Tác dụng của trà Giảo Cổ Lam

Người Rừng

Thành viên tích cực
Chào các bác! Qua thông tin trên mạng Người Rừng được biết Giảo Cổ Lam có tác dụng chữa được nhiều bệnh đặc biệt là làm giảm mỡ máu, giảm cân cho những người béo, không biết những thông tin có đúng hay không xin được trích dẫn những thông tin về Chè Giảo Cổ Lam dưới đây. Kính mong được sự chỉ dẫn của các Bác:
" Cây giảo cổ lam còn có tên là "thất diệp đảm" (mật đắng 7 lá), "phúc âm thảo" (thứ cỏ mang lại may mắn), "ngũ diệp sâm" (sâm 5 lá), "tiểu khổ trà" (trà đắng nhỏ), "biến địa sinh căn" (rễ mọc lan ra khắp mặt đất),... Hiện tại ở một số nước, thường gọi là "Nam phương nhân sâm", "kháng nham tân tú" (thuốc chống ung thư ưu tú mới phát hiện). Tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum (Thunb) Makino, thuộc họ Bí (Curcurbitaceae).
Kết quả điều tra dược liệu cho biết, giảo cổ lam mọc ở độ cao từ 200-2000m, trong các rừng thưa và ẩm ở nước ta. Cây còn mọc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Ấn Độ, Nepan, ...
Đặc điểm thực vật: Giảo cổ lam là một loại dây leo, thân nhỏ, có tua cuốn đơn ở nách lá. Lá kép, hình chân vịt, có 5-7 lá chét với mép răng cưa, dài 3-9cm, rộng 1,5-3cm, cuống lá dài 3-4cm. Cây đực và cây cái riêng biệt. Cụm hoa hình chùy, mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, cánh hoa rời nhau xòe hình sao, cao 2,5cm, 5 nhị, bao phấn hình đĩa, bầu có 3 vòi nhụy. Quả hình cầu, đường kính 5-9mm, khi chín màu đen, có 2-3 hạt kích thước khoảng 4mm. Mùa hoa tháng 7-8, mùa quả tháng 9-10.
Giảo cổ lam được đề cập trong sách thuốc Đông y từ khoảng 6 thế kỷ trước, trong "Cứu hoang bản thảo".
Theo Đông y:
- Giảo cổ lam có vị ngọt đắng, tính hàn, vô độc; vào các kinh Tỳ, Phế, Tâm và Thận. Có tác dụng ích khí kiện tỳ (tăng cường tiêu hóa), thanh nhiệt giải độc, chỉ khái hóa đàm (chống ho tan đờm), dưỡng tâm an thần. Chủ trị bệnh hậu hư nhược (suy nhược sau khi mắc bệnh), khí hư âm thương (phần khí, phần âm bị thương tổn), phế nhiệt đàm khái (ho khạc ra đờm do phế nhiệt), khí suyễn, tâm quý thất nhãn (tim loạn nhịp, mất ngủ).
- Cách dùng, liều lượng: Mỗi ngày dùng 10-20g sắc uống hoặc hãm trà uống.
- Kiêng kỵ: Không dùng trong các chứng "hư hàn".
Khoảng 15 năm trở lại đây, tại Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác, bắt đầu tiến hành nhiều nghiên cứu mới, phát hiện thấy giảo cổ lam có rất nhiều tác dụng tốt, như bác đã viết ở trong thư. Hiện tại trên thị trường đã xuất hiện nhiều chế phẩm từ giảo cổ lam, một số đã có mặt cả ở nước ta.
"Có nên dùng giảo cổ lam pha trà uống hàng ngày hay không?": Theo chúng tôi nghĩ, bác có thể sử dụng thử, nếu thể tạng của bác không thuộc loại "hư hàn", nghĩa là không có những triệu chứng như: chân tay lạnh hoặc không ấm, ghét lạnh, chịu rét kém, mệt mỏi đuối sức, thở ngắn hơi, hay vã mồ hôi, miệng nhạt không khát, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, mạch trầm nhược"
.

Ở địa phương nơi Người Rừng đang công tác có bán loại cây Giảo Cổ Lam ( Loại 5 lá còn tươi, mới khai thác) Người Rừng cũng đã mua, phơi khô và pha thành trà uống hàng ngày, nước có vị ngọt, hơi đắng, mùi vị gần giống chè tam thất, từ khi uống thấy người khoan khoái dễ chịu nhưng chưa thực sự yên tâm về công dụng của loại chè này, Vậy kính mong được mọi người tư vấn giúp, xin chân thành cảm ơn!
 

