Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng

tranathang

Thành viên
(VietNamNet) - Cơ nghiệp lớn nhất của người nông dân là con trâu. Thế mà ông đem bán cả "cơ nghiệp" ngày ngày lầm lũi đi trước mình trên những thửa ruộng cộc cằn, chỉ để mua một cây cảnh. Nhưng, niềm đam mê và khát khao thoát nghèo lại mang đến cho ông một cơ nghiệp khác, trị giá 10 tỷ đồng.







Đến xã Đồng Trúc (Thạch Thất - Hà Tây) tìm nhà ông Nguyễn Văn Ngọ rất dễ.

Thứ nhất, người dân đã quá quen cảnh khách xa hỏi đường vào nhà người đàn ông tuổi Ngọ (1954), tên Ngọ và "đi như ngựa" suốt ngày. Thứ hai, ở cái xã nghèo suốt ngày gồng mình với miếng cơm manh áo này, nhà ông nổi nhất với những cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng.


Người nông dân "đổi" con trâu lấy 10 tỷ đồng!


Tại nhà ông, chúng tôi gặp một trong những "đại gia" trong nghề buôn cây cảnh đất Bắc lên chơi. "Đại gia" này thừa nhận, tốc độ phát triển trong nghề cây của ông Ngọ có nhiều bất ngờ, đến chóng mặt.

Và bất cứ ai đến thăm vườn cây của ông, cũng thú vị khi biết ông chỉ bắt đầu từ con trâu...

Bán trộm trâu và lời khuyên "đã nghèo, đừng liều"!

Quê ông Ngọ nghèo. Vùng đất bán sơn địa nông nghiệp thuần tuý chỉ suốt ngày chăm chú với củ sắn, củ khoai.

Như bao trai làng, đến tuổi nhập ngũ ông đi bộ đội. 11 năm lái xe Trường Sơn, ông vượt qua mưa bom bão đạn chuyển hàng vào những trọng điểm. Từ chiến trường B1, B2, Tây Ninh đến nước bạn Lào, Campuchia. Chỗ nào cũng có bánh xe ông.

Hòa bình, ông chuyển ngành sang lái xe cho Lâm sản Đông Bắc của Bộ Nông nghiệp và sau xin chuyển về quê lái xe cho huyện, để được gần vợ gần con. Năm 1992, sau 20 năm công tác, ông nhận 2 triệu đồng theo chế độ "mộc cục" (chế độ 176). Rời vô lăng hôm trước, hôm sau ông cầm lại cái cày, lao ra đồng ruộng.


Bắt đầu bằng VAC...
Một năm trời làm bạn với nắng mưa, cả gia đình chỉ được có vài tạ thóc. Ông quyết định bươn chải. Ông ngụp lặn, cày xéo trong khu đất hoang của gia đình. Còn nhớ mãi chuyện ông đến ngân hàng vay một triệu đồng làm vốn. Một triệu thời những năm 90 to lắm, nhất là đối với đất nghèo này. Ngân hàng không cho vay. Họ về kiểm tra, thấy mô hình của ông không khả thi.

Thiếu vốn là vấn đề nan giải nhất. Ông lại đi vay bạn bè, mỗi người một ít cũng được vài trăm nghìn. Khu vườn trồng cây ăn quả hiện lên. Nào nhãn, nào vải, đu đủ, hồng xiêm... dần dà đơm hoa, kết trái khi được ông "tưới" mồ hôi lên. Tiếp tục đào ao, thả cá theo đúng mô hình VAC. Ông thực hiện quan điểm lấy ngắn, nuôi dài.

Năm 1992, một lần đi bán cá trê giống về, ông vô tình nhìn thấy một nhà bên đường ở huyện Quốc Oai có một cây lộc vừng đẹp. Vứt xe đạp vệ đường, ông vào xem và mê luôn. Cây lộc vừng đẹp lắm. Ông gạ mua. Họ ra giá 1,5 triệu.

Trong túi áo bộ đội bạc màu chỉ có 200 nghìn tiền tanh mùi cá. Nhưng niềm đam mê trỗi dậy, lấn át cả lý trí đang ngầm mách bảo ông: ông chỉ là người nông dân, bán cá! Ông đồng ý mua và đặt tất cả số tiền lại.

