xạ 32P, 35S, 14C… và hàng nghìn chất gây đột biến khác nhau.

Bộ phận chiếu xạ có thể là giao tử, phôi, hạt, mầm chồi, căn hành…kết quả nghiên cứu cho thấy chiếu xạ đột biến vào lúc hạt nảy mầm, cây con thì đạt hiệu quả cao hơn so với trạng thái nghỉ và cây trưởng thành. Tương tự, chiếu xạ vào lúc đang phân chia giảm nhiễm và ở giai đoạn tiền phôi cho tầng số đột biến cao (Trần Thượng Tuấn, 1992).

* Bức xạ ion hóa

Trong công tác chọn tạo giống cây trồng ta có thể dùng bất kỳ dạng bức xạ ion hóa nào. Người ta thường dùng loại bức xạ Rơnghen, Nơtron và bức xạ Gamma. Các loại tia phóng xạ có tác dụng kích thích và ion hoá các nguyên tử khi chúng xuyên qua các tổ chức, tế bào sống, ảnh hưởng đến DNA, RNA khi tác động lên phân tử nước (Chu Thị Thơm và ctv, 2006).

- Bức xạ Rơnghen: đây là một loại bức xạ được dùng sớm nhất để nhận các đột biến phục vụ cho công tác chọn giống, chúng dễ sử dụng và rẻ tiền so với các thiết bị khác. Đồng thời dễ dàng thay đổi liều lượng khi chiếu xạ hạt và các thành phần khác của cây.

- Bức xạ gamma: nguồn để sinh tia gamma thường là 60Co hoặc 137Cs có hoạt tính phóng xạ. Tùy vào đối tượng cụ thể có thể sử dụng 2 cách chiếu xạ.

+ Chiếu xạ nhanh trong một thời gian ngắn bằng nguồn mạnh và cường độ chiếu xạ mạnh.

+ Chiếu xạ từ nguồn yếu và chiếu xạ kéo dài.

- Bức xạ Nơtron: Nơtron được sinh ra khi có phản ứng hạt nhân cụ thể là khi phân hủy Uran hay Plutonilum. Người ta chia thành Nơtron nhanh và Nơtron chậm.

Nơtron nhanh có tác dụng gây trực tiếp các đột biến ngay lúc chiếu xạ, còn Nơtron chậm gây ra sự ion hóa mạnh trong tế bào và các đột biến xuất hiện dần dần sau này.

Trên cơ sở đó, trong thời gian tới đây các nhà khoa học nên có những nghiên cứu dùng phóng xạ để tiệt sinh côn trùng nhằm khống chế các loại dịch sâu hại nguy hiểm nhất nhằm bảo vệ mùa màng, làm giảm đến mức thấp nhất việc lạm dụng thuốc hoá học.

* Những dạng bức xạ không gây ion hóa

Tia cực tím (Ultraviolet) là dạng bức xạ không gây ion hóa nhưng có khả năng gây đột biến. Chúng có chiều dài bước sóng từ 200 – 400 nm và năng lượng nhỏ. Khi chiếu xạ bằng tia cực tím nó kích thích lên các phân tử. Khả năng xuyên thấu của tia cực tím rất nhỏ, do đó chỉ dùng chiếu xạ hạt phấn, noãn, vi sinh, tế bào. Theo Viện sĩ Dubinin N.P., tia cực tím gây ra tần số đột biến khá cao vì có bước sóng trùng với bước sóng mà DNA hấp thụ (từ 260 – 265 nm).

Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả phương pháp đột biến nhân tạo, chúng ta cần nắm được đặc điểm của từng tác nhân gây đột biến cũng như tính nông học của từng đối tượng cần xử lý. Bởi tính mẫn cảm của cây đối với từng tác nhân gây đột biến là khác nhau và phụ thuộc vào bản chất di truyền cũng như trạng thái sinh lý của chúng.

Vì liều lượng bức xạ cao gây ra thay đổi lớn, nhiều khi làm giảm khả năng sống hoặc độ hữu thụ. Do đó trong chọn giống để tăng phần thu được các đột biến nhỏ có lợi, người ta thường dùng các liều chiếu xạ thấp hơn liều tới hạn từ 1,5-2 lần, tốt nhất là chỉ dùng những liều làm giảm tỷ lệ nẩy mầm và ít kìm hãm sinh trưởng (Trần Thượng Tuấn, 1992).

2.1.3 Phương pháp gây đột biến bằng tác nhân hóa học


Khả năng thu nhận các đột biến nhờ các chất hóa học đã được xác định vào những năm 1930. Các hợp chất gây đột biến được sử dụng diethyl sulfate (DES), Ethyl Methane Sulfonate (EMS), Ethylimine (EI) Colchicine, Sodium Azide (NaM3)…Tùy vào đối tượng được xử lý là hạt khô, hạt nẩy mầm, chồi, củ, hoặc vào hợp tử, tiền phôi …và loại hóa chất xử lý mà xác định nồng độ cũng như thời gian xử lý khác nhau.

Các chất gây đột biến thấm vào tế bào tác động lên nhiễm sắc thể gây nên các đột biến về số lượng, cấu trúc nhiễm sắc thể và các đột biến gen. Ví dụ, Clochicine khi thấm vào tế bào sẽ ngăn cản việc hình thành thoi vô sắc tạo nên các thể đa bội.

Các chất đột biến trong nhiều trường hợp có hiệu quả cao hơn các dạng bức xạ vì nó có tính tác động rất đặc thù, nếu như khi chiếu xạ các cây trồng làm xuất hiện từ 10-15 % các thể đột biến có khả năng sống, thì xử lý bằng các chất siêu đột biến, con số ấy có thể đạt tới 30-60 %. Tuy nhiên, không phải các chất đột biến thay thế hoàn toàn các chất chiếu xạ. Bởi vì, tùy các mục tiêu chọn giống mà các nhà chọn gống lựa chọn những cách thức phù hợp riêng .
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

2.2 Nuôi cấy mô

2.2.1 Định nghĩa

Nuôi cấy mô tế bào thực vật (nuôi cấy in vitro) là sự nuôi cấy vô trùng các cơ quan, mô, tế bào thực vật trên môi trường nuôi cấy được xác định rõ; việc nuôi cấy được duy trì dưới điều kiện được kiểm soát. Quá trình nuôi cấy thực vật được thực hiện trong ống nghiệm, khác với nuôi cấy in vivo là quá trình nuôi cấy thực vật trong điều kiện tự nhiên.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sự tăng trưởng, phát sinh hình thái của tế bào và mô thực vật trong nuôi cấy là thành phần môi trường nuôi cấy. Thành phần môi trường nuôi cấy tế bào và mô thực vật thay đổi tuỳ theo loài, bộ phận nuôi cấy và tuỳ theo mục đích thí nghiệm mà mô cấy được duy trì ở trạng thái mô sẹo, tạo chồi, tạo rễ hay muốn tái sinh thành cây hoàn chỉnh. Nhìn chung tất cả môi trường nuôi cấy đều bao gồm các thành phần cơ bản sau: Nước, các nguyên tố khoáng đa vi lượng, nguồn carbohydrat, vitamin, các chất điều hòa sinh trưởng thực vật, một số chất hữu cơ có thành phần xác định (amino acid, EDTA…) và một số chất có thành phần không xác định như nước dừa, dịch chiết nấm men…

Chất điều hòa sinh trưởng giữ vai trò quan trọng quyết định trong hầu hết các trường hợp nuôi cấy in vitro. Đây là chất có hoạt tính sinh học cao nên với nồng độ rất thấp 10-9 cũng có thể tác dụng lên mô nuôi cấy. Hiệu lực tác dụng của chúng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào bản chất nồng độ và từng loại tế bào. Auxin và cytokinin là hai nhóm chất điều hòa sinh trưởng thực vật được sử dụng rất phổ biến trong nuôi cấy mô.


