Tự tay phác thảo KIỂU DÁNG BONSAI (Bản đăng lại)

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Phần 2: Lý thuyết thiết kế với vài quy luật ứng dụng vào việc vẽ dáng Bonsai

Trong khi chờ đợi các bạn thực tập việc chấm chấm để đồ họa nguyên bản từ bản in hình chụp cây phôi (tạo bản vẽ nguyên dạng), mình trình bày tiếp đây một vài chuyện lý thuyết chúng ta nên biết.

Từ những lý thuyết do hàng ngàn người nhận xét, đúc kết và ghi lại chuyện mà chúng ta gọi là quy luật thiên nhiên, chúng ta lại đi ngược trở lại là dùng mớ lý thuyết đó áp dụng vào nét vẽ để đưa hình chúng ta vẽ thành giống cái cây thật.
Nói tổng quát vậy chắc các bạn hơi khó hiểu. Mình trình bày kỹ hơn dưới đây từng lý thuyết một.
Mời các bạn theo dõi và góp ý.

1. Luật phối cảnh và không gian 3 chiều

Bởi vì Bonsai là môn nghệ thuật thiên nhiên, thế nên nếu phân tích nét mỹ thuật của một tác phẩm thì đúng sách nhất là nên đứng ngắm một tác phẩm thật. Chứ còn chụp một cái hình đưa lên rồi bình thì e có phần chưa chính xác. Ấy là mình nói chuyện người chụp đã dư kinh nghiệm và trình độ để chụp lại hình ảnh tác phẩm ở góc độ tuyệt vời nhất và nguồn sáng hợp lý nhất để thấy nổi lên điều đặc sắc nhất trong tác phẩm.

Sở dĩ ý kiến cá nhân mình nói là: có phần thiếu sót chình vì hình ảnh tác phẩm trên giấy chỉ là hình ảnh không gian 2 chiều ( cao thấp, dài rộng). Đó là lý do tại sao người ta vẫn nói là thiết kế tác phẩm Bonsai ở không gian 3 chiều (cao thấp, dài rộng, gần xa hay như chúng ta thường gọi là chiều sâu), nhưng là để ngắm ở không gian 2 chiều (như hình cây trên giấy).

Điều đó có nghĩa là: mặc dù một phần tử nào của cây (thí dụ cái cành phía sau thân) chả xa mắt chúng ta là bao, nhưng nó vẫn là xa hơn cái thân (trước nó) thành thử chúng ta phải thiết kế "ăn gian" làm sao đó cho người xem thấy "cái cành hậu" đó nó chuồi sâu ra đàng xa. Làm được như thế, người xem mới thấy cái cây nó có chiều sâu, tức là một khối không gian 3 chiều.

Như vậy, muốn "ăn gian " để tạo được chuyện đó, chúng ta cần nắm vài chuyện của luật phối cảnh rồi vận dụng đưa chúng vào bản vẽ là xong.

Để đỡ nhàm chán và đỡ mất thì giờ, bởi vì những chuyện về luật phối cảnh vốn đã từng được trình bày ở vài chủ đề trong Diễn Đàn này ( Lý thuyết Rừng Bonsai, Phong cách thiên nhiên...) cho nên ở đây mình sẽ lược bỏ phần giải thích và chỉ nêu lại tên một vài qui luật. Ngay sau đó, chúng ta sẽ đem áp dụng vào bản vẽ (cách vẽ) để xem kết quả thế nào.

Nếu nói so sánh cho vui, dễ hiểu thì chúng ta có thể nói như vầy.
Qua kinh nghiệm sống, người ta quan sát và nghiệm ra rằng: ai có nốt ruồi ở khóe miệng thì thường là người ham ăn (chỉ là thí dụ). Vậy bạn vẽ gương mặt một thiếu nữ mà muốn cho mọi người ngắm hình biết: cô này ham ăn lắm. Thì đơn giản chỉ cần điểm cái nốt ruồi cạnh khóe miệng bức hình là xong. Khỏi phải đứng cạnh bức hình rêu rao giải thích làm gì.
Điều nói ở trên cũng vậy, nếu trong luật phối cảnh người ta đã nói: vật càng xa thì càng nhỏ dần. Vậy nếu cái cây có vòm lá nho nhỏ lộ ra ở gần đường chân trời là ta biết hậu diện ở tuốt xa phía sau.
---------------------
Định nghĩa phép vẽ phối cảnh :

Danh từ Perspective được chúng ta gọi là Phối cảnh, thực sự gồm 2 nghĩa. Một nghĩa là quan điểm hay góc nhìn của một người tới sự việc, đồ vật. Một nghĩa là phép vẽ vật thể hình khối (ba chiều: ngang dọc, cao thấp , xa gần) trên một mặt phẳng (miếng giấy) vốn chỉ có 2 chiều (ngang dọc, cao thấp) sao cho lộ ra được sự xa gần.
Đồng thời, cũng là vẽ sao cho thấy được mối liên hệ của món đó với những thứ chung quanh. Tỉ như một nhóm cây (rừng) thì nhìn vào là biết cây nào gần cây nào xa.

Các bạn đọc thêm tại đây: Phối cảnh
http://vi.wikipedia.org/wiki/Phối_cảnh

và xem hình tại đây : perspective drawing
https://www.google.com/search?q=perspective+drawing&biw

Vào hồi nào tới giờ thì phép vẽ phối cảnh được chỉ dạy trong trường lớp để thực hiện các hình vẽ kỹ thuật, kiến trúc, khoa học như thế này :









Thế nhưng chúng ta chơi cây, vẽ cái cây mà bảo ngồi học mấy thứ kiểu như trên mới vẽ được thì thôi nghỉ vẽ, nghỉ chơi cho rồi.

Bởi vì phép tắc chính của quy tắc vẽ phối cảnh là dựa trên các đường nét (linear):
-các đường thẳng đứng và ngang song song thì lúc nào cũng song song. chỉ khác nhau về khoảng cách giữa chúng. Càng xa càng xít rịt.
-các đường nét khác của vật thể thì tụ về một điểm cuối chân trời (tụ điểm hay mình gọi là điểm biến mất- Vanishing Point).