Ông còn dặn lại: "Nếu 2 ngày sau tôi không quay lại lấy, cứ bán đi! Vì có nghĩa là tôi không mượn được tiền, chấp nhận mất 200 nghìn". 200 nghìn khi đó không nhỏ với ông và gia đình.

Ông đạp xe về làng, rủ thêm vài người. Ai cũng bảo, bán cây lộc vừng 150 nghìn còn khó, cây 1,5 triệu thì ai mua? Họ vừa khuyên vừa ngăn: "Đã nghèo, đừng có liều!". Họ không làm cũng không cho vay tiền.

Điều này ông nghĩ thật đơn giản. Dân nông thôn ít tiền, khi người ta chưa “nhìn” ra thì chưa thể tin mà cho vay. Họ nghĩ, ở một nơi thuần nông, nghèo đói này mà làm cây cảnh thì viển vông quá. Có những người có tiền cũng không cho mượn.

Ông tiếc! Không phải vì mất 200 nghìn. Tiếc vì niềm đam mê cây cảnh không thực hiện được. Ngày hôm sau, ông vừa đi cày về, buộc con trâu ở gốc cây ven đường làng và gảy rơm cho vợ con thì một tay lái trâu đi qua. Nhìn thấy con trâu béo tốt, gã gạ ông bán. Chỉ là buột mồm gạ cho vui.

Nghe gã lái trâu gạ, tự nhiên trong đầu ông đã "nhìn" thấy cây lộc vừng. Ông đồng ý bán. Lái trâu hỏi bao nhiêu tiền, ông nói luôn là 1,5 triệu. Gã lái trâu đòi bớt 100 nghìn, ông lại đồng ý.

Giữa trưa hè chói chang, ông Ngọ ngồi trên đống rơm rạ, ngửa luôn chiếc nón mê dính bùn và đếm tiền. Ông đã đủ tiền mua cây. Lái trâu trả tiền rồi đi, nhờ ông chốc nữa cho người dắt sang bên kia đường cái hộ.

Về nhà, ông bình thản nói với vợ con: “Bố bán trâu rồi, chốc hai mẹ con dắt sang bên kia đường cho họ nhé!”. Khi biết lý do ông bán trâu, vợ ông khóc rống lên: “Bố mày bán cả cơ nghiệp rồi!”. Đứa con lớn nấc từng tiếng một. Họ tiếc cũng đúng. 1,5 triệu thời ấy, giá trị bằng cả tấn thóc. Gia đình ông làm cả năm cũng chỉ được vài tạ.

Nhìn vợ con ông cũng xót. Nhưng trâu bán rồi, tiền đã đút túi. Tiền có thể trả lại được nhưng danh dự không trả lại được, đã nói bán cho người ta rồi. Ông bảo, cái tuổi Ngọ trọng danh dự lắm.

Khuyên không được, vợ ông chạy đi gọi các ông bác, ông chú trong họ hàng đến. Như một chuyện động trời khi đó. Cả họ gàn và mắng ông không ra gì. Nhưng ông vẫn quyết bán.

"Tôi không quên được hình ảnh đứa con gái đầu vừa dắt trâu đi, vừa khóc nức nở… Khổ lắm! Nhưng tôi thích cây đó quá, không biết làm thế nào..." - Đến bây giờ, ngồi giữa đống tài sản khổng lồ, ông nhớ lại chuyện con trâu.

"Lộc của anh cũng như lộc của tôi!"

Hôm sau, ông thuê chiếc công nông đi chở cây về. Những người không cho ông vay tiền lại tình nguyện đi cùng, để xem cây đó như thế nào "lão gàn" này mê thế. Khi nhìn thấy cây lộc vừng, họ không dám khuyên thêm điều gì nữa.

8 người vần mãi cùng cho được cây lộc vừng lên xe. Còn 100 nghìn tiền bán trâu, ông làm mâm cơm cám ơn những người đã giúp mình chở cây. Đang ngồi ăn cơm, lúc đó mới đưa cây về khoảng 2 tiếng đồng hồ, thì có mấy người chuyên đi săn cây nghe chuyện và tìm đến. Họ nhìn thấy cây là hỏi mua luôn. Một người trong đám săn cây trả 2,8 triệu.