2.2.2 Ứng dụng của nuôi cấy mô tế bào thực vật


- Duy trì và nhân nhanh các kiểu gen quí hiếm làm vật liệu cho công tác lai tạo giống.

- Duy trì và nhân nhanh các dòng bố mẹ và các dòng lai để tạo hạt giống cây rau, cây hoa và các cây trồng khác.

- Nhân nhanh các loại cây trồng khó nhân giống bằng các phương pháp thông thường khác.

- Tạo cây sạch bệnh, phục hồi các giống nhiễm virus và bảo quản nguồn gen trong ngân hàng gen.

- Bằng phương pháp nhân giống vô tính in vitro người ta có thể nhân giống vô tính cây trồng ở qui mô công nghiệp với hệ số nhân giống cao (36-1012/năm), không lệ thuộc vào mùa vụ đảm bảo phát triển cây mới suốt năm. Hơn thế các cây giống được sản xuất ra hoàn toàn sạch bệnh và đồng nhất về mặt di truyền (Nguyễn Xuân Linh,1998).


2.2.3 Một số kỹ thuật được sử dụng trong nuôi cấy mô


Nuôi cấy đỉnh sinh trưởng: nuôi cấy đỉnh sinh trưởng được thực hiện nhằm tạo cây sạch bệnh và phục hồi các giống nhiễm virus. Đỉnh sinh trưởng là nơi có vận tốc phân chia tế bào nhanh hơn vận tốc xâm nhiễm của virus. Vì vậy tế bào này hầu như sạch virus. Huỳnh Thị Huế Trang và ctv., (2007) đã phục hồi giống huệ trắng nhiễm bệnh chai bông nhờ nuôi cấy phân sinh mô chồi .

Nuôi cấy callus: nuôi cấy callus là sự kích thích tế bào phát triển vô trật tự dưới dạng callus. Các callus có thể chứa rất nhiều tế bào, nhưng cũng có thể có từ 6-7 tế bào. Nuôi cấy callus được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: nhân giống, chọn tạo giống,….Phạm Thị Bích Thủy (2007) đã chọn tạo các dòng callus quýt đường kháng mặn với nồng độ muối 0,5-2 g/l, những cây con được tái sinh từ callus này đã sống và phát triển in vitro được trên môi trường có nồng độ muối tương ứng.

Callus bao gồm một khối vô định hình của các tế bào nhu mô có vách mỏng được sắp xếp lỏng lẻo. Chiếu xạ callus cho khả năng xuất hiện đột biến rất lớn, vì ở thời điểm chiếu xạ các mô là tổ chức đang phân hóa và hình thành một cơ thể hoàn chỉnh, vì vậy tia bức xạ có thể gãy đứt hoặc sai hình nhiễm sắc thể. Nếu cây con được hình thành từ những tế bào có những thay đổi này sẽ là đột biến nguyên và có khả năng di truyền cho thế hệ sau.

Nuôi cấy tế bào trần: Tế bào được bao bọc bởi thành tế bào không cho phép hai tế bào dung hợp lại thành tế bào lai. Tế bào trần là tế bào không có màng tế bào, chúng được bao quanh bởi màng plasma và có khả năng tái sinh lại tành tế bào (Bùi Chí Bửu và Nguyễn Thị Lang, 2007). Tế bào trần là vật liệu là một loại nguyên vật liệu khởi đầu cho nhiều kỹ thuật nhắm tới sự thay đổi di truyền của các tế bào thực vật và toàn cây. Dung hợp tế bào trần của những cây khác loài là kỹ thuật tạo cơ hội cho việc hình thành các loài lai mới (lai tế bào soma). Tế bào trần cũng là một vật liệu được sử dụng trong việc chuyển gen nhằm tạo ra một loài mang gen mới.

Nuôi cấy tế bào đơn bội: nuôi cấy tế bào đơn bội trên cơ sở tạo thành các cây đồng hợp tử bằng cách nhân đôi nhiễn sắc thể, đây là con đường tạo giống ngắn nhất. Ngoài ra cấy tế bào đơn bội còn ứng dụng trong nghiên cứu di truyền (phát hiện tương tác gen, liên kết gen,…) nghiên cứu sự chuyên hóa tế bào.

Nuôi cấy phôi nhũ: phôi nhũ là phôi tam bội do sự dung hợp một nhân sinh dục với hai nhân sinh dưỡng. Từ năm 1965 cá chồi tam bội và cây con đạt được từ phôi nhũ của nhiều loài. Tạo cây không hạt từ phôi nhũ của nhiều loài là một trong những phương cách cải thiện giống cây trồng.
 

quocnguyen_hcm

Thành viên tích cực
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

khó lắm anh ơi, em dân công nghệ sinh học nè. nhưng cũng cám ơn anh chia sẻ
 

centimet

Quản lý mới
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

quí giá...quí giá!

Cung kính
Centimet
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

2.3 Vai trò của tạo giống đột biến kết hợp với kỹ thuật nuôi cấy in vitro

Do tần số đột biến trong tự nhiên rất thấp, trung bình ở sinh vật thượng đẳng là 10-5 đến 10-8 và rất khó phát hiện do phần lớn đột biến ở trạng thái lặn. Nên ngày nay các nhà chọn giống không thể tiếp tục trông chờ vào việc sử dụng các dạng đột biến tự phát trong tự nhiên nữa (Trần Thượng Tuấn, 1992).

Các dạng đột biến nhân tạo là nguồn vật liệu khởi đầu ngày càng được ứng dụng rộng rãi, nhờ tạo được những biến dị có ích. Từ tăng tính chống đỡ, tính chịu rét, chịu hạn, tính kháng bệnh, năng suất cao,…Bằng phương pháp gây đột biến nhân tạo, các nhà chọn giống có thể thu được những dạng chưa hề có trong tự nhiên (Trần Thượng Tuấn, 1992).

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ tế bào thực vật thì việc kết hợp giữa nuôi cấy mô tế bào và đột biến thực nghiệm sẽ làm tăng tần số biến dị lên nhiều lần, giúp rút ngắn thời gian trong công tác chọn tạo giống mới (Lê Trần Bình et al.,1997).

Cụ thể phương pháp gây đột biến nhân tạo cho phép rút ngắn thời gian chọn lọc từ chỗ phải mất từ 6-10 thế hệ, đến chỗ chỉ cần 3-6 thế hệ, thậm chí chỉ cần 2-3 thế hệ mà vẫn có thể tăng tính đa dạng di truyền trong quần thể. Đặc biệt, tần số xuất hiện đột 10 biến khi sử dụng các tia phóng xạ cao hơn trong tự nhiên khoảng 1000 lần (Lê Duy Thành, 2000).

Đột biến nhân tạo có khả năng tạo đột biến sôma thường thấy ở cây cảnh hoặc cây ăn trái bằng con đường sinh sản sinh dưỡng. Trong kỹ thuật in vitro, bằng việc tái sinh các đột biến kỳ lạ đem lại lợi ích to lớn cho ngành kinh doanh cây cảnh (Chu Thị Thơm et al., 2006). Ngoài ra, kỹ thuật đột biến kết hợp với nuôi cấy mô tế bào là phương pháp có hiệu quả nhất đối với việc cải thiện giống nhân bằng phương pháp vô tính như chuối, táo, khóm, cọ, khoai tây, cúc, hồng,...(Ahloowalia & Maluszynski, 2001).

