Kỹ thuật nhân giống cho lan Cymbidium

thuongchi

Thành Viên Danh Dự
Kỹ thuật nhân giống cho lan Cymbidium

Trong tự nhiên, lan Cymbidium có 2 phương thức sinh sản cùng tồn tại song song: vô tính và hữu tính. Nếu gặp những điều kiện không thích hợp để tạo hoa, quả, hạt, cây sẽ xúc tiến mạnh việc nhảy chồi con từ các giả hành, gọi là sinh sản vô tính hay sinh sản sinh dưỡng. Ngược lại, khi một vài điều kiện dinh dưỡng bị hạn chế, cây thích ứng dễ dàng để ra hoa, tạo quả và hạt, gọi là sinh sản hữu tính.

Điều kiện ra hoa của từng giống, loài Cymbidium không giống nhau. Sau khi hoa nở, việc thụ phấn mới có thể xảy ra: hoặc thụ phấn tự nhiên nhờ loài ong nào đó có kích thước phù hợp với hoa, hoặc nhân tạo nhờ bàn tay con người.

NHÂN GIỐNG HỮU TÍNH​

Có những cách thụ phấn chính như sau:

a) Tự thụ phấn: Là cách thụ phấn cho một hoa bằng hạt phấn của chính nó, hay của một hoa khác trên cùng một cành, một cây, hoặc trong cùng một dòng đã được nhân giống vô tính.

Người ta mở rộng khái niệm tự thụ phấn giữa các cá thể của cùng một loài tự nhiên sang cả việc tự thụ phấn của các giống đã được lai tạo.Trong trường hợp đầu, con cái phép tự thụ phấn ấy thường ít khác biệt nhau. Còn trường hợp sau không ai có thể dự đoán nổi mức độ sai khác của chúng. Để phân biệt trường hợp này, người ta gọi là sự tự thụ phấn ở cây lai.

b) Giao phấn: Như đã nói, giao phấn trong tự nhiên là hiện tượng thông thường, gần như bắt buộc đối với hầu hết các loài lan. Đó là nguyên nhân vì sao họ lan có số lượng chủng loại rất phong phú. Đó cũng là phương thức tồn tại, phát triển và tiến hoá ưu thế hơn cả của họ thực vật này trong hướng thụ phấn nhờ côn trùng.

Giao phấn là việc thụ phấn cho một hoa bằng hạt phấn của một dòng vô tính khác có những khác biệt rõ nét so với dòng được thụ phấn. Xa hơn nữa, là bằng hạt phấn của một loài khác trong cùng một chi; và đặc biệt là của một chi khác trong họ lan.

Giao phấn khác loài của Cymbidium rất phổ biến, còn giao phấn khác chi Cymbidium đã được giới thiệu như: Cymbidium x Phajus, Cymbidium x Spathoglotis...

Giao phấn thể hiện rõ sức lai, vì vậy con lai luôn luôn dễ thích nghi với điều kiện sống, phát triển mạnh hơn cây bố mẹ, mức độ dị biệt giữa các con lai rất lớn và số lượng cá thể khá cao.

Việc tự thụ phấn hay giao phấn đều tạo ra những giống mới, qua chọn lọc, có những đặc tính hơn hẳn cây bố mẹ. Tuy vậy khi lai tạo giống Cymbidium, người ta chỉ mới nắm được một số quy tắc sau:

- Lai giữa nhóm phụ sinh với nhóm địa sinh rất khó thành công.

- Có thể xuất hiện dạng đa bội do lai, tức là con lai khác hẳn bố mẹ về số lượng lẫn chất lượng di truyền.

- Phần lớn con lai di truyền kiểu cấu tạo hoa theo dòng mẹ và màu sắc theo dòng bố.

- Lai trở lại con lai với cây mẹ sẽ củng cố đặc tính dòng ngày càng rõ nét hơn.

Tất nhiên, không có mấy phép lai trùng hợp nhau về kết quả bởi vì không nơi nào có đủ điều kiện để gieo cấy và nuôi trồng tất cả hàng trăm ngàn hạt của chỉ một quả lai, chưa nói đến việc chọn bố mẹ có đặc điểm kinh tế nào để làm vật liệu lai ban đầu. Cho nên, việc tạo giống mới là việc đáng làm trong các vườn lan Đà Lạt.

Công việc tạo giống hữu tính có thể tóm lược ở các bước sau:

a) Chọn cây bố mẹ khỏe mạnh, phát hoa to, hoa nhiều, nhất là không bị bệnh virus, đưa vào nơi mát thường xuyên, ánh sáng trực tiếp dưới 50% và không quá ẩm.

b) Cắt bỏ nụ hoa thứ 1 và các nụ hoa từ vị trí thứ 4 trở đi (chỉ giữ lại hoa thứ 2 và 3 kể từ gốc lên). Bôi thuốc chống nấm vào vết cắt.

c) Hạt phấn có thể lấy từ hoa tươi hay đã lấy trước đó vài tháng và bảo quản trong tủ lạnh.

d) Khi hoa của cây mẹ bắt đầu nở từ 1 đến 2 ngày đặt hạt phấn vào nuốm nhụy.

e) Nên gỡ bỏ hạt phấn của hoa đã được thụ phấn.

f) Treo bảng ghi tên cây mẹ, cây bố và ngày lai.