Ông bảo lý do thành công của mình là đam mê và khát khao thoát nghèo!
Lúc đó, chính những người đã gàn không cho ông mua cây và vay tiền lại... gàn không cho ông bán với giá ấy. Ngay chiều hôm đó, có một người làm nghề cây cảnh quen ông, có vẻ “nhìn” thấy được giá trị của cây lộc vừng trả luôn... 4,8 triệu. Nhưng người này giúp gia đình ông là chính. Trả giá nhưng không mua cây.

Ông ấy bảo: "Cứ để đó, ai mua cao hơn thì bán. Cầm tiền của tôi, đi mua con trâu khác về...!"

Ông Ngọ không thể quên được chi tiết, khi chuyển bị mang cây về nhà, có một ông cụ trong làng đó mới hỏi: "Ai mua cây này đấy các bác?" - Ông bảo: "Con mua đấy cụ ạ!". Ông cụ chỉ nói: "Thôi thế là mừng cho bác!". Hóa ra, cây lộc vừng này cả xã nâng niu. Không một cuộc hôn nhân nào ở đây không đến chụp ảnh lưu niệm may mắn với cây lộc vừng.

Một năm qua tay ông chăm bẵm, cây lộc vừng ngày càng đẹp. Ngày càng nhiều người hỏi mua. Rồi có một ông Giám đốc về mua trang trại trên đường Láng - Hòa Lạc cũ mua cây lộc vừng với giá 7 triệu. Ông Ngọ chính thức bước chân vào nghề cây cảnh.

Chả hiểu do duyên may với cây lộc vừng hay sao mà "nó" lại trở về với ông. Cách đây 2 năm, ông chủ trang trại kia quy hoạch khu đất, gọi ông đến và bán lại cây lộc vừng. Ông mua lại cây lộc vừng với giá 30 triệu.

"Khi anh ấy bán cho tôi, anh ấy không tin rằng tôi bán đi 7 triệu và mua lại 30 triệu. Hôm bán, anh ấy còn cho người quay camera và chứng kiến, ghi lại chuyện này..." - Ông vui.

Cẩu cây lộc vừng về nhà được non tháng thì có người trả 80 triệu. Ông bảo: "Cây này vô giá lắm! Nó là đánh dấu một bước quan trọng trong cuộc đời tôi! Tôi không bán được!".

Ông giữ như thế, nhưng ông bán nó đi cũng thật nhẹ nhàng. Có một chủ xưởng mộc ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) sang chơi và thích cây nên năn nỉ: "Thôi, lộc của anh cũng như lộc của tôi. Anh để lại cho tôi rồi mua cây lộc khác!". Nghe họ nói thiết tha như vậy, ông bán với giá 100 triệu.

 

tranathang

Thành viên
Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ (Kỳ 2): "Phong cách nông dân"

Từ con trâu bán trộm 1,4 triệu, ông nông dân Nguyễn Văn Ngọ đã có trong tay "con trâu" trị giá 10 tỷ đồng. Ông giải thích sự thành công của mình thật đơn giản: Kết quả của niềm đam mê hòa trộn trong khát khao thoát nghèo...

Từ cảnh ngày ngày bước sau con trâu trên đồng ruộng, ông Ngọ chuyển sang đi trước cả làng, cả xã trong nỗ lực thoát nghèo và làm giàu. Những ngày đầu mon men bên chậu cây cảnh nhanh chóng kết thúc. Thay vào đó là những bước đi tự tin của đam mê và vững chãi của uy tín...
Phong cách... nông dân!


Ông Ngọ đang chỉ đạo cẩu cây
Cây lộc vừng đầu tiên đã đưa ông vào nghề cây cảnh thật nhẹ nhàng. Ông ngồi nhớ lại thời chập chững bước chân vào thế giới bonsai. Nhớ, để khẳng định một điều: Có đam mê thôi chưa đủ với nghề bonsai.

Có nghĩa là ông phải đối mặt với khó khăn. Những khó khăn khác xa với trăn trở lúa, mạ, giống, nước... trên cánh đồng bạc màu quê ông. Ông không dấu giếm thừa nhận, lúc đầu, cũng phải trả giá. Ông đi đánh cây... tùm lum. Chưa hiểu thời tiết, mùa nào cũng đánh. Cây không sống được, vốn hụt dần theo cây.

