Đọc báo về nghệ nhân đất Hà Thành .

NaTuan

Quản Lý Viên
Mời các bạn đọc bài viết của báo nhân dân về nghệ nhân Quyết Bội .
Với tâm hồn, với tình yêu mới có thể cho ra những tác phẩm đẹp nhất

Làng hoa Nghi Tàm giờ chỉ còn trong ký ức. Nghệ nhân Lê Hữu Quyết tiếc nhớ cảnh cũ, người xưa, nhưng ông không buồn. Làng hoa, cây cảnh này mất đi, sẽ có làng hoa khác thay thế. Song, điều ông trăn trở nhất chính là người làm cây, chơi cây hôm nay không còn như xưa. Chỉ khi chăm cây với tâm hồn, với tình yêu, người ta mới có thể cho ra những tác phẩm đẹp nhất.

Nếu ai từng đến Nghi Tàm hơn chục năm trước và giờ trở lại, mới thấu hiểu câu thơ "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" của Bà Huyện Thanh Quan. Nghi Tàm đẹp hiện đại, với những tòa biệt thự, nhưng những vườn hoa chỉ còn là hoài niệm. Ðịa danh "Ðồng Bông" (tức Ðồng Hoa) nổi tiếng cũng mờ dần trong ký ức của người dân. Rêu phong cũng làm ố mầu tấm biển đề nhà nghệ nhân Quyết Bội (tên thường gọi của nghệ nhân Lê Hữu Quyết). Không bán đất, cũng không xây nhà cho thuê, sau khi chia cho con cái, nghệ nhân Quyết Bội giữ được một khu vườn nho nhỏ. Ðó là nơi ông có những phút giây thư thái, với những hoài niệm về làng hoa...


Nghệ nhân Quyết Bội chăm sóc cây cảnh.

Nghệ nhân Quyết Bội sinh năm 1926. Chỉ vài năm sau, lần lượt bố, mẹ ông qua đời. Ðã bao năm trôi qua, ông vẫn nhớ lời ông nội khi nói về mảnh vườn cha ông để lại: Cái nghề làm vườn không đến nỗi thấp hèn đâu. Nếu cháu tinh nghề, sau này sẽ có cơ đồ, có cuộc sống vui vẻ. Hòa bình lập lại, năm 1955, ông từ chiến khu trở về. Chẳng kể sớm hôm, ông cần mẫn, lặng lẽ trồng đào, cúc, mai... và đủ loại cây thế. Người dân Nghi Tàm theo gương ông khôi phục lại làng nghề. Cái "men" say chơi hoa, cây cảnh khiến ông không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những cây thế đẹp. Ngày ấy, vườn cảnh nhà ông Quyết Bội không lớn, nhưng trở thành một trong những khu vườn đẹp nhất của Nghi Tàm với đủ loại sanh, si, đa... Những gia đình giàu có nhất Hà Nội, những nghệ sĩ tên tuổi như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Phan Kế An... tìm đến khu vườn, giao lưu bầu bạn với người chăm cây như ông. Ngay từ thời nước ta còn bao cấp, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, Nhà nước chưa có nhiều điều kiện quan tâm đến hoa, cây cảnh, nhưng nghệ nhân Lê Hữu Quyết đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân. Ông cũng sở hữu hàng chục tấm huy chương trong các cuộc thi cây cảnh khác nhau.

Nghệ nhân Quyết Bội tâm sự: "Khi trào lưu chơi bonsai kiểu Nhật Bản được nhiều người ưa chuộng, tôi dành khá nhiều thời gian nghiên cứu bonsai Nhật Bản và nhận thấy, cách chơi cây của người Việt tinh tế hơn. Người Nhật Bản tạo hình rất đơn giản, chỉ chú ý đến dáng dấp tổng thể của cây, chứ không chú ý chi tiết. Còn cây của người Việt có nhiều dáng, thế, phân biệt gốc, rễ, ngọn, cành, lá, như trong một gia đình có phân biệt trên dưới rõ ràng. Từ bốn nguyên lý: trực, hoành, xiêu, huyền, người Việt sáng tạo ra rất nhiều thế cây khác nhau. Mỗi thế cây không chỉ là sự thu nhỏ thiên nhiên, mà còn có những ý nghĩa".

Thời gian kéo theo những đổi thay. Làng hoa Nghi Tàm chỉ còn trong ký ức. Chỉ một số ít gia đình giữ vườn cảnh. Nghệ nhân Lê Hữu Quyết tiếc nhưng không buồn. Cách đây cả chục năm, khi có người hỏi về sự biến mất của làng hoa, nghệ nhân Quyết Bội đã bảo rằng: "Khi Nghi Tàm trở thành nội thành, mọi điều kiện thay đổi. Người dân tìm đến những cách làm ăn mới là dễ hiểu. Nghi Tàm mất đi lại có những làng hoa khác thay thế. Ðấy là quy luật phát triển xã hội". Nhưng điều lão nghệ nhân băn khoăn chính là tinh hoa của nghề cây cảnh đang bị biến đổi...

