BỆNH THÁN THƯ HẠI CÂY XƯƠNG RỒNG KIỂNG

[c]ama[u]teur

Thành viên tích cực
<span style='font-size:13pt;line-height:100%'><span style='color:blue'>BỆNH THÁN THƯ HẠI CÂY XƯƠNG RỒNG KIỂNG</span></span>

Câu hỏi:
Trên cây xương rồng kiểng của nhà tôi (nhất là những cây có hình dáng tròn) thường có một chứng bệnh như sau: ban đầu trên thân của chúng xuất hiện những vết bệnh hơi mọng nước, mầu nâu nhạt. Sau một thời gian chỗ bị bệnh lõm dần xuống, khi gặp điều kiện ẩm ướt chỗ bị bệnh xuất hiện nhiều chấm nâu đen nhỏ lồi lên. Nếu nặng có thể làm cho cây bị chết khô. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Cách phòng ngừa và chữa trị bệnh này?


Trả lời:
Qua mô tả của bác, kết hợp với tình hình thực tế ở một số vườn chuyên canh cây xương rồng kiểng ở Phường Hiệp Bình Chánh (Q. Thủ Đức) mà chúng tôi đã có dịp quan sát vào cuối năm 2003. Chúng tôi cho rằng cây xương rồng của bác có thể đã bị bệnh Thán thư do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Ngòai cây xương rồng kiểng như bác đã thấy, bệnh còn gây hại cho rất nhiều lọai cây trồng khác từ cây rau mầu, cây hoa kiểng cho đến cây ăn trái và cả cây công nhiệp.
Trên cây xương rồng ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm nhỏ chứa nhiều nước, có mầu nâu nhạt sau đó lan rộng dần ra và lõm xuống, nếu gặp điều kiện ẩm ướt hoặc do tưới nhiều, nhất là lại tưới nhiều vào buổi tối (sẽ tạo ẩm độ không khí cao vào ban đêm), thì trên vết bệnh sẽ xuất hiện những chấm nổi lên mầu nâu đen (là những đĩa cành của nấm gây bệnh). Nếu không phát hiện và can thiệp những biện pháp chữa trị kịp thời, vết bệnh sẽ lan rông và có thể làm cho cây bị chết khô.
Bệnh gây hại khá phổ biến ở những vườn xương rồng kiểng, nhất là vào mùa mưa hoặc vào những thời điểm có nhiều sương đêm, những vườn tưới nhiều lại hay có tập qúan tưới vào buổi chiều tối đã tạo ẩm ướt nhiều vào ban đêm...
Nguồn bệnh tồn tại chủ yếu ở tàn dư của cây bị bệnh, và cả trong đất, nhưng không lâu. Bào tử phân sinh truyền lan chủ yếu nhờ nước và nhờ gió. Khi gặp cây ký chủ chúng nẩy mầm xâm nhập vào ký chủ qua vết thương cơ giới hoặc trực tiếp qua biểu bì.
Để hạn chế tác hại của bệnh bác có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:
-Không nhân giống từ những cây đã bị bệnh.
-Trước khi đưa đất vào chậu để trồng, cần sử lý đất (hỗn hợp đất, phân, tro trấu... bằng dung dịch Formol pha với nước theo tỷ lệ cứ 5 phần Formol 40% pha với 100 phần nước, phun tưới lên đống đất rồi trộn đều cho đất hơi âm ẩm, sau đó dùng bạt nilon phủ kín trong 2-3 ngày rồi mở ra khoảng một ngày cho bay hết mùi Formol sau đó mới cho vào chậu trồng. Nhớ không nên lấy đất ở những vườn đã từng bị bệnh này này để đưa vào chậu trồng. Chậu trồng cũng nên xử lý bằng cách xịt dung dịch Formol rồi phủ kín bằng bạt nilon vài ba ngày.
-Không nên tưới nước qúa nhiều, nhất là vào buổi chiều tối. Trong mùa mưa nên có mái che bằng Nilon trắng vừa hạn chế nước mưa một cách chủ động, mà vẫn đảm bảo có đủ ánh sáng cho cây.
-Kiểm tra vườn thường xuyên, nếu phát hiện cây chớm có bệnh thì hạn chế tưới nước và dùng một trong vài lọai thuốc như: Candazole 50WP; Bavistin 50SC; Topsin M 70WP; Vithi-M 70BTN... xịt định kỳ khỏang 7-10 ngày một lần. Về liều lượng và cách sử dụng bác có thể đọc hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên nhãn thuốc./.
 
Top