Ông thừa đam mê nhưng thiếu kỹ thuật. Ông lang thang đến các vùng có truyền thống về nghề cây cảnh để học cách chăm sóc cây, thời điểm đánh cây, yếu tố thổ nhưỡng, thiên nhiên... Cứ vùng nào, nhà nào có nghề cây là ông đến. Không nề hà, không đắn đo, không quản đường xa vạn dặm. Vùng ông đến nhiều nhất là làng Nam Điền (Nam Trực - Nam Định). Mảnh đất Hà Nam Ninh ngày xưa là cái nôi của nghề cây cảnh đất Bắc, thì Nam Trực là làng nổi tiếng nhất.

Ông về Nam Trực học tập họ bó bầu, đảo cây, tỉa cành, tuốt lá, tạo thế... "Đi đâu họ cũng nhiệt tình giúp tôi. Không ai dấu cả, vì nghề này do hoa tay, đam mê của mỗi người..." - Ông Ngọ.

Ông bảo, khi có đủ cả đam mê và kỹ thuật, mình "lên" vèo vèo. Đánh được cây nào về bán cây đó. Lại hay săn được những cây đặc biệt, có tơ duyên với những cây đẹp. Nghề cây luôn nhiều vốn, ông vẫn phải đi vay ngân hàng. Nhưng ông đã có đủ độ tin với ngân hàng, có thể vay được vài ba tỷ một lúc.


Ông bảo, ông và cây cảnh có nhiều tơ duyên, nó như "Quý vật gặp quý nhân"!

Có uy tín, "con đường cây cảnh" của ông nông dân Ngọ trơn tru, thẳng tắp như thế cây lộc vừng chứ không ngoằn nghèo, khúc khủy như dáng cây sanh, cây sứ.

Ông bắt đầu nhận được nhiều hợp đồng lớn cung cấp cây, trồng cây, chuyển cây. Hợp đồng lớn nhất của ông là cung cấp và trồng cây cho sân golf Ngôi Sao Chí Linh (Hải Dương), với giá trị 3 tỷ, năm 2003. Nhớ lại chuyện Ban lãnh đạo sân golf lên nhà ông "mục sở thị" cây xanh trước khi ký hợp đồng, ông giám đốc điều hành người nước ngoài sau khi ngắm vườn cây, chỉ tay ra bảo: Mua hết, cây nào cũng đẹp!

Khách của ông đông. Nhưng ông không có một lời quảng cáo, ai biết tự tìm đến. Ông quảng cáo bằng chính uy tín. Cứ người nọ giới thiệu người kia, khách hàng lại từ khắp nơi về xã Đồng Trúc, hỏi thăm nhà ông Ngọ cây cảnh.

Tôi hỏi ông về phong cách làm nghề. Ông bảo mình luôn cố gắng làm theo phong cách chân chất, thật thà của nông dân!

Với "phong cách nông dân", mỗi năm ông nông dân Nguyễn Văn Ngọ thu được vài tỷ từ vườn cây nông dân.

"Quý vật tìm quý nhân"

Cả một khu vườn rộng hàng trăm loại cây là cơ duyên của đời ông. Mỗi cây lại có một hoàn cảnh khi "đến" với ông, hoặc ra đi khỏi gia đình ông.


Từ con trâu bán trộm 1,4 triệu đồng, bây giờ ông Ngọ đã có trong tay 10 tỷ đồng.
Ông nói về cây sanh đặc biệt mà ông đặt tên là "cây bức bình phong". Ông mang nó về được hai năm nay, và như một tơ duyên. Cây sanh này mọc từ lâu, bị ép vào một bức tường nên chỉ phát triển được một mặt, mỏng và dáng vuông, nhiều rễ ngoằn nghèo như các họa tiết, đúng như một "bức bình phong".

Chủ nhà làm nhà, thấy cây bám vào tường thì đào ra, định làm củi đun. Ông lao đến ngay và mua cây sanh này với giá 4 triệu. Sau hai năm mang về chăm sóc, tỉa tót thân và các chi, vừa rồi có người trả 17 triệu.

