Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

midavina

Thành viên tích cực
Cơ nghiệp lớn nhất của người nông dân là con trâu. Thế mà ông đem bán cả "cơ nghiệp" ngày ngày lầm lũi đi trước mình trên những thửa ruộng cộc cằn, chỉ để mua một cây cảnh. Nhưng, niềm đam mê và khát khao thoát nghèo lại mang đến cho ông một cơ nghiệp khác, trị giá 10 tỷ đồng.

Đến xã Đồng Trúc (Thạch Thất - Hà Tây) tìm nhà ông Nguyễn Văn Ngọ rất dễ.

Thứ nhất, người dân đã quá quen cảnh khách xa hỏi đường vào nhà người đàn ông tuổi Ngọ (1954), tên Ngọ và "đi như ngựa" suốt ngày. Thứ hai, ở cái xã nghèo suốt ngày gồng mình với miếng cơm manh áo này, nhà ông nổi nhất với những cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng.
ại nhà ông, chúng tôi gặp một trong những "đại gia" trong nghề buôn cây cảnh đất Bắc lên chơi. "Đại gia" này thừa nhận, tốc độ phát triển trong nghề cây của ông Ngọ có nhiều bất ngờ, đến chóng mặt.

Và bất cứ ai đến thăm vườn cây của ông, cũng thú vị khi biết ông chỉ bắt đầu từ con trâu...

Bán trộm trâu và lời khuyên "đã nghèo, đừng liều"!

Quê ông Ngọ nghèo. Vùng đất bán sơn địa nông nghiệp thuần tuý chỉ suốt ngày chăm chú với củ sắn, củ khoai.

Như bao trai làng, đến tuổi nhập ngũ ông đi bộ đội. 11 năm lái xe Trường Sơn, ông vượt qua mưa bom bão đạn chuyển hàng vào những trọng điểm. Từ chiến trường B1, B2, Tây Ninh đến nước bạn Lào, Campuchia. Chỗ nào cũng có bánh xe ông.

Hòa bình, ông chuyển ngành sang lái xe cho Lâm sản Đông Bắc của Bộ Nông nghiệp và sau xin chuyển về quê lái xe cho huyện, để được gần vợ gần con. Năm 1992, sau 20 năm công tác, ông nhận 2 triệu đồng theo chế độ "mộc cục" (chế độ 176). Rời vô lăng hôm trước, hôm sau ông cầm lại cái cày, lao ra đồng ruộng.
Một năm trời làm bạn với nắng mưa, cả gia đình chỉ được có vài tạ thóc. Ông quyết định bươn chải. Ông ngụp lặn, cày xéo trong khu đất hoang của gia đình. Còn nhớ mãi chuyện ông đến ngân hàng vay một triệu đồng làm vốn. Một triệu thời những năm 90 to lắm, nhất là đối với đất nghèo này. Ngân hàng không cho vay. Họ về kiểm tra, thấy mô hình của ông không khả thi.

Thiếu vốn là vấn đề nan giải nhất. Ông lại đi vay bạn bè, mỗi người một ít cũng được vài trăm nghìn. Khu vườn trồng cây ăn quả hiện lên. Nào nhãn, nào vải, đu đủ, hồng xiêm... dần dà đơm hoa, kết trái khi được ông "tưới" mồ hôi lên. Tiếp tục đào ao, thả cá theo đúng mô hình VAC. Ông thực hiện quan điểm lấy ngắn, nuôi dài.

Năm 1992, một lần đi bán cá trê giống về, ông vô tình nhìn thấy một nhà bên đường ở huyện Quốc Oai có một cây lộc vừng đẹp. Vứt xe đạp vệ đường, ông vào xem và mê luôn. Cây lộc vừng đẹp lắm. Ông gạ mua. Họ ra giá 1,5 triệu.

Trong túi áo bộ đội bạc màu chỉ có 200 nghìn tiền tanh mùi cá. Nhưng niềm đam mê trỗi dậy, lấn át cả lý trí đang ngầm mách bảo ông: ông chỉ là người nông dân, bán cá! Ông đồng ý mua và đặt tất cả số tiền lại.

Ông còn dặn lại: "Nếu 2 ngày sau tôi không quay lại lấy, cứ bán đi! Vì có nghĩa là tôi không mượn được tiền, chấp nhận mất 200 nghìn". 200 nghìn khi đó không nhỏ với ông và gia đình.

Ông đạp xe về làng, rủ thêm vài người. Ai cũng bảo, bán cây lộc vừng 150 nghìn còn khó, cây 1,5 triệu thì ai mua? Họ vừa khuyên vừa ngăn: "Đã nghèo, đừng có liều!". Họ không làm cũng không cho vay tiền.