Đó là nhận xét của con người ta khi nhìn cái đường rầy với mấy cái cột điện cùng với những thanh gỗ ngang đặt dưới đường rầy xe lửa.





Đến đây thì mình nghĩ là các bạn đã thấy kiểu vẽ phối cảnh là gì.

Nếu vậy, khi chúng ta áp dụng cho việc vẽ cây mà chỉ dùng không gian 3 chiều (tức là có áp dụng luật phối cảnh một chút) cho cả hai trường hợp: nhóm cây (rừng) và một cây.

Chúng ta nên để thêm một chiều nữa. Và bạn nào "đưa" được chiều này vào bản vẽ cái cây nhiều chừng nào thì tác phẩm dễ có nét đặc sắc chừng nấy.
Đố bạn biết: đó là chiều gì đặc biệt cho phép vẽ dáng cây bonsai ?
(chuyện này là do mình chế ra, chứ thực sự thì chả chính xác lắm)
 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Chúng ta nên để thêm một chiều nữa. Và bạn nào "đưa" được chiều này vào bản vẽ cái cây nhiều chừng nào thì tác phẩm dễ có nét đặc sắc chừng nấy.
Đố bạn biết: đó là chiều gì đặc biệt cho phép vẽ dáng cây bonsai ?
(chuyện này là do mình chế ra, chứ thực sự thì chả chính xác lắm)

Thực sự thì đó là chiều thứ tư : chiều thời gian.

Thế nhưng ở đây, với bản vẽ dáng bonsai, chúng ta đâu có vẽ ra được cái chiều thời gian đó.
Mà nói cho sát thực tế hơn là không vẽ ra được cái cây "nó đang động đậy". Bởi vậy, nếu chúng ta "dùng những ký hiệu " nào đó trên bản vẽ để bảo cho người xem biết là : cái cây nó đang sống đấy !
hay ngon lành hơn, bạn dùng những nét đơn giản để bảo cho người xem : "cái cây đang hừng hực khí thế phát triển", thì lúc đó bạn sẽ được khen là vẽ rất sống động.
----------------

tmt_arc:

Té ra cái chiều thứ tư là cái cảm giác......
Cái này thì con quen nói là bản vẽ có hồn hay không có hồn. Nó củng tựa tựa như phương pháp ký họa, hoặc vẽ truyền thần.
------------------

GioNui:

Vậy thì cành lá chỉ là cái sườn, nếu vẽ được nét sù sì ở vỏ, hang hốc bọng ở thân, chồi non nơi chóp cành... biểu lộ được tuổi tác hoặc mùa sinh trưởng thì mới thấy được chiều thời gian phải không chú Hưng?
 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Cảm ơn góp ý của hai bạn Tmt_arc và GioNui.

Chiều thời gian ở đây quả là tạo cho người xem bức vẽ "cái cảm giác" nhưng là "cảm giác cái cây nó đang sống". Tức là "nó đang phát triển". Chứ không phải đang ngủ hoặc đã chết.

Cả vấn đề "màu thời gian (patina)" do bạn GioNui nêu cũng vậy. Đành rằng chúng ta cần những điểm: vỏ loang lổ, thân cành quằn quại, hốc bọng sù sì để diễn ta màu thời gian dài cái cây đã trải.
Thế nhưng nếu là cái thân cây đã chết thì hỏng. Bởi mục đích là "cái cây đang sống hoặc vừa thức dậy sau giấc ngủ đông để tiếp tục phát triển" mới là điều chúng ta muốn gởi tới người xem : cái cây đang sống! Nó là một vật thể sống và động đậy.

Đó là chiều thời gian. Dù chỉ là khoảnh khắc, nhưng nó vẫn là có gì đó khác biệt giữa cái giây phút đầu tiên mắt người xem vừa thấy cái cây đến giây cuối cùng khi mắt người xem rời khỏi cái cây : đọt lá và cành nó động đậy trong cái khoảnh khắc đó.

Trong nghệ thuật kiến trúc, người ta cần nét đẹo vững chắc và cứng nhắc. Ở các ngành khoa học và kỹ thuật, người ta cần vật thể "đứng yên" khi được vẽ ra. Thế nên cả kiến trúc lẫn kỹ thuật, người ta cần dùng thước để vẽ.

Với Nghệ thuật Hội họa và điêu khắc, người ta rất muốn thể hiện nét động ở vật thể được vẽ dưới nhiều chi tiết (các bạn nên nhớ : nét động mình nói đây không hẳn phải là "tư thế động". Tỉ như một người đã chết vẫn có thể ở tư thế động, giơ tây giơ chân như trường hợp chết đột ngột "hóa đá"). Sức "truyền cảm" của Hội họa và Điêu khắc ở "cái động diễn tả sức sống đang diễn ra " (= chiều thời gian) vốn được thể hiện rất mạnh ở "đôi mắt " và "tà áo bay".







Còn khi vẽ những vật thể "gần như tĩnh" nhưng không phải tĩnh, như con thuyền cột neo trên sóng nước, thì con thuyền vốn là vật "gần như tĩnh" nhưng người xem vẫn cảm thấy được nó bồng bềnh nhấp nhô vì hình ảnh mặt nước gợn sóng ngay trước mũi thuyền.


----------------------

Thế còn vẽ cây vẽ cối thì sao. Cũng tương tự vậy.
Các bạn sẽ thấy họa sĩ họ chỉ điểm thêm có vài nét đơn sơ là cái nhìn của chúng ta ở cái cành có vẻ chết khô sẽ biến thành cái cành già cỗi khô khốc nhưng vẫn còn chút sống đi kèm.





Hoặc ngay như một cây ngoài thiên nhiên với một vòm lá dày đặc, vốn khó cho người xem cái cảm giác nó đang động đậy. Họa sĩ họ chỉ thêm vào một hai cành lá lơi xuống là chúng ta cảm nhận "sự sống " của cây (= chiều thời gian).





 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Thể hiện cái cây trong bản vẽ bonsai cũng vậy, chúng ta nên để ý những chi tiết vốn rất dễ thực hiện = thêm vài cái chấm chấm, nhưng sẽ biến cái cành chết hay cái cành "bất động" thành cái cành đang bừng bừng phát triển.

Bạn xem thử cái cây này.