Thống kê của FAO/IAEA, trên thế giới có 2.252 giống tạo trực tiếp hoặc gián tiếp từ cây xử lý đột biến, trong đó 25% các giống đột biến trên là cây hoa kiểng (552 giống). Xử lý đột biến bằng tia phóng xạ hoặc hoá chất của những vật liệu in vitro là những chồi bất định, mầm ngủ, đỉnh sinh trưởng, mô sẹo, túi phấn, hạt phấn và phôi vô tính cho hiệu quả cao. Trong 2.252 giống chọn từ đột biến nêu trên thì tia gamma (chủ yếu là nguồn Co60) là tác nhân gây đột biến phổ biến (Ahloowalia et al., 2004). Kỹ thuật nuôi cấy in vitro kết hợp với chiếu xạ có thể vượt qua vấn đề tạo thể khảm và tăng hiệu quả đột biến so với phương pháp thông thường (Nagatomi, 2000; Lapade et al., 2002; Jing et al., 2002; Medina III et al., 2004). Mục tiêu của chọn giống đột biến có thể là các tính trạng về giảm chiều cao (dạng lùn - dwafiness), đột biến diệp lục tố, kháng sâu bệnh, tăng cường độ quang hợp và chín sớm (Lapade et al., 2002).

Nguyễn Tiến Thịnh & Lê Văn Thức (2007) cho rằng, mẫu vật truyền thống trong chiếu xạ đột biến ở cây trồng nhân giống bằng hình thức sinh dưỡng như hom, cành giâm, củ, hành, thân bò,… thường có kích cỡ to và số lượng tế bào lớn nên không thuận tiện trong thao tác chiếu xạ đột biến sử dụng những nguồn bức xạ tiện lợi và phổ biến, ví dụ như thiết bị gamma cell. Quan trọng hơn nữa là khó khăn trong việc phân lập thể đột biến thuần từ cấu trúc khảm về sau. Việc sử dụng kết hợp tác nhân gây đột biến với kỹ thuật nuôi cấy in vitro giúp giải quyết hiệu quả các hạn chế và khó khăn trên. Ngoài ra, sau chiếu xạ hiện tượng đột biến không chỉ xảy ra ở các mắt mầm của những mẫu vật trên, mà còn có thể ở bất kỳ những vùng mô nào đó có trên mẫu. Các phương pháp trồng trọt và chọn lọc truyền thống không khai thác được tiềm năng đột biến này.

Theo Bùi Chí Bửu & Nguyễn Thị Lang (2007), trong nhiều loài cây trồng, người ta có thể khai thác đột biến thông qua nuôi cấy tế bào sôma. Tế bào sôma được nuôi cấy trong môi trường có auxin, thường ở dạng 2,4-D (2 - 4 mg/l). Mô sẹo là những khối tế bào có tính chất chưa phân hóa chức năng, đồng dạng có thể được xử lý với tác nhân gây đột biến. Việc cấy tế bào in vitro có thể tạo ra biến dị có tính chất tự phát. Người ta có thể xử lý tế bào bằng chiếu xạ hoặc hóa chất gây đột biến. Chồi mầm có thể được xử lý bằng chiếu xạ ở liều lượng 20 Gy - 60 Gy. 11

Theo Chahal & Gosal (2002) tạo đột biến thông qua nuôi cây mô có những ưu điểm sau:

- Nhiều yếu tố có tính chất ngoại cảnh có thể được kiểm soát tốt hơn.

- Có ít cơ hội cho sự hình thành thể khảm nếu cây tái sinh có nguồn gốc từ một tế bào.

- Tần suất đột biến thường khá cao bởi vì mỗi tế bào đều được tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây đột biến.

- Hàng triệu tế bào (cây tiềm năng) có thể được thanh lọc chỉ trong một đĩa petri. Sự kết hợp giữa kỹ thuật nuôi cấy mô và đột biến bằng tia phóng xạ đã cải tiến nhiều giống cây trồng và đã chọn lọc được những đặc tính nông học quan trọng từ những cây hoa kiểng đột biến như: màu sắc hoa, hình thái hoa, thời gian trổ hoa (Maluszynski et al., 2000; Das et al., 2000; Misra et al., 2003). Mandal et al. (2000) đã ứng dụng kỹ thuật đột biến in vitro trên mô sẹo của cánh hoa cúc, kết quả là đã tạo ra được nhiều giống hoa mới. Tương tự, Đào Thanh Bằng et al. (2007) cũng đã tiến hành nghiên cứu chọn tạo giống hoa bằng kỹ thuật chiếu xạ in vitro đối với hoa cúc, hoa hồng, hoa loa kèn và đã có những kết quả khả quan.
==================================
 

Blackrose86

Thành viên tích cực
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

Hic,mấy tài liệu này hồi mê lan có mày mò chán chê rồi,nhưng ko có điều kiện(phòng thí nghiệm,các vật tư,hóa chất,...) nên đành chịu thôi.
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

khó lắm anh ơi, em dân công nghệ sinh học nè. nhưng cũng cám ơn anh chia sẻ
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến. Mình nghĩ chủ yếu có theo đuổi đến cùng không, chứ ở thời điểm này tại Việt Nam kỹ thuật này không phải là khó,, vì cũng đã có một số công trình công bố ban đầu. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

2.4 Một số nghiên cứu đạt được ở Việt Nam và Trên thế giới

Theo Seneviratne và Wijesundara, (2007) ở cây African violets khi tăng nồng nồng độ colchicine thì chiều cao phát hoa giảm và đường kính hoa tăng. Màu sắc hoa chuyển dần từ màu trắng có rìa tím sang màu tím sau 7 ngày trổ hoa. Xử lý tia gamma 15 Gy cũng làm thay đổi cdấu trúc hoa của cây này (thay đổi kích thước hoa, lá).


Hình 2.1 (a) Hoa African violets ( Saintpaulia ionantha, H. Wendl.) màu trắng rìa tím được tạo ra bởi xử lý colchicine 0,06% trong 22,5 giờ, (a) đến (c) màu sắc hoa chuyển dần sang tím. (Nguồn Seneviratne và Wijesundara, 2007)


Hình 2.2 Số lượng hoa African violets ( Saintpaulia ionantha, H. Wendl.) tăng lên sau khi xử lý tia gamma 15 Gy. (Nguồn K.A.C.N. Seneviratne và D.S.A. Wijesundara, 2007)

Với mục tiêu tạo ra cây hồng tứ bội có khả năng kháng lại bệnh đốm nâu trên lá và bệnh thối ở rễ. Fukui. H và Yokota. T (2007), đã tiến hành xử lý colchicine lên chóp rễ của chồi Rosa Mulfilora với nồng độ 0,01% và 0,1%. Sau khi cây con phát triển được khoảng 4– 5 lá, tiến hành kiểm tra mức bội thể bằng máy cytometry và đã phát hiện được 5 cây con dạng thể khảm, 2 cây dạng tứ bội thuần và còn lại là thể nhị bội. Tác giả ghi nhận được tế bào của cây đa bội lớn hơn cây nhị bội và cây tạp bội (cây ở dạng thể khảm).