Điều này ông nghĩ thật đơn giản. Dân nông thôn ít tiền, khi người ta chưa “nhìn” ra thì chưa thể tin mà cho vay. Họ nghĩ, ở một nơi thuần nông, nghèo đói này mà làm cây cảnh thì viển vông quá. Có những người có tiền cũng không cho mượn.

Ông tiếc! Không phải vì mất 200 nghìn. Tiếc vì niềm đam mê cây cảnh không thực hiện được. Ngày hôm sau, ông vừa đi cày về, buộc con trâu ở gốc cây ven đường làng và gảy rơm cho vợ con thì một tay lái trâu đi qua. Nhìn thấy con trâu béo tốt, gã gạ ông bán. Chỉ là buột mồm gạ cho vui.

Nghe gã lái trâu gạ, tự nhiên trong đầu ông đã "nhìn" thấy cây lộc vừng. Ông đồng ý bán. Lái trâu hỏi bao nhiêu tiền, ông nói luôn là 1,5 triệu. Gã lái trâu đòi bớt 100 nghìn, ông lại đồng ý.
Giữa trưa hè chói chang, ông Ngọ ngồi trên đống rơm rạ, ngửa luôn chiếc nón mê dính bùn và đếm tiền. Ông đã đủ tiền mua cây. Lái trâu trả tiền rồi đi, nhờ ông chốc nữa cho người dắt sang bên kia đường cái hộ.

Về nhà, ông bình thản nói với vợ con: “Bố bán trâu rồi, chốc hai mẹ con dắt sang bên kia đường cho họ nhé!”. Khi biết lý do ông bán trâu, vợ ông khóc rống lên: “Bố mày bán cả cơ nghiệp rồi!”. Đứa con lớn nấc từng tiếng một. Họ tiếc cũng đúng. 1,5 triệu thời ấy, giá trị bằng cả tấn thóc. Gia đình ông làm cả năm cũng chỉ được vài tạ.

Nhìn vợ con ông cũng xót. Nhưng trâu bán rồi, tiền đã đút túi. Tiền có thể trả lại được nhưng danh dự không trả lại được, đã nói bán cho người ta rồi. Ông bảo, cái tuổi Ngọ trọng danh dự lắm.

Khuyên không được, vợ ông chạy đi gọi các ông bác, ông chú trong họ hàng đến. Như một chuyện động trời khi đó. Cả họ gàn và mắng ông không ra gì. Nhưng ông vẫn quyết bán.

"Tôi không quên được hình ảnh đứa con gái đầu vừa dắt trâu đi, vừa khóc nức nở… Khổ lắm! Nhưng tôi thích cây đó quá, không biết làm thế nào..." - Đến bây giờ, ngồi giữa đống tài sản khổng lồ, ông nhớ lại chuyện con trâu.

"Lộc của anh cũng như lộc của tôi!"

Hôm sau, ông thuê chiếc công nông đi chở cây về. Những người không cho ông vay tiền lại tình nguyện đi cùng, để xem cây đó như thế nào "lão gàn" này mê thế. Khi nhìn thấy cây lộc vừng, họ không dám khuyên thêm điều gì nữa.

8 người vần mãi cùng cho được cây lộc vừng lên xe. Còn 100 nghìn tiền bán trâu, ông làm mâm cơm cám ơn những người đã giúp mình chở cây. Đang ngồi ăn cơm, lúc đó mới đưa cây về khoảng 2 tiếng đồng hồ, thì có mấy người chuyên đi săn cây nghe chuyện và tìm đến. Họ nhìn thấy cây là hỏi mua luôn. Một người trong đám săn cây trả 2,8 triệu.
Lúc đó, chính những người đã gàn không cho ông mua cây và vay tiền lại... gàn không cho ông bán với giá ấy. Ngay chiều hôm đó, có một người làm nghề cây cảnh quen ông, có vẻ “nhìn” thấy được giá trị của cây lộc vừng trả luôn... 4,8 triệu. Nhưng người này giúp gia đình ông là chính. Trả giá nhưng không mua cây.

Ông ấy bảo: "Cứ để đó, ai mua cao hơn thì bán. Cầm tiền của tôi, đi mua con trâu khác về...!"

Ông Ngọ không thể quên được chi tiết, khi chuyển bị mang cây về nhà, có một ông cụ trong làng đó mới hỏi: "Ai mua cây này đấy các bác?" - Ông bảo: "Con mua đấy cụ ạ!". Ông cụ chỉ nói: "Thôi thế là mừng cho bác!". Hóa ra, cây lộc vừng này cả xã nâng niu. Không một cuộc hôn nhân nào ở đây không đến chụp ảnh lưu niệm may mắn với cây lộc vừng.