Người Rừng

Thành viên tích cực
Có bác nào dùng loại trà này chưa ạ? Có rất nhiều thông tin rất hay nhưng không biết có nên tin tưởng không, mình bị mỡ máu tăng tuy chưa cao lắm nhưng không thể chủ quan được nên rất mong được mọi người tư vấn giúp.
"Phép mầu Giảo cổ lam
Kể từ khi xuất hiện trên thị trường Việt Nam, nhiều câu hỏi bán tín bán nghi đã được đặt ra: Giảo cổ lam có chữa được bách bệnh như quảng cáo trên hộp trà? Công dụng của nó sẽ được phát huy bao nhiêu lâu sau khi uống?...
Để trả lời các câu hỏi trên, Trí Tri đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ, nguyên trưởng bộ môn Dược liệu trường ĐH Dược Hà Nội, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về dược liệu Giảo cổ lam (GCL).

Giảo cổ lam Việt Nam - Cùng họ với Giảo cổ lam Trung Quốc, Nhật Bản

Thưa GS, nguồn gốc nghiên cứu GCL có phải xuất phát từ Trung Quốc và Nhật Bản?
Đúng như vậy. GCL là một dược liệu rất quý hiếm và mới chỉ phát hiện thấy tại Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan. Cây này được nghiên cứu đầu tiên tại Nhật Bản với tên gọi Phúc âm thảo còn ở Trung Quốc gọi tên là Jaogulan.
Trong một lần đi công tác ở Trung Quốc, chúng tôi tình cờ được biết đến sản phẩm của thảo dược quý này và ngay sau khi về VN, nhóm nghiên cứu đã quyết tâm đi tìm.
Vậy nơi đầu tiên GS phát hiện ra cây GCL?
Nơi đầu tiên mà chúng tôi tìm thấy cây GCL là trên rừng nguyên thủy núi Phanxipăng thuộc tỉnh Lào Cai, ở độ cao 2.000m.
Sau khi phát hiện ra GCL thì quá trình nghiên cứu dược liệu này diễn ra như thế nào, thưa GS?
Chúng tôi phải theo dõi để chờ cây ra hoa và đơm trái chứ không phải là xác định được ngay.
Chỉ khi cây có hoa, có quả thì mới xác định được tên khoa học của nó, lúc này thì mới có cơ sở để đối chiếu với các tài liệu của Trung Quốc xem nó có phù hợp hay không. Thời gian để làm được điều này mất cả năm trời.
Sau khi thực hiện được những bước trên thì mới bắt tay vào nghiên cứu sâu.
Việc đầu tiên trong quá trình nghiên cứu là xem cây GCL có thể sống được ở những vùng sinh thái nào để đi tìm tiếp. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây GCL thường xuất hiện ở những vùng có khí hậu mát.
Qua quá trình tìm kiếm, chúng tôi tiếp tục phát hiện ra ở Hoà Bình, Cao Bằng cũng tồn tại loại cây này.
Nghiên cứu tiếp theo là về thành phần hóa học của dược liệu. Việc nghiên cứu này nhằm mục đích đối chiếu với các thành phần hóa học của các nước công bố coi nó có tương ứng hay không.
Cuối cùng mới nghiên cứu độc tính cấp xem nó có độc hay không, nghiên cứu độc tính bán trường diễn coi có ảnh hưởng đến tính năng của máu, chức năng của gan hay không…




Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ
Thưa GS, vậy thành phần hóa học chủ yếu của cây GCL là gì?
GCL có hai thành phần chủ yếu là Saponin và Flavonoid. Saponin ở đây có cấu trúc triterpen kiểu dammaran, trong đó có nhiều loại giống với Nhân sâm và Tam thất. Flavonoid có tác dụng sinh học cao và chống lão hóa mạnh. Ngoài ra còn chứa nhiều acid amin tan trong nước, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng như Zn, Fe, Se.
Vậy cây GCL có thành phần gây độc?
Qua kết quả nghiên cứu thì xác định cây không có độc tính.
Tốt hơn Trung Quốc!
Những tác dụng đã được khẳng định của GCL là gì, thưa GS?
Kết quả nhiên cứu cho thấy, hiện nay thành phần GCL ở VN tốt hơn ở Trung Quốc vì chúng ta vẫn đang khai thác ở dạng tự nhiên.
Qua thực nghiệm thì có một số tác dụng của GCL thể hiện rất rõ đó là:
- Làm hạ mỡ máu, nhất là giảm cholesterol toàn phần, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, chống huyết khối và bình ổn huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, não. Chống lão hóa, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng lực mạnh, tăng khả năng làm việc.
- Tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của khối u.
- Tác dụng chống ôxy hóa, stress…
- Rất tốt cho tế bào gan, tăng cường chức năng giải độc gan; điều chỉnh rối loạn chuyển hóa mỡ nên làm giảm béo tốt, nhất là béo bụng, béo đùi.
Hiện nay GCL được chế biến như thế nào, thưa GS?
Sau khi nghiên cứu thấy công dụng tốt của GCL thì mới tính đến dạng bào chế. Dạng đầu tiên và dễ dàng nhất là dạng chè. Sau đó mới tính đến chuyện chế biến thành thuốc.