Bằng phương pháp chọn giống đột biến nhờ áp dụng kỹ thuật chiếu xạ tia gamma nguồn (Co60) kết hợp với quá trình chọn lọc, một số dòng hoa đột biến đã được tạo ra với các đặc tính đa dạng, lạ mắt về màu sắc hoa, số lượng cánh hoa, đồng thời cũng đã cung cấp nguồn vật liệu rất phong phú làm vật liệu khởi đầu cho chiến lược chọn tạo giống hoa. Rahayu (1985) đã chiếu xạ tia gamma trên protocorns của Dendrobium kahaloa Beauty với liều lượng 32,5 Gy. Kết quả cho thấy, tia gamma là nguyên nhân làm thay đổi đặc điểm của cây và hoa như tăng chiều cao cây, tăng số hoa, tăng kích thước lá đài và cánh hoa. Schum & Preil (1998) báo cáo rằng, xử lý tia gamma trên hoa cúc đã đem lại kết quả là 55% làm thay đổi màu sắc hoa và 15% thay đổi hình dạng hoa. Tương tự Nagatomi (2000) cũng xử lý tia gamma trên hoa cúc hồng đã cho ra nhiều màu hoa khác nhau: trắng, hồng nhạt, hồng đậm, cam, vàng, đồng và sọc.


Theo Chopra (2005) ở Ấn Độ chỉ riêng năm 2004 đã tạo ra 46 giống cúc đột biến. Siranut et al. (2000) đã chiếu xạ tia gamma trên cụm chồi của hoa Cúc tím với các liều xạ 0, 10, 30, 50, 70, 90 và 110 Gy. Kết quả cho thấy, sau 30 ngày ở liều chiếu xạ từ 50 - 110 Gy gây chết hoàn toàn và liều 10 Gy tỷ lệ sống của mẫu là 58,33%. Ở liều 10 Gy trồng ở nhà lưới đến thế hệ M1V4 hoa có màu từ tím nhạt đến tím đậm, kích thước hoa cũng đa dạng. Tương tự Mandal et al. (2000), sử dụng giống hoa cúc Chrysanthemum morifolium cv. Maghi – giống có hoa nhỏ, nở hoa trễ - được cắt rễ và xử lý bằng tia gamma với các liều lượng khác nhau đã tạo ra được cây với hoa và lá có màu sắc mới. Phương pháp chiếu xạ bằng tia gamma với nguồn bức xạ chủ yếu là (Co60) đã được nghiên cứu nhiều và cho kết quả tốt. Otahola et al. (2001) tiến hành gây đột biến bằng tia gamma trên chồi cúc với các liều lượng 0, 5, 10, 15 và 20 Gy. Kết quả tỷ lệ sống tốt nhất ở những cây chiếu xạ liều 15 Gy, sự sinh trưởng của cây tốt nhất ở liều 5 Gy. Liều lượng chiếu xạ 20 Gy đã ảnh hưởng đến sự sống, số lá, số chồi và tốc độ sinh trưởng của cây. Đột biến về hoa nhận được ở tất cả các nghiệm thức chiếu xạ, cao nhất là ở liều lượng 10 Gy (60%), 5 Gy (38,88%), hoa đột biến có màu đồng đỏ (copper).


Kasumi et al. (2001) đã thử nghiệm tìm ảnh hưởng của bức xạ tia gamma lên mô lấy từ thân hành của 2 giống hoa lay-ơn (‘Traveler’ và ‘Topaz’) đến các đặc tính: sự tạo thành callus, sự phát sinh phôi sôma và sự thay đổi màu sắc của hoa trên những cây tái sinh. Kết quả tỷ lệ phát sinh phôi sôma giảm khi liều lượng chiếu xạ gia tăng. Tổng liều lượng chiếu xạ 100 – 200 Gy đã làm giảm đến 50% ở cả 2 đặc tính tỷ lệ tạo thành callus và sự phát sinh phôi sôma. Sự thay đổi màu sắc hoa chỉ xuất hiện trên giống ‘Traveler’ nhưng lại không có sự thay đổi ở giống ‘Topaz’. Cụm chồi của Brassolaelio catlteya nuôi cấy trong môi trường bổ sung 150 ml nước dừa được chiếu xạ đột biến bằng tia gamma với liều lượng 0, 20, 60, 80, 110 và 130 Gy. Kết quả cho thấy, ở khoảng liều lượng 80-110 Gy rất thích hợp để gây ra đột biến ở cả hai lần nuôi cấy. Một thí nghiệm khác được tiến hành với nhiều mẫu hơn và liều lượng chiếu xạ là 0, 70, 100 và 130 Gy. Kết quả các cụm chồi lan bị chiếu xạ đều phát triển chậm ở cả hai lần nuôi cấy và có một số cụm chồi bị hạn chế sinh trưởng hóa nâu và chết đi. Liều lượng chiếu xạ 70 Gy thích hợp để gây đột biến (Chitrapan & Lanseejan, 2003).

Hewawasam et al. (2004) chiếu xạ đột biến chồi cây Crossandra infudibuliformis var. Danica với hai tác nhân gây đột biến là tia gamma và colchicine. Chọn những chồi in vitro có kích thước 3 cm để chiếu xạ đột biến bằng tia gamma với các liều lượng 0, 3, 6, 9 Krad từ nguồn bức xạ Co60. Sau hai tháng cấy chuyền, chuyển những chồi đã chiếu xạ vào môi trường ra rễ MS bổ sung IBA 2 mg/l và trồng trong điều kiện nhà lưới sau 3 tháng thì ra hoa. Kết quả ở liều lượng 3 Krad xuất hiện cây đột biến ổn định có tên gọi là “Savindi” với sự thay đổi về hình dạng lá và màu sắc hoa. Loại kiểu hình mới này duy trì đặc tính của nó thậm chí sau năm thế hệ sau, vì vậy nó trở thành loại cây cảnh lạ và có giá trị. Ngoài ra, thí nghiệm còn cho thấy chiều cao cây, số chồi và tỷ lệ sống giảm khi tăng liều lượng chiếu xạ, ngược lại số lá bị biến dị tăng khi tăng liều lượng chiếu xạ tia gamma.

Theo Datta & Chakrabarty (2009); Barakat et al. (2010), chiếu xạ tia gamma trên cánh hoa Cúc liều 0,5 Gy và 1 Gy thì chồi tái sinh từ mô sẹo đã tạo ra nhiều dạng màu sắc hoa và dạng cánh hoa khác nhau. Nhiều tác giả đã tạo ra các dòng đột biến lan nhằm tăng kích thước, hình dạng và độ bền của hoa, lá (độ dày, hình dạng) bằng tác nhân tia gamma (Basiran & Ariffin, 2002; Piluek & Lamseejan, 2002; Jing et al., 2002; Medina III et al., 2004; Sheela et al., 2006; Piluek & Wongpiyasatid, 2007). Puchooa (2005) đã cảm ứng tạo mô sẹo từ lá non của cây Hồng Môn trên môi trường Nitsch (1969) đã giảm hàm lượng NH4NO3 200 mg/l và có bổ sung 1 mg/l BA + 0,1 mg/l 2,4-D. Chồi được hình thành trên môi trường khi nồng độ 0,5 mg/l BA và đã tăng hàm lượng NH4NO3 720 mg/l. Lá in vitro được chiếu xạ với liều 0, 5, 10 và 15 Gy. Liều 15 Gy là liều gây chết, liều 5 Gy là hiệu quả. Tiền chồi [Protocorms-Likes Bodies (PLBs)] của Dendrobium sonia (Thái Lan) được chiếu xạ cấp tính (acute) bởi tia gamma với liều lượng 0, 30, 70, 80, 90 Gy và chiếu xạ kết hợp (split dose) 70+30 Gy. Kết quả cho thấy, PLBs được chiếu xạ với liều lượng 30, 70, 80 và 70 + 30 Gy sinh trưởng tốt hơn PLBs được chiếu xạ ở 90 Gy nhưng sinh trưởng chậm hơn PLBs không chiếu xạ. Cây phát triển từ PLBs chiếu xạ với liều lượng 90 Gy ra hoa có hình dạng giống hoa hồng và màu lá nhạt hơn màu lá cây đối chứng (Nagatomi et al., 2005).