Dùng một que nhỏ mở bao phấn, lấy ra 2 khối phấn.​


Đặt 2 khối phấn vào nuốm nhụy cái (ở phía sau bao phấn)​


Sau khi thụ phấn 1 đến 2 ngày, cánh môi đổi màu, lá đài và cánh hoa héo rũ, trục hợp nhụy phình to, hoa sẽ vặn trở lại vị trí trước khi nở.​


Bầu noãn phình to tạo thành quả. Quả sẽ chín sau 10 đến 12 tháng.​


Khi chín, quả nang mở theo 3 đường dọc, tung vào không khí hàng trăm ngàn hạt nhỏ như bụi phấn.​

Trường hợp bất thụ cũng có thể xảy ra khi lai khác chi, khác loài, hoặc cây bố mẹ khác nhau về số lượng nhiễm sắc thể. Một phép lai bất thụ sẽ có những biểu hiện sau:

- Sau khi lai, cánh môi không đổi màu, hoa không tàn.

- Hoa tàn, bầu noãn phình ra nhưng sau đó tàn và rụng.

- Bầu noãn lớn và chín bình thường nhưng không có hạt.

- Có hạt nhưng đều là hạt lép

Khi quả to tròn, bắt đầu đổi màu xanh sang vàng nhạt thì thu hoạch, trước khi quả tự mở.

Quả thu hoạch được mở lấy hạt và gieo trong điều kiện vô trùng, trên môi trường dinh dưỡng để cho hạt nảy mầm và phát triển thành cây. Nuôi trồng và chăm sóc như cây cấy mô.

Việc chọn giống Cymbidium theo ý đồ của người lai tạo có thể dừng lại ngay sau khi cây ra hoa. Nhưng phải qua 2 đến 3 vụ hoa nữa mới đánh giá hết tiềm năng của giống mới. Từ đó hoàn chỉnh kỹ thuật nuôi trồng và tiến hành nhân giống vô tính...

NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH​

Nhờ đặc điểm dễ dàng nhân giống vô tính nên lan Cymbidium đã từng là đối tượng kinh điển trong việc nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để nhân nhanh một giống mới. Nhờ ưu điểm này nên việc nhân một giống lan sẽ không phụ thuộc vào phương pháp nào đã tạo ra nó. Đối với Cymbidium, nhân giống vô tính đóng một vai trò quan trọng để có một lượng sản phẩm lớn, đồng đều về giá trị kinh tế.

Có 3 cách để nhân giống vô tính hiện nay đang được áp dụng rộng rãi:

a) Nhân giống bằng các giả hành già và tách bụi (đơn vị)

b) Nhân cấy đỉnh sinh trưởng:

Các chồi non có một khối tế bào sinh trưởng ở chóp và ở các chồi nhánh. Chúng phân chia rất mạnh và dần dần biệt hóa thành rễ, thân, lá. Người ta lợi dụng cách sinh sản này nuôi cấy đỉnh sinh trưởng trong môi trường vô trùng thích hợp để nhân nhanh hàng loạt một giống nào đó.

Có thể tạo ra cây con từ đỉnh sinh trưởng ngay tức khắc, hoặc kéo dài giai đoạn cắt nhân các thể chồi (Protocorm) một cách liên tục để có được một số lượng lớn và đồng đều. Khi muốn tạo thành cây, người ta ngưng cắt các Protocorm, cây hoàn chỉnh sẽ được hình thành.


Những chồi trên giả hành có thể cắt để nhân cấy đỉnh sinh trưởng.​


Các thể chồi nuôi trong lọ vô trùng trên môi trường dinh dưỡng​


Các thể chồi bắt đầu hình thành lá và rễ.​


Các thể chồi đã có đầy đủ rễ và lá, được nuôi trên môi trường thạch.​


Cây con chuẩn bị xuất trồng ra khay mạ.​

c) Nhân cấy hạt lai:

Khi đã dự đoán kết quả của một phép lai, người ta mạnh dạn nhân giống hỗn hợp giữa vô tính và hữu tính để rút ngắn thời gian và tạo một số cây giống lớn.

d) Tạo giống vô tính:

Việc tạo giống vô tính theo các phương pháp lai tế bào đã được tiến hành ở một số phòng thí nghiệm, còn gọi là phương pháp dung hợp tế bào trần.

Một hướng khác là gây đột biến trong ống nghiệm bằng các tác nhân vật lý và hóa học. Đây cũng là một hướng tạo giống hiện đại và tốn kém.

Đơn giản hơn, người ta có thể tạo ra những giống mới nhờ việc nhân cấy đỉnh sinh trưởng và tạo ra những điều kiện để gây ra những thay đổi đặc điểm di truyền của các tế bào cơ thể bình thường (đột biến sama) như các dạng đột biến sinh lý, đa bội.

Trong việc nhân giống vô tính, nhược điểm lớn nhất là cây mẹ có thể bị nhiễm các dạng bệnh virus. Nếu không được tuyển chọn và kiểm tra kỹ lưỡng sẽ cho ra đời hàng loạt cây con có chứa mầm bệnh.

Nguồn:http://www.dalat.gov.vn
 
Top