Và để ý xem ông cụ John Naka đã vẽ thế nào khi đưa cái cây ấy vào Bonsai.



(Pictures from Bonsai Today II, by John Naka. for training purpose only)

Tuy rất nhỏ, nhưng chính những "điểm cong lên trời " ngoài ngọn cành và "những lá kim li ti hướng thượng" đã gây cho chúng ta cái cảm giác "cái cây đang sống" và "sống mạnh" dù cho cái ngọn đã bị chết khô vì sét đánh ?

Các bạn có đồng ý không ?
-----------------

Cho nên mình muốn nhắc các bạn : chỉ thêm một vài chi tiết là hình cái cây chết chuyển sang cái cây "đang sống" rất dễ dàng.
Thực tế hơn, bạn nhìn hai bức hình mình chụp cái cây gần nhà đây xem.





Nhìn ngắm hai cái cây này chắc các bạn cũng chưa thấy gì rõ ràng để cảm được : nó đang sống.
Thế nhưng nếu chụp gần một chút :



Với những đầu cành hướng lên trời và nụ lá, nụ hoa phù ra (to hơn cành ) ắt hẳn chúng ta cảm được ngay cái sự trỗi dậy của cây. Tức là chiều thời gian đã được thể hiện.



Kể ra thì mắt con người ta nó rất ngộ! Chình bởi thế, nó rất dễ bị "xí gạt".
Và nó càng hay bị lừa một khi trong đầu người xem vốn đã "định hình một khung" do kinh nghiệm sống (từng trải) tạo ra : cứ cành mà ngóc đầu lên = đang sống. Đầu cành mà phù to = nụ hoa, nụ lá = đang nở dần.

Bạn xem thử cái cành mình chấm chấm dưới đây xem.





Cành phác bằng bút chì. Chỉ là một cành.
Nếu chụp trong khung mà thấy cái cành hướng xiên lên trời = có vẻ đang còn sống. Nếu xoay máy ảnh chụp như cành chúi xuống đất = có vẻ đã chết.

Tương tự với cành A và B.



Còn như cái cành mà có mấy nụ hoa phù lên thì đầu óc chúng ta "quyết đoán" ngay :
cái cành đang phù nụ, sắp bung đọt lá, nở hoa.

Để nhấn mạnh hơn về mức "hướng thượng" của đọt lá hay chồi hoa, các bạn để ý thấy ngay đỉnh mỗi đọt chồi còn thêm một cái chầm. Thế là mắt con người ta bị ngay cái chấm ấy nó phỉnh. Thấy cái chấm ấy là liên tưởng ngay tới đỉnh nhọn của cái búp. Bộ não bèn kết luận : cái búp lá ấy phát mạnh, sắp bung !
Các bạn thấy, chỉ là thêm có cái chấm bé xíu.

 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Vòng vo dông dài chuyện chiều thứ tư cho bản vẽ bonsai là ý mình muốn nhắc chừng các bạn rẳng : chuyện áp dụng phép vẽ phối cảnh vào bonsai thì chắc đã từng được đề cập đâu đó. Dĩ nhiên, phép phối cảnh thì việc tạo ra chiều sâu là cần thiết. Riêng việc áp dụng chiều thứ tư vào bản vẽ thì ít người để ý.

Như với cụm rừng thì cây trước thật to, rõ. Cây nhì vừa vừa, và những cây càng xa càng nhỏ. Tàn lá cây càng gần thì càng rõ, vòm lá cây xàng xa thì càng khít rịt, gần như chả còn phân biệt được cành với lá

(Vài hình trích trong "Trees, Learn to draw step by step",by William F. Powell
for training purpose only)








------------------------

Đối với một cây bonsai trong chậu, dĩ nhiên chúng ta cũng thường để ý tới phần 3D khi thiết kế cành hậu. Thế nhưng trong bản vẽ, các bạn thấy chúng ta cần để ý hơn nhiều lắm.
Thí dụ như cây Phượng sân trường được bạn Đaothanhhoa họa lại dưới đây.





Thoạt trông thì thấy cũng được. Nhưng nhìn kỹ ở chỗ chãng ba, chúng ta thấy sao hai nhánh đâm chéo vào phía lầu ngôi trường nó phù to vậy.
Nhìn kỷ hơn nữa vào hình chụp bạn thấy ngay : chắc là do bạn Đaothanhhoa vội vẽ, không nghiên cứu kỹ bức hình chụp, và lại không biết cách chấm thêm vài chấm ở những chỗ phân nhánh; thành thử chúng ta khó thấy được cành nào mọc ngang thân, cành nào mọc sau thân.

Đó chính là việc cần áp dụng phép vẽ phối cảnh (gần thì to, xa nhỏ ) với "chút xíu thủ thuật"
(thêm vài nét) vốn không rõ trên hình chụp, để người xem nắm ngay được : những "ký hiệu"
giúp bộ não suy ra ngay các vị trí trước, ngang và sau thân.

Đó là điều chúng ta sẽ lần lượt bàn tới 4 phần : rễ , thân, cành, vòm lá khi thể hiện lên giấy
(với phép vẽ phối cảnh và chiều thứ tư), cho dù bạn đang là chấm chấm theo hình chụp
bên dưới.
-----------------------

Chúng ta sẽ tuần tự xét kỹ lại một vài chi tiết chỗ nối cành vào thân, đoạn phù gốc do rễ và những khớp chuyển cành, xem nên chấm chấm hoặc vẽ ra sao thật đơn giản, mà người xem nhận ra ngay phần nào trước mắt, phần nào sau lưng.



 

dungvan

Moderator
Nguyên văn bởi cuongnguyen: Đây là kỹ thuật vẽ chồng lên để phân rõ các lớp vẽ phải không bác?
hqvuhototbung
Đúng vậy.
-----------------

Cảm ơn các bạn đã đặt câu hỏi và góp ý.
Tiếp đây, chúng ta sẽ xem qua cách thêm nét như thế nào ở các phần rễ thân cành vòm lá nhẳm giúp phân định xa gần trước sau củ mỗi chi tiết trên một cái cây già lão.