Ở nước ta, Đỗ Quang Minh & Nguyễn Xuân Linh (2003) đã chiếu xạ chồi các giống cúc (CN93, CN98, 43, 40) in vitro bằng tia gamma (Co60) với các liều lượng 0,5 – 3 Krad. Kết quả cho thấy, tần số xuất hiện biến dị hình thái khi chiếu xạ cây in vitro là tương đối cao. Đó là các sai biệt về các dạng hình so với dạng ban đầu và tần số xuất hiện đột biến tăng khi tăng liều lượng chiếu xạ (trừ liều lượng chiếu xạ 3 krad). Cũng như các biến dị trong nuôi cấy in vitro, biến dị xuất hiện phổ biến trong công thức chiếu xạ là các dạng cây lùn, các biến dị về hình dạng lá và dạng thân. Tần số xuất hện biến dị cao ở 2 liều lượng chiếu xạ là 1 và 1,5 krad. Ngoài ra, tia gamma còn ảnhhưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây cúc in vitro như hệ số nhân chồi, số lượng rễ và chiều dài rễ.


Đào Thanh Bằng et al. (2005) đã chiếu xạ mô sẹo hoa cúc bằng tia gamma (Co60) ở các liều từ 1- 15 Krad. Sau khi cây con tái sinh và cấy chuyền 3 lần, cây con được chuyển vào môi trường ra rễ. Nhiều thể khảm và đột biến solid đã xuất hiện ở thế hệ M1V4 và đã thu được 3 thể đột biến solid về màu sắc quan trọng đó là hoa màu hồng, hoa màu vàng và hoa có chóp cánh màu xanh.


Nguyễn Tiến Thịnh & Lê Văn Thức (2007) đã sử dụng chồi in vitro của 6 giống cúc cắt cành là Tiger vàng, Đỏ Caravan, Vàng nhụy nâu, Kim vàng, Nút hồng và Nút trắng chiếu xạ đột biến bằng tia gamma với liều lượng 1 – 1,5 krad. Kết quả cho thấy, tùy theo giống cúc mà tần số biến dị M1V4 có thể đạt đến mức 24%; trong đó các loại biến dị về hoa (màu sắc, cấu trúc) xuất hiện với tần số từ 0,9 – 14,7 %. Một số biến dị về màu và cấu trúc hoa chọn lọc ở đời M1V4 như HNC 991 (trắng nhiều cánh), HNC 992 (Tiger xanh), HNC 993 (tím Huế), HNC 995 (cà rốt), HNC 997 (bướm)…vẫn thể 14 hiện một cách bền vững các tính trạng dị thường của chúng cho đến các đời vô tính xa hơn (M1V10, M1V15, M1V20). Điều này chứng tỏ rằng, các sai dị M1V4 quan sát thấy là những đột biến bền vững.


Hình 2.3 Các dạng hoa của cây hồng Nhung chiếu xạ tia gamma in vitro trồng nơi nhà lưới thế hệ M1V1: (A) Đối chứng, (BC) 30 Gy, (D,E,F) 45 Gy. (Hồ Tân, 2010)
 

quocnguyen_hcm

Thành viên tích cực
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến. Mình nghĩ chủ yếu có theo đuổi đến cùng không, chứ ở thời điểm này tại Việt Nam kỹ thuật này không phải là khó,, vì cũng đã có một số công trình công bố ban đầu. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
cái chính là công nghệ và máy móc đó anh, chứ lý thuyết thì dễ rồi. Chúc anh thành công
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

Hồ Tân (2010), Ở giống hoa hồng khi Chiếu xạ tia gamma (Co60) đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hai loại chồi hoa hồng Nhung in vitro. Tỷ lệ chồi sống sót còn 77,5%, sự gia tăng số chồi, chiều cao chồi, số rễ, chiều dài rễ và tỷ lệ chồi ra rễ đều giảm; tỷ lệ chồi có biến đổi hình thái (38,6%), tỷ lệ cây biến đổi hình thái (23,8%) và tỷ lệ lá biến đổi hình thái trên cây (48,1%) tăng lên ở liều chiếu xạ 45 Gy khác biệt có ý nghĩa thống kê so với đối chứng. Chiếu xạ bằng tia gamma có ảnh hưởng tới thời gian nở hoa, độ bền của hoa, đường kính hoa và số lượng cánh hoa. Ở liều chiếu xạ 45 Gy đã tạo được hoa có kích thước, số lượng cánh hoa và độ bền ưu thế hơn so với đối chứng và liều lượng chiếu xạ 30 Gy. Mẫu cấy chồi bên có tỷ lệ sống sót thấp hơn chồi ngọn dưới tác động của các liều lượng tia gamma. Nhưng sự gia tăng số chồi, chiều cao chồi, số rễ, chiều dài rễ và tỷ lệ chồi ra rễ cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê với nhau.



Kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Nga et al. (2009) khi chiếu xạ tia gamma trên mô sẹo tạo từ nụ hoa của 3 giống hoa cúc Đồng tiền với các liều 0, 30, 40, 50, 60, 70, 80 và 100 Gy. Kết quả ở liều chiếu xạ từ 60-100 Gy là ngưỡng gây chết, liều chiếu xạ từ 30-50 Gy cho các dạng chồi tái sinh từ mô sẹo có biến dị hình thái rõ rệt chia thành nhiều dạng: lá xuất hiện nhiều chấm xanh dạng khảm; lá bị bạch tạng, trắng toàn bộ, cây thấp, lá mỏng; lá dầy, màu xanh đậm, cây cao, nhưng sinh trưởng chậm.



Phan Đình Kim Thư et al. (2009) đã thu được mô sẹo phát sinh phôi thông qua nuôi cấy lớp mỏng tế bào của chồi non và vảy củ cây hoa Lily trên môi trường MS có bổ sung 1 mg/l NAA + 0,3 mg/l TDZ và sử dụng môi trường MS không có chất điều hòa sinh trưởng để tái sinh chồi từ mô sẹo phát sinh phôi. Sau đó chiếu xạ tia gamma trên mô sẹo phát sinh phôi này ở các liều xạ 2,5 Gy, 4 Gy và 6 Gy đã tạo được các chồi tái sinh có sự sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện in vitro.

Klimenko et al. (1977) đã chiếu xạ cành giâm hoa hồng bằng tia gamma với liều lượng từ 10 – 100 Gy. Các cành giâm là cành ghép trên giống Rose canina được đặt vào các luống được che rễ. Rễ chỉ được chiếu ở liều lượng trong khoảng 10 – 70 Gy. Kết quả cho thấy, ở các liều lượng chiếu xạ 30 Gy trở lên làm giảm sự bén rễ và sự hình thành chồi khoảng 1 – 2 tháng, chúng chỉ phát triển sau 6 – 12 tháng. Với liều lượng chiếu xạ 70 Gy thì sự phát triển đã giảm nghiêm trọng, lá bị biến dạng và vết ghép bị khô. Ông đã khẳng định rằng việc chiếu xạ tia gamma trên cành ghép là phương pháp đầy hứa hẹn cho việc tạo ra các đặc tính mới.

