Ông Đàm khiếm thị vươn lên làm giàu từ cây cảnh

namhai29688

Thành viên mới
Chơi cây cảnh là nghề lắm công phu. Người bình thường còn khó, còn người khiếm thị, chơi cây cảnh là chuyện xưa nay hiếm. Thế mà có thật, ông tạo ra những thế cây, hòn non bộ độc đáo chẳng khác gì nghệ nhân khác. Ông là Trần Văn Đàm ở 91/5 kiệt 20 đường Lê Đình Chinh, TP Huế.




Đi hát rong kiếm tiền sinh sống...

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, quanh năm đối mặt với cái nghèo, ông đã thầm tự nhủ, mình sẽ phải làm cái gì đấy để thay đổi cuộc đời. Năm 1981, lúc ông đang ở trong lứa tuổi 24 hừng hực khao khát làm giàu, cùng nhiều thanh niên khác trong làng đi khai hoang vùng kinh tế mới. Nhưng tại nạn đã ập xuống, một quả bom còn sót lại của chiến tranh trên vùng đất hoang ngày ấy đã biến ông trở thành người tàn tật.

Tai nạn năm đó đã vĩnh viễn cướp đi của ông đôi mắt, bàn tay trái và bàn tay phải chỉ còn 3 ngón. Đối với một thanh niên đang trong lứa tuổi tràn đầy sức sống, ước mơ và hoài bão mà phải mất đi đôi mắt thì không có nỗi đau nào bằng. Nhưng ông Đàm đã vượt qua mặc cảm của bản thân, đã đứng dậy trên đôi chân của mình. Không muốn mình là gánh nặng của gia đình, ông quyết định lên Huế kiếm sống bằng nghề hát rong. Chính tiếng hát ẩn chứa nhiều nỗi niềm của đã lay động lòng người, và ông có thể sống qua ngày bằng việc đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho mọi người. Và cũng trong quãng thời gian này, ông gặp được người phụ nữ của đời mình - một người vợ hiền thảo, chịu thương chịu khó, sẵn sàng cùng ông vượt qua những khó khăn gian khổ trong cuộc sống.

Lập gia đình rồi, ông Đàm nhận thấy rằng nghề hát rong không thể đem lại cho gia đình nhỏ bé của mình một cuộc sống ổn định và hạnh phúc. Và trong đầu ông lại dậy lên khao khát làm giàu ngày nào...

"Có công mài sắt...”

Làm gì để ít vốn, nhưng vẫn có thể thu lời, lại có thể tận dụng khả năng của riêng mình, suy nghĩ đó mãi thôi thúc ông Đàm. Ông nhớ những ngày xưa, thường được xem nhiều nghệ nhân trong làng uốn cây cảnh, làm hòn non bộ, ông đã từng một thời rất mê mẩn nghề này. Và ông quyết định, sẽ thử sức trong lĩnh vực cây cảnh. Quyết định đó làm cho người thân và những người quen biết ông bị sốc. Người thương ông thì ái ngại cho ông, người ghét thì bảo... khùng. Chơi cây cảnh đòi hỏi người chơi phải có một mắt nhìn nghệ thuật khác người, thì mới có thể tạo ra những thế cây độc, bắt mắt. Nhưng với một người lắm tật nguyền như ông, thì chuyện chơi cây cảnh là... không tưởng.

Nghĩ là làm cho bằng được, ông bỏ ngoài tai những lời can ngăn, khuyên bảo và cả những lời dị nghị chê bai. Những ngày đầu, ông lấy xà beng đi đào gốc mưng cổ thụ về trồng. Ông hý hoáy đào, dò dẫm từng bước, sờ gốc cây nào có cảm giác to sần sùi là đào cật lực bằng bàn tay chỉ còn ba ngón. Những ngón tay còn sót lại của ông có những lúc tứa máu vì bị gốc cây đâm. Không những vậy, ông sai bét vì đem về nhà toàn gốc cây tạp. Ai cũng cười. Ông tự ái, bắt vợ đi hái lá mưng về cho ông phân biệt. Rồi ông cũng phân biệt được các loại lá khác nhau.

Không những thế ông còn tự đúc chậu để phục vụ cho mình. Lúc đầu cũng hỏng, nhưng không đáng bao nhiêu. Ông lân la khắp hang cùng ngõ hẻm để học hỏi kinh nghiệm. Có sách hướng dẫn trồng cây cảnh ông nhờ người đọc cho nghe để học tập “Tui quyết chí mần giàu cho con cái bằng cách khác người ta. Người lành chơi cây cảnh là đương nhiên. Tui mù chơi cây cảnh thì gặp nhiều cái khó, nhưng khó mấy tui làm cũng được. Họ trồng mỗi cây một tiếng, tui trồng một buổi cũng không chi!”.

Kiên trì mãi rồi ông cũng làm được, rồi ông mạnh dạn vay vốn ở hội người mù để kinh doanh. Từ tay trắng, bây giờ vườn cây của ông gồm mai, sung, mưng, bonsai... có giá trị những mấy trăm triệu. Bây giờ ông rất có tiếng tăm trong giới chơi cây cảnh ở Huế.

Chuyện ông Đàm chơi cây cảnh theo lời nhiều người là “đã làm cho người sáng mắt sáng mắt ra”... Nhiều người đến mua cây cảnh rất tin tưởng vào sự chu đáo của ông. Nhiều chủ vườn thuê ông chăm chút vườn kiểng nhà họ. Nhiều người nhờ ông chăm sóc đã 10 năm nhưng không một lời phàn nàn. Giới chơi cây cảnh Cố Đô mỗi khi nghe nhắc đến Đàm mù, ai cũng khâm phục, xem ông như một hiện tượng. Âu cũng là thành quả xứng đáng dành cho ông già khiếm thị mê cây cảnh!
 
H

HoaSuNganNam

Guest
_<< có công mài sắc có ngày nên kim >>... thật là đáng để tuổi trẻ chúng em học hỏi .
 
Thật xấu hổ, mình sáng mắt mà nhiều khi mua cây như mù. Giá như có cơ hội gặp mặt và trò chuyện với ông Đàm. Thật khâm phục ý chí và nghị lực của ông.
 

Vu1991

Thành viên
Bái phục. Ý chí và nghị lực phi thường!
Câu chuyện quá khó tin nhưng có thực.
 

123zo

Thành viên
Có thể có người thật việc thật! Ông Đàm thật đáng khâm phục về nghị lực! nhưng bài viết sẽ đáng tin cậy và có sức thuyết phục hơn nếu có hình vài tác phẩm minh hoạ!
 

huynq.gl

Thành viên
Đúng là đáng khâm phục nhân vật trong câu truyện, tuy nhiên nếu như có hình ảnh nhân vật và tác phẩm minh họa thì thật tuyệ vời. Nhưng bác Đàm trong câu truyện chỉ có thể đi đào cây cổ thủ ngày trước còn sót lại gần nhà thôi, chư bây giờ thì phải vài người lành đi tận rừng sau cũng khó kiếm được một gốc lộc vừng ra hồn!
 
Top