Đi tìm cây sanh trăm năm gia bảo

hoangnam55

Thành viên
Nguồn:http://tin180.com


Đi tìm cây sanh trăm năm gia bảo
( 10:48 AM | 20/02/2010 )

Thương tiếc cây sanh quý trăm năm tuổi của gia tộc bị mất trộm, người phụ nữ xứ Huế đã lặn lội gần cả năm trời để lần theo dấu vết. Cuối cùng, châu về hợp phố sau những màn đấu trí căng thẳng.
Đi tìm cây sanh trăm năm gia bảo - Tin180.com (Ảnh 1)

Bà Tôn Nữ Hà bên cây sanh gia bảo Long Giáng

Mùng 3 Tết, đất cố đô Huế thơ mộng, Tịnh Gia Viên (đường Lê Thánh Tôn) trong nội thành lại càng trầm mặc. Nữ chủ nhân của Tịnh Gia Viên đã trên 67 tuổi, mái tóc hoa râm, chậm rãi pha trà tiếp vị khách lạ. Giọng nói trầm ấm, rặt tông Huế gốc, lại là dòng dõi danh giá Tôn Nữ. Bà là Tôn Nữ Hà.

Bà Tôn Nữ Hà bồi hồi nhớ lại câu chuyện chỉ vừa mới xảy ra năm ngoái 2009, câu chuyện mà dù bây giờ có tưởng tượng, bà cũng không thể tin nổi, sao nó lại ly kỳ đến vậy.

Năm 1976, cách đây 34 năm, một lần tình cờ về làng Mỹ Lợi (Phú Lộc – TT. Huế), bà Tôn Nữ Hà cùng con trai mua được một cây sanh quý có dáng dấp rồng cuộn.

Người làng Mỹ Lợi kể lại, cây sanh này được một vị quan trong triều Bảo Đại trồng vào quãng trước 1945. Đó là cây sanh duy nhất còn sót lại của cả làng, nên chẳng ai muốn bán.

Đi lại điều đình cây sanh này với thời gian tròn 4 năm, bà Tôn Nữ Hà lúc đó đã phải trả một số tiền lớn, đủ để chủ nhân của cây sanh đó sống an nhàn đến suốt đời, sau đó, bà cũng trả luôn tiền ma chay phúng điếu cho chủ nhân khi qua đời.

Cây sanh được cả gia đình bà Hà xem là vật gia bảo, trồng ngay trong Tịnh Gia Viên, không di dời, không mua bán.

Tịnh Gia Viên đồng thời là vườn cảnh tiêu biểu của cố đô Huế, được tặng Cúp vàng phát triển bền vững vì sự nghiệp Xanh Việt Nam, Cúp Vàng Du lịch Xanh Việt Nam năm 2003 do Bộ KHCN và Tổng cục Du lịch trao tặng.

Bà Tôn Nữ Hà hiện là Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh nữ Hải Vân (Huế), là phóng viên ảnh của báo Hương Sắc Việt Nam. Năm 2003, bà được trao giải nghệ nhân Bàn Tay Vàng của Bộ Công nghiệp vì cách trình bày món ăn cung đình Huế

“Lúc tôi tới bưng cây sanh đi, người chủ khóc như mưa. Tôi cũng khóc, nói với cây mà như nói với người, rằng ngươi hãy về với ta, trong Tịnh Gia Viên mà thi thố vóc dáng, nhan sắc với cuộc đời chứ đừng nằm im lìm mãi ở đây. Quả thật, cả khu vườn của tôi sáng bừng lên khi cây sanh Long Giáng được đưa vào. Cái tên Long Giáng là do tôi đặt” – Bà Tôn Nữ Hà hồi tưởng.

Phong trào chơi cây sanh rộ lên từ năm 2008, nhiều đại gia cây cảnh ở Hà Nội, Hải Phòng… nghe tin đã tìm vào Huế ngã giá cây sanh Long Giáng của bà Hà, từ chục triệu lên đến vài trăm triệu, bà vẫn không bán.