Năm 1989, Datta đã tiến hành chiếu xạ chồi của 32 giống hoa hồng bằng tia gamma với liều lượng từ 3 – 4 Krad và chồi được ghép lên gốc ghép Rosa indica (R.chinesis) var. Odorata. Kết quả cho thấy, chiếu xạ với liều lượng 3 Krad là hiệu quả nhất. Thể đột biến về màu sắc và hình dạng hoa là thể đột biến khảm xảy ra trên 21 giống. Vùng đột biến về màu sắc trên cánh hoa thay đổi từ một vạch nhỏ trên cánh hoa đến cả cánh hoa. Sau đó, ghép chồi từ cây đột biến thể khảm lên gốc ghép và đã nhận được thể đột biến không phải là thể khảm ở 11 giống. Từ 11 giống này đã cho ra 9 giống hoa hồng mới.

Srivastava và Mishra (2005) nghiên cứu trên cây Hibicus rosa Sinesis được chiếu xạ bằng tia gamma với liều lượng 0, 10, 20, 30, 50, 70 và 100 Gy. Kết quả ở liều lượng chiếu xạ từ 10 Gy đến 100 Gy đều có đường kính hoa nhỏ hơn có ý nghĩa thống kê so với đối chứng. Với mục đích tạo ra sự thay đổi về mặt di truyền nhằm chọn lọc các kiểu hình biến dị có màu sắc đẹp và lạ mắt. Kim et al. (2006) đã chiếu xạ chồi cây hoa Hồng Rosa Hydrida Hort trên 2 giống hồng Amadeus và Little Marble in vitro được nuôi cấy 4 tuần trong môi trường MS có bổ sung BA 0,5 mg/l bằng tia gamma với các liều lượng 0, 10, 30, 50, 70, 90, 110, 130 và 150 Gy. Những chồi đã được chiếu xạ được cấy chuyền 2 lần trong môi trường MS có chứa BA 0,5 mg/l. Kết quả cho thấy, những chồi bị chết hoại xuất hiện sau mỗi lần cấy chuyền xảy ra ở các liều lượng 70 và 90 Gy. Gần 50% chồi bị chết hoại (LD50) đã được ghi nhận tại liều lượng chiếu xạ 110-130 Gy và đặc biệt với liều lượng chiếu xạ 150 Gy thì tất cả các mẫu chồi chiếu xạ đều bị chết. Sự hạn chế phát triển chiều cao của chồi xảy ra lớn hơn ở giống Amadeus so với giống Little Marble. Sau đó phân nửa chiều cao của chồi được cho ra rễ trong môi trường ½ MS bổ sung BA 0,5 mg/l và được nuôi cấy trong 4 tuần. Phần lớn các chồi đều xuất hiện rễ ở tuần thứ ba nhưng chiều dài và số rễ giảm theo mức tăng của liều lượng chiếu xạ. Tiếp theo ông đem những cây này ra trồng trong chậu ở nhà lưới. Kết quả thu được là màu sắc của cánh hoa bị đột biến, màu hồng từ giống Amadeus, màu hồng và cam đỏ từ giống Little Marble.

Ở Việt Nam, mầm của 2 giống hoa hồng VR2 và VR4.5 đã được Đào Thanh Bằng et al. (2007) sử dụng để gây đột biến bằng cách chiếu xạ tia gamma (C060) với liều lượng 0, 1, 3, 5, 7 và 10 Krad. Sau khi chiếu xạ mầm M1 được trồng trên đồng ruộng thí nghiệm để theo dõi sự xuất hiện đột biến. Những thay đổi do chiếu xạ thuộc mô sinh dưỡng, vì vậy phần lớn những biến dị là dạng khảm, hoa có màu hơi xanh và cánh xoăn, tăng số lượng cánh và có biến dị cánh hoa màu hồng nhạt.

Nguyễn Mai Thơm et al. (2008) đã chiếu xạ tia gamma trên chồi của một số giống hoa hồng địa phương và nhập nội ở các liều lượng khác nhau 0, 10, 20, 30 và 40 Gy. Kết quả cho thấy, ở liều từ 10 - 20 Gy đã làm tăng khả năng sinh trưởng thân, lá, kích thích sự tăng trưởng của cây hoa hồng. Ở liều lượng 30 Gy, xử lý giống hồng đỏ Pháp đã tạo ra 2 màu mới là hồng và đỏ. Biến dị này đã ổn định ở thế hệ từ M1V1 đến M1V3. Cũng liều lượng đó, xử lý giống đỏ nhung thẫm và cơm Phú Thọ tạo ra đột biến hoa màu đỏ pha những tia màu hồng hoặc trắng. Xử lý ở liều lượng 40 Gy gây chết đối với các giống này. Tương tự, Trần Thị Vân Anh (2008) chiếu xạ tia gamma với liều lượng 45 Gy trên hoa hồng Phấn đã tạo ra nhiều biến dị về màu sắc và kích thước hoa.


3. KẾT LUẬN[/COLOR][/B]

Đột biến đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chọn giống cây trồng, nhờ vào quá trình đột biến mà chúng ta đã tạo ra nhiều giống hoa mới, đặc sắc có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, kháng sâu bệnh,... trên lĩnh vực hoa kiểng nói riêng và trong ngành chọn giống nói chung.

Xử lý đột biến vật liệu nuôi cấy mô là cần thiết để tăng hiệu quả gây đột biến và khắc phục các nhược điểm của phương pháp truyền thống. Kỹ thuật này cần được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm tạo ra các giống hoa mới, phong phú về chủng loại với những đặc tính tốt, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp ngày càng cao của con người và nâng cao hiệu quả kinh tế trong ngành sản xuất hoa cảnh.
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

cái chính là công nghệ và máy móc đó anh, chứ lý thuyết thì dễ rồi. Chúc anh thành công