Biết được chuyện đó rồi, chúng ta lại quay về việc chấm chấm bản in nguyên dạng một lần nữa. Chắc là làn thứ nhì này sẽ rõ ràng hơn.
Tiếp, chúng ta sẽ phần 3 :thiết kế tạo dáng cây theo ý chúng ta.
---------------------

Nguyên văn bởi daothanhhoa: Con trang thủ chấm lại cây để thấy cành nào nằm gần ta, cành nào xa ta (trước-sau), các chỗ mũi tên là chạc cây con đã chấm lại. Bản này chỉ chấm sơ bộ để biết cành trước sau thôi, chưa bàn đẹp xấu.



Bác và các anh em xem và chỉ thêm cho con nhé.
kể ra thì chưa hoàn chỉnh. Nhưng so với hôm đầu tiền thì đã khá lắm rồi. Bạn đã biết chỗ thưa chỗ xít, chỗ đậm đen và phân nhánh là rất tốt. Hy vọng sau khi nắm rõ các khu phân nhánh, bản vẽ "chấm chấm" của bạn sẽ sống động hơn.

Có một điều mình không chắc lắm nên muốn hỏi rõ bạn Daothanhhoa :
a.bạn có vuốt dầu bản in cho trong ra không ?
b. bạn có dùng hộp đèn hay gì đó tương tự hộp đèn không ?
 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Nét chấm chấm bộ rễ

Gần như bộ rễ của cây cối chúng ta chụp ngoài thiên nhiên là không có. Nhiều lý do để thiếu bộ rễ ở trường hợp này.
Tuy nhiên, với đa số những cây phôi chúng ta muốn đưa vào bonsai thì bộ rễ lại lộ ra nhiều. Bởi vậy, bộ rễ cũng cần được lưu ý. Nhất là phần "cổ rễ". Tức là khoảng chúng ta hay gọi là "đế".

Cây thực tế ngoài thiên nhiên thì hơi hiếm thấy rõ bộ đế. Nếu có chăng, cũng chỉ tí chút. Mình đoán là do "đất trồng rộng rãi" thành thử rễ ít bị ùn động. Tuy rằng có một số loài cây rễ bè ra như cái cánh, nhưng số này chả nhiều. Trong bonsai, mình cũng chỉ thỉnh thoảng thấy ở cây "Bụt mọc" (Bald Cypress, Taxodium distichum)



Cũng chỉ là số rất ít có bộ rễ như trên.
Hoặc đặc biệt ở những cây Si (Ficus benjamina) bên lề đường bị nắng rọi vào một mặt và trên mặt có vỉa xi-măng thì rễ cũng có dạng u gồ , rắn lượn.





Chứ còn thường ra thì cũng chỉ tương tự như mấy cây "Tử Vi" ( Lagerstoemia indica) trồng ở lề đường đây là cùng.





Tuy nhiên, có một điểm mình muốn nhắc chừng các bạn giữa thực tế và bản vẽ về bộ rễ cây bonsai.
Nếu bạn nhìn kỹ bộ rễ những cây Tử vi trồng ngoài đường, bạn sẽ thấy phía bị nắng rọi mạnh nhất sẽ gây rễ phù to nhất. Còn phía đối diện không nắng thì chả thấy tí rễ nào.
Đó là trường hợp xảy ra rất nhiều cho những cây ở vùng vĩ độ +20 trở lên.
Ở vùng vĩ độ +10 như Sài gòn thì mặt trời vẫn có thể lòn ra phía sau cây. Thế nên ít bị tình trạng rễ phù 1 bên.

Ấu vậy nhưng khi đưa cây vào bản vẽ bonsai, chúng ta lại phải tìm cách giải quyết chuyện bộ rễ không cân này. Chuyện này chắc sẽ để bàn ở phần thiết kế. Ở đây, mình chỉ nhắc chừng để các bạn liệu cách "ăn gian" sao cho thuận mắt ở ngay cả bản vẽ chấm chấm nghuyên dạng.
 

dungvan

Moderator
Nguyên văn bởi Yeuthiennhien89

hqvuhototbung
Cảm ơn bạn Yeuthiennhien89.
Có lẽ nhờ "hộp đèn" đặc biệt và mức chịu khó, bạn đã đạt ngay mức ngưỡng cửa dân "pro".
Đúng là một tài năng mà chưa được phát triển tới mức. Chúc mừng bạn.
 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Tiếp tục việc vẽ bộ đế rễ của cây phôi hay cây ngoài thiên nhiên.
Như đã trình bày trên, cây ngoài thiên hoặc cây phôi vốn ít có bộ rễ cho ra hồn. Bởi vậy, chúng ta nên liệu tưởng tượng để thêm vào bản chấm chấm cây nguyên dạng cho hợp lý.
Còn thảng như cây có bộ đế rễ đẹp , rõ mồn một như cây của bạn Yeuthiennhien89 :



thì chắc chắn là chúng ta phải chấm chấm copy nguyên dạng.

Sau khi vẽ nguyên dạng, nhìn vào đó, chúng ta có thể chuyển sang bộ rễ đã được cắt bỏ những phần không vừa ý (có thể làm hỏng dáng) khi bước vào việc thiết kế.
Khi đồ lại nguyên dạng, chúng ta rất cần chấm chấm sao cho nổi rõ được sự chồng chéo của rễ để giúp việc chỉnh sửa sau này. Chứ còn cứ là chấm chấm vòng ngoài của bộ rễ thì chưa đủ.

Các bạn nghiên cứu một vài hình ảnh dưới đây xem sao.
Giả như bạn chấm chấm theo bản in và được bộ rễ như sau



Tách bản vẽ ra khỏi bản in, bạn được hình như trên.
Bạn thấy có vẻ cũng được phải không ? Tạm coi như xong cũng chả sao.

Nhưng nếu bạn thiết kế xong, mà bản vẽ như trên thì không làm nổi bộ rễ u nần lên được. Vậy thì chỉ cần bạn bỏ thêm vài phút, nhìn vào bản in, phân định rõ ánh sáng từ phí nào tới.
Phía nhận ánh sáng nhiều thì để trắng. Phía ít ánh sáng thì chấm chấm. Nhiều hơn tí thì gạch gạch. Còn như cái hũm tối thui thì bôi đen. Thế là bộ rễ sẽ nổi hơn.