Trong vườn ông Ngọ có một cây vạn tuế, ông "dành tình cảm đặc biệt" hơn so với các cây khác. Cây vạn tuế cao hơn 2m, khẳng khiu, chằng chịt những cây con bám từ dưới gốc lên ngọn. Đặc biệt nhất là một "vết thương" ngay giữa thân cây.

Năm 2003, ông được giới thiệu mua cây vạn tuế của một dòng họ tại thị xã Hà Đông. Cả họ này phải họp giải quyết "số phận" cây vạn tuế như một báu vật thiêng liêng của gia tộc. Cây vạn tuế nằm sát sân nhà thờ, để nới rộng nhà thờ, phải di chuyển cây. Di chuyển là tất yếu, nhưng không ai trong dòng họ làm được việc này. Đã 6 đời người gắn với cây vạn tuế này, không ai biết chính xác tuổi của nó, nhưng ít nhất nó khoảng trên 300 năm. Nếu di chuyển, không có kỹ thuật, cây dễ chết.

Bán, nhưng phải tìm được người biết kỹ thuật đánh cây, yêu cây và biết chăm sóc cây. Ông Ngọ có tơ duyên. Trong họ có người biết tiếng ông, giới thiệu. Họ đồng ý. Họ biết ông là người yêu cây, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ông mua cây với giá 12 triệu. Số tiền này dòng họ chủ nhân cây vạn tuế dùng luôn vào việc sửa nhà thờ.

Ông quý nhất là "vết thương" trên thân vạn tuế. Vết này có từ hồi chiến tranh, cây vạn tuế bị một mảnh bom B52 khoét. Một vết sứt của chiến tranh. Là một nông dân, nhưng đã từng là người lính, ông Ngọ thích điều này. Có những kỷ niệm trong chiến tranh, nhiều người không chú ý, nhưng chính "vết thương" này khiến ông cảm thấy cây vạn tuệ trở nên quan trọng.


Cây vạn tuế có "vết thương" do mảnh bom B52
Đến bây giờ, qua bàn tay chăm sóc của ông, vết thương trên thân vạn tuế đã liền sẹo gần trở lại. Từ ngày đưa cây về, những người vai vế trong dòng họ kia vẫn hỏi thăm về cây. Họ mừng lắm. Có người đã trả 35 triệu, ông chưa bán. Ông gọi tơ duyên này là "quý vật tìm quý nhân".

Đắt nhất trong nhà ông bây giờ là cây thông hai lá dáng trục hoành. Cây thông này có "quốc tịch" Nhật Bản, hiện nay nó có một không hai ở Việt Nam. Hai năm trước, mấy người quen sang Trung Quốc buôn hoa quả, thấy cây đẹp liền chụp ảnh về giới thiệu với ông. Ông thích vì nó đẹp và nghệ thuật.

Ông mua 420 triệu, cây cao tiền nhất trong vườn nhà. Cây thông này xuất xứ từ Nhật, được bán sang Đài Loan, chuyển sang Trung Quốc, rồi về Việt Nam với ông Ngọ. "Anh có thể đi hết đất nước Việt Nam này cũng không tìm ra cây thứ 2..." - Ông tự hào. Có người trả 800 triệu, ông chưa bán, ông bảo phải được 1,7 tỷ mới bán.

Trong vườn nhà ông còn có "cây sanh Tân Trào" trị giá 1 tỷ đồng. Cây sanh này ông mua lại của một gia đình giàu có 6 năm trước. Họ trồng trong hòn non bộ trước nhà. Ông mua 230 triệu, chỉ mình gốc không. Rồi cho ra đất, chăm bẵm, cắt tỉa cho hòan thiện mới đưa lên đá và cho vào bể. Nó có dáng cây sanh trực tự nhiên, người ta còn gọi là dáng làng, cây đa đầu làng.

Nhưng ông từng là bộ đội, ông rất kính trọng cụ Hồ nên ông gọi nó là cây đa Tân Trào. Có ý tưởng biến nó thành cây đa Tân Trào thu nhỏ nên gắn tượng Bác Hồ và anh bộ đội vào gốc cây. Dưới phần xung quanh gốc, ông tạo thêm thảm cỏ như những bình nguyên cho nhẹ nhàng và hài hòa.

Trong vườn nhà ông, có một cây ông gọi là "dị thảo", hình dáng của nó được ông xem như vận vào cuộc đời mình. Toàn thân cây loằng ngoằng thành 3 khúc to nhỏ, dài ngắn khác nhau như chính cái khắc khổ đời ông. Đó là ông suy luận thế.

Ông cũng "hữu duyên" khi mua được cây này với giá 17 triệu. Có người đã trả 25 triệu, ông không bán. "Tôi muốn giữ cây "dị thảo" lại lâu lâu với mình, nhưng thực tế nhà kinh doanh khó giữ lắm. Người kinh doanh mà bảo là không bán thì mất hết khách hàng..." - ông trăn trở.

"Dị thảo" này ông mua mãi trong TP. Thanh Hoá. Cây này nguyên là của một họa sĩ, anh ấy cũng vất vả, cũng thích suy luận "dị thảo" gắn với đời mình. Thế nhưng, gặp ông Ngọ, anh họa sỹ kia rất quý. Cùng ý tưởng, chỉ dăm phút nói chuyện đã hợp duyên, anh họa sĩ để lại cho ông.

"Quỷ sứ cũng phải thuần!"

Nhiều người đi từ ngoài đường cao tốc Láng - Hòa Lạc vào xã Đồng Trúc tìm nhà ông đã tỏ ra băn khoăn. Vườn nằm sâu quá, họ không nghĩ nó lại đẹp thế. Nhất là có những người đến đầu làng nhà ông đúng mùa trồng sắn. Dân làng kéo cây sắn ngoài đường, trong sân nhà nào cũng đầy sắn đang phơi.


Nhiều đoàn tìm đến học tập mô hình của ông Nguyễn Văn Ngọ
Họ gặp ông và bảo: "Chú ng tôi nghe người ta giới thiệu, đến đầu làng nhìn thấy khung cảnh như vậy đã ngán. Ai cũng nghĩ làm sao ở mảnh đất này lại có ông nào làm được vườn cây có tiếng như thế. Nhưng khi lọt vào đây rồi, mê ngay ý tưởng và cách làm việc này...".

Vận chuyển cây đi trên đường, ông bị công an phạt suốt. Ông vẫn vui vẻ, chấp hành nộp phạt, vì mình vi phạm, chở quá khổ, quá tải… “Mình sai lè lè thì phải chấp nhận chứ, trốn làm sao được!”. Ông nói vui: “Làm xanh làm sạch cho đời nhưng vẫn phải nộp phạt!”.

Cây cảnh mang lại cho ông nhiều niềm vui. Đợt TV5 đưa tin, lan sang đến tận nước Mỹ xa xôi, có một Việt kiều quê gốc Thạch Thất năm nay đã 80 tuổi đã không tin ông Ngọ.

Cụ Việt kiều điện về bảo con trai (đang ở Thạch Thất), sang tận nhà ông Ngọ xem có đúng không. Cụ cứ thắc mắc tại sao một nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" như Thạch Thất mà lại có vườn cây đẹp thế. Con ông cụ sang xem, và trả lời cho ông cụ.

Khi ông cụ về thăm nhà, cụ bắt con cháu đưa lên đây thăm bằng được vườn cây. Sau đó, cụ già đã nhờ ông chuyển nguyên một cái mộ kiên cố đi chỗ khác cho dòng họ. Ông làm nhưng không lấy tiền. Cụ Việt kiều đã coi ông như con cháu trong nhà.

"Tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát triển cho đời con, đời cháu. Vì nghề cây này nhân văn và làm đẹp cho đời lắm. Dù có là quỷ sứ đi nữa cũng sẽ thuần..." - Ông nông dân đổi trâu lấy 10 tỷ đồng bộc bạch

 

camauteur

Thành viên
Các bác cho hỏi có ai thấy cây lộc vừng này chưa vậy, nếu ai có hình gởi lên cho xem với cảm ơn, nghe cây ngày nhiều rồi nhưng chưa từng thấy cây nó ra làm sao, không biết bây giờ nó lên bao nhiêu tỉ ???:confused:
 
Top