Cảm ơn bạn, nếu bạn bên công nghệ sinh học mong bạn sẽ đóng góp thêm nhiều thông tin về lĩnh vực này. Hiện tại mình thấy khó là kiến thức, thông tin vì hiện tại đã có rất nhiều phòng nuôi cấy mô, nếu họ có đầy đủ kiến thức và thông tin, quan trọng nữa là lòng kiên trì thì mình nghĩ sẽ thành cống, vì hiện tại các viện chuyên sâu về cống nghệ sinh học đã có tương đối đấy đủ trang thiết bị, và họ sẵn sàng hợp tác. Cảm ơn bạn chia sẻ ý kiến rất chân thành.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Phần tiếng Việt
Bùi Chí Bửu và Nguyễn Thị Lang. 2007. Chọn giống cây trồng phương pháp truyền thống và phân tử. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh.
Chu Thị Thơm, Phan Thị Lài và Nguyễn Văn Tố. 2006. Phương pháp chọn giống cây trồng. NXB Lao động, Hà Nội.
Đào Thanh Bằng, Phạm Thị Liên, Nguyễn Kim Lý, Lê Thị Liễu, Nguyễn Phương Đoài, Vũ Thị Hằng và Nguyễn Thị Hồng Nhung. 2007. Nghiên cứu chọn giống ở một số loài hoa thông qua chiếu xạ in vitro, Hội nghị khoa học Công nghệ sinh học thực vật trong công tác nhân giống và chọn tạo giống hoa, NXB Nông nghiệp, tr. 165-174.
Đỗ Quang Minh & Nguyễn Xuân Linh. 2003. Kết quả tạo nguồn vật liệu khởi đầu cho chọn tạo giống cúc bằng đột biến thực nghiệm, Báo cáo khoa học hội nghị Khoa học Công nghệ toàn quốc, Hà Nội, tr. 915-918.
Hùynh Thị Huế Trang, Lê Hồng Giang và Nguyễn Bảo Toàn. 2007. Phục hồi giống huệ trắng (Poliananthes tuberosa Linn.) nhiễm bệnh chai bông bằng nuôi cấy phân sinh mô chồi. Hội nghị khoa học Công nghệ Sinh học thực vật trong công tác nhân giống và chọn tạo giống hoa. NXB Nông nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh. Trang 141-154.
Hoàng Thị Nga, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Tuấn Phong, Phí Thị Cẩm Miện, Trương Thị Lành và Nguyễn Quang Thạch. 2009. Kết quả bước đầu trong nghiên cứu tạo giống hoa đồng tiền (Gerbera jamesonii) qua kỹ thuật đột biến in vitro bằng tia gamma Co60, Tạp chí Khoa học và Phát triển, Tập 7(4), tr. 401-407.
Hồ Tân. 2010. Đánh giá tác động của chiếu xạ tia gamma đến sự sinh trưởng và phát triển của giống hồng nhung (Rosa hybrida L.) in vitro. Luận văn thạc sĩ chuyên ngành trồng trọt. Trường Đại Học Cần Thơ.
Lê Duy Thành. 2000. Cơ sở di truyền chọn giống thực vật, NXB Khoa học và kỹ thuật Hà Nội. Lê Trần Bình, Hồ Hữu Nghị và Lê Thị Muội. 1997. Công nghệ sinh học thực vật trong cải tiến giống cây trồng, NXB Nông nghiệp.
Lê Văn Hòa, Dương Thị Mỹ Phụng, Nguyễn Quốc Hội và Nguyễn Văn Ây. 2007. Khả năng gây đột biến nhân tạo hoa lan cắt cành Dendrobium bằng tia gamma, Hội nghị khoa học Công nghệ sinh học thực vật trong công tác nhân giống và chọn tạo giống hoa, NXB Nông nghiệp, tr. 175-188.
Nguyễn Mai Thơm, Trần Tú Ngà, Vũ Văn Liết và Nguyễn Xuân Cử. 2008. Kết quả tạo giống hoa hồng đột biến bằng xử lý tia gamma Co60, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (8), tr. 23-28.
Nguyễn Tiến Thịnh & Lê Văn Thức. 2007. ”Sử dụng kỹ thuật nuối cấy in vitro trong phân lập đột biến ở cây trồng nhân giống sinh dưỡng”, Hội nghị khoa học Công nghệ Sinh họ thực vật trong công tác nhân giống và chọn tạo giống hoa, NXB Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trang 155 – 163.
Nguyễn Xuân Linh. 1998. Hoa và kỹ thuật trồng hoa. NXB Nông Nghiệp. Hà Nội.
Phan Đình Kim Thư, Trịnh Thị Lan Anh, Trương Thị Diệu Hiền, Nguyễn Bá Nam, Nguyễn Văn Bình, Vũ Quốc Luận, Lê Hải và Dương Tấn Nhựt. 2009. Ảnh hưởng của tia gamma đến quá trình cảm ứng và sinh trưởng của mô sẹo phát sinh phôi cây hoa lily (Lilium sp.) thông qua nuôi cấy lớp mỏng tế bào, Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc khu vực phía nam, NXB khoa học và kỹ thuật, tr. 334-340.
Phạm Thị Bích Thủy. 2007. Sự sinh phôi thể hệ áp dụng trong chọn tạo các dòng callus quýt đường (Citrus retculata Blanco var. Duong) kháng mặn. Luận văn thạc sĩ Sinh lý thực vật. Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm Văn Duệ. 2005. Giáo trình di truyền và chọn giống cây trồng. NXB Hà Nội
Trần Thị Vân Anh. 2008. Ảnh hưởng của tia gamma lên sự sinh trưởng và phát triển của chồi hoa hồng (Rosa sp.) in vitro, Luận văn tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ.
Trần Thượng Tuấn. 1992. Chọn giống và công tác chọn giống cây trồng. Tủ sách trường ĐHCT.
Phần tiếng Anh
Ahloowalia B. S. and M. Maluszynski. 2001. Induced mutations – A new paradigm in plant breeding, Euphytica, 118: 167-173.
Ahloowalia B. S., M. Maluszynski and K. Nichterlein. 2004. Global impact of mutation derived varieties, Euphytica, 135: 187-204.
Barakat M. N., F. R. S. Abdel, M. Badr and M. G. El-Torky. 2010. In vitro culture and plant regeneration derived from ray florets of Chrysanthemum morifolium, Afr. J. Biotechnol, Vol 9.
Basiran M. N. and S. Ariffin. 2002. The Progress and Potentials of Mutation Induction in Vegetatively Propagated Plants in Malaysia, Country Papers of 2002 FNCA (Forum for Nucclear Co-operation in Asia) Joint Workshop on Mutation Breeding & Biofertilizer, held on August 20-23, 2002, Beijing, China.
Chitrapan P. and L. Siranut. 2003. Effect of gamma irradiation on protocorn-like bodies of Catteya Alliancses, Orchid improvement through mutation induction by gamma rays. Chopra V. L. 2005. Mutagenesis: Investigating the process and processing the outcome for crop improvement, Curr. Sci. 89(2), pp. 353- 359.
Datta S. K.1989. Ornamental plants, Role of mutation, Daya Punlshing House, Delhi, pp 1–9.
Hewawasam W. D. C. J., D. C. Bandara and W. M. Abeyrathne. 2004. New phenotypes of Crossandra infundibuliformis var. Danica through in vitro culture and induced mutations, Tropical Agriculture Research, Vol 16, pp. 253-270.
Kasumi M., Y. Takatsu, T. Manabe and M. Hayash. 2001. The effects of irradiating gladiolus (Galadiolus x grandiflora Hort.) cormels with gamma rays on callus formatio somatic embryo genesis and flower color variations in the regenerated plants, Journal o the Japanese Society for Horticultural Science. 70 (1): 126-128, 2001 Jan.
Kim G. J., C. C. Koh, G. Yeon, K. J. Choi and H. S. Song. 2006. In vitro mutant induction by irradiation of gamma – ray in rosa hydrida Hort, Korean journal of Horticultural science and technology, Vol.24, num. 64, pp 497 – 502.
Klimenko Z. K., K. I. Zycov and E. V. Shanin. 1977. Effect of exposure of garden rose cuttings to gamma radiation on development and morphological variability, Radiobiology (USSR) (Engl.Transl.); Vol/Issue: 17:16; Translated from Radiobiologiya; 17: No.6, pp 928 – 930
Mandal A. K. A., D. Chakrabarty and S. Datta. 2000. In vitro isolation of solid novel flower colour mutants from induced chimeric ray florets of chrysanthemum, Euphytica 114, pp. 9-12.
Maluszynski M., K. Nichterlein, L.V. Zanten and B.S. Ahloowalia. 2000. Official release mutant varieties- the FAO/IAEA database, Mut. Breed 12, pp. 1-88.
Nagatomi S., Y. Wada, M. N. Basiran, I. Sutarno, S. Lamsejan and C. Piluek. 2005. “Midterm Report for FNCA Mutation Breeding Sub-Projet on Insect Resistance in Orchid”, In FNCA joint workshop on Mutation Breeding held at Bangkok, Thailand, from 5-8 september 2005.
Otahola G., Victor, Aray, M. Antoima and Yira. 2001. Induction of mutant in flower color of chrysanthenum grandifora using gamma irridiation. Revista cientifica UDO aricola, Vol.1, num.1, pp 56-63. Puchooa D. 2005. In vitro mutation breeding of Anthurium by Gamma Radiation, international journal of agriculture & biology, vol 7, pp. 11-20.
Schum A. and W. Preil. 1998. Induced mutations in ornamental plants, pp. 333–366. Rahayu S. 1985. The effect of gamma irradiation on Dendrobium kahaloa Beauty, Proceedings of seminar on the Application of Nuclear Techniques in Agriculture, (9-10 july), pp. 175-183.
Seneviratne k.a.c.n. and d.s.a.wijesundara. 2007. First Africa Violets (Saintpaulia ionantha, H. Wendl.) with a changing colour pattern induced by mutation. American Journal of Plant Physiology 2 (3): 233-236.
Srivastava A. and R. Mishra. 2005. Gamma ray induced small mutant flower in Hibicus rosa sinensis, Mutation Breeding Newsltter and Reviews, No.1.
Chahal G. S. and S. S. Gosal. 2002. Principles and Procedures of Plant Breeding, Biotechnological and Conventional Approaches, Alpha Science International Ltd. Pangbourne, UK, 604 p.
Lapade A. G., A. M. S. Veluz, L. J. Marbella, A. C. Barrida and M. G. Rama. 2002. Status of mutation breeding in vegetatively propagated crops in the Philippines, PNRI.
Walther F. and A. Saucer. 1989. In vitro mtagenesis in Rose, Acta Horticulturea, 189: 37 – 4.
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

quí giá...quí giá!

Cung kính
Centimet
Cảm ơn anh đã góp ý, chúc sức khỏe

Hic,mấy tài liệu này hồi mê lan có mày mò chán chê rồi,nhưng ko có điều kiện(phòng thí nghiệm,các vật tư,hóa chất,...) nên đành chịu thôi.
Anh có nhiều tài liệu này thì rất quý cho ai quan tâm, vì hiện giờ đã có rất nhiều phòng nuôi cấy mô tư nhân. Mong anh chia sẻ những công trình trên thế giới có nghiên cứu vấn đề này, vì thời gian hạn hẹp nên em không đủ sức kiếm được đầy đủ. Chúc sức khỏe.
 

mailocphat68

Thành viên mới
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

Có 1 phương pháp mới bây giờ là chọn cá thể đó là 1 giống tốt người ta phân chất cá thẻ đó ra rồi tạo ra( hạt giống nhân tạo)
thế hệ cây con sẽ giống các đặc điểm tốt như cây mẹ.Các nhà kho học nghiên cứu để trồng rừng đại trà để giải quyết vấn đề cấp bách
cứu hành tinh xanh của chúng ta đang bi con người hủy hoại. Nhưng nếu có điều kiện và công nghệ áp dụng cho cây cảnh thì chắc cũng tốt thôi. không biết ae đã nghe qua vấn đề này chưa? chính người VN mình đang làm dự án này ở nươc ngoài đó. Việt kiều úc đó các bạn nhưng tôi không còn nhớ tên nên chỉ chia sẻ dc vậy thôi.Mình đọc dc tài liệu này cũng thích lám nhưng cũng chỉ hy vọng tương lai thôi chứ hiện tại thì cũng potay thôi.vài dòng chia sẻ với ae. Chúc cả nhà vui vẻ!
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

Có 1 phương pháp mới bây giờ là chọn cá thể đó là 1 giống tốt người ta phân chất cá thẻ đó ra rồi tạo ra( hạt giống nhân tạo)
thế hệ cây con sẽ giống các đặc điểm tốt như cây mẹ.Các nhà kho học nghiên cứu để trồng rừng đại trà để giải quyết vấn đề cấp bách
cứu hành tinh xanh của chúng ta đang bi con người hủy hoại. Nhưng nếu có điều kiện và công nghệ áp dụng cho cây cảnh thì chắc cũng tốt thôi. không biết ae đã nghe qua vấn đề này chưa? chính người VN mình đang làm dự án này ở nươc ngoài đó. Việt kiều úc đó các bạn nhưng tôi không còn nhớ tên nên chỉ chia sẻ dc vậy thôi.Mình đọc dc tài liệu này cũng thích lám nhưng cũng chỉ hy vọng tương lai thôi chứ hiện tại thì cũng potay thôi.vài dòng chia sẻ với ae. Chúc cả nhà vui vẻ!
Chào anh,
Thực ra phương pháp anh đề cập mục đích khác nội dung của bài viết. Phương pháp này thật sự là ngoài nhân chồi in vitro ở giai đoạn 2 của kỹ thuật nuôi cấy mô, thì người ta sử dụng phương pháp này (cũng tùy cây mà có nên ứng dụng hay không). Phương pháp như anh nói có thể tạo ra nhiều số lượng phôi vô tính (không có vai trò trong chọn tạo giống). Như vậy, tuy giống nhau về hình thái với hạt tự nhiên, nhưng khác nhau về quá trình hình thành, hạt nhân tạo không có phôi nhũ. Hiện nay, ở Việt Nam đã nghiên cứu hạt nhân tạo cũng đã lâu, điển hình là Viện sinh học Tây Nguyên dẫn đầu là PGs. Dương Tấn Nhựt. Vài lời cùng anh, chúc sức khỏe
 

yeulamanh811

Thành viên mới
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

mọi người có thể cho mình xin các thành tựu nghiên cứu về hoa cẩm chướng không? mình đang cần làm về đề tài mình mà tìm tài liệu khó quá à:-??
mọi người cố giúp mình với nha. cảm ơn [-O<
 

xuantunguyen

Thành viên tích cực
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

Chúc em luôn thành công.
ps: khoảng thời gian nào có vợ vậy em, hay còn mãi nghiên cứu :D
 

mai vu duy

Thành viên
Trả lời: Ứng Dụng Công nghệ đột biến in vitro trong chọn tạo giống hoa

mọi người có thể cho mình xin các thành tựu nghiên cứu về hoa cẩm chướng không? mình đang cần làm về đề tài mình mà tìm tài liệu khó quá à:-??
mọi người cố giúp mình với nha. cảm ơn [-O<
Mình có liệt kê các tài liệu tham khảo, từ đó bạn lấy các từ khóa mà tìm kiếm thông tin cây mình cần tìm. Hiện nay, nghiên cứu ở Việt Nam rất ít, nên bạn tìm tài liệu nước ngoài sẽ có rất nhiều thông tin bạn cần ở cây cẩm chướng.


Chúc em luôn thành công.
ps: khoảng thời gian nào có vợ vậy em, hay còn mãi nghiên cứu :D
Dạ, cảm ơn anh Tú đã hỏi thăm, còn vài ba năm đèn sách nữa anh Tú ơi, khi nào có em sẽ báo tin vui.
Chúc anh Tú và gia đình nhiều sức khỏe.
 
Top