Một năm qua tay ông chăm bẵm, cây lộc vừng ngày càng đẹp. Ngày càng nhiều người hỏi mua. Rồi có một ông Giám đốc về mua trang trại trên đường Láng - Hòa Lạc cũ mua cây lộc vừng với giá 7 triệu. Ông Ngọ chính thức bước chân vào nghề cây cảnh.

Chả hiểu do duyên may với cây lộc vừng hay sao mà "nó" lại trở về với ông. Cách đây 2 năm, ông chủ trang trại kia quy hoạch khu đất, gọi ông đến và bán lại cây lộc vừng. Ông mua lại cây lộc vừng với giá 30 triệu.

"Khi anh ấy bán cho tôi, anh ấy không tin rằng tôi bán đi 7 triệu và mua lại 30 triệu. Hôm bán, anh ấy còn cho người quay camera và chứng kiến, ghi lại chuyện này..." - Ông vui.

Cẩu cây lộc vừng về nhà được non tháng thì có người trả 80 triệu. Ông bảo: "Cây này vô giá lắm! Nó là đánh dấu một bước quan trọng trong cuộc đời tôi! Tôi không bán được!".

Ông giữ như thế, nhưng ông bán nó đi cũng thật nhẹ nhàng. Có một chủ xưởng mộc ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) sang chơi và thích cây nên năn nỉ: "Thôi, lộc của anh cũng như lộc của tôi. Anh để lại cho tôi rồi mua cây lộc khác!". Nghe họ nói thiết tha như vậy, ông bán với giá 100 triệu.

*

Bài: Thế Lê Vinh
Kỳ 2: Với ông Nguyễn Văn Ngọ, không chỉ là chuyện bán trộm trâu và đắm đuối với cây lộc vừng đầu tiên. Ông nông dân này còn trở thành "hiện tượng" ở Hà Tây khi "đổi" con trâu đổi lấy khối tài sản 10 tỷ!
 

nofirelove_8x

Thành viên mới
CÓ chí làm quan có gan làm liều Điều này tui hoàn toàn hưởng ưng với bác Ngọ một người cùng ý nghĩ như tui Có lẽ tui fải học tập và làm liều hơn nữa Ko có gan làm liều thì ko giàu được
 

Gì Nhỉ

Thành viên
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

Một câu chuyện thật hay!
Niềm đam mê + lòng quyết tâm đã đưa bác Ngọ đổi đời và trở thành 1 hiện tượng.
Khâm phục, khâm phụ!
 

Danca

Thành viên
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

Đọc bài viết này khá lâu rồi nhưng không có dịp nói đúng là khâm phục người dân nước mình cả người mua lẫn người bán .Hiện nay chưa thấy ai liều như vậy nữa có chắc là hết Rừng luôn !
 

dunghb

Thành viên mới
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

Dám nghĩ, dám làm==> hảo hảo
 

ducdathp

Thành viên mới
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

tam phuc khau phuc
 

sonlamtn

Thành viên
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

Phải in bài này cho vợ đọc mới được đây. cảm ơn bạn
 

mhungbonsai

Thành viên
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

nghe như cổ tích vậy
 

Đỗ Mến

Thành viên
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

Mình cùng làng với bác Ngọ nên biết rất rõ, bài báo tuy viết có phần hoa văn nhưng đúng như vậy đó. Quê mình thời bác Ngọ mới làm cây còn nghèo, cũng có vài người làm cây trước nhưng chỉ là đi đào cây từ thiên nhiên về cắt tỉa qua loa rồi đem bán lấy công, chỉ có bác ấy là làm liều nhất, dám đi vay mượn tiền để đầu tư vào mua cây và làm cây. Hồi những năm 2000 bác ấy đã là điển hình nông dân của tỉnh Hà Tây về mạnh dạn chuyển đổi cách làm kinh tế. Đến bây giờ để nói về tài nghệ làm cây nghệ thuật thì bác ấy không phải là nghệ nhân nhưng để nói về ý chí và nỗ lực làm giàu thì bác ấy lại là tấm gương sáng
 

cuong_gialai

Thành viên
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

có hình cây lộc vừng ko bác! muốn chiêm ngưỡng quá
:)
 

thànhlong2

Thành viên Mua Bán
Trả lời: Ông nông dân "đổi" trâu lấy 10 tỷ đồng(Theo VietNamnet)

đó là đam mê.........
 
Top