“Tôi là chủ nhiệm Hội sinh vật cảnh Thừa Thiên – Huế, cây sanh này với tôi không chỉ là vật gia bảo mà là hồn phách cây cỏ xứ Huế. Nó là vô giá, làm sao tôi bán được ?”.

Đến một đêm tháng 3 – 2009, vận hạn đã đến với cây sanh Long Giáng. “Tôi còn nhớ như in, đó là đêm 4-3-2009, đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ được, 4 giờ sáng đã dậy pha trà, rồi lại đi nằm. Khoảng 5 giờ kém 20, tôi lại thức dậy, ra vườn chăm sóc cây thì hỡi ôi, Long Giáng của tôi đã không cánh mà bay. Tôi như chết lặng cả người”.

Hành trình “châu về hợp phố”

“Tôi ngay lập tức men theo lối chân, nhặt từng cái lá rụng. Linh tính mách bảo tôi rằng, cái cây này đã đi ra khỏi Huế”.

Theo bà Hà, ngay lập tức sáng hôm đó, gia đình bà đã báo công an tỉnh. Lực lượng công an đã chốt chặn tất cả mọi ngã đường xung quanh thành phố, đồng thời điện báo khẩn cho công an các tỉnh, nhưng rồi, cây sanh Long Giáng vẫn mất dạng.

“Sau một tháng trời mất ăn mất ngủ, tôi quyết định lên đường tìm cây. Theo phán đoán và linh cảm, tôi biết rằng cây sanh của tôi đang nằm ở hướng Bắc. Thế là, trọn năm 2009, ở nơi nào có tổ chức hội sinh vật cảnh, tôi đều tìm tới, với tư cách là phóng viên ảnh của tờ báo Việt Nam Hương Sắc (thuộc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam). Nhưng đều vô vọng” – Bà Hà nhớ lại.

Ngoài những lần đến với các hội thi sinh vật cảnh, bà Hà như một điều tra viên thực thụ, cải trang thành bà già lam lũ, hay thành thiếu phụ quyền quý, hay là một nữ đại gia thực thụ… tìm đến với các triệu phú cây cảnh phương Bắc.

Ngày tháng trôi đi, cây sanh Long Giáng của gia tộc bà vẫn bặt vô âm tín, chỉ có niềm tin của bà vẫn không bị mai một.

Tháng 11-2009, nghe tin ở tỉnh Hải Dương có hội thi sinh vật cảnh toàn quốc, bà lặn lội ra Bắc. Lần này, trời đã không phụ công bà. “Tôi cầm máy ảnh, lần theo từng hàng cây quý, đến cây thứ 12 thì sững người. Đúng là vật gia bảo của chúng tôi đây rồi” – Bà Hà sôi nổi.

Dù cây sanh của bà đã thay đổi hình thù, đã được thay chậu, tỉa cành, nhưng dường như hồn cốt của cây quý gia tộc bà vẫn không hề thay đổi. Bà kể: “Tôi cố chụp hết các kiểu ảnh rồi lần đến cây xem dấu vết. Kia rồi, ngay giữa thân cây, dấu khắc của tôi vẫn còn đó, dấu khắc mà dù có nhắm mắt, tôi vẫn chỉ đúng trên thân cây”.

Rồi bà dẫn tôi lên lầu, tỉ mẩn chỉ dấu khắc trên cây sanh trăm tuổi, nhớ lại những ngày đấu trí cam go với chủ cây sanh đang trưng bày: “Chủ cây sanh lúc đó là ông Phan Thế Truyền ở Sơn Tây. Sau khi tôi báo với anh Cường (ông Nguyễn Mạnh Cường – trưởng BTC hội thi cây cảnh Hải Dương năm 2009), công an Hải Dương và điều tra viên công an Thừa Thiên Huế vào cuộc. Nhưng tôi không muốn phá vỡ không khí hội thi, nên đề nghị đến ngày cuối cùng mới tiến hành phân xử.