Trông có vẻ nổi hơn được một chút phải không? Chúng ta còn có thể làm cho nó nổi rõ hơn nữa.
Muốn vậy, cần phân định những đường cong. Chúng ta sẽ xem một vài thủ thuật vẽ cái rễ cong, u nần thế nào.
---------------------------

Nguyên văn bởi maianhtuan81 Thưa thầy Em xin phép "cắt ngang " một chút là :
Nếu em bỏ qua các bước đầu tiên mà chỉ nhìn qua hình chụp rồi "chấm chấm" có được không a !
(Thực tế em đang viết bài và theo dõi bằng máy tính bảng ,các chức năng in ......! em không rành lắm vậy nên em không làm theo tất cả các bước mà thầy hướng dẫn được ah ! )
hqvuhototbung
Có 2 trường hợp bạn nên hiểu.
1. bạn có khả năng nhìn hình và chấm chấm. Cứ việc làm cho nhanh.
2. bạn không quen vẽ, như rất nhiều bạn khác, thì đành là ta "viết tập đồ " cho quen. Cũng "viết tập đồ " hết vài trang là quen.
Vả lại, việc chụp hình in ra rồi đồ theo, với mình vẫn là phương pháp tương đối nhanh nhất và chính xác nhất (kể cả copy thu nhỏ, phóng lớn cũng tiện).

Tại sao mình đề nghị các bạn chấm chấm mà không lấy bút vạch ra nét. Chấm chấm thì ai cũng chấm được. Cứ là khác nhau ở chỗ từ từ hay chạy vội. Chứ còn vạch thành nét mà không quen cầm bút thì e rằng không dễ. Vả lại, ngay cả những bạn có tuổi, hay vì lý do làm việc "cứng cáp " nhiều, tay không còn mềm dịu để nghe lệnh bộ não được nữa, cũng khó lòng và vạch khớp với hình. Thế nên, thôi thì ta cứ chấm chấm cho đỡ phải nghĩ ngợi.
Thường thì chấm chấm xong bạn thấy hình chả đẹp đâu. Vậy chứ bạn dán hình lên tường bước xa 3 thước nhìn lại thử coi. Cũng đẹp ra phết!

Riêng việc bạn không in được mà muốn thì dễ thôi. Ghé chỗ co máy in, nhờ người ta in hộ một bản trắng đen. Rồi thì phóng to thu nhỏ thêm gì đó tùy bạn.

Tóm lại, nếu bạn có khả năng vẽ lại bằng cách nhìn hình thì cứ vẽ. Còn bạn chưa vẽ bao giờ mà muốn có bản vẽ thì nên chấm chấm.
Còn như muốn chấm cho rõ chi tiết để hình nổi rõ chỗ sáng chỗ tối chỗ cua quẹo chỗ lồi lõm thì nên làm hộp đèn và vuốt dầu làm phim là nhanh nhất.
 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Nên cầm bút như thế nào

Trước khi chúng ta vào phần phân tích các nét vẽ rễ, các bạn cho mình nhắc lại một chi tiết nhỏ xíu nhưng hết sức quan trọng: cách cầm bút vẽ.
Điều đầu tiên các bạn nên rõ: cầm bút vẽ hoàn toàn khác với cầm bút viết chữ.

Mỗi loại bút vẽ cần được cầm ở những tư thế khác nhau.
Cho nên, nếu giả như kẹt quá, bạn xài bút chì thì cũng nên biết rằng nên cầm khác bút mực khi vẽ. Bởi vì mỗi loại bút sẽ cho một kiểu nét hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta không vào chi tiết làm gì. Ở đây, mình chỉ nêu 2 trường hợp thông thường: bút chì và bút mực.

Với bút chì, thường ra có 3 lối cầm cho 3 loại nét (chuyện này thì bạn Tmt_arc rành hơn mình. Có gì thì bạn bổ xung giúp).

a. nếu bạn vẽ vài chi tiết nhỏ thì cầm gần như viết chữ, hoặc gần đứng.



b. nếu bạn vạch những đường ngang thì nên cầm dài ngón tay ra, bút gần như nằm xuống mặt giấy, hợp góc khoảng 30 độ .



c. nếu bạn vẽ những đường thẳng đứng thì hoàn toàn khác: bạn đặt bút chì nằm trên bốn ngón tay, dùng ngón cái đè lên bút. Bút sẽ nằm ở tư thế rát sát mặt giấy



Nếu các bạn biến đổi ít nhất ở 3 cách cầm như trên, việc thực hiện những nét bút chì sẽ rất dễ dàng như ý.
Bạn xem hình cách mình cầm bút chì trên đây thử.
---------------------------

Trong khi đó, với bút mực thì hoàn toàn khác.
Các bạn ráng tránh đừng cầm bút để vẽ hệt như cầm bút để viết.
Bởi vì 2 chuyện: rất khó xoay trở để có nét vừa ý và nét bút không giữ được đều. Tức là không diễn tả được "nét khởi đầu" và "nét kết thúc" ở bút mực khi bạn tạo những nét vuốt thẳng hoặc cong, vốn rất cần cho việc tạo hình nổi.
Các bạn sẽ thấy rõ chuyện này khi chúng ta phân tích việc vẽ rễ ở điểm A1.

Các bạn nên cầm bút mực thẳng đứng như cầm bút lông vẽ chữ Tàu vậy. Có vẻ như bạn cầm bằng 2 ngón tay và sẵn sàng để xoay xoay được bút (đó là đặc điểm của cách cầm bút lông vẽ nét xoay và móc hất lên).
Dựng bút đứng thẳng và cầm bút nhẹ nhàng. Đừng giữ chặt: chóng mỏi và khó tạo nét. Bạn nên nhớ: tài xế lái xe giỏi rất hiếm khi phải ghì cứng tay lái.Thường thì ai lái xe quen cũng gần như chỉ tựa tay vào tay lái phải không ?



Đừng nên cầm bút mực khi vẽ như lúc viết bài thế này:

 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Phân tích các đoạn vẽ rễ

Chúng ta lần lược xem qua vài chi tiết ở 4 đoạn rễ :

A1 : đoạn rễ ngang sau thân trồi ra chúi xuống đất.
A : đoạn rễ nối thân tạo phù đế
B : đoạn bụng rễ
C : đoạn cuối rễ, chỗ rễ vào mặt đất.