Hiện nay thì mới có dạng chè và dạng viên do cơ sở Tuệ Linh sản xuất. Còn dạng thuốc thì chúng tôi còn phải tiếp tục nghiên cứu sau đó sẽ xin phép Cục quản lý dược để đưa vào sản xuất. Dự kiến trong năm 2008 sẽ sản xuất GCL dạng thuốc.
Vậy GCL mà cơ sở Tuệ Linh sản xuất dưới dạng chè và dạng viên có có được gọi là “thuốc” không thưa GS?
Chúng ta cần phải quan niệm như thế này, chè GCL không phải là thuốc. Dạng viên hiện nay cũng có tác dụng như chè mà thôi, đây chỉ là cách chế biến để người dùng dễ sử dụng vì không phải ai cũng thích uống chè.
Công dụng của dạng này là khi uống vào sẽ có tác dụng hỗ trợ giúp cho ổn định trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc tây y, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch nâng cao sức khỏe.
Ví dụ như: Một người bị cao huyết áp, khi dùng thuốc tây sẽ giảm xuống thì chè GCL có tác dụng giúp cho ổn định còn thuốc huyết áp kia vẫn phải uống.

Giảo cổ lam - loài cây đỏng đảnh
Hiện nay rất nhiều người sử dụng chè GCL hàng ngày. Vậy nếu dùng liên tục thì có ảnh hưởng gì không thưa GS?
Như tôi nói ở trên là cây GCL không có thành phần độc tính nên dùng bao nhiêu cũng không sao.
Nó có thể dùng thường xuyên liên tục trong ngày. Nhưng khi sử dụng đến dạng viên hay dạng thuốc thì cần phải sử dụng theo chỉ định.
Ở đây người dùng cũng cần lưu ý một số điểm khi dùng dạng chè hay dạng viên của Giảo Cổ Lam:
- Nên uống GCL vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, không uống lúc tối hoặc trước khi đi ngủ vì sẽ làm tỉnh táo, khó ngủ giống như uống nhân sâm.
- Người hay bị đường huyết, huyết áp quá thấp phải uống lúc ăn no hoặc thêm một vài lát gừng tươi.
- GCL làm tăng chuyển hóa cơ thể, do vậy khi uống xong có cảm giác nóng người, có khả năng sẽ tăng huyết áp nhẹ, khát nước, khô miệng vì vậy cần phải uống thêm nước lọc để cơ thể điều chỉnh về trạng thái ổn định…
GCL rõ ràng là một loại “thần dược” nhưng lại không quá hiếm vì như GS có kể là nó xuất hiện ở nhiều vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Cao Bằng…Vậy, chúng ta đã có một nguồn nguyên liệu rất dồi dào?
Thực ra, tuy xuất hiện ở nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc nhưng GCL lại khó ươm trồng. Hiện tại thì chỉ có Hòa Bình mới đáp ứng được điều kiện phát triển của cây và cho kết quả thành phần hóa học tương đối ổn định. Chúng tôi đã mang cây GCL đem trồng thử nghiệm ở một số tỉnh có khí hậu mát ở khu vực miền Bắc để duy trì nguồn thảo dược này nhưng thấy cây phát triển chậm, bên cạnh đó thành phần hóa học lại không ổn định.
Xin hỏi GS một câu hơi riêng tư một chút, điều GS trăn trở nhất trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình là gì?
(Cười). Đối với tôi thì có nhiều điều để trăn trở nhưng có lẽ điều tôi quan tâm nhất hiện nay là cần phải sớm phát hiện và duy trì sự tồn tại của các nguồn dược liệu quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam.
Tôi có đi công tác một số nơi ở vùng biên giới thường và hay quan tâm đến những cây mà người dân địa phương bán cho Trung Quốc. Trung Quốc đã thu mua thì chắc chắn họ đang làm một cái gì đó. Do vậy tôi thường hỏi và xin mẫu đem về nghiên cứu để từ đó chế biến phục vụ cho nhân dân mình. Nếu không phát hiện sớm thì chắc chắn người dân sẽ khai thác, bán hết và chúng ta đã vô tình đánh mất nguồn dược liệu quý.
Một điều tôi cũng băn khoăn, là hiện nay người dân chưa có ý thức bảo vệ các loại cây thuốc. Họ chỉ biết tìm kiếm rồi đem bán để lấy tiền chứ không nghĩ đến chuyện duy trì sự tồn tại của nguồn thảo dược.
Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!"
 

namcodon

Thành viên mới
ai xác nhận giúp cây này có phải giảo cổ lam không, nghe nói cây giảo cổ lam ngọn có vị đắng sao tôi nếm thử chỉ thấy ngọt và hơi nhớt nhớt
 
Top