Ông Truyền cho tôi hay, cây này ông mua được qua nhiều mối, giá trên 200 triệu đồng. Bây giờ muốn lấy thì bỏ tiền ra chuộc.

Rồi trong những ngày đó, ông cho hay, cây này có người trả gần nửa tỷ. Thú thật là tôi nao núng lắm, mấy lần muốn bỏ tiền túi ra để chuộc, nhưng sau nghĩ lại, thấy oan quá. Sao lại phải tiền ra để mua chính cây quý của mình. Trong khi công an đã xác định, đây chính là cây gia bảo của nhà tôi !?”.

Trong 10 ngày diễn ra hội thi, nhiều khách đã trả mua cây sanh, giá đội lên ngùn ngụt. Đến ngày cuối, khi công an đến tịch thu cây, hai bên đã giằng co quyết liệt. Không còn giữ được bình tĩnh sau thời gian lo lắng, bà đã ôm lấy cây khóc sướt mướt. Sau mấy tiếng đồng hồ, rồi cây sanh quý cũng được lực lượng công an chở về an toàn.

“Cả 10 đêm tôi không hề chợp mắt, tôi cũng không ngủ khách sạn mà phải ngủ nhờ nhà người quen, có sự bảo vệ của công an. Tôi chẳng ngờ được vì cái cây mà con người có thể đối xử với nhau như vậy. Còn nhiều chuyện ly kỳ, khôi hài lắm, thôi chẳng tiện kể làm chi” – bà Hà nói.

Cuối tháng 11-2009, công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn tất hồ sơ, khởi tố điều tra vụ án mất cây sanh quý. Đến nay, câu chuyện ai lấy cắp, lấy cắp như thế nào vẫn đang trong vòng bí mật. Nhưng người đàn bà ở Tịnh Gia Viên đã có thể nở nụ cười.

Sau bao gian lao vất vả, châu lại về hợp phố. Bà đã đưa cây sanh trăm tuổi của gia tộc lên để trên sân thượng, có hàng rào bảo vệ. “Nó là linh hồn của Tịnh Gia Viên, chúng tôi quyết, sẽ không bao giờ để nó rời Tịnh Gia Viên nửa bước” – bà Hà ngậm ngùi.
 

123zo

Thành viên
câu truyện thậtly kì, hấp dẫn,theo vậy thì cây sanh này quả thật là một linh vật và có duyên kì ngộ với bà Hà!
không biết nhìn ngoài thật và các mặt khác thì thế nào nhưng nhìn vào hình trong bài viết này thì em không thấy có vẻ gì là kì hoa dị thảo cả, cũng thường thôi! hay tại gu thẩm mĩ của em kém quá!?!
 

satruky

Thành viên tích cực
Hy vọng viên đá ở HHX Tao Đàn năm nay cũng sẽ sớm quay về với chủ cũ.
 

NDCan

Thành viên tích cực
câu truyện thậtly kì, hấp dẫn,theo vậy thì cây sanh này quả thật là một linh vật và có duyên kì ngộ với bà Hà!
không biết nhìn ngoài thật và các mặt khác thì thế nào nhưng nhìn vào hình trong bài viết này thì em không thấy có vẻ gì là kì hoa dị thảo cả, cũng thường thôi! hay tại gu thẩm mĩ của em kém quá!?!
"Cái đẹp nằm trong con mắt của kẻ si tình chứ đâu phải đẹp vì má hồng của cô thiếu nữ "
 

hunghp72

Thành viên
hinh nhu cayátong anh chup vi du thoi . trong bai viet da noi de tren san thuong va co bao ve . chac dep chuc mung BA hy vong nhung nguoi yeu cay nhu Ba ko phai buon phien ve chuyen do
 
Top