Bởi vì rễ ở cây bonsai chúng ta thiết kế, nếu có, sẽ là một điểm gây ấn tượng rất mạnh về sự vững chãi và già lão.
Vì thế, không có rễ lổn ngổn để vẽ thì thôi. Chứ một khi đã vẽ thì nên vẽ hết sức cẩn thận tỉ mỉ mới có thể lộ rỗ nét đẹp của tác phẩm.

Vả lại, như các bạn cũng biết: bộ rễ của cây rất ít được thay đổi. Thế nên, chúng ta lại càng cần phải kỹ lưỡng.

Chứ thường ra thì các họa sĩ vẽ cây cối ngoài thiên nhiên, họ cũng chỉ sơ sài phần đế cây (đa phần là lấy cỏ che đế)





(Pictures from Drawing Trees , by Adrian Hill. For training purpose only)

Chúng ta sẽ lần lượt xem các phần sau đây.

 

dungvan

Moderator
GioNui

hí hoáy thử coi sao





Chấm đã đời rồi lên mạng coi lại cái gốc cây của chú Hưng thì thấy là phải dùng các nét cong thì mới nổi 3d lên được. Chấm từ gốc cây chấm lên nên càng lên trên càng xấu dần, do ẩu dần..
 

dungvan

Moderator
hqvuhototbung

Cảm ơn bạn GioNui đã đăng hình. Thế này là cũng khá rồi.
Chỉ cần đến ngày mai, bạn đọc thêm chủ đề này, tô đậm hơn những chỗ cần là cái thân nó nổi lên ngay thôi. Chả vẽ bao giờ mà chấm chấm được vầy cũng thích chứ nhỉ ?
--------------------

Chi tiết tại phần A1

Các bạn nhìn kỹ phần rễ ở A1 trong hình dưới đây.



Một số điểm cần lưu ý:

-đó là đoạn rễ mọc sau thân: đường thân không bị gián đoạn.

-đó là đoạn rễ xa mắt nhất: khi vẽ, độ tối phải mờ nhạt hơn những rễ gần mắt (trước mặt) cho nên ếu chấm chấm hay vạch cong, vạch thẳng thì các vạch nên rất nhẹ tay và hơi thưa ra (để phù hợp phép vẽ phối cảnh: vật xa thì mờ nhòa)

-rễ vẫn cần lộ ra chỗ sáng (lưng trên) và chỗ sáng thì hơi lóa cho nên nét phần lưng trên của rễ này nên chấm thưa và nhẹ.

-rễ cũng cần chỗ tối: bụng dưới phải tối, bởi vậy nét bút chấm thật xít.
Ở đây, bạn có thể để nhẹ bút trên mặt giấy rồi nhích qua nhích lạc cho đậm theo đường dzich dzắc.

-nên nhớ rễ cây không phải thẳng băng như cái ống nước. Dù là ống nước cao su có cong queo thì cạnh của ống cũng vẫn là thẳng như đường chỉ.
Rễ cây cũng như các phần khác của cây (trừ chi dăm nhuyễn) cần dzích dzắc đường biên chỗ có chỗ không, chỗ đậm chỗ lạt mới là rễ.



Mới đồ họa theo bản in thì như trên.
Sau đó, để cho dễ, các bạn có thể tách rời bản vẽ trên khỏi bản in. Nhìn kỹ bản in để xem hướng ánh sáng từ đâu tới và tô đậm chỗ tối như sau.



Để có vẻ tự nhiên một chút, bạn tô đậm vài điểm trên lưng sáng cho thấy cái thẹo (rễ lồi lên mặt đất hay bị chết rễ con = thẹo).
------------------

Nét cong tạo hình trụ ở rễ

Bạn nên để ý những nét cong tạo cho đoạn rễ ra vẻ một hình trụ.
Ngó kỹ vào phần vẽ vạch cong tạo vẻ hình trụ bên phải, các bạn thấy gì ?



Có 3 chuyện chúng ta nên để ý :

a. nếu đặt bút từ đường viền đậm (bụng dưới ) hất cong lên về phía trái, chúng ta thấy nổi lên cái hình trụ lồi.
Nét hất này có hai phần: phần khởi đầu và phần kết thúc.

Dù nét bút có nhỏ thế nào thì phần khởi đầu cũng có vẻ "to, nặng, đậm" hơn phần kết thúc.
Mắt người xem sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn ở nét vuốt đuôi này khi bộ não phán đoán hình dạng rễ.

b. Bởi vậy, bạn cần nên luôn luôn hất nét vuốt từ phần đậm lên phần nhạt. Tức là chỗ tối ra chỗ sáng (lưng rễ sáng). Chứ mà bạn tạo đường vuốt từ trên xuống (chỗ sáng sang tối) cho thuận tay (dễ hơn) thì đâm hỏng chuyện.

c. để dễ vuốt từ dưới lên và hất ngược sang trái (vốn khó, vì ngược tay), các bạn chỉ cấn xoay ngược tờ giấy lại. Thế là bạn sẽ vuốt xuôi từ trên xuống.
==================================

Biết được những điểm mình vừa nêu trên vậy là đủ cho những đoạn rễ mọc sau thân ra. các bạn nên thực tập ngay xem sao. Vẽ xong, nhìn không đẹp đâu. Nhưng các bạn chỉ cần đưa ra xa mắt vài mét là sẽ thấy nó nổi, nó chìm thế nào ngay thôi.

Một điều nhỏ nữa: khi vuốt cong lên, các bạn thu xếp sao cho cuối của những nét cong đó, gần như liên tục, tạo ra một đường dzích dzắc và lộ ra phần sáng của lưng rễ . Bạn ngó vào hình cái rễ sát thân (A1)chỗ khoanh tròn sẽ thấy.

Chúc các bạn sớm đạt.
 

dungvan

Moderator
vincentvo1975:

bắc trước chú Núi vẹt vẹt thử coi nó có ra cái cây hông. ăn cấp đở cái hình mần thử nha chú Gió


==================================

tmt_arc:

Nhìn Gionui vẽ gọn gàng, tươm tất. Nhìn nét vẽ của anh Vinh thấy bay bổng ghê
==================================

hqvuhototbung:

Cảm ơn bạn Tmt_arc đã góp ý và nhận xét về bức họa của hai nhân vật GioNui và Vincentvo.