Khi bắt đầu thấy mình mắt mờ, tay chậm, lão nghệ nhân Lê Hữu Quyết đã bắt tay vào viết cuốn "Lịch sử nghề trồng hoa cây cảnh Nghi Tàm". Bản thảo cuốn lịch sử làng hoa đã hoàn thành. Giở những trang viết cẩn thận, nắn nót, người đọc không thể không ngạc nhiên trước sự uyên thâm về lịch sử, địa lý của một "người làm vườn". Qua những khảo cứu của nghệ nhân Lê Hữu Quyết, chúng ta được biết, sau khi định đô ở Thăng Long, nhà Lý đã cho thành lập các "hoa điền" để phục vụ nhu cầu của kinh thành, trong đó có Nghi Tàm. Ông cũng khẳng định, Nghi Tàm chính là làng hoa, cây cảnh đầu tiên của đất Thăng Long. Nghề hoa, cây cảnh từ đây lan tỏa đến các làng khác trong vùng.

Ðiều đặc biệt là trong cuốn sách này, nghệ nhân Lê Hữu Quyết mô tả rất cụ thể những tinh hoa của cách chơi cây cảnh, chơi lan, chơi hoa của người Hà Nội nói chung, người Nghi Tàm nói riêng. Qua cuốn sách, người đọc cũng hiểu thêm về hội hoa xuân những năm đầu thế kỷ 20, hội thi hoa thủy tiên ở đình Bạch Mã trên phố Hàng Buồm, hiểu thêm về những nghệ nhân có tiếng cách đây một thế kỷ của làng hoa cổ này.

Nghệ nhân Quyết Bội viết "Lịch sử nghề trồng hoa cây cảnh Nghi Tàm" như trách nhiệm với quê hương, để nhắc nhở người đời sau không quên nghề cổ. Ðồng thời, qua cuốn sách này, nghệ nhân muốn cách chơi cây, chơi hoa truyền thống của Hà Nội được lưu truyền. Ông tâm sự: "Cách chơi cây, chơi hoa ngày nay khác ngày xưa nhiều quá. Giờ có nhiều làng hoa mới, nhưng điều tôi băn khoăn là ngày nay người ta chơi cây ít chữ tình. Người ta chú trọng đến việc làm sao bán được cây với giá đắt, chứ không gửi tâm hồn người chơi vào cây, chia sẻ tình cảm giữa người làm ra, với người mua cây. Nếu thiếu đi yếu tố này, khó có thể đạt được đỉnh cao trong nghệ thuật cây cảnh, cách chơi cây truyền thống của các cụ là cùng chia sẻ tình cảm, cùng thưởng thức những thế cây đẹp cũng không còn". Nghệ nhân Quyết Bội cho biết, ông rất "hoảng" khi ngày nay có những cây cảnh "khủng" mà phải dùng cần cẩu mới cẩu được. Người xưa chơi vườn cảnh, thu nhỏ thiên nhiên trong chậu cảnh, chứ đâu phải phá rừng để chở cây về.

Càng nghĩ về chữ "tình" trong nghệ thuật chơi cây của nghệ nhân Quyết Bội càng thấy có lý. Chơi cây để dưỡng trí, tu tâm. Những thế cây nói lên đạo làm người, luôn cương trực, ngay thẳng như dáng trực, hay dù dòng đời xô đẩy vẫn không quên nguồn cội như thế bạt phong hồi đầu... Cây thế có thông điệp của người xưa về đạo làm người. Việc làm cây, buôn cây lấy giá trị kinh tế làm đầu, đôi khi bằng cả những "thủ đoạn" đã làm ảnh hưởng đến đạo chơi cây, đến thông điệp mà những thế cây có thể chuyển tải. Ông Quyết Bội cũng kể rằng, những gia đình có đời sống khá giả ngày xưa không tiếc tiền để mua cây cảnh đẹp, nhưng cách chơi của họ khác hẳn so với nhiều đại gia bỏ tiền tỷ mua cây ngày nay. Bởi họ biết trân trọng cái đẹp, biết trân trọng những giá trị, những thông điệp của cây thay vì một số người thích chơi cây cảnh bạc tỷ, chỉ để khoe sự giàu có như báo chí vẫn đưa. Nghĩ thế, càng mong cuốn sách của lão nghệ nhân sớm được xuất bản, để thông điệp về đạo chơi cây của người xưa đến được với mọi người.

Nguồn: Báo Nhân dân
 

Đỗ Mến

Thành viên
"Người xưa chơi vườn cảnh, thu nhỏ thiên nhiên trong chậu cảnh, chứ đâu phải phá rừng để chở cây về."
Các cụ ngày xưa chơi cây quả là có nhiều điều sâu sắc, tinh túy vố cùng. Cám ơn anh Tuấn đã chia sẻ.
 

NaTuan

Quản Lý Viên
Sao bài viết trong mục điểm báo lại không hiển thị tai BÀI VẾT MỚI nhỉ ?
 
Top