Với mình, bức vẽ của bạn GioNui biểu hiện sự kỹ lưỡng nhưng chân phương.
Còn ở bạn Vincrntvo thì ngược lại: có hơi cẩu thả. Nhưng khổ nỗi, chút cẩu thả của một tài năng thường đưa đến kết quả hết sức bất ngờ: bức vẽ chấm chấm lại rất có hồn.

So bức vẽ đầu tay của bạn Vincentvo với họa sĩ tài danh Van Gogh có vẻ như của Thày với trò ấy chứ ?



Hay Vincentvo là truyền nhân của cụ Vincent Van Gogh cà ?
Nét tranh của Vincentvo giống lạ lùng .
 

dungvan

Moderator
Chi tiết ở phần A2

Có thể nói phần A2 là khu vực hết sức quan trọng cho dáng cây bonsai chúng ta thiết kế. Nói ngắn gọn thì đây là điểm để người xem thấy cái cây bonsai không phải là cái cột điện thân gỗ.

Thành thử dù cho không rõ cái đế cây ngoài thiên nhiên, nhưng muốn cho người xem cảm được sự vững chãi = "bấu rễ vào đất" của cái cây dạng cột trụ, cụ John Naka cũng như các họa sĩ đều phải kiến tạo cái cây ở dạng bè chân ít nhiều.



Với hình ảnh những cây ở xa thì vẽ phiến phiến như những hình dưới đây để người xem tự tưởng tượng thì được.



Chứ một khi đã đưa vào bonsai, với cái nhìn rất gần, (khoảng cách 1-2 mét) không cho phép chúng ta để trống trơn ở phần gốc.

Đương nhiên là nếu rễ đâm tua tủa từ gốc ra ngoài như lấy đũa cắm vào gốc cây chuối thì trông không ra gì.
Có nghĩa là quanh gốc cây mà có độ chục cái rễ (gần bằng nhau) túa ra thì khó lòng bảo cây đó già.





Nhưng nếu có 2-3 cái rễ bè ra theo chiều ngang hay đính vào thân chiều đứng thì chắc chắn ai ai cũng dễ công nhận ngay rằng : cái cây nó già chát.

Chủ yếu ở đây, với khu vực A2 đang bàn, mình muốn nhắc chừng các bạn: tránh đừng thiết kế khu vực đế (cổ rễ) như kiểu phát rễ đồng loạt, đồng cỡ như trên.
(tuy rằng thực tế thì những cây bonsai có bộ rễ như trên sẽ rất sung mãn. Bởi bộ rễ đó còn "trẻ", làm việc tốt).

Đặc biệt là kiểu phát rễ ở gốc những cây Du chiết (như 2 hình đầu ở trên) lại càng nên tránh.

Cho nên, nhắm vào khu vực A2, chúng ta sẽ thấy ngay: cho dù gốc cây chỉ phù nhè nhẹ, nhưng sự lồi lõm ở gốc (theo chiều dọc) sẽ cho người xem một hình ảnh "rễ dựng cánh" ở thân.
Phác thảo bộ đế bè ra như hình dưới đây thì dễ rồi.
(hình trích trong interrnet)



Hoặc như hình do cụ John Naka phác dưới đây thì bộ đế và rễ cũng rất đơn giản



Nhưng nếu chúng ta để ý học kiểu cụ John vẽ bộ đế cây Bụt mọc thì đơn giản nhưng lại rất tuyệt .



(Pictures from Bonsai Techniques II, by John Naka. For training purpose only)

Nói vòng vo, rốt lại là chúng ta cần chăm sóc nét vẽ kỹ ở phần đế gốc phù và nối với rễ. Nếu những vệt phát rễ ở gốc càng có vẻ nhừ từ trên cao xuống thì bộ đế và rễ trông càng vững, dù chỉ có 2-3 rễ.

Bạn hãy quan sát phần thân nối gốc cây dưới đây rồi chúng ta bàn tiếp.

(Còn tiếp)
 

dungvan

Moderator
Tiếp:

Bạn hãy quan sát phần thân nối gốc cây dưới đây rồi chúng ta bàn tiếp.



Nếu chúng ta in hình trên này ra và chấm theo, nhưng không để ý kỹ phần "gân guốc phát rễ từ cao " trên cả phần cổ rễ ở thân, thì rõ ràng là bệ đế có bè ra thật nhưng vẻ già nua + vững chãi của cây kém hẳn.



Cho dù bạn có phác vòm lá thì phần gốc cũng chưa lộ vẻ già lão gân guốc, vững chãi cho hợp với toàn bộ chi cành ở trên được.

Tóm lại, rất cần thiết vẽ hơi lố phần gốc cây lồi lõm (chiều dọc) để tạo ấn tượng "rễ mọc cánh".
Chúng ta sẽ vẽ thế nào để gốc cây thêm "gân guốc" với vài nét ?



-----------------------------

Nguyên văn bởi Hiệp Nguyễn:
Thử vẽ lại lần 2 sau khi thay bằng bút đen, giấy trắng và hướng dẫn vẽ đen trắng, đường nổi của chú. Ôi, cây trông thật hơn nhiều !
Mong chú vui khỏe để truyền thêm nhiều kinh nghiệm nữa để những bản vẽ sau này của chúng con tiếp tục được hoàn thiện !

hqvuhototbung:
Thôi chết! mới có 3 ngày mà đã vẽ thế này ?
Chắc các bạn khác phải xem lại rồi ?
-----------------

Ấy là mình nói đùa chút cho vui vậy. Chứ những bạn nào có tí tuổi mà đang thử tập chuyện chấm chấm này thì khó bì lại được với bạn Hiệp Nguyễn rồi.

Mình đoán một phần là bạn Hiệp Nguyễn còn trẻ. Tay còn thường xuyên cầm bút. Tay chưa đến độ cứng còng hay run run vì thiếu cà-phê hay mới xong cữ rượu. Lại nữa, bạn ấy thuộc kiểu học 1 biết 10, thành thử bản vẽ từ dạng chấm chấm nhảy sang tô nét. Thế thì những bản chấm chấm của các bạn khác làm sao bằng được.

Các bạn thử xem bản chấm chấm của một tay bonsai kỳ cựu Herb L. Gustafson này coi. Nhìn thì cũng đạt lắm, nhưng độ sắc nét thì khác với kiểu vẽ liền lạc.
(Pictures from The Bonsai Workshop, by Herb L.Gustafson. For training purpose only)



Nếu so ra với bản vẽ của bạn Hiệp Nguyễn thì...........chả sắc nét bằng !

 

dungvan

Moderator
Mời các bạn để ý tiếp về phần A2 của bộ đế rễ (Rễ +cổ rễ).
Để sự việc đơn giản, dễ hiểu, dễ thực tập và dễ sáng tạo kiểu dáng sau này, chúng ta lấy bộ rễ xòe cánh làm căn bản chuyện vẽ thêm chi tiết cho nổi phần sáng tối.

Nổi phần sáng tối ở phần rễ nhô lưng thì các bạn cứ xem nó như cái mái nhà là được. Chúng ta cứ giả sử như có ánh sáng xiên ở một bên chiếu tới. Vậy là 2 cái mái nhà ắt một bên sáng, một bên
tối (sáng mờ).





Giả sử như chúng ta có một cây với bộ đế như trên.
Với 4 rễ cồ ở mặt chính diện, chúng ta gọi : cây có 4 đỉnh rễ (lưng rễ) và 3 khe. Trong phép vẽ, phần đỉnh (lưng) vốn cao sẽ nhận ánh sáng nhiều. Phần "khe" càng sâu thì càng tối.
Ở phép phối cảnh, những gì gần mắt chúng ta nhất thì vạch càng rõ, càng thưa. Những gì càng xa (càng cao) thì vạch càng khít càng mờ, nhỏ, ngắn.

Trở lại chuyện sáng tối.
Nếu coi một rễ như rễ A, chúng ta thấy 2 mái : trái tối, phải sáng. Vì ánh sáng giả định là từ bên phải tới.





Vậy thì (như hình trên), nếu chúng ta tô đen mái trái và không đụng gì tới mái phải, ắt hẳn hình ảnh của lưng rễ nổi lên. Hay nói khác đi, chúng ta thấy ngay bộ đế rễ nổi hơn.

Rễ ở cây thì không thẳng băng như cái mái nhà. Vậy thì, nếu đường lưng của rễ và đường khe ngoằn ngoèo, ắt là cái rễ ngoằn ngoèo.



Chúng ta áp dụng vào một gốc cây thẳng xem sao.





Giả như chúng ta đã chấm chấm đường bờ của bộ đế và vài đường sáng tối.
Sau đó, để chi tiết hóa dễ hơn, chúng nên lấy bản vẽ chấm tổng quát ra khỏi hình in. Nhìn hình in, chúng ta đánh đậm những khe trước. Tức là lo vẽ chỗ tối nhất trước).



Kế đó, nếu ánh sáng từ phía trái xiên tới thì chúng ta đánh đậm mái phải. Mái trái chỉ có chút tối ở khe hắt lên.



Còn một điểm nhỏ : ánh sáng tới một vật tạo chỗ tối, chỗ sáng. Thế nhưng cũng có những khoảng trung gian giữa sáng và tối do 2 chuyện: hiệu ứng giao thoa ánh sáng tới vật cản và sự phản chiếu của vật hay nền đối diện.
Mình chỉ là nhắc chuyện này cho những bạn nào cần tinh hơn, thì liệu chừng nghiên cứu thêm. Bình thường như chúng ta chơi cây thì sáng tối là đủ.

Nếu tách rời 4 giai đoạn vẽ sáng tối, bạn sẽ thấy điểm tối nhất là phần "khe" sẽ chạy dần lên thân. Càng lên cao điểm tối càng yếu dần = khe cạn dần, mờ nhạt dần và hẹp dần. Điều đó sẽ hợp với phép phối cảnh để mắt người xem đánh giá = a! cái phần rễ nó từ trên cao chạy rõ dần dần xuống. Cây này già thiệt!
Các bạn chịu khó tập vẽ vài lần với bộ đế do chính tay bạn phác ra thử coi.
hqvuhototbung
 

dungvan

Moderator
Nguyên văn bởi tmt_arc:
Gởi tới các bạn hình mình chấm lại ảnh cây tùng chú Vũ Hưng đăng trong trang 1.
Qua đây, tuy tay chân mình không được khéo léo, và nét còn vụng về.
Nhưng các bạn mới làm quen có thể thấy là nhìn vào ta phán đoán ngay đó là cái cây chứ không phải cô gái nhỉ......
Củng vì tính ưu việt của phương pháp chấm, và củng một phần sợ các bạn mới tập bối rối, phân vân giữa nét vẽ và nét chấm, không biết chọn nét nào để thể hiện.
Nên mình cố gắng dùng nét chấm gởi các bạn để thấy chấm chấm nhìn củng tạm tạm nhỉ.....??



hqvuhototbung :
Rất đẹp.
Có điều bạn nên ghi là : Calif. Juniper do John Naka vẽ dáng. Tmt_arc họa lại (theo lối chấm chấm). Chứ bạn để tên mình, bàn dân thiên lại nghĩ cây do mình vẽ thì lớn chuyện.
------------------------

Mời các bạn cứ tiếp tục thực tập bản vẽ theo lối chấm chấm để tránh những "điểm xấu" do việc không quen cầm bút để vẽ, hay "không biết vẽ".

Thực sự thì mức sắc nét nhiều ít cũng do điểm chấm to, nhỏ và chấm kỹ hay không mà thôi.
Khi đã chấm để hiện ra khá đủ chi tiết của cây, chúng ta có thể làm nhanh nhờ "cây viết chì" hỗ trợ việc tô bóng. Chuyện đó thì để sau cùng chúng ta có thể sẽ bàn, bởi, cũng không cần thiết
cho lắm.

Tiếp đây, mời các bạn chú mục vài hai điểm cuối của bộ rễ :
điểm phân rễ và điểm cuối